Viêm gan siêu vi C

Viêm gan siêu vi C, đừng hốt hoảng

Nhiều người khi cầm kết quả xét nghiệm dương tính với bệnh viêm gan siêu vi C thường lo lắng vì sợ bị xơ gan, lây bệnh cho người khác...

Trong khi đó theo bác sĩ Đinh Dạ Lý Hương, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM, không phải trường hợp nào mắc bệnh viêm gan siêu vi C cũng bị biến chứng.

Theo bác sĩ Hương, tại Việt Nam ước lượng 4-6% dân số mắc bệnh viêm gan siêu vi C. Như vậy, nước ta hiện có khoảng 4 triệu người mắc bệnh viêm gan siêu vi C. Số người mắc bệnh viêm gan siêu vi C đang có xu hướng tăng do đến nay chưa có thuốc chủng ngừa.

Tiếp tục tranh cãi

Trên thế giới đã có nhiều loại thuốc điều trị viêm gan siêu vi C nhưng giới y khoa vẫn tiếp tục tranh luận về chỉ định điều trị của căn bệnh này. Mới đây, trong cuộc hội thảo khoa học “Cập nhật điều trị viêm gan virut C” được tổ chức tại TP.HCM, bác sĩ Đinh Dạ Lý Hương trình bày một nghiên cứu theo dõi bệnh nhân trẻ mắc bệnh viêm gan siêu vi C mà không điều trị. Nghiên cứu này lấy mẫu máu từ 8.568 người được tuyển vào quân đội Mỹ từ năm 1948-1954, có 17 người (0,2%) mắc viêm gan siêu vi C. Sau 45 năm không điều trị, trong số 17 người chỉ có hai người phát triển thành bệnh gan, trong đó một người chết vì bệnh gan và sáu người khác tử vong bởi những nguyên nhân khác.

Qua nghiên cứu này, các chuyên gia thấy những người mắc bệnh viêm gan siêu vi C không điều trị thì tỉ lệ tử vong và bệnh tật thấp. Tuy nhiên, điểm hạn chế của nghiên cứu là số người mắc bệnh viêm gan siêu vi C được theo dõi còn ít. Khi có những báo cáo như vậy, nhiều người lập luận viêm gan siêu vi C nếu không điều trị cũng rất ít người diễn tiến xấu thì tại sao phải điều trị, trong khi chi phí điều trị rất mắc tiền? Trái lại, một nghiên cứu khác trên 96 bệnh nhân bị xơ gan giai đoạn đầu do siêu vi C được điều trị và theo dõi trong 10 năm. Kết quả cho thấy 41% số bệnh nhân (39 ca) được loại siêu vi hoàn toàn, 18 bệnh nhân được cải thiện điểm gan xơ. Có 35% (27 bệnh nhân) không cải thiện khi điều trị bị biến chứng như xơ gan và ung thư gan. Rõ ràng điều trị đã mang lại lợi ích cho những người được điều trị hiệu quả.

Khi nào cần điều trị?

Có người bệnh còn hiểu lầm nhiễm viêm gan siêu vi C cũng giống như nhiễm HIV không có cách gì chữa được. Có người bệnh lại lo sợ những biến chứng của bệnh. Một số người sợ khi mắc bệnh sẽ lây cho người khác.

Bác sĩ Hương khẳng định không phải tất cả người mắc bệnh viêm gan siêu vi C đều cần điều trị. Dù bệnh này chưa có thuốc chủng ngừa và có nguy cơ lây lan, nhưng nếu người bệnh biết cách bảo vệ thì cũng không phải quá lo lắng. Bệnh lây lan chủ yếu qua đường máu, lây qua vợ chồng chỉ 3% và một số ít lây từ mẹ qua con.

Người bệnh mắc bệnh viêm gan siêu vi C nếu ở giai đoạn bệnh chưa tiến triển hoặc tiến triển chậm thì không cần điều trị. Hiện nay chỉ sinh thiết lá gan cho bệnh nhân các bác sĩ mới xác định chính xác bệnh tiến triển ở giai đoạn nào. Sinh thiết lá gan tức là phải bấm một mảnh gan và đem quan sát dưới kính hiển vi. Thường bác sĩ và bệnh nhân ít chọn sinh thiết để xác định mức độ tiến triển bệnh mà dựa vào xét nghiệm máu, men gan, hình ảnh siêu âm gan dù độ chính xác không bằng sinh thiết gan.

Bác sĩ Lý Hương cho biết phần lớn bệnh nhân đến bệnh viện và phòng mạch điều trị khi thấy men gan tăng. Dấu hiệu thường gặp để bác sĩ chỉ định chữa bệnh viêm gan siêu vi C là men gan đang tăng (điều này cho thấy gan bị tổn thương). Nhưng xơ gan vẫn có thể xảy ra ngay cả khi men gan bình thường. Lúc đó bác sĩ đề nghị bệnh nhân phải sinh thiết hoặc theo dõi bệnh nhân.

Trên thực tế bác sĩ Hương đã gặp nhiều người bệnh rất lo lắng đòi điều trị, nhưng khi bác sĩ thấy chưa ở mức độ cần điều trị sẽ từ chối, vì theo dõi bệnh cho bệnh nhân trong một thời gian dài nhưng men gan không tăng, các chỉ số máu ổn định, hình ảnh siêu âm gan đẹp. Những bệnh nhân này sẽ được bác sĩ hẹn để theo dõi ba tháng tái khám/lần.

Có những người đã trong “tình trạng yên ổn” như vậy suốt 10-15 năm mà không cần điều trị. Tuy nhiên, những người nhiễm viêm gan siêu vi C thì siêu vi C vẫn luôn nằm trong người và có thể tấn công cơ thể bất cứ lúc nào. Cách theo dõi như vậy cũng có thể bỏ sót một số bệnh nhân vì có bệnh nhân tiến triển bệnh nhưng bác sĩ không phát hiện được vì men gan bình thường. Có những bệnh nhân khi theo dõi năm năm mới thấy hình ảnh gan thô đi, dù vậy lúc này bác sĩ vẫn can thiệp được nếu tuổi tác và sức khỏe chung cho phép tiến hành cuộc điều trị.

Một yếu tố cũng khá quan trọng trong quyết định điều trị hay không là tuổi bệnh nhân. Bác sĩ Lý Hương đưa ra ví dụ một bệnh nhân 65 tuổi, mọi xét nghiệm đều bình thường thì có thể không cần điều trị. Do bệnh tiến triển chậm nên bệnh nhân vẫn an toàn cho đến ít nhất 10 năm sau. Nhưng ở những người trẻ, ở độ tuổi lập gia đình thì người bệnh thường muốn điều trị ngay. Ưu điểm của nhóm điều trị này là thành công cao hơn và khả năng chịu đựng tác dụng phụ tốt hơn do tuổi còn trẻ. Tỉ lệ thành công trên những bệnh nhân có men gan bình thường và men gan tăng là tương đương nhau.

Hiện nay, thuốc điều trị bệnh viêm gan siêu vi C không những mắc tiền mà còn có nhiều tác dụng phụ như chán ăn, mệt mỏi, sụt ký, ngứa da, rụng tóc...và phải điều trị kéo dài từ sáu tháng đến một năm.

THÙY DƯƠNG

Điều trị ngay khi phát hiện bệnh đợt cấp

ThS Nguyễn Hồng Hà - phó giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương - cho hay tại miền Bắc bệnh nhân viêm gan siêu vi C ít khi được phát hiện sớm. Phần lớn bệnh nhân được phát hiện khi bệnh chuyển sang giai đoạn viêm gan mãn tính và xơ gan.

Còn theo ThS Nguyễn Ngọc Phúc - trưởng khoa viêm gan Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương - khi điều trị bệnh nhân viêm gan C cho thấy 100% bệnh nhân chịu tác dụng phụ khi dùng thuốc như sốt, đau mỏi người. Đặc biệt, đến 20% bệnh nhân điều trị chịu những tác dụng phụ nguy hiểm như ảnh hưởng tế bào máu, tuyến giáp, ảnh hưởng tinh thần... Tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương, chi phí điều trị trung bình cho bệnh nhân nhiễm viêm gan siêu vi C hơn 200 triệu đồng/năm.

Ngoài ra, nguy cơ chuyển thành viêm gan cấp (có thể dẫn đến tử vong ngay) ở người nhiễm virus viêm gan C thấp hơn hẳn người nhiễm virus viêm gan B. Do đó bác sĩ rất cân nhắc khi quyết định điều trị cho bệnh nhân viêm gan C. “Nếu rơi vào đợt viêm gan B cấp, người bệnh cần đợi kiểm tra sáu tháng tiếp sau xem có tiến triển thành viêm gan mãn hay không mới điều trị. Riêng với viêm gan C, nếu vào đợt cấp (trong giai đoạn mới nhiễm) thì không phải “hậu kiểm” bằng các xét nghiệm theo dõi sau đó mà cần điều trị ngay”, bác sĩ Phúc cho biết.

Thực tế 20% người bị viêm gan C cấp có thể khỏi hoàn toàn theo cơ chế “bệnh tự lui” mà không cần can thiệp. Song “bệnh khó phát hiện nên biện pháp quan trọng là người bệnh cần xét nghiệm kiểm tra viêm gan C định kỳ”, bác sĩ Phúc nói.

 Bệnh viêm gan siêu vi C có lây nhiễm?

Siêu vi C không lây nhiễm qua nước miếng, mồ hôi, các hoạt động sinh hoạt bình thường như ôm, bắt tay, dùng chung chén bát, phòng vệ sinh, nhà tắm...

Siêu vi C lây truyền qua máu. Vì thế, cần tránh dùng chung dụng cụ có thể tiếp xúc với máu, đặc biệt là các vật dụng cá nhân như: Kim tiêm, đồ cạo râu, đồ cắt móng tay, nhíp nhổ lông, bàn chải đánh răng... Đặc biệt, người sử dụng chất ma túy tuyệt đối không được dùng chung các vật dụng hút chích (kim tiêm, bông băng, muỗng, ống hút...). Ngoài ra, chị em phụ nữ cũng cần lưu ý bỏ băng vệ sinh vào túi kín trước khi cho vào thùng rác.

Khi chăm sóc vết thương cho người thân bị viêm gan siêu vi C, bạn có thể đeo găng tay để đảm bảo an toàn tuyệt đối. Hãy rửa vết thương bằng thuốc khử trùng và băng lại.

Người bị viêm gan siêu vi C cần thông báo cho bác sĩ, nha sĩ cùng các nhân viên y tế trực tiếp chăm sóc mình biết tình trạng bệnh để họ áp dụng những biện pháp phòng chống lây nhiễm cần thiết, đảm bảo an toàn.

Người bị viêm gan C có thể sinh hoạt tình dục không?

Nguy cơ lây truyền siêu vi C qua đường tình dục rất thấp. Tuy nhiên, người bệnh cần áp dụng các biện pháp tự bảo vệ để phòng trường hợp có khả năng tiếp xúc với máu như dùng bao cao su nếu người nữ bị nhiễm siêu vi C và đang trong thời kỳ kinh nguyệt, nhiễm trùng sinh dục (ví dụ: Bệnh Herpes), tổn thương vùng cơ quan sinh dục...

Ngoài các trường hợp trên, nếu hai người là bạn tình chung thủy thì có thể không cần dùng bao cao su khi quan hệ tình dục. Trong trường hợp khô âm đạo, việc sử dụng thuốc bôi trơn kết hợp với bao cao su sẽ giúp phòng tránh lây nhiễm.

Trong trường hợp có nhiều bạn tình, việc sử dụng bao cao su được khuyến cáo nhằm tự bảo vệ khỏi các bệnh truyền nhiễm khác như viêm gan siêu vi B, AIDS, các bệnh lây qua đường tình dục...

Lưu ý trong sinh hoạt hàng ngày

Thức ăn: Thông thường, người bị viêm gan C không cần thay đổi thói quen ăn uống. Trên lý thuyết, hiện không có tài liệu y khoa nào chứng minh người bị viêm gan C cần một chế độ ăn uống đặc biệt, trừ trường hợp người bệnh bị thừa cân. Tuy nhiên, người bị viêm gan C cũng cần lưu ý một số nguyên tắc dinh dưỡng có lợi cho sức khỏe như ăn uống cân bằng, hạn chế mỡ và thức ăn ngọt, ăn nhiều rau, trái cây, các loại bột, cá, thịt trắng, các sản phẩm từ sữa...

Tùy theo tình trạng bệnh, người bệnh viêm gan C có thể sẽ thích hay không còn thích một vài loại thực phẩm. Người bị viêm gan C có thể ăn uống theo ý thích. Các bác sĩ khuyên bạn không nên kiêng cữ, quá gò bó bản thân nhưng cũng nên ăn uống chừng mực.

Rượu bia: Đây là một vấn đề rất quan trọng. Lời khuyên hàng đầu của các bác sĩ là người bị viêm gan siêu vi C cần kiêng bia rượu - một việc không dễ dàng đối với nhiều người. Bệnh nhân viêm gan C chỉ nên uống rượu bia khi thực sự cần thiết.

Bệnh viêm gan C sẽ diễn biến nhanh gấp bốn lần đối với người uống nhiều rượu. Với những người thỉnh thoảng mới uống rượu bia và uống chừng mực, việc thay đổi thói quen uống rượu bia tùy thuộc vào tình hình sức khỏe. Nếu bác sĩ không yêu cầu tuyệt đối cai rượu bia thì thỉnh thoảng người bị viêm gan siêu vi C có thể dùng một ly rượu vang hay một lon bia. Trong trường hợp viêm gan nặng, cần tránh rượu bia tuyệt đối.

Vệ sinh răng miệng: Viêm gan C có thể làm rối loạn việc tạo nước bọt vốn đóng vai trò bảo vệ răng. Hiện tượng khô miệng ảnh hưởng đến tình trạng nướu (lợi). Hơn nữa, thuốc đặc trị viêm gan C cũng tác động không tốt cho răng. Do vậy, bạn cần quan tâm chăm sóc răng miệng nhằm phòng tránh những vấn đề trên.

Viêm gan siêu vi C và việc dùng thuốc

Do chưa được cảnh báo đầy đủ nên người dân chưa hiểu rõ, ít chú ý đến viêm gan do siêu vi C (HCV) bằng viêm gan do siêu vi B (HBV). Nhưng thật ra, HCV nguy hiểm không kém gì HBV và cần dùng thuốc điều trị đúng, sớm và kiên trì.

Có khoảng 60% nhiễm HCV không có triệu chứng, 39% cảm thấy mệt (giống như cảm cúm, chán ăn, buồn nôn, có thể đau khớp, đau bụng nhẹ), ít khi có biểu hiện vàng da, sậm màu nước tiểu, chỉ 1% có các biểu hiện nặng.

Xét nghiệm phát hiện virut viêm gan.
Trong tổng số nhiễm HCV có khoảng 15% tự hồi phục, 85% chuyển qua thể mạn. Thể mạn thường âm thầm kéo dài hàng chục năm và chỉ phát hiện được khi đã có diễn biến nghiêm trọng (xơ gan, báng bụng, giãn mạch máu đường tiêu hóa, vỡ mạch gây chảy máu ồ ạt, tử vong). Trong số 85% chuyển qua mạn thì có 20% bị xơ gan và có khoảng 3% trong số xơ gan bị ung thư gan.

HCV có thể thuộc typ gen-1 ít đáp ứng với thuốc, hiệu quả điều trị thấp (chỉ 20%) týp gen- 2-3 đáp ứng với thuốc tốt hơn, hiệu quả điều trị có khi tới 97%-100%. Do nhiễm HCV ở các typ gen khác nhau, khả năng đáp ứng thuốc của các quần thể dân cư khác nhau nên hiệu quả điều trị khá dao động. Ví dụ, nhiễm HCV typ gen-1 dùng công thức điều trị chuẩn interferon pegylat + ribavirin ở người Mỹ gốc Phi hiệu quả điều trị đạt 26%, trong khi người Mỹ gốc châu Âu là 39%.

Một khó khăn trong điều trị bệnh là người bệnh khó nhận biết mình bị mắc bệnh, thường đến bệnh viện muộn có khi đã xơ gan (khó điều trị); khi điều trị thì có thể đáp ứng sớm, muộn hay không đáp ứng, thời gian điều trị kéo dài (thường là 12 tháng), kết quả dao động, chi phí điều trị cao nên có người bỏ dở, thậm chí không muốn điều trị.

Thuốc cơ bản điều trị HCV

Công thức chuẩn (hiện thường dùng) gồm interferon pegylat + ribaririn

Interferon: tác động vào hệ miễn dịch (làm tăng kích thước tế bào miễn dịch và đại thực bào), kháng lại sự nhân đôi (sinh sản) của virut. Chỉ dùng đường tiêm (vì bị thủy phân khi uống), có loại chỉ tiêm tĩnh mạch mà không tiêm bắp (vì bị hủy trong bắp thịt). Phải tiêm 3 lần trong mỗi tuần, kéo dài 12 tháng. Lúc mới dùng thuốc người bệnh có thể bị sốt sau khi tiêm (do khởi động miễn dịch của cơ thể, nên uống paracetamol trước khi tiêm 1 giờ, tiêm vào buổi tối). Interferon pegylat cho hiệu quả cao hơn interferon.

Ribavirin là kháng sinh dạng uống ức chế tổng hợp acid nucleic của virut nói chung nhưng với HCV tỏ ra nhạy cảm hơn các kháng sinh khác thuộc dòng này. Trong công thức chuẩn, vai trò ribavirin là kháng trực tiếp HCVvà chống lại sự kháng thuốc.

Nhiều nghiên cứu cho biết dùng interferon pegylat+ ribavirin cho kết quả cao (sạch virut) ngay cả với những người trước đây đã thất bại với đơn trị liệu inteferon hay ribavirin hoặc đã thất bại với trị liệu interferon+ ribavirin.

Các nghiên cứu cho biết dùng liều interferon 1,5mcg/kg/tuần và ribavirin 10,6mg/kg/ngày (và có điều chỉnh theo trạng thái đáp ứng) cho hiệu quả tốt hơn dùng theo liều cố định.

Tuy nhiên khi dùng thuốc, có thể có tác dụng phụ về tâm thần thần kinh (nếu nặng phải ngừng thuốc), có thể giảm bạch cầu, gây tán huyết (tác dụng phụ này do interferon, hạn chế bằng cách giảm liều hoặc cho truyền chất kích thích tạo máu epoetin mà không cần giảm liều hoặc dùng tiền chất viramidin thì không bị tán huyết như ribavirin song đều chưa ứng dụng lâm sàng).

Hiệu quả điều trị lệ thuộc vào typ gen HCV và đáp ứng của người bệnh:

- Nếu sau 12 tuần, số lượng virut giảm 100 lần so với trước điều trị là “đáp ứng sớm”, và sau 12 hay 24 tuần HCVRNA âm tính thì tiếp tục điều trị cho đủ 12 tháng, kết quả đến 97%-100%. Người nhiễm HCV typ gen-2-3 thường đáp ứng sớm, typ gen -1 thường ít khi đáp ứng sớm. Người bệnh đáp ứng sớm thường và cho kết quả khả quan, virut bị loại, không tái phát (sau 5 năm theo dõi), thuật ngữ chuyên môn gọi là “chữa khỏi bệnh”.

- Nếu sau 12 tuần mà lượng virut chỉ giảm 10 lần so với trước điều trị thì gọi là “không đáp ứng sớm” và sau 24 tuần điều trị nếu lượng virut vẫn tiếp tục giảm, HCVRNA âm tính thì tiếp tục điều trị. Người bệnh nhiễm HCV typ gen-1 thường ít đáp ứng sớm và đa phần thuộc diện này. Tuy hiệu quả không khỏi như trường hợp trên, nhưng cần tiếp tục trị liệu vì sẽ làm chậm sự tiến triển, ngăn ngừa xơ gan và ung thư gan

- Nếu sau 12 tuần hay chắc chắn nhất là sau 24 tuần mà lượng virus không tiếp tục giảm so với trước và HCVRNA dương tính thì không tiếp tục điều trị theo công thức chuẩn này mà chuyển sang cách điều trị khác.

Như vậy, sau 12 tuần hoặc chắc chắn là sau 24 tuần thầy thuốc có thể cho biết triển vọng điều trị và điều cần tiếp tục. Người bệnh cần biết rõ, thực hiện đầy đủ liệu trình.

Các thuốc mới đưa vào điều trị

Telaprevid: Một nghiên cứu cho thấy dùng interferon pegylat+ ribavirin + telaprevid đạt hiệu quả cao so với nhóm chỉ dùng interferon pegylat+ ribavirin hoặc interferon pegylat + telaprevid (69-80% so với 13%). Một nghiên cứu khác cho thấy nếu sau 12 tuần dùng 3 thuốc (như trên) lại tiếp tục kéo dài thêm 12 tuần nữa (tổng cộng 24 tuần) thì kết quả cao hơn là không tiếp tục dùng thêm 2 thuốc interferon pegylat+ ribavirin. Như vậy, telaprevid tuy tốt, song phải kết hợp với interferon pegylat và ribavirin

Boceprevid: Một nghiên cứu cho biết dùng interferon pegylat + ribavirin +boceprevid cho hiệu quả cao hơn nhóm interferon pegylat + ribavirin +giả dược. Như vậy, tuy boceprevid tốt song phải kết hợp với interferon pegylat và ribavirin. Và hiện vẫn chưa có thuốc mới nào thay thế được hoàn toàn công thức chuẩn.

Các thuốc dạng nghiên cứu

Chất BILN-2061 ức chế enzym protease NS-3, sau khi dùng 48 giờ, làm giảm HCV từ 100-1000 lần bao gồm cả người nhiễm HCV typ gen-1, đã có tiến triển đến xơ gan, đã thất bại khi dùng với interferon. Chất NM-283 ức chế enzym polymease NS-5b sau khi dùng thuốc 2 tuần thì lượng HCV giảm 50-100 lần. Cả hai chất, khi ngừng dùng thì HCV tăng trở lại, dùng tiếp thì bị độc. Hiện chất này vẫn đang được nghiên cứu chưa đưa vào sử dụng.

Theo một số nghiên cứu ở nước ta có khoảng 2% dân số nhiễm HCV (năm 2000) nhưng ở một số bệnh viện nhiễm HCV chiếm tới 39% trong tổng số người bị viêm gan siêu vi, ước tới 9-14% dân số (2005). Có thể sau này người dân quan tâm đến sức khỏe, đến các bệnh viện để xét nghiệm nên con số phát hiện nhiễm HCV cao hơn. Dẫu chỉ tham khảo nhưng con số trên cho biết nhiễm HCV đang trở nên phổ biến cần phát hiện điều trị đúng, sớm và kiên trì.

Viêm gan siêu vi C: Điều trị sớm dễ khỏi bệnh

170 triệu người trên thế giới và 2 triệu người Việt Nam nhiễm viêm gan siêu vi C (HVC),nhiễm HVC. Mối nguy do HCV gây ra rất đáng lo ngại, nhưng thực tế, nhiều người còn chưa nhận thức được và tỷ lệ chẩn đoán chưa cao.

HVC - kẻ giết người thầm lặng


Theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới, tỉ lệ nhiễm HCV trung bình trên thế giới là khoảng 3% (khoảng 170 triệu người). Với người châu Á, những ca nhiễm lúc mới lọt lòng mẹ thường bị xơ gan khi đến tuổi trung niên. Sau khi bị xơ gan do HCV, tỉ lệ đưa đến ung thư gan là 1,4-3,3% và tử vong là 2,6- 4% mỗi năm.

Sau khi bị nhiễm HCV, thời gian ủ bệnh thường kéo dài từ 2 đến 26 tuần. Giai đoạn đầu gọi là nhiễm bệnh cấp tính, có thể chấm dứt sau 2 đến 12 tuần. Tuy nhiên, có đến 80% số người mới bị nhiễm bệnh không loại trừ được hết siêu vi nên trở thành viêm gan siêu vi C mạn tính. Thời gian 20 đến 40 năm sau có từ 10 đến 20% bệnh nhân bị xơ gan và 1% đến 4 % bệnh nhân bị ung thư gan mỗi năm.

Tỷ lệ người mắc bệnh viêm gan siêu vi C đang tăng cao
Theo BS. Phạm Thị Thu Thủy- Trưởng khoa Gan Trung tâm y khoa Medic TPHCM, một trong những người đi sâu tìm hiểu về thực trạng căn bệnh này cho biết - HCV mặc dù ít phổ biến hơn HBV (viêm gan siêu vi B) nhưng để lại hậu quả nghiêm trọng hơn, 60% số người bị nhiễm HCV cấp tính không biểu hiện triệu chứng nào, số còn lại có những triệu chứng không đặc trưng, giống như triệu chứng của cảm mạo thông thường. Vì thế, hầu hết người bệnh chỉ phát hiện mình bị nhiễm HCV khi đã có những biến chứng trầm trọng thì việc điều trị đã trở nên hết sức khó khăn. Đồng thời vì không nhận biết, bệnh đã âm thầm tiến triển trong cơ thể mình một thời gian dài nên thiếu đề phòng, càng làm tăng nguy cơ lây nhiễm cho những người khác.

Biết nguy hiểm, vẫn bỏ ngỏ điều trị

Theo BS. Thủy, chỉ khoảng 25% bệnh nhân viêm gan C có men gan bình thường, chậm tiến triển sang viêm gan mạn tính và gan ít bị hư hại, được gọi là “người mang siêu vi C mạn không triệu chứng”. Số bệnh nhân còn lại chuyển thành viêm gan C mạn tính, và sau 10 - 20 năm, ít nhất 20% trong số họ sẽ bị xơ gan. Xơ gan sẽ sớm hơn nếu bệnh nhân uống rượu nhiều hoặc gan bị hư hại thêm do thuốc hoặc nhiễm thêm các siêu vi viêm gan khác như siêu vi B, D hay HIV và nguy cơ ung thư gan đến sớm hơn.

Số bệnh nhân còn lại có viêm gan mạn tính tiến triển chậm, men gan có lúc tăng, lúc giảm về bình thường. Do vậy, bệnh nhân thường chủ quan không chịu theo dõi bệnh thường xuyên. Nghiên cứu về tỷ lệ nhiễm HCV tại Việt Nam cho thấy, tỉ lệ nhiễm viêm gan siêu vi C mạn tính càng tăng nếu thời gian nhiễm càng lâu, nếu nhiễm hơn 60 năm thì tỷ lệ xơ gan là 71%. Sau khi bị xơ gan do HCV tỉ lệ đưa đến ung thư gan 1,4-3,3% mỗi năm và tử vong 2,6-4% mỗi năm.

Hiện nay dù chưa có thuốc phòng ngừa viêm gan siêu vi C, nhưng bệnh nhân vẫn có khả năng được chữa khỏi bệnh nếu được chẩn đoán sớm, điều trị đúng chuyên khoa, kiên trì tuân thủ điều trị liên tục.

Tùy theo phác đồ điều trị cụ thể, dùng thuốc đơn lẻ hay phối hợp mà có các mức chi phí khác nhau, có thể dao động từ 60 triệu đến 200 triệu đồng cho một năm. Tuy nhiên, không phải ai chữa cũng hết bệnh. Trong 2 người bệnh viêm gan siêu vi C chỉ một người điều trị hoàn toàn hết bệnh.

Nhiều bệnh nhân có thu nhập thấp, không đủ khả năng về kinh tế nên thường điều trị ngắt quãng. Thêm vào đó thuốc còn có tác dụng phụ (10-15% bệnh nhân bị phản ứng thuốc), nên người bệnh càng dễ nản trong điều trị đến cùng, khiến tình trạng bệnh càng khó khăn hơn. Trong khi đó, bệnh viêm gan C mạn tính cần được phát hiện và điều trị càng sớm càng tốt mới đạt hiệu quả và kịp thời ngăn ngừa diễn tiến sang xơ gan, ung thư gan.
  • Quang Minh
(Theo Người Lao Động)

 (ST)

Noi tin cay va dieu tri benh viem gan svc
hơn 1 tháng trước - Thích (6)
toi dang chua viem gan sieu vi c (man) vi rut giam den 99,9% nhung van duong tinh sau 12 tuan, nhu vay viec chua co hieu qua khong?
hơn 1 tháng trước - Thích (22)
cho hỏi viêm gan c mản tuyp 1 hiện nay tỉ lệ chửa khỏi là bao nhiêu phần trăm ? có điều trị ngoại trú được không? hiện nay ở đâu điều trị tốt nhất .
hơn 1 tháng trước - Thích (19)
Cái này chắc phải xin tư vấn của bác sĩ điều trị thôi
hơn 1 tháng trước - Thích (1)
bo toi bi sieu vi c can lam j de khoi benh
hơn 1 tháng trước - Thích (3)
Gửi hỏi đáp - bình luận