Làm sao để hết cảm giác cô đơn mà vui sống
Làm sao để bé hết ọc sữa nhanh chóng?
Làm sao để biết khuôn mặt mình hình gì để chọn kiểu tóc và cách trang điểm thật chuẩn?
Vợ chồng hay cãi nhau phải làm sao? Những câu chuyện cụ thể và tư vấn từ các chuyên gia giúp bạn giải quyết tốt những chuyện cụ thể của gia đình mình. Để cuộc sống vợ chồng bạn luôn tươi mới, hạnh phúc.
Chuyện xưng hô khi vợ chồng cãi nhau
- Đang cãi nhau nảy lửa, nghe chồng buông câu "Mày im đi", Mai sững người. Đó là lần đầu tiên cô bị chồng gọi như thế. Còn giờ, chính cô thản nhiên xưng "tao" mỗi lần hai người cãi cọ.
Cô thợ cắt tóc 25 tuổi ở Cầu Giấy, Hà Nội kể, chồng cô bình thường vốn rất yêu, chiều vợ, toàn gọi vợ bằng những cái tên trìu mến như "cún ơi", hay "vợ yêu"... Nhưng đó là chuyện một năm đầu tiên cưới. Còn sau đó, mỗi lần nổi điên lên vì ghen, nhất là có tí men trong người là anh ta sẵn sàng xả ra những tràng như "con kia", "mày"... Ban đầu, Mai cảm thấy rất sốc nhưng sau đó, cô cũng chuyển sang cùn, xưng "mày - tao" với chồng.
"Lần đầu tiên thì thấy ngượng mồm, cảm giác bẽ bàng lắm. Nhưng sau thành quen, giờ cứ hễ vợ chồng cãi nhau là cứ tự nhiên văng ra thế. Cảm giác hai đứa chẳng còn chút tôn trọng nào với nhau nữa", Mai bộc bạch.
Hình minh họa
Cảm thấy bị xúc phạm, Tuyến không khóc như mọi lần mà đanh mặt nhìn thẳng chồng thách thức: "Anh vừa nói gì? Anh nói lại tôi nghe xem nào". Lúc này, anh chồng cũng đã bốc hỏa lên đầu, xưng ngay "tôi" "cô" và cuộc cãi vã kết thúc bằng việc chồng Tuyến phóng xe ra đường còn cô thì ôm mặt khóc. Chưa hết, hai người còn chiến tranh lạnh hằng tuần sau đó.
"Nghe tiếng 'cô - tôi' thấy sao mà lạnh lẽo, xa cách thế. Khi ấy, mình cảm giác hai vợ chồng như hai kẻ thù địch với nhau ấy.", chị Tuyến tâm sự.
Ngược lại với những trường hợp trên, vợ chồng anh Hòa, chị Phúc (Tây Hồ, Hà Nội) lúc bình thường thì toàn gọi tên, hay xưng "cậu - tớ", "ấy ơi", thậm chí vợ còn gọi chồng "ê cu", còn chồng bảo vợ là "mẹ sề" vì hai người bằng tuổi nhau. Còn những khi vợ thấy chồng gọi "em ơi, anh bảo này" hay chồng nghe vợ thủ thỉ "em muốn nói chuyện" là cả hai biết chắc sắp có cãi nhau to.
Theo chuyên gia tâm lý Hà Khanh, Trung tâm chăm sóc sức khỏe cộng đồng Ánh Sáng, cho dù cãi nhau vì bất cứ lý do gì và ai đúng, ai sai thì vợ chồng tuyệt đối không bao giờ nên xưng hô "mày - tao" với nhau. Điều này làm cả hai cảm thấy mình không được tôn trọng, yêu thương và càng đẩy mâu thuẫn lên cao.
"Lời đã nói ra không thể lấy lại được" nên dù sau đó, hai người có cố gắng thế nào cũng khó xóa mờ sự tổn thương do câu xưng hô kia gây ra. Ngoài ra, thường khi đã có thể nói một lần, hai lần... người ta dễ thành thói quen và cứ như vậy sẽ khiến vợ chồng trở nên coi thường nhau thực sự. Đây là một tấm gương xấu cho con cái mà không lời răn dạy nào có thể sửa chữa được.
Cách xưng hô "tôi - cô" cũng khiến cả hai cảm thấy xa lạ với nhau. Thường, người ta vẫn lý luận rằng, khi đã bực tức khi sao có thể nói năng ngọt ngào với nhau. Nhưng thực tế, trong cuộc sống vợ chồng, cãi cọ cũng cần có nghệ thuật. Nhiều cuộc đôi co kết thúc, người trong cuộc cảm thấy ức chế, thậm chí còn mang cảm giác bực bội, thù ghét bạn đời. Nhưng nếu biết cách, nhiều khi tranh cãi xong, vợ chồng lại hiểu nhau hơn, đồng thời giải quyết được vấn đề khúc mắc và cùng nhau rút kinh nghiệm trong cuộc sống chung.
Vợ chồng chị Thanh (35 tuổi) ở Mỹ Đình, Hà Nội đã lấy nhau hơn 10 năm nhưng hầu như rất ít cãi nhau, nếu có giận dỗi cũng chưa hết ngày đã làm hòa. Và một nguyên tắc mà vợ chồng chị luôn tuân thủ là: dù có bực bội đến đâu cũng vẫn phải xưng "anh", "em" với nhau.
Thật ra, như lời chị Thanh kể, hồi mới cưới, có lần vợ chồng bực nhau, chị tức không chịu nổi đã lớn tiếng xưng "tôi" với chồng. Lúc đó, anh nghiêm mặt lại và bảo: "Em này, em đừng xưng hô như thế với anh, nghe chướng lắm. Nếu anh cũng nói vậy, em có buồn không?". Lúc này, chị cũng thấy ngượng nhưng còn cố chống chế: "Nhưng mà không xưng thế thì cãi nhau thế nào được". Anh lại ôn tồn: "Thế thì thôi, chúng mình đừng cãi nữa".
"Sau lần ấy, mình cảm thấy yêu và phục chồng mình lắm. Từ đó về sau, mình không bao giờ xưng hô như thế mỗi lần bực tức nữa", chị Thanh bày tỏ.
Vợ chồng chị Hà lại có cách đặc biệt hơn. Chị vốn nóng tính nên những lúc bực bội, chị không kiềm chế được mà sẵn sàng xả một tràng "tôi tôi - anh anh" hoặc "ông - tôi" với chồng. Có lần, chị đang nói thì anh nhăn mặt bảo: "Thôi, em thua rồi chị ơi, chị đừng nóng nữa, em sợ lắm" khiến chị phì cười. Thật ra, vợ chồng chị bằng tuổi nhau nhưng so tháng thì chị sinh trước anh. Hồi mới quen nhau, chị toàn bắt anh gọi mình là chị. Câu nói của anh gợi cho chị nhớ lại những kỷ niệm đẹp ban đầu nên cục tức cũng bay đi đâu.
"Tất nhiên, sau đó, hai vợ chồng vẫn phải ngồi nói chuyện thẳng thắn với nhau để tìm hướng giải quyết vấn đề. Nhưng nhìn bộ mặt buồn so và nghe cách xưng hô hài hước của ông xã là mình không thể cáu được nữa và hai vợ chồng cũng bình tĩnh hơn nên dễ thông cảm với nhau. ", chị Hà nói.
Làm sao để vợ chồng không "vặc" nhau chuyện nhỏ
Vợ chồng tôi hay cãi nhau vì những chuyện nhỏ như con thỏ
|
Để không phải cãi nhau vì tiền bạc
Ngọn nến được thắp sáng lung linh soi sáng những món ăn ngon được bày biện rất tinh tế trên bàn, chàng nhìn vào mắt nàng, nàng nhìn vào mắt chàng, tin hay không tùy bạn nhưng cuối bữa ăn chính là thời điểm lý tưởng nhất để bạn và “đối tác” nói chuyện về một chủ đề cấm kỵ: tiền bạc, để bắt đầu cuộc sống chung thực sự giữa hai người.
Khi yêu nhau, người ta thường tránh nhắc đến chủ đề này vì ngại đụng chạm, nhưng hôn nhân lại khác. Chỉ cần một trong hai người cảm thấy không thoải mái về tài chính khi sống chung, chiến tranh rất dễ nổ ra và đó luôn là những cuộc chiến khó chịu nhất.
Sự khác nhau về nền tảng văn hóa, giáo dục sẽ dẫn đến thái độ tiếp cận với chuyện tiền bạc ở mỗi người khác nhau. Bạn phải thừa nhận rằng, dù là chồng hay vợ, dù kiếm được nhiều hay ít tiền, bạn cần có trách nhiệm trong việc quản lý tài chính và hiểu được vị trí, trách nhiệm của bạn đời về chuyện tiền bạc. Biết cách quản lý tài chính sẽ giúp các bạn không bị stress sau khi kết hôn.
Bắt đầu nói chuyện thôi!
Nhiều người chọn giải pháp thảo luận chuyện tiền bạc với người yêu trước khi kết hôn. Vì sẽ sống chung nên cả hai cần có sự thẳng thắn bởi tiền bạc là chuyện nhạy cảm. Hãy nói cho nhau biết bạn thường tiết kiệm tiền như thế nào. Bạn muốn tiết kiệm vì cái gì và bạn có thể tiết kiệm bao nhiêu, cũng như những vấn đề tài chính bạn đang gặp phải.
Trên nền tảng của sự hiểu biết đó, các bạn sẽ xác định được mục tiêu và cách thức dùng tiền trong cuộc sống chung sắp tới. Bạn phải nói rõ ngay từ đầu với người bạn đời của mình, bạn sẽ tiết kiệm được bao nhiêu trong mỗi tháng và bạn hy vọng hai người sẽ để dành được tiền để chuẩn bị cho những kế hoạch gì. Và số tiền tiết kiệm này sẽ được tính tỷ lệ với thu nhập của hai người.
Thùy Hương, nhân viên văn phòng, chia sẻ kinh nghiệm đơn giản của cô: "Theo tôi, bạn nên bàn thảo với nhau về tài chính trước hôn nhân. Thậm chí, có thể sơ lược với nhau những khoản chi tiêu hàng tháng và hoạch định rõ trách nhiệm của mỗi người trong chuyện chi tiêu gia đình. Bất cứ một kế hoạch mua sắm nào, cả hai nên thảo luận trước với nhau, kể cả chuyện thay điện thoại cầm tay”.
“Hồi giữa năm, chúng tôi dự định sẽ mua ti vi màn hình phẳng vào cuối năm, khi có thưởng Tết, thế nhưng mới tháng bảy, anh ấy đùng đùng đòi mua ti vi vì thấy những chương trình giảm giá hấp dẫn”, chị Liên, nhân viên một công ty chứng khoán kể. “Chúng tôi cãi nhau. Tôi cảm thấy rất khó chịu vì những kế hoạch đã định ra vào tháng tám, tháng chín sẽ bị phá hỏng”.
“Tôi kiếm được nhiều tiền hơn anh ấy và hai vợ chồng tôi góp chung thu nhập. Thời gian này anh ấy nghỉ ở nhà chờ việc mới nên không có lương. Hôm qua anh ấy mới rút năm triệu cho thằng bạn vay. Còn tháng trước, anh ấy lấy tiền đi đổi điện thoại. Điều tôi khó chịu nhất là anh ấy làm những việc đó một cách ngẫu hứng, không thèm bàn trước với tôi”, chị Ngọc, nhân viên kinh doanh một công ty địa ốc chia sẻ.
Để tránh những khúc mắc “Tại sao tiền chỉ còn từng này?” vào cuối tháng, nhiều đôi đã chọn giải pháp ghi chép mọi khoản chi tiêu, để từ đó cân bằng thu – chi. Bạn đừng nghĩ việc này sẽ làm “khô” quan hệ giữa hai người. Nếu chi tiêu không hợp lý, chi lạm sang cả tiền tiết kiệm, chiến tranh giữa hai người còn khó chịu hơn.
Cái gì của tôi là của tôi, cái gì của anh là của tôi!
Mình dùng quỹ chung, hay mỗi người có quỹ riêng? Mình gửi tiền vào ngân hàng hay giữ tiền mặt? Mình chia nhau những khoản chi phí cho cuộc sống chung thế nào?... Chỉ có thể có được câu trả lời cho những câu hỏi này khi hai bạn cùng nhau “đàm phán”.
Trong trường hợp gia đình bạn thuộc kiểu, quỹ anh, quỹ em, quỹ chúng ta, việc đóng góp nên tính toán để người “mạnh” dìu người “yếu”. Trên thực tế, có nhiều cặp không thích việc cứ kiếm được bao nhiêu tiền đều đưa vào quỹ chung. Vậy nên, hai bạn cần xác định rõ hàng tháng mỗi người sẽ phải bỏ vào quỹ chung bao nhiêu, và trách nhiệm tiền bạc của mỗi người trong những khoản chi tiêu của gia đình.
Nếu bạn muốn có quỹ riêng, hãy cho người bạn đời được biết. Việc có quỹ riêng không nằm trong phạm trù đúng – sai vì đó là tiền bạn kiếm được và bạn có quyền làm những gì bạn thích. Nhưng đã sống chung, mọi thứ cần được công khai và thống nhất để tránh hiểu nhầm.
Hãy cho bạn đời biết, bạn sẽ chịu trách nhiệm chi trả những khoản nào và hãy chia một cách công bằng. Nhưng công bằng ở đây là nếu thu nhập của bạn gấp đôi bạn đời thì bạn cũng sẵn lòng đóng góp vào việc chi tiêu gấp đôi. Tuy nhiên, những “thương thảo” trên cần được xem xét lại khi các bạn có em bé. Nhưng hãy chắc chắn là các bạn có đủ tiềm lực kinh tế cho chuyến đi hạnh phúc này!
Theo Nhân Văn
Vợ chồng cãi nhau cũng cần phải học
Không nên lầm tưởng rằng một cuộc hôn nhân mỹ mãn tức là vợ chồng không bao giờ cãi nhau.
Trên thực tế, cãi nhau cũng cần phải có học vấn, hãy cũng khám phá điều bí mật đó. Vợ chồng không chỉ khác nhau về giới tính mà còn có những điểm khác biệt về tính cách, quan niệm và thói quen. Khi yêu mỗi người đều có cơ hội để che giấu những điểm khác biệt đó; thế nhưng khi đã bước vào cuộc sống hôn nhân, sớm tối bên nhau, thường xuyên va chạm thì dù ít dù nhiều cũng không tránh khỏi có những lúc mâu thuẫn, bất đồng. Đó là điều hết sức bình thường, không có gì đáng ngạc nhiên, cũng không nên cho rằng có mâu thuẫn tức là hai người không hợp nhau. Trên thực tế, đôi bên nên nhìn nhận việc tranh cãi từ góc độ tích cực. Những người “biết” cãi nhau (tức hiểu rõ nguyên tắc khi cãi nhau) thì tình cảm giữa hai người sẽ ngày càng tốt đẹp mà số lần cãi nhau sẽ càng ngày càng ít. 1. Tranh cãi là vấn đề “góc độ”, “quan điểm” chứ không phải vấn đề “đúng sai”. Trên thực tế không có bất cứ một đáp án cố định nào cho những vấn đề tranh cãi hay bất hoà trong gia đình bởi trong mỗi cuộc tranh cãi đều thuần tuý là vấn đề quan điểm chứ không phải vấn đề đúng sai. Những người biết cãi nhau là những người cố gắng lĩnh hội ý kiến thực sự của đối phương hoặc đi so sánh sự khác biệt về quan điểm của hai người. Ngược lại những người không biết cãi nhau sẽ lại cực lực tìm cách bác bỏ ý kiến của đối phương để chứng minh rằng mình đúng khiến cho đôi bên đều chịu thua thiệt. 2. Vợ chồng cãi nhau nên nói đến cái tình chứ đừng nói lý Thông thường đặc trưng của tranh cãi là cãi lý vì thế khi cãi nhau đôi bên thường có tâm lý ra sức tìm ra lỗi về ngôn ngữ và logic của đối phương, và chỉ chăm chăm nhằm vào những lỗi đó khiến đối phương không thể nào chống đỡ nổi. Thế nhưng cãi lý sẽ làm tổn thương đến tình cảm. Vì thế khi cãi nhau, vợ chồng nên xử sự sao cho có tình, điều này còn mang tính xây dựng hơn nhiều so với việc áp dụng phương pháp phân tích và biện luận trong khi tranh cãi. 3. Không bao giờ cãi nhau trước mặt người thứ 3 Vì muốn chứng minh mình là đúng, những người trong cuộc thường hay tìm đến người thứ 3 để kể lể với hy vọng người khác sẽ ủng hộ mình; không những thế, họ còn không ngừng chỉ ra những cái không phải của đối phương để mong nhận được sự đồng tình của càng nhiều người ngoài cuộc. Thói quen này sẽ làm tổn hại nghiêm trọng đến tình cảm vợ chồng vì thế các cặp vợ chồng nên hết sức tránh nếu không người bị hại lại chính là bản thân mình. Những người biết tranh cãi là những người chỉ muốn hai vợ chồng đối mặt cùng nhau giải quyết xung đột, không thích tranh cãi trước mặt bố mẹ, bạn bè hay đồng nghiệp. Vợ chồng cãi nhau dù ai thắng ai thua thì trên thực tế cũng không có khái niệm người thắng cuộc mà cả hai đều là kẻ bại trận. Nếu bất đắc dĩ phải cãi nhau thì cũng chỉ nên dừng ở một điểm nào đó, đừng bao giờ cố gắng để thắng trong trận “đấu khẩu” này. Theo kết quả nghiên cứu của Abused Wives (chuyên gia người Mỹ) về phụ nữ bị ngược đãi thì đặc trưng chung của những người phụ nữ hay bị chồng đánh là họ luôn là người chiến thắng trong cuộc chiến bằng miệng với các đức ông chồng. Các ông chồng không thể giành chiến thắng về mặt ngôn ngữ đành phải dùng nắm đấm để đòi lại. Người biết cãi nhau là người luôn biết chừa đường rút cho đối phương trong khi người không biết cãi nhau lại luôn muốn ép đối phương đến đường cùng. 4. Nói rõ chân tướng sự việc, không làm mình làm mẩy thái quá Cãi nhau bao giờ cũng có nguyên nhân. Người biết cãi nhau sẽ tập trung vào việc nói rõ sự việc để giúp đối phương hiểu rõ được tình hình và mong muốn của mình. Ngược lại, người không biết cãi nhau lại thích làm mình làm mẩy một cách thái quá để thể hiện rằng mình đang tức giận vì thế họ thường dùng những hình dung từ cực đoan, quá trớn để chọc giận đối phương. 5. Dũng cảm nhận sai trước Cãi nhau là mâu thuẫn do bất đồng quan điểm vì thế những người chín chắn sẽ luôn tìm mọi cách để tránh cãi nhau. Phương pháp tốt nhất để không xảy ra những trận đấu khẩu chính là thừa nhận ý kiến của đối phương, cho rằng ý kiến của đối phương tốt hơn của mình. Để có thể làm được điều này bạn cần phải có đủ sự tự tin, phải là người chín chắn mới làm được, điều này rất đáng được mọi người học tập.
(St)