Xây dựng mối quan hệ với cấp trên


Nếu bạn muốn sự nghiệp thăng tiến như ý muốn, thì sẽ có rất nhiều việc phải làm. Nhưng thật đáng ngạc nhiên, nghệ thuật “làm chủ” mối quan hệ giữa bạn và sếp là điều có thể đem lại cơ hội thăng tiến không nhỏ, lại thường không được bạn quan tâm thích đáng.


Trong thực tế, theo kết quả một cuộc thăm dò ý kiến trên một triệu lao động ở khắp nơi trên thế giới, nguyên nhân chủ yếu khiến người lao động nghỉ việc nảy sinh từ mối quan hệ không tốt đẹp với cấp trên.

Dù vì lý do gì đi nữa thì việc giải quyết vấn đề này ngay từ khi mới phát sinh cũng là điều cực kỳ quan trọng. Song tốt hơn hết, bạn nên đừng để mối quan hệ này rơi vào tình trạng tồi tệ rồi mới tìm cách giải quyết.

Kiểm soát được mối quan hệ với “sếp” không dễ như việc “đánh bóng xi giầy”, nhưng cũng không khó như việc làm chính trị. Nó đơn giản chỉ là việc tìm ra một cách thức làm việc cùng nhau để tập hợp được những giải pháp tốt nhất cho bạn, cho “sếp” của bạn và cả công ty.

Rất nhiều người có tài năng đã mắc kẹt vào mô hình cũ, đó là chờ đợi mệnh lệnh được phát ra từ các sếp. Họ đóng vai trò thụ động, không bao giờ tỏ thái độ và quan điểm đối lập, nếu chưa có sự hướng dẫn và trợ giúp từ nhà lãnh đạo, họ chưa làm việc. Họ luôn phàn nàn về việc có một người sếp tồi, nhưng dường như lại không hành động gì cả để có thể thay đổi mọi thứ diễn ra xung quanh mình. Họ không biết những bước đi cần thiết, đó là họ có thể chủ động thiết lập một cuộc đối thoại hiệu quả với sếp.

Bạn đừng để mình rơi vào cái bẫy này. Đừng giả định rằng sếp biết bạn cần gì để hoàn thành mọi công việc một cách tốt nhất. Cũng đừng giả định rằng các hành động của bạn là hoàn toàn phù hợp với những mong đợi và sự kỳ vọng của sếp. Hãy duy trì sự liên lạc, hãy đối thoại trực tiếp và kiểm tra mọi thứ.

Mối quan hệ làm việc quan trọng nhất của bạn

Nhà lãnh đạo hay “sếp” là người liên kết bạn với phần còn lại của công ty. Khi mối quan hệ giữa sếp và bạn diễn ra tốt đẹp, hành động của bạn sẽ “ăn khớp” với mục tiêu của công ty và cơ hội thăng tiến trong nghề nghiệp của bạn cũng sẽ lớn hơn.

Ngược lại, bạn sẽ gánh chịu những hậu quả rất rõ ràng khi có sự khúc mắc hay đã làm một điều gì đó khiến mối quan hệ đó bị tổn thương. Và chắc chắn cơ hội thăng tiến cũng sẽ không đến với bạn nếu như bạn không biết chủ động tạo dựng mối quan hệ bằng những bước đi hợp lý.

Các bước hành động

Sau đây là sáu bước đi quan trọng giúp bạn kiểm soát mối quan hệ với sếp một cách hiệu quả nhất:

1. Hãy xác định điều gì quan trọng nhất trong suy nghĩ của sếp

Quan điểm và cách nhìn nhận, đánh giá của sếp về con người bạn rất quan trọng. Bằng cách tìm hiểu các mục tiêu và quan tâm đến những gì đang diễn ra trong đầu sếp, bạn sẽ trở nên có giá trị hơn. Điều này không có nghĩa là bạn cần phải đồng ý với mọi mệnh lệnh mà ông chủ đưa ra. Nếu một khi bạn nắm chắc vấn đề và có lập trường rõ ràng, sự bất đồng ý kiến có thể sẽ được đánh giá rất cao. Nhiều khi, nó có vai trò quyết định trong việc tạo dựng sự tín nhiệm và khiến bạn sẽ nhận được sự ủng hộ của các nhà quản lý.

2. Đặt câu hỏi: “Liệu vấn đề này có ý nghĩa và nhận được sự quan tâm của sếp không?” trước khi đề xuất ý tưởng

Trước khi bạn trình bày một ý tưởng nào đó với sếp, hãy tự đặt câu hỏi trên và suy nghĩ xem bằng cách nào hành động của bạn sẽ đi xa hơn mục tiêu và kỳ vọng mà sếp đã đưa ra với bạn. Khi mà bạn biết cách kết nối các hoạt động với lợi ích của sếp, bạn sẽ có nhiều cơ hội hơn trong việc nhận sự ủng hộ và trợ giúp tất cả những gì mà bạn cần từ sếp.

3. Biến những lời cam kết, hứa hẹn không chắc chắn thành những kết quả đáng kinh ngạc.

Bạn nên cảnh giác và thận trọng với những gì mà bạn cam kết, hứa hẹn thực hiện. Khuynh hướng tự nhiên của con người là muốn gây ấn tượng và làm hài lòng người khác bằng cách tạo ra những cam kết hay hứa hẹn chắc như đinh đóng cột. Sẽ chẳng có gì đáng nói nếu như bạn thực sự hoàn thành cam kết đó như đúng những lời hứa hẹn của mình. Song một khi bạn không đáp ứng được sự mong đợi mà bạn đã tạo ra với người khác, thì không gì có thể cứu vãn được uy tín của bạn. Còn nếu bạn làm đúng như những gì mình hứa, thậm chí vượt quá sự mong đợi của mọi người, đặc biệt là các nhà quản lý, thì sự tín nhiệm của bạn trong con mắt của các sếp sẽ được đánh giá rất cao.

4. Đừng chỉ đơn thuần tập trung vào những vấn đề cần giải quyết

Chắc chắn, sếp của bạn là người rất bận rộn. Vì vậy, trong những khoảnh khắc may mắn khi được làm việc với sếp, bạn không nên chỉ tập trung để nói đến những vấn đề khó khăn, khúc mắc cần giải quyết. Hãy đảm bảo chắc chắn rằng các cuộc gặp gỡ định kỳ giữa sếp và bạn sẽ có sự thảo luận về những vấn đề có tính chất tích cực.

5. Đưa ra các giải pháp

Đừng bao giờ đưa ra một vấn đề với sếp lại không đi kèm đồng thời theo nó một giải pháp. Điều này sẽ tạo cho bạn cơ hội để chứng tỏ năng lực giải quyết vấn đề. Việc đưa ra cách nhìn nhận và đánh giá vấn đề dưới nhiều góc độ khác nhau cũng sẽ rất có lợi cho bạn khi muốn tìm kiếm sự tín nhiệm của sếp.

6. Biết cách thu nhận thông tin phản hồi một cách hiệu quả

Việc nhận thông tin phản hồi một cách thường xuyên từ các nhà quản lý là rất quan trọng. Nếu như bạn không làm được điều này, nhiều khả năng bạn sẽ phải chịu rủi ro khi sếp tỏ ra ngạc nhiên vì bạn đã thực hiện công việc hoàn toàn không đúng như yêu cầu và mục tiêu mà sếp đã đưa ra.

Tuy nhiên, cách bạn thu nhận thông tin phản hồi từ sếp còn quan trọng hơn, và điều này lại phụ thuộc vào tính cách và phong thái của các sếp.

Thành công trong sự nghiệp của bạn phần nhiều có được từ việc xây dựng các mối quan hệ với mọi người trong công ty. Và không mối quan hệ nào có thể ảnh hưởng tới sự thăng tiến nghề nghiệp hơn là mối quan hệ với các sếp. Ngày nay, chiến lược quản trị các mối quan hệ nắm vai trò thống trị thế giới. Đã đến lúc bạn cần phải học và biết cách áp dụng chúng, để tối đa hóa mọi lợi ích cũng như đạt được các kết quả mà bạn muốn trong cuộc sống.

Bí quyết xây dựng mối quan hệ vững chắc với sếp mới

Sếp là nhân tố quyết định sự thỏa mãn trong công việc hiện tại cũng như thành công tương lai của bạn tại công ty. Đây là mối quan hệ đáng để bạn đầu tư xây dựng ngay từ những ngày làm việc đầu tiên.

Dưới đây là một số bí quyết tạo dựng nền móng vững chắc cho mối hợp tác bền vững với sếp:


Quan sát và học hỏi sếp

"Trong những ngày đầu tiên tại công việc mới, nhiệm vụ quan trọng nhất của bạn là để ý tới văn hoá công ty và quan sát phong thái làm việc của sếp. Đừng vội đưa ra những đánh giá phiến diện cho tới khi bạn hiểu rõ văn hoá công ty, những điều mọi người yêu thích cũng như ghét bỏ", Terese Corey Blanck, giám đốc của công ty tư vấn việc làm College to Career, nói.

Bên cạnh đó, đặt ra những câu hỏi thông minh sẽ giúp sếp có cái nhìn thiện cảm hơn về bạn. Đừng hỏi những điều đã quá rõ ràng hoặc ngại hỏi vì sợ người khác nghĩ mình thiếu năng lực. Hãy nhớ rằng sếp sẽ hài lòng nếu bạn hỏi thay vì lẳng lặng làm việc và mắc sai lầm.

"Chiều" theo phong cách giao tiếp của sếp

Một số người quản lý thích gặp để trực tiếp giao việc cho nhân viên và giám sát chặt chẽ. Một số khác lại thích giao việc cho cả tuần. Dù phong cách làm việc của sếp là gì, bạn cần có biện pháp kết nối hiệu quả với sếp. Kể cả qua email, điện thoại hay tới phòng sếp, hãy thường xuyên cập nhật với sếp về nhiệm vụ hiện tại, kết quả, khó khăn và thành công…

Vẻ ngoài và cách cư xử chuyêp nghiệp

Allison Hemming, người thành lập công ty cung ứng lao động The Hired Guns, kể câu chuyện về một nhân viên công ty giới mình thiệu cho một ngân hàng lớn. “Cô ấy có trình độ và kỹ năng rất tốt. Tuy nhiên, chỉ sau 2 tuần làm việc, sếp của cô ấy gọi điện và đề nghị chúng tôi nói chuyện với cô ấy rằng vẻ ngoài sẽ ảnh hưởng tới công việc hiện tại. Cô ấy ăn mặc không thích hợp, thường xuyên mặc váy ngắn, áo trễ cổ… Những lỗi cơ bản về cách ăn mặc đã phá vỡ mối quan hệ của cô ấy với sếp và đồng nghiệp xung quanh”.

Môi trường làm việc chuyên nghiệp đòi hỏi trang phục và cách ứng xử thích hợp. Bạn hãy tìm hiểu nội quy công ty và cách ăn mặc của đồng nghiệp để xây dựng phong cách thời trang công sở của riêng mình một cách nhã nhặn, lịch sự.

Thể hiện sự chủ động

Là một nhân viên mới, thay vì ngồi một chỗ và chờ mọi người sai bảo, bạn nên chủ động tham gia vào công việc chung.

“Hãy chủ động làm việc khi nhìn thấy có việc cần hoàn thành. Chẳng hạn, đơn giản như nghiên cứu tài liệu về sản phẩm/ dịch vụ trước khi sếp giao cho bạn. Hoặc những việc nhỏ nhặt khác như photo tài liệu cho đồng nghiệp”, Corey Blanck, khuyên bạn.

Stephen Viscusi, tác giả cuốn sách Làm thế nào để xây dựng một thế giới việc làm thực sự?, bổ sung: “Hãy đến sớm và về muộn. Bạn nên bận rộn khi bắt đầu công việc mới, học hỏi những điều mới và dù chưa được giao nhiều việc, bạn cũng không nên ngồi yên một chỗ trong khi đồng nghiệp đều tất bật với công việc”.

Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ

Điều này đã quá rõ ràng khi bạn muốn phát triển mối quan hệ bền vững với sếp. “Hãy giúp đỡ và khiến sếp được ca ngợi bằng cách làm việc chăm chỉ. Đổi lại, bạn cũng được sếp đánh giá cao và coi trọng”, Viscusi nói.



Tham khảo thêm bí quyết xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với đồng nghiệp

Bí quyết tạo dựng mối quan hệ tốt với đồng nghiệp

Trên thực tế chúng ta dành nhiều thời gian trong cuộc sống của mình bên cạnh đồng nghiệp hơn cả gia đình, vì vậy những mối quan hệ với các đồng nghiệp cũng rất quan trọng.

Ảnh minh họa.

Những người đồng nghiệp sẽ giúp đỡ bạn rất nhiều. Để có thể có được mối quan hệ tốt đẹp với họ, hãy ủng hộ, động viên, giúp đỡ họ vào những lúc cần thiết. Xây dựng và giữ mối quan hệ tốt đẹp với đồng nghiệp sẽ giúp cho cả bạn và đồng nghiệp cùng tiến bộ trong công việc. Đồng nghiệp cũ cũng có thể trở thành đầu mối liên lạc cho bạn trong công việc sau này. Một vài mẹo nhỏ để tạo dựng những một mối quan hệ tốt với đồng nghiệp:

Định hướng lâu dài

Hãy xác định rằng bạn và các đồng nghiệp của bạn sẽ làm việc với nhau trong thời gian dài, bạn sẽ có một cách ứng xử thận trọng và chân thành hơn. Cho dù bạn không có ý định làm việc lâu dài ở công ty đó nhưng hãy luôn định hướng như vậy, khi bạn không làm trong công ty nữa bạn và các đồng nghiệp cũ vẫn có thể là bạn tốt của nhau. Đừng làm việc kiểu đến rồi đi như cơn gió mà không để lại gì, có thể những mối quan hệ này sẽ tốt cho công việc của bạn trong tương lai.

Chủ động giúp đỡ người khác

Hãy sẵn lòng giúp đỡ mọi người, kể cả những người giỏi hơn bạn vẫn luôn cần giúp đỡ ở một vài lĩnh vực nào đó. Một khi các đồng nghiệp của bạn nhận ra lòng tốt của bạn mọi người sẽ cởi mở và thân thiện với bạn hơn. Sẽ rất tốt nếu bạn làm việc này một cách chủ động và tế nhị, mọi người sẽ không chỉ nghĩ rằng bạn là một nhân viên tốt mà còn rất “tâm lí” nữa.

Kiên nhẫn

Hãy tỏ ra kiên nhẫn với mọi người người, nhất là những người không thật sự nổi bật. Mỗi người có những khả năng khác nhau vì vậy bạn cần cho họ thời gian để thể hiện những ưu điểm của mình. Một lúc nào đó đồng nghiệp sẽ nhận ra thiện chí của bạn, bằng cách này bạn có thể khiến các đồng nghiệp gắn kết với bạn và với nhau, công việc cũng sẽ nhờ đó mà thoải mái hơn.

Chân thành

Quan trọng nhất là bạn phải chân thành, hãy coi những mối quan hệ này như là một phần trong cuộc sống của bạn và đối xử tử tế với mọi người. Không có gì thuận lợi hơn là làm việc trong một môi trường thân thiện và đoàn kết. Điều đó không những cho công việc mà còn khiến chính bản thân bạn yêu mến công việc hơn.

Bí quyết xây dựng mối quan hệ với cấp dưới

Xây dựng và duy trì mối quan hệ tốt đẹp với nhân viên cấp dưới có vai trò hết sức quan trọng. Tuy nhiên, nhiều người ở vị trí cao thường cho rằng cấp dưới mới phải chú trọng tới mối quan hệ với cấp trên và phớt lờ trách nhiệm này.

Người quản lý cần xây dựng và duy trì mối quan hệ tốt đẹp với nhân viên cấp dưới.

Trên thực tế, mối quan hệ tốt đẹp với nhân viên sẽ góp phần đảm bảo công việc diễn ra trôi chảy hơn, đồng thời nâng cao lòng trung thành của họ với công ty. Do đó, bạn nên “chăm chút” cho mối quan hệ với cấp dưới để tạo lợi thế cho công việc lẫn sự nghiệp của mình.

Dưới đây là một số gợi ý giúp bạn chinh phục trái tim của nhân viên:

Quan tâm tới nhân viên

Nếu bạn luôn làm việc trong phòng/góc làm việc riêng và không mấy khi đi tới chỗ nhân viên, chính bạn đang tạo ra những rào cản và khoảng cách với cấp dưới. Thay vào đó, hãy cởi mở hơn với nhân viên bằng cách làm việc với họ trong một không gian mở, nơi bạn có thể nhìn thấy nhân viên và họ cũng thấy bạn. Như vậy sự tương tác giữa bạn với nhân viên sẽ tăng lên đáng kể và họ sẽ cảm thấy gần gũi hơn với bạn.

Còn nếu điều kiện không cho phép và bạn phải làm việc phòng riêng biệt, hãy cố gắng có mặt thường xuyên ở chỗ nhân viên hoặc hãy đi ăn trưa cùng họ.

Hợp tác

Ai cũng muốn được đánh giá cao và cảm thấy rằng mình góp phần quan trọng trong dự án. Đây cũng chính là mục đích của làm việc theo nhóm và nó là một phần quan trọng trong việc xây dựng nhuệ khí làm việc cho nhân viên. Nếu thúc đẩy kiểu hợp tác này, bạn sẽ củng cố mối quan hệ với cấp dưới, đồng thời làm gia tăng lòng trung thành của họ với công ty.

Chứng tỏ khả năng lãnh đạo

Quan trọng không kém hợp tác là chứng tỏ được khả năng lãnh đạo, dẫn dắt nhân viên của mình. Lãnh đạo được biểu hiện theo nhiều cách. Bạn cần phải quyết đoán, biết truyền cảm hứng, sẵn sàng chịu trách nhiệm cho cả thành công lẫn thành bại của công việc, thể hiện sự thấu hiểu những nhu cầu khác nhau của từng nhân viên... Nếu bạn làm được những điều đó, nhân viên sẽ tôn trọng bạn và muốn cống hiến hết khả năng của họ cho bạn.

Trao quyền

Một trong những nguyên nhân gây ra sự bất mãn ở nhân viên là không có quyền hạn trong công sở. Nhiều sếp không tin tưởng nhân viên để trao cho họ quyền quyết định và tự chủ trong công việc, dù là với những việc nhỏ nhặt.

Để hạn chế sự bất mãn này, hãy trao quyền chủ động cho nhân viên ở một số vấn đề nhất định. Như vậy, nhân viên có thể chứng minh khả năng của mình một cách tốt nhất và mối quan hệ của bạn với họ sẽ bền chặt hơn.

Thăm dò ý kiến

Nếu muốn cải thiện mối quan hệ với cấp dưới, bạn cần phải biết họ nghĩ gì về mình, về những điều tốt và chưa tốt trong công việc. Một trong những cách hiệu quả nhất đề biết được điều đó là sử dụng bản đánh giá mức độ thoả mãn của nhân viên. Hiện nay các công ty đều làm điều này nhưng thực hiện còn qua loa, sơ sài, mang tính ép buộc. Nếu muốn tạo ra những thay đổi tích cực trong công việc cũng như mối quan hệ với cấp dưới, bạn cần thực hiện thăm dò ý kiến nhân viên một cách nghiêm túc hơn.


Tạo mối quan hệ tốt với đồng nghiệp

Cách tạo dựng mối quan hệ hiệu quả

Trẻ và các mối quan hệ

Cách thăng tiến

Học cách nói chuyện hay thu hút mọi người


(st)