Xu hướng chơi cây cảnh hiện nay

Xu hướng chơi cây cảnh hiện nay. Những hướng phát triển của nghề chơi cây Việt Nam hiện tại và tương lai.



Xu thế chơi cây cảnh thời hiện đại

Thị trường cây cảnh đặc biệt là cây ngoại cảnh (đại ngoại cỡ) mà chủ yếu ở một số tỉnh đồng bằng và trung du miền Bắc từ giữa năm 2011 đến nay thật là ảm đạm, không còn cái không khí sôi động chở gốc phôi cực đại từ nơi này sang nơi khác, hay như ông chủ nhà vườn nào đó mua được một vài gốc sanh khủng thì hàng chục người khác nhào đến xem, bình phẩm, trả giá hoặc tấm tắc khen ngợi, từ đó tạo nên một cuộc rượt đuổi tìm mua phôi sanh vô cùng sôi động nhưng các cuộc rượt đuổi cũng đã dừng lại. Những phôi sanh loại khủng chất đầy các nhà vườn cũng đóng băng qua một mùa đông giá và giờ đây đã qua cả 1 mùa hè. Vậy có hi vọng nào cho sự khởi sắc vào cuối năm 2012? Các tín hiệu từ thị trường cho thấy sản phẩm sanh (nhất là cây khủng vẫn bị ế ẩm mà nguyên nhân đã được cảnh báo nhiều lần là xu hướng chạy theo phong trào dẫn tới cung vượt quá cầu và một lối chơi cực đoan gần như chỉ độc tôn một loại cây).

 

Một món ăn dù khoái khẩu đến mấy, ăn một vài bữa người ta thấy chán phải ăn món khác. Cây cảnh nghệ thuật – món ăn tinh thần của công chúng thưởng ngoạn cũng không thể bắt người ta thưởng thức mãi một loài cây độc tôn. Vẫn mấy cây sanh được giải từ những năm trước đem đi trưng bày triển lãm một hai lần, đến lần thứ ba còn ai muốn ngắm nữa. Người ta mong được chiêm ngưỡng những tác phẩm mới với những ý tưởng sáng tạo mới.

Tôi chẳng mặn mà lắm với các cuộc triển lãm cây cảnh mùa xuân vừa qua ở một số địa phương miền Bắc vì cây sanh vẫn chiếm đến 80%. Các bức ảnh chụp các cuộc triển lãm đăng trên VNHS, trên mạng cũng toàn cây sanh với một vài kiểu dáng đơn điệu, một lối mòn thẩm mỹ. Phải chăng VNHS và các báo đài góp phần khuyến khích phát triển loại cây này?

Sự vận động nào trái quy luật cũng sẽ bị trả giá. Một số ông chủ vườn năm trước còn tuyên bố hùng hồn rằng “chỉ có làm như tôi, trồng sanh như tôi là không bao giờ mất giá, càng để lâu càng có giá, ông cứ trồng sanh như tôi là sẽ giàu nhanh”. Câu trả lời bây giờ thì sao?

Quả thật thời gian qua cây sanh cũng làm cho một số người giàu nhanh nên đua nhau nhập sanh chật ních vườn, giờ đây thừa ế trở thành hoang hóa. Hầu hết các chủ vườn kinh doanh đều thiếu kiến thức nghệ thuật và thị trường cho nên họ kinh doanh theo kiểu ăn may, kiểu “người tính không bằng trời tính”. Những hộ không am hiểu về nghệ thuật cây cảnh cũng chẳng có mấy kiến thức về thị trường để xác định mục tiêu, tiềm năng mà định vị được sản phẩm của mình nên làm theo kiểu chạy đua, bắt chước. Kinh doanh kiểu đó không đổ vỡ mới lạ.

Người làm cây cảnh lẽ ra phải định hướng được cho người chơi nhưng một số người làm cây cảnh cũng chỉ biết một loại cây là sanh chứ ít biết các loại cây khác vậy mà cũng chưng cái biển to tướng “nhà vườn cây cảnh”. Hơn 10 năm trước, đi một số nơi tôi thấy nhiều vườn còn phong phú chủng loại cây lắm, nhu cầu trang trí cần loại cây nào có cây ấy. Hơn 10 năm sau các vườn như trên biến mất nhường chỗ cho một loại vườn rặt một cây sanh. Thử hỏi theo thuật phong thủy chỗ nào cũng đặt được cây sanh hay sao mà các vị chỉ sản xuất và cung cấp cho người ta một loại cây ấy.

Đã đến lúc chúng ta phải nói lời chia tay với lối chơi độc tôn một loại cây, đồng thời cần tạo dựng những vườn cây cảnh phong phú về chủng loại, trong đó ưu tiên những cây đặc hữu của từng vùng miền.

Vấn đề này,VNHS và nhiều nơi khác đã đề cập khá nhiều lần rồi nên tôi không bàn thêm nữa, chí có một điều, tôi cần nhắc lại rằng, chúng ta thường tự hào và cả thế giới cũng ca ngợi “VN là một trong 16 quốc gia đa dạng sinh học” nghĩa là rất phong phú, đa dạng về động thực vật. Vậy mà trong nghệ thuật cây cảnh của ta không lẽ chỉ độc tôn loài sanh?

Những phân tích nhận định và suy nghĩ về hướng đi của tôi có thể chưa chuẩn xác mong quý vị chỉ giáo thêm.
 

Xu thế phát triển cây cảnh nghệ thuật Việt Nam
 

Trân trọng giá trị đích thực của cây cảnh, đa dạng hóa chủng loại, đa dạng hóa kích cỡ cây cảnh và tích cực đầu tư trí tuệ, thời gian, công sức để tạo tác và sở hữu những tác phẩm cây cảnh có giá trị nghệ thuật cao và giàu tính thời đại,… là xu thế phát triển của nền nghệ thuật cây cảnh Việt Nam.
 

Sau gần 20 năm chơi cây cảnh, tôi có dịp được đến thăm hàng trăm nhà vườn, sân cây, khuôn viên tư gia và công sở; được tham quan nhiều cuộc triển lãm từ cấp xã, huyện, tỉnh rồi toàn quốc; được tiếp xúc với nhiều người chơi và kinh doanh cây cảnh, trong đó có những nghệ nhân, những người chơi cây có tài năng và tâm huyết với cây cảnh nghệ thuật; được đọc và nghiên cứu hàng chục cuốn sách, hàng trăm bài báo, tài liệu về cây cảnh; được dự một số cuộc hội thảo, tọa đàm về cây cảnh… Qua đó tôi được chiêm ngưỡng, thưởng thức, được thực sự rung động trước những tác phẩm nghệ thuật cây cảnh, được học hỏi kinh nghiệm, và thán phục tài năng của lớp người thực sự gửi trọn tình yêu và công sức sáng tạo của mình cho thú chơi tao nhã, cao quý này. Bản thân tôi cũng từng trăn trở, suy nghĩ va say mê tạo dựng một số tác phẩm và cũng từng được hưởng những thành quả sáng tạo của mình, và cũng từng được nếm trải những thất bại, thậm chí đến mức cay đắng do nhận thức yếu kém của bản thân.

 


 

Tữ những trải nghiệm của chính mình trong quá trình nêu trên, tôi xin nêu thử đôi điều nhận thức của mình về xu thế phát triển cây cảnh nghệ thuật ở Việt Nam, để chúng ta cùng tham khảo, luận bàn.

Theo tôi, xu thế phát triển cây cảnh nghệ thuật ở nước ta thể hiện ở một số điểm dưới đây:

- Một là: giới chơi cây trân trọng giá trị đích thực của cây cảnh theo những tiêu chí nghệ thuật đã được khẳng định, đó là Cổ, Kỳ, Mỹ

Cây cảnh quí ở Cổ, càng lâu đời, nhiều tuổi càng có giá trị cao. Đây là cái giá của thời gian, của lịch sử, cái giá của sự tạo tác, chăm sóc bảo tồn truyền từ đời nọ sang đời kia và được nhiều thế hệ trân trọng, gìn giữ coi như của gia bảo, tài sản quý của dòng tộc không chỉ đo bằng giá trị tiền bạc mà chủ yếu mang giá trị tinh thần, bởi một cây cảnh cổ nó có thể nói lên gia phong, truyền thống của cả một dòng họ hoặc có thể coi là nhân chứng lịch sử. Nhưng quí cái “cổ tự nhiên” bao nhiêu càng phải quý cái “cổ nhân tạo” bấy nhiêu vì đó là sự sáng tạo của người nghệ sĩ.

Cái Kỳ của cây cảnh được người chơi cây rất chú trọng bởi chính nó tạo nên dáng lạ, nét khác biệt với những cây khác, vì thế nó để lại những ấn tượng khó quên dù chỉ gặp một lần. Nét Kỳ thường được thể hiện chủ yếu trên mâm rễ, thân, cành cơ bản; nét Kỳ cũng là nơi thể hiện tài năng, trí sáng tạo kết tinh trong từng tác phẩm của người nghệ sĩ cây cảnh.;

Cái Mỹ là tiêu thức tổng hợp nói lên vẻ đẹp của cây cảnh. Đó chính là hình tượng nghệ thuật, là vẻ đẹp hút hồn, làm rung động lòng người của tác phẩm cây cảnh nghệ thuật, vẻ đẹp ấy là sự tổng hợp 2 yếu tố là Cổ và Kỳ cộng hưởng trong hình tượng nghệ thuật với bố cục chặt chẽ, tỷ lệ hài hòa giữa các bộ phận của cây (bệ, thân, chi, dăm…) hài hòa giữa cây với đôn chậu, với các vật phối trang trí như đá, tượng gốm, sứ, rêu, cỏ… vì vậy Mỹ chính là đất để người nghệ sĩ thả sức sáng tạo, thả hồn vào tác phẩm.

- Hai là: giới chơi cây càng hướng tới đa dạng hóa chủng loại cây cảnh theo phương châm “Cây gì đẹp cũng chơi, cũng trân trọng như nhau”. Như vậy, cây sanh không còn chiếm tỉ lệ cao tuyệt đối như hiện nay nữa (nhiều vườn cây tỉ lệ này lên tới 90-95% thậm chí là 100% là điều khó chấp nhận được với một đất nước đa dạng sinh học như ở nước ta)

Trong cuốn sách “Những tác phẩm sinh vật cảnh tiêu biểu Việt Nam” do Trung ương Hội sinh vật cảnh Việt Nam vừa ấn hành tháng 12/2011, ban biên tập đã đưa ra một sưu tập cây cảnh tiêu biểu khá phong phú về chủng loại, trong đó cây sanh chiếm 45%. Phải chăng đây là một sự định hướng tế nhị cho giới cây cảnh Việt Nam: bên cạnh cây sanh cần hướng tới các chủng loại khác nhằm đa dạng hóa chủng loại trên sân chơi của mình

- Ba là: giới chơi cây cũng đa dạng hóa kích cỡ, tầm vóc cây cảnh

Cây cảnh trồng trong chậu đạt tiêu chuẩn nghệ thuật nhất định với kích cỡ truyền thống cũng là kích cỡ quốc tế hiện nay có vẻ đẹp hoàn hảo sẽ được đặc biệt chú ý, trân trọng. Nhóm cây này sẽ trở thành tâm điểm thu hút sức sáng tạo của nghệ nhân và cũng là mặt hàng hấp dẫn người chơi tinh tế. Nó được trưng bày trang trọng trong phòng khách, bên bàn trà, trong phòng ngủ, phòng làm việc như một vật trang trí cao cấp, một phương tiện giải trí đặc biệt. Được biết, vài năm gần đây, đã xuất hiện một vài “Câu lạc bộ cây cảnh nghệ thuật mini” tập hợp những người chỉ tán thành lối chơi với kích cỡ khắt khe với nghệ thuật đỉnh cao của cây cảnh. Thật đáng mừng!

Những cây cảnh ngoại thất – cây đại ngoại cỡ mà ta thường vui gọi là “Cây cảnh cẩu” (vì nó phải dùng xe cẩu mới nâng hạ, chuyển dịch đc) vẫn được ưa chuộng nếu nó đạt tiêu chuẩn nghệ thuật (Cổ, Kỳ, Mỹ). Bởi vì nó sẽ rất đắc dụng khi được bài trí cho không gian rộng: khuôn viên của những biệt thự sang trọng, những công sở, những trụ sở doanh nghiệp, những quảng trường thành phố, những công viên, những khu sinh thái cao cấp… những không gian tầm cỡ như vậy ngày càng có nhiều trong xã hội ptr theo hướng văn minh – hiện đại. Và đương nhiên có Cầu sẽ có Cung. Chỉ có điều cần lưu ý là: thứ nhất, cây cảnh dù cỡ nào cũng phải đạt tiêu chí nghệ thuật cao, và thứ hai, nó chỉ được mua bán trao đổi với giá trị thật của nó chứ không phải là giá “ảo” kiểu buôn bán chộp giật. Đành rằng nghệ thuật là vô giá, nhưng vô giá không có nghĩa là không tính được giá thực của nó. Mảng cây ngoại cảnh – đại ngoại cỡ này chỉ nên phát triển ở mức độ “cung đủ cầu” chứ không nên hám lợi vì giá trị ảo mà ptr ồ ạt dẫn đến dư thừa “cung quá cầu” như thời gian vừa qua.

- Bốn là: giới chơi cây cảnh chỉ mua cây cảnh phù hợp với lối chơi của mình, kích cỡ phù hợp với không gian trưng bày (đương nhiên nó phải đạt được các tiêu chí của ccnt). Sẽ không có người chơi có hiểu biết nào lại nhắm mắt chạy theo những cây có giá khủng, đắt đến mức phi lí, chỉ nhằm “đánh bóng thương hiệu đại gia”, để được nổi tiếng là “người sở hữu cây đắt tiền nhất Việt Nam” (cũng xin lưu ý là: nghe nói cây cảnh Việt Nam có giá đắt nhất thế giới!) Như vậy những cây cảnh có giá cỡ vài ba chục tỉ đồng, thậm chí hàng trăm tỉ đồng, chắc chắn không nằm trong “tầm ngắm” của những người chơi cây đích thực – những người chơi có tri thức nghệ thuật và có bản lĩnh.

- Năm là: giới chơi cây ngày càng có nhiều người trở thành nghệ sĩ sáng tác. Họ đặc biệt đầu tư chất xám, thời gian, công sức để sáng tạo nên những tác phẩm độc đáo, có giá trị nghệ thuật và kinh tế vừa giàu tính thời đại vừa để khẳng định mình nói riêng vừa để lại dấu ấn nghệ thuật của thế hệ họ cho mai sau. Đó chính là cái đích đi tới của mỗi nghệ sĩ cây cảnh, mà nói như tác giả Trần Mạnh Hà thì cái đích này được hình thành từ hai yếu tố tạo nên hai nửa của một tài năng đích thực: Yếu tố thứ nhất là những trải nghiệm cá nhân của chính tác giả trong quá trình thực tế làm cây cảnh, yếu tố thứ 2 là những quan điểm mang tính phương pháp luận mà bản thân tác giả đó chịu ảnh hưởng từ các nguồn khác nhau (sách báo, truyền nghề, đồng nghiệp, hội thảo…) (VNHS 4/2012)

Sẽ ngày càng ít đi những mô tip ít mang đến một kích ứng sáng tạo đáng kể nếu không nói là quá nhàm chán như kiểu “cây đa làng”, hoặc kiểu “cây chong chóng” với bốn cành nam bắc đông tây và một ngọn chính giữa,.. và bù vào đó sẽ là ngày càng có nhiều kiểu dáng phong phú, đa dạng, bắt mắt và dễ làm say đắm lòng người.

Đáng mừng nữa là, giới chơi cây đang từng bước vứt bỏ những định kiến lỗi thời, bảo thủ, bù lại, họ từng bước tiếp thu có chọn lọc tinh hoa của các vùng miền trong nước từ Bắc chí Nam, đặc biệt là tinh hoa của các nước vốn có truyền thống chơi cây cảnh lâu đời như bonsai Nhật Bản, hay penjing-bồn tài của Trung Quốc, Indonesia… Đây chính là nhịp cầu quan trọng, để văn hóa cây cảnh Việt Nam sớm hội nhập với nền nghệ thuật cây cảnh thế giới.

Tóm lại, có thể nói: trân trọng giá trị đích thực của cây cảnh, đa dạng hóa chủng loại, đa dạng hóa kích cỡ cây cảnh và tích cực đầu tư trí tuệ, thời gian, công sức để tạo tác và sở hữu những tác phẩm cây cảnh có giá trị nghệ thuật cao và giàu tính thời đại,… là xu thế phát triển của nền nghệ thuật cây cảnh Việt Nam. Thật đáng mừng cho hướng đi của cây cảnh nghệ thuật nước nhà.

Trịnh Trọng Quý
Nguồn: Việt Nam hương sắc - 226


(St)



Cách chăm sóc cây cảnh trong chậu cho cây phát triển tốt nhất
Ý nghĩa của các loại cây cảnh
Phong thủy cây cảnh trong nhà
Hướng dẫn làm cây cảnh bonsai phát triển tốt và đẹp