Xu hướng lấy chồng muộn

Trong các xã hội phát triển, xu hướng phụ nữ lập gia đình muộn hoặc không lập gia đình ngày một nhiều. Tại Việt nam, những năm gần đây, xu hướng phụ nữ lập gia đình muộn cũng đã trở nên khá phổ biến




Người con gái ngày xưa, bước vào tuổi dậy thì, khoảng 15,16 tuổi, có khi còn nhỏ hơn thì cha mẹ đã tìm cách gả chồng. Người chồng, như một mục đích, một chỗ dựa cho người phụ nữ. Vì thời ấy, không học hành, không nghề nghiệp, người phụ nữ biết làm gì ngoài việc... lấy chồng?

Lấy chồng càng sớm càng tốt, khỏi lo “ế” và cha mẹ cũng yên tâm. Thế nhưng ngày nay mọi chuyện đã khác. Con gái cũng được cha mẹ cho ăn học, đầu tư cho nghề nghiệp và họ cũng giỏi giang, thành đạt, cũng làm rạng rỡ gia đình không kém gì con trai... Và để được như thế, họ không thể lấy chồng sớm được.
 

Muộn chồng, khi nào là muộn?

Có nhiều cô gái, đặc biệt là những cô gái từ tỉnh lẻ vào thành phố học, họ thường có chí, chịu khó học hành, siêng năng nên cũng dễ tìm được công việc ở thành phố. Không hiếm người có năng lực, nên thăng tiến rất nhanh và không ngừng vươn lên. Thế nhưng điều làm họ khổ tâm, phải canh cánh bên lòng là cha mẹ ở quê thường hối thúc con gái lấy chồng.

Với nhiều bậc cha mẹ ở xứ ta, có con gái đến 25, 26 tuổi là họ lo cuống cuồng. Có cô còn rất vô tư, lo học hành, vun đắp sự nghiệp, họ yêu đương vi vu nhưng chưa đặt nặng chuyện lấy chồng. Nhưng chính sự lo lắng thái quá làm họ sốt ruột và nhiều khi rất khổ tâm.

 

Đến tuổi mà chưa lấy chồng, các cô gái đối diện nhiều áp lực từ phía gia đình. Ảnh minh họa: eva

Như Minh Hà, nhờ tốt nghiệp Đại học loại giỏi và tham gia nhiều hoạt động của trường, nên khi ra trường cô được nhà trường giữ lại để học lên cao hơn, nhằm đào tạo thành giảng viên đại học. Tưởng điều ấy làm cha mẹ cô ở quê vui lòng, nào ngờ họ chỉ lo rằng con gái học cao rồi ế chồng, họ chỉ mong con gái sớm lấy chồng và học bấy nhiêu đó là đủ.

Minh Hà vẫn học cao học, năng lực của cô có thể bảo vệ luận án Tiến sĩ nhưng cô phải dừng lại ở đó và lấy một người chồng cô chưa thực yêu khi mới 27 tuổi. Chỉ sau một thời gian chung sống, cô nhận ra mình đã lấy nhầm người. Người chồng của cô tuy cũng xong Đại học nhưng trí tuệ thua kém vợ, tính tình lại hẹp hòi, ghen tuông, thiển cận khiến cô rất khổ tâm.

Trong khi bạn học của cô, những cô gái thành phố, không bị cha mẹ hối thúc. Chính họ cũng không nôn nóng lấy chồng nên có người gần ba mươi, hay đã đến tuổi “băm” mới tìm được người mình ưng ý với những suy nghĩ chín chắn để lập gia đình. Chưa kể là khi đó họ có công việc ổn định, có vốn tích lũy nên gia đình cũng sẽ sung túc hơn và họ được bình đẳng, độc lập hơn trong đời sống vợ chồng.

Ngày nay, ở nhiều nước tiên tiến, tuổi kết hôn ở phụ nữ ngày càng cao, như ở Nhật, cách nay một thập niên tuổi kết hôn trung bình của phái nữ là 25 và nay là 29, 30. Ở Mỹ, phụ nữ từ 30 tuổi lập gia đình được xem là lý tưởng nhưng 40 cũng chưa bị xem là “bà cô”.

Phái nữ gặp thuận lợi như vậy vì phái nam ngày nay cũng lập gia đình muộn. Họ dành thời gian để học hành, theo đuổi sự nghiệp, thực thiện những ước mơ, đi đây đi đó cho thỏa chí tang bồng rồi mới nghĩ đến chuyện vợ con. Nhiều quý ông say mê sự nghiệp, khi ngót nghét 40 mới mơ về một tổ ấm của riêng mình.

Tùy quan điểm từng người

Con gái có lứa có thì. Đó là câu nói quen thuộc mà người Việt nam vẫn thường dùng để nói với những phụ nữ chậm lấy chồng. Rất nhiều phụ nữ Việt nam ngày nay hiểu câu nói đó nhưng họ vẫn chậm lấy chồng, mỗi người có một lý do khác nhau để lý giải cho việc chậm trễ của mình.

Nhưng thế nào thì được gọi là chậm lấy chồng? Điều này phụ thuộc vào quan điểm của từng người. Ở Việt nam từ lâu nay người ta vẫn cho rằng người phụ nữ nên lấy chồng trong độ tuổi từ 24 đến 27 là đẹp. Những cô nào đến tuổi băm mà vẫn chưa có gia đình thì thường bị coi là ế.

Thực ra so với các bạn là muộn, nhưng em nghĩ là bình thường vì nhiều khi mình chưa gặp được người vừa ý thôi chứ không có gì cả.

Chị Thu Hiền, 35 tuổi

Trong xã hội Việt nam hiện đại, phụ nữ ở tuổi băm mà chưa chồng không phải là hiếm, nhất là ở các thành phố lớn nơi con người có cái nhìn cởi mở hơn ở nông thôn. Theo thống kê của liên đoàn lao động thành phố Hồ Chí Minh vào khoảng năm 2002, có tới 60% lao động nữ ở các doanh nghiệp thành phố đã xấp xỉ 30 tuổi mà chưa lập gia đình. Lý do mà nhiều chị em đưa ra là công việc bận rộn nên không có thời gian chăm chút cho bản thân hay giao lưu tìm hiểu.

Nhưng cũng có nhiều chị cho rằng mình vẫn chưa gặp được người tâm đầu ý hợp để lập gia đình. Chị Lê Thu Hiền, 35 tuổi, ở Hà nội nói:“Thực ra so với các bạn là muộn, nhưng em nghĩ là bình thường vì nhiều khi mình chưa gặp được người vừa ý thôi chứ không có gì cả.”

Nhiều người thì cho rằng những cô gái tuổi băm mà chưa chồng là ế, tức là không có chàng trai nào để ý. Chị Vũ Khánh Phương, người kết hôn ở độ tuổi 34 ở thành phố Hồ Chí Minh thì không cho như vậy. Chị “chẳng thấy ế vì lúc nào tớ cũng có vài vệ tinh !”

Chị cho biết chị cũng không xác định hay chấp nhận ở vậy mà chẳng qua là chưa gặp được người hợp mà thôi.


Hai bạn trẻ dạo phố Hà Nội bằng xe gắn máy. AFP photo/Hoang Dinh Nam

 
Cũng có những lý do khác nữa được đưa ra để lý giải sự chậm trễ trong việc kết hôn của phụ nữ Việt nam ngày nay. Một lý do khá phổ biến là bận rộn theo đuổi sự nghiệp, học vấn. Xã hội ngày một phát triển, vai trò của người phụ nữ trong xã hội cũng ngày càng được khẳng định. Họ có cơ hội học tập, thăng tiến trong nghề nghiệp. Không hiếm chị em quá bận rộn theo đuổi sự nghiệp, ngoảnh đi ngoảnh lại đã cận kề 40 mà vẫn chưa lập gia đình.

Một lý do khác nữa mà nhiều phụ nữ đưa ra là sự tự chủ về kinh tế. Có không ít các chị em lựa chọn kết hôn muộn vì muốn có một công việc và thu nhập ổn định để không phải mang tiếng là sống dựa vào chồng. Chị Vũ Khánh Phương cho rằng “ít nhất cũng phải lo được một phần kinh tế và không phụ thuộc vào chồng. Có thể nói ít nhất là đừng nên quá phụ thuộc chồng về kinh tế, vì khi có chuyện gì đó xảy ra thì lúc đấy không biết dựa vào đâu, bởi những người phụ nữ chỉ biết dựa vào chồng thì cuộc sống bấp bênh.”

Người phụ nữ hiện đại, tự chủ về kinh tế, có học vấn thường kết hôn muộn một phần nữa cũng bởi những lo ngại về việc mất tự do. Chị Lê Thu Hiền ở Hà nội nói: “Chắc gì mình lấy chồng xong thì đã sung sướng, có khi còn khổ ấy chứ. Mấy đứa ở phòng em mà nó lấy nó bảo mất tự do nhiều lắm. Thứ nhất là về mặt giờ giấc phải về đúng giờ, nhiều khi mình có việc gì bận hay muốn lượn trên phố thì khó.

Xong lại các trách nhiệm, mình sống với bố mẹ thì mình không phải lo cơm nước còn lấy chồng thì mình phải lo, vì dù sao ở Việt nam thì việc cơm nước là việc của người vợ, sau đó có em bé thì vất vả vì có con mọn, thành ra có nhiều thứ. Giờ mình sống với ông bà, sáng ra đã có ông bà, chiều về mình chỉ ăn cơm.”


Cũng đôi lúc chạnh lòng

Mặc dù sống ở thành phố, nơi cái nhìn của mọi người đối với những phụ nữ lập gia đình muộn cởi mở hơn, nhưng không phải vì thế mà các chị không có đôi lúc thấy khó chịu bởi sự giục giã, nói ra nói vào của người thân, bạn bè, hoặc những cái nhìn tỏ vẻ thương cảm. Để đối phó, chị Phương cho biết chị phải trơ ra, coi như không biết, không để ý, xác định lập trường rõ ràng thì mới có thể vui vẻ mà sống.

Chị Phương nói thêm:“Bạn bè mọi người thấy nhơn nhơn quá, vì chắc nói mãi cũng nhàm nên chẳng dám nói. Cũng tuỳ thái độ từng người. Người nào đau khổ quá có khi bị tất cả xông vào chỉ trích thêm, vì đó là xã hội Việt nam hay thò mũi vào chuyện của người khác.”

Tuy nhiên, chị Phương cho rằng mình có một cái may mắn hơn các chị em khác bởi mẹ chị không giục chị lấy chồng, vì bà đã thấy bản thân mình và các cô con gái khác vất vả ra sao sau khi lấy chồng. Thậm chí đã có lúc chị nghĩ sẽ ở vậy mà sinh con một mình. Khi chị nói điều này với mẹ mình, bà cũng không phản đối.


Phụ nữ bán rong trên đường phố Sài Gòn. RFA Photo

 
Chị nói rằng mẹ chị “không sốt ruột vì mẹ mình thương con gái, bà cũng biết xã hội Việt nam người phụ nữ mà cưới chồng xong thì tất nhiên cái phần sung sướng hạnh phúc chưa chắc là bằng sống với mẹ. Mẹ mình thì suy nghĩ thoáng hơn, chính ra là cụ thương con gái theo hướng đấy vì cụ lấy chồng thì cụ quá khổ, thời con gái thì cụ quá sướng.”

Và chị nói thêm với mẹ chị rằng “bây giờ con có công ăn việc làm đàng hoàng, sự nghiệp ngon lành, nếu mà không lấy được chồng làm cho bản thân sướng hơn thì con không lấy đâu.”

Còn chị Hiền thì lại có một chiến thuật khác mà chị đã áp dụng từ khá lâu nay vì bị truy hỏi quá nhiều về chuyện chồng con. Chị cho biết chiến thuật này cũng khá hữu hiệu mặc dù có thể sau lưng chị, người đời có thể vẫn bàn tán chuyện chị chậm lấy chồng, miễn là chị không phải nghe thấy.

Chị cho biết “chị từng này tuổi rồi nhưng chị chưa bao giờ lấy chồng, nên chị chủ động giới thiệu luôn, chị bao nhiêu tuổi rồi, già rồi mà chưa có gia đình. Thế nên mọi người cũng sẽ không hỏi những câu nhiều khi làm chạnh lòng mình, nên chủ động luôn. Nói chung người ta có thể nói sau lưng, nhưng trước mặt thì không bao giờ.”

Lúc trẻ sự đam mê nghiên cứu khoa học gần như lấn át các hứng thú khác. Lúc danh phận đã yên định thì chẳng còn ai làm đối tác với một bà vợ tiến sĩ đã đứng tuổi như mình.

Một tiến sĩ giấu tên

Một tiến sĩ giấu tên ở một trường đại học ở Hà nội sống hiu quạnh ở tuổi 40 tiếc nuối do “lúc trẻ sự đam mê nghiên cứu khoa học gần như lấn át các hứng thú khác. Lúc danh phận đã yên định thì chẳng còn ai làm đối tác với một bà vợ tiến sĩ đã đứng tuổi như mình”

Ngay bản thân những người phụ nữ kết hôn ở độ tuổi ngoài 30 cũng cho rằng mình đã hơi muộn trong việc lập gia đình. Tuy nhiên theo họ thì nếu kết hôn trước độ tuổi 27 thì vẫn là quá sớm. Theo họ thì độ tuổi kết hôn đẹp nhất là từ 27 đến 30. Chị Phương thì nghĩ là “mình lấy ở độ tuổi 30 thì hơn, trẻ hơn, bởi lấy chồng thì phải nghĩ tới chuyện sinh con. Mà cơ thể phụ nữ có thời điểm sinh con chứ không phải như đàn ông.”

Còn chị Hiền thì cho rằng chuyện kết hôn và có con cái là một nghĩa vụ của người phụ nữ với gia đình và xã hội:

“Người ta nói là lấy chồng có con là do trách nhiệm với xã hội, và nó là quy luật. Tất nhiên, bao giờ nó cũng có tính hai mặt, lấy chồng thì mình phải chăm sóc nhưng lại có người để san sẻ tình cảm, đương nhiên được mặt này thì mất mặt khác, nên người ta vẫn muốn lấy chồng.”

Chị cho biết, vào những dịp lễ tết, khi các bạn chị đã có gia đình xum họp chồng con thì chị có đôi lúc cảm thấy hơi cô đơn vì không có người chia sẻ. Nhưng rồi chị cũng dễ dàng vượt qua bởi có rất nhiều thứ giải trí xung quanh, ví dụ như đi du lịch chẳng hạn.

Lấy chồng là chuyện hệ trọng trong cuộc đời con người bởi nó quyết định hạnh phúc cả một đời người. Những chị em kết hôn ở ngoài tuổi băm cho rằng điều quan trọng không phải là ở độ tuổi bao nhiêu mà ở thái độ của họ với cuộc đời và hạnh phúc mà họ có được.

Chồng muộn, con muộn không còn là nỗi lo

Sự tiến bộ của y học và xu thế có ít con, cũng góp phần vào việc những cô gái hiện đại không quá lo lắng khi lấy chồng muộn. Họ chỉ cần có một hoặc hai con là đủ. Ngày xưa, người phụ nữ lập gia đình sớm cũng vì sợ lớn tuổi việc sinh nở khó khăn. Họ cho rằng khi ngoài 30 xương chậu phụ nữ sẽ cứng, khó co giãn có thể dẫn đến những tai biến khi sinh.

Ngày nay y học tiến bộ vượt bậc, nên những trở ngại khi sinh nở có thể biết trước nhờ siêu âm và theo dõi để kịp thời khắc phục, giúp mẹ tròn con vuông. Ở các nước tiên tiến, có những phụ nữ đến tuổi ngoài 40 hoặc đến 50 mới làm mẹ lần đầu không còn là chuyện lạ. Tất nhiên, chuyện gì cũng có giới hạn của nó.

Từ lâu y học đã khuyến cáo phụ nữ không nên sinh con muộn, cụ thể là sau tuổi 40, vì sức khỏe của bé. Chưa kể cảnh “mẹ già con cọc” khi mẹ lớn tuổi con vẫn còn bé sẽ ảnh hưởng không tốt đến việc nuôi dạy con. Ở phương Tây, có những phụ nữ ngoài 60 vẫn muốn sinh con bị phê phán vì khi con họ mới 10 tuổi thì người mẹ đã là một bà già lụm cụm hoặc chẳng may qua đời khiến trẻ phải bơ vơ, côi cút...

Hạnh phúc không bao giờ là muộn

Có những phụ nữ thời trẻ, họ không có cơ hội gặp được người yêu mình thật lòng. Có người vì quá nặng gánh gia đình, lo cho các em ăn học hay chăm sóc cha mẹ hoặc có quá đam mê một công việc nào đó nên quên... yêu. Thế rồi khi tuổi đã lớn, họ mới có cơ hội gặp gỡ, tình yêu xuất hiện.

Mai là một cô gái không đẹp nhưng rất tận tụy. Người mẹ đau ốm luôn, gia đình luôn thiếu thốn, học xong Sư phạm, cô đi dạy với quyết tâm lo cho hai em ăn học, nên có người con trai nào mến người mến nết muốn cưới Mai làm vợ, cô cũng từ chối vì e ngại lấy chồng cô sẽ không lo chu toàn cho mẹ và em. Đến khi mọi bổn phận tạm xong thì cô cũng đến tuổi 40.

Có người muốn đến với cô, em cô cho rằng tuổi ấy không còn sinh nở được thì lấy chồng làm gì. Bạn bè có người ái ngại rằng Mai có nhà cửa, liệu có bị đào mỏ. Nhưng rồi khi gặp được một đàn ông góa vợ, đôn hậu, Mai đã rung động và lên xe hoa ở tuổi 43.

Vài năm sau, cô con gái riêng của chồng lập gia đình, Mai cũng chăm sóc, lo lắng như đó chính là con mình. Khi cô gái sinh nở Mai cũng thưa với bên chồng để đem con gái về nuôi. Đứa cháu ngoại được bà nâng niu từ tấm bé giờ đây đã lên 3 quấn quýt bà hơn ai hết. Mai thực sự tìm thấy hạnh phúc trong tổ ấm của mình. 

Vừa qua ở Tp. Hồ Chí Minh có một đám cưới được dư luận quan tâm và ủng hộ, đó là đám cưới của một phụ nữ trí thức ở tuổi 76, lần đầu kết hôn với một Việt kiều tuổi 80, đã ở vậy nuôi 5 người con sau hơn 30 năm góa vợ. Họ quen nhau từ mấy năm trước, lâu nay vẫn xem nhau như bạn bè và chỉ có ý định tiến tới hôn nhân khi tìm thấy sự đồng điệu thực sự về tâm hồn.

Nhìn cô dâu rạng rỡ trong áo cưới, hoa tươi bên cạnh chú rể lịch lãm khiến ai cũng nghĩ “hạnh phúc không bao giờ là muộn”.



(St)



Những người đẹp muộn chồng
Gái muộn chồng yêu phải chàng hà tiện
Xuân muộn của người đàn bà có chồng bị cave 'tặng' H
Những cô gái trầm cảm vì muộn chồng
Lấy chồng muộn hơn bạn bè có rất nhiều cái "được"