Xử lý khi bị chân tay miệng


Tay chân miệng là một trong những dịch bệnh nguy hiểm, có thể gây tử vong cao và sẽ tăng cao vào tháng 4 - 5 này. Do đó, việc phát hiện các triệu chứng bệnh và ngăn chặn dịch trở nên cấp thiết.


Triệu chứng bệnh tay chân miệng



Triệu chứng bắt đầu xuất hiện sau khi nhiễm virus từ 3 - 6 ngày. Biểu hiện sớm nhất của bệnh là mệt mỏi, sốt nhẹ (38 - 38,5 độ C), đau họng, sổ mũi diễn ra trong vài ngày. 

Sau đó bệnh chuyển sang giai đoạn toàn phát. Đầu tiên là sự xuất hiện các mụn nước ở niêm mạc miệng, thường là ở mặt trong má, lợi, mặt bên của lưỡi; các mụn nước có kích thước nhỏ (2 - 3mm) nằm trên một nền niêm mạc viêm đỏ. Các mụn nước trong miệng thường dập vỡ rất nhanh tạo ra các vết trợt loét rất đau rát làm bệnh nhân khó ăn uống.
Tiếp theo, xuất hiện các mụn nước, bọng nước ở bàn chân, bàn tay, đôi khi gặp cả mụn nước, bọng nước ở mông. Các mụn nước, bọng nước này thường không gây đau rát; chúng tồn tại trong vòng 7 đến 10 ngày rồi xẹp xuống và tự mất đi kể cả khi không được điều trị. Bệnh nhân có khả năng lây bệnh cho người khác qua đường hô hấp trong 1 tuần đầu bị bệnh. Bệnh nhân còn có khả năng đào thải virus qua phân trong vòng vài tuần sau. 

Sau khi khỏi bệnh, cơ thể bệnh nhân có miễn dịch với chủng virus gây bệnh, nhưng một người có thể bị bệnh tay chân miệng nhiều lần nếu lần sau bị nhiễm các chủng virus khác với những lần trước. Bệnh thường gặp ở trẻ dưới 10 tuổi, tuy nhiên người lớn chưa có miễn dịch với bệnh cũng có thể mắc bệnh.


Biểu hiện của bệnh

Sau thời gian ủ bệnh 3 - 6 ngày bệnh thường khởi phát với các triệu chứng như sốt nhẹ, đau họng, biếng ăn, đại tiện lỏng vài lần trong ngày, trẻ kém linh hoạt.




Bệnh tay chân miệng xảy ra quanh năm, tăng cao từ tháng 2 – tháng 4 và từ tháng 9 đến tháng 12 trong năm.

 

Giai đoạn toàn phát: Sau 1- 2 ngày trẻ sẽ nhanh chóng xuất hiện các triệu chứng điển hình của bệnh với biểu hiện phát ban ở các vị trí đặc hiệu và loét miệng. Trường hợp nặng với các biểu hiện biến chứng thần kinh và tim mạch. Loét miệng: vết loét đỏ hay phỏng nước đường kính 2-3mm ở niêm mạc má, lợi, lưỡi. Đồng thời xuất hiện phỏng nước ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, gối, mông; tồn tại trong thời gian ngắn (dưới 7 ngày) sau đó để lại vết thâm. Khi trẻ sốt cao, mụn nhiều là dấu hiệu nặng, nguy cơ biến chứng. Biến chứng thần kinh, tim mạch, hô hấp thường xuất hiện sớm từ ngày 2 đến ngày 5 của bệnh.

Thường sau 7 - 10 ngày trẻ sẽ hồi phục hoàn toàn, không hoặc ít di chứng. Nếu thấy bệnh chuyển thành sốt cao, nôn nhiều, dễ giật mình, hoảng hốt, run tay chân, chới với, mạch nhanh không tương ứng với nhiệt độ cơ thể thì cần cho trẻ nhập viện ngay.
 

Chăm sóc trẻ bệnh TCM tại nhà

Với những trẻ mắc TCM độ 1, việc chăm sóc và theo dõi điều trị ở nhà là chủ yếu. Nên:

- Cách ly trẻ bị bệnh với các trẻ khác trong nhà; Người lớn khi tiếp xúc và chăm sóc trẻ bệnh nên mang khẩu trang y tế cho mình và cho cả trẻ bệnh, sau khi tiếp xúc nên rửa tay sạch bằng xà phòng và nước sạch ngay để hạn chế sự lây lan khi phải chăm sóc trẻ lành.

- Quần áo, tã lót của trẻ bệnh nên được ngâm dung dịch sát khuẩn như dung dịch cloramin B 2% hoặc luộc nước sôi trước khi được giặt sạch sẽ bằng xà phòng và nước sạch.

- Vật dụng cá nhân ăn uống của trẻ như bình sữa, ly uống nước, bát đũa… nên được luộc sôi và sử dụng riêng biệt.

- Cho trẻ uống nhiều nước mát và ăn thức ăn dễ tiêu.

- Không làm trẻ đau họng thêm bằng cách dùng muỗng mềm cho ăn, không nên ngậm vú giả, không cho ăn uống các loại thức ăn có vị chua hoặc mặn quá dễ làm tổn thương niêm mạc miệng.

- Súc miệng bằng nước muối ấm (1/2 muỗng canh muối hòa trong 200ml nước ấm) nếu trẻ súc được.

- Chỉ dùng thuốc paracetamol để hạ sốt, giảm đau và các thuốc khác do bác sĩ chỉ định.

- Nên vệ sinh thân thể cho trẻ nhẹ nhàng, tránh làm vỡ mụn nước. Tuyệt đối không kiêng khem tắm rửa cho trẻ vì dễ làm cho vết thương bị nhiễm khuẩn.

Nhập viện kịp thời khi trẻ xuất hiện các dấu hiệu: trẻ khó ngủ quấy khóc liên tục, giật mình lúc thức hay nói nhảm, hoảng hốt lúc thiu thiu ngủ, sốt cao các chi run và co giật, nôn ói nhiều.  

Bệnh TCM lúc đầu có thể chỉ sốt nhẹ, ho khan, nổi ban… giống như các nhiễm virut thông thường khác nhưng sau đó một số ít sẽ diễn biến nguy kịch nhanh. Tốt nhất là đưa trẻ đi khám tại cơ sở y tế gần nhà khi có bất cứ bất thường nào dù đang mùa dịch hay không để được bác sĩ tư vấn và điều trị kịp thời.
 

Phòng bệnh TCM như thế nào?



Ảnh minh họa.

Hiện nay vẫn chưa có vắc-xin phòng bệnh nên cần thực hiện tốt các biện pháp phòng bệnh:

- Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng dưới vòi nước chảy, nhất là trước và sau khi nấu ăn, trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh. Nếu có chăm sóc trẻ thì cần lưu ý rửa tay sau mỗi lần thay tã, làm vệ sinh cho trẻ.

- Vệ sinh các dụng cụ, vật dụng, đồ chơi, sàn nhà bằng nước và xà phòng.

- Đeo khẩu trang mũi miệng khi hắt hơi hoặc ho nếu mắc hoặc tiếp xúc với trẻ mắc TCM.

- Ăn chín uống sôi và khử khuẩn môi trường có trẻ bị bệnh và môi trường xung quanh.

- Cách ly người bệnh tại nhà cho đến khi khỏi bệnh (thường ít nhất là 7-10 ngày).   

 

BS.Nguyễn Văn Bảng

Dinh dưỡng trong bệnh tay chân miệng

Trẻ bị bệnh tay chân miệng thường rất biếng ăn, thậm chí có thể bỏ ăn do các vết loét trong niêm mạc miệng gây đau. Vì vậy, thức ăn cho trẻ cần chọn lựa sao cho mềm, mịn, mát lạnh nhằm tạo cảm giác dễ chịu khi thức ăn, thức uống đi ngang qua vết loét. Như vậy, những thực phẩm có thể dùng cho trẻ là: bột dinh dưỡng, sữa, sữa chua, phô mai, bánh Flan, tàu hủ đường…

Nếu trẻ ăn kém, nên cho trẻ ăn nhiều lần hơn lúc bình thường để tránh tình trạng hạ đường huyết có thể xảy ra. Cần chú ý muỗng (thìa) dùng để đút cho trẻ nên tránh những loại có cạnh sắc bén, để không đụng vào các vết loét ở đầu lưỡi và môi làm bé đau dẫn đến sợ hãi, không ăn. Khi trẻ giảm bệnh (thường là sau 4 – 5 ngày) nên cho bé ăn trở lại bình thường, không kiêng khem.


(St)


Cách chữa trị bệnh chân tay miệng tốt nhất
Phác đồ điều trị bệnh tay chân miệng
Mẹ mắc bệnh tay chân miệng có ảnh hưởng con?
Cách chăm sóc trẻ khi bị tay chân miệng tại nhà