Bị chó cắn phải làm thế nào? Cách xử lí vết chó cắn để không nhiễm trùng và phòng dại? Có nhất thiết phải đến trạm y tế hay không?
Khi chơi với những "anh bạn bốn chân", trẻ có thể bị tai nạn chó cắn bất cứ lúc nào.
Chó, mèo là những loài vật nuôi đã trở nên gần gũi, quen thuộc với mỗi gia đình. Bình thường, chúng là những con vật rất dễ thương và thông minh. Nhưng không phải vì thế mà chúng ta chủ quan khi để trẻ con lại gần chúng.
Trẻ con thường chưa nhận thức được hết những nguy hiểm xung quanh mình nên đối với chúng, những chú chó là người bạn ngộ nghĩnh và “an toàn”. Trẻ có thể hồn nhiên leo trèo lên người chó, cấu véo hoặc thò tay vào mồm “anh bạn bốn chân” này. Điều đó thực sự nguy hiểm, trẻ có thể bị chó cắn bất cứ lúc nào.
Do đó, các bậc phụ huynh cần phải lưu ý khi trong nhà vừa có trẻ con lại vừa nuôi chó:
- Cần tiêm phòng dại cho vật nuôi
- Luôn phải để mắt tới trẻ khi trẻ chơi đùa với chó, đặc biệt là những bé đang ở tuổi tập bò, tập đi…
Với những bé lớn tuổi hơn, cha mẹ cần phải dặn dò con không được thò tay vào mồm chó, không được đùa nghịch thái quá (nhảy lên người, cấu véo hay trêu chọc khi chúng đang ăn, đang ngủ) khiến chúng nổi giận sẽ quay lại cắn bé. Từ 3,4 tuổi trở lên bé hoàn toàn ý thức được những lời răn dặn của cha mẹ, bạn hãy nói cho bé hiểu rằng nếu bị chó cắn sẽ nguy hiểm thế nào để bé biết tự bảo vệ bản thân mình.
Dạy cho trẻ biết yêu thương loài vật bằng những hành động như vuốt ve nhẹ nhàng.
Cách xử lý khi trẻ bị chó cắn
Nếu bé yêu của bạn chẳng may bị chó cắn, trước tiên bạn cần phải giữ thái độ bình tĩnh để tránh khiến cho trẻ hoảng sợ. Tham khảo ý kiến của bác sĩ Như Huỳnh – bệnh viện Nhi đồng 1, Bibi.vn xin đưa ra những lưu ý cơ bản khi xử lý vết thương cho trẻ.
- Kiểm tra vết chó cắn trên người trẻ để xác định mức độ nặng nhẹ:
Bé bị bao nhiêu vết cắn trên người, ở vị trí nào? (thường thì bé hay bị chó cắn ở chân hoặc tay)
Vết thương có nặng không: bé chỉ bị trầy, xước ngoài Da hay bị cắn sâu và chảy máu?
- Xử lý tại nhà:
Rửa vết thương của bé bằng nước sạch và xà phòng, nên xả nước mạnh vào vết thương trong khoảng 5 phút.
Sát trùng vết thương bằng dung dịch sát khuẩn (cồn 70độ hoặc dung dịch iod).
Băng hờ vết thương bằng vải sạch và mềm, không nên băng kín.
Đưa trẻ đến cơ sở y tế để được bác sĩ điều trị.
- Cấp cứu: Nếu như vết thương của trẻ nghiêm trọng (vết cắn rất sâu, bị chảy máu nhiều), trẻ xuất hiện dấu hiệu mất máu, mệt, ngất xỉu, Da xanh tái… thì gia đình cần phải đưa ngay đến bệnh viện gần nhất để được cấp cứu kịp thời.
- Tiêm phòng dại: Trẻ bị chó cắn đều cần được tiêm phòng dại càng sớm càng tốt. Bên cạnh đó, tùy vào tình trạng vết thương bác sĩ sẽ quyết định xem có nên tiêm ngừa uốn ván và tiêm huyết thanh kháng dại (nếu vết cắn nằm ở nơi có nhiều dây thần kinh) hay không.
- Theo dõi vật nuôi: Sau khi bị chó cắn, bên cạnh việc theo dõi sức khỏe của trẻ, gia đình còn phải theo dõi chó trong vòng 10 ngày xem chúng có phát bệnh dại hay không.
Xử trí khi bị chó cắn để phòng bệnh dại
- Dại là bệnh viêm não tủy cấp tính do virus dại gây nên. Người bị nhiễm virus dại sẽ lên cơn dại và tử vong nếu không được xử trí đúng cách và kịp thời. Khi bị chó cắn, phải xử trí như thế nào để bảo đảm an toàn?
Xử lý vết thương
Khi bị chó cắn, cần phải xử lý ngay vết thương bằng cách rửa thật sạch với nước xà phòng đặc 20%, nước muối 0,9%. Sau đó sát khuẩn vết thương bằng cồn. Trường hợp cần thiết có thể cắt lọc vết thương nhưng không khâu ngay, chỉ khâu trong trường hợp vết cắn đã quá 3 ngày để tránh sự phát tán của vi rút dại. Sát khuẩn vết thương để tránh bội nhiễm và giảm đến mức tối thiểu lượng vi rút xâm nhập.
Nếu trường hợp vết cắn nhẹ, xảy ra ở chân, xa thần kinh trung ương và tại thời điểm bị chó cắn, con vật vẫn bình thường thì không cần tiêm vắc-xin mà chỉ cần theo dõi chó trong vòng 10-15 ngày. Trong thời gian theo dõi, nếu thấy chó bỏ ăn, chết, mất tích hoặc bị bán mổ thịt thì phải tiêm vắc-xin dại ngay. Nếu theo dõi sau 15 ngày, chó vẫn sống bình thường thì không cần tiêm vắc-xin.
Tiêm huyết thanh hay vắc xin?
Phải tiêm đồng thời cả vắc-xin phòng dại và huyết thanh kháng dại đối với các trường hợp bị chó cắn nghi ngờ chó dại hoặc chó đang lên cơn dại, có vết chó cắn ở đầu, mặt, cổ, đầu chi nơi có nhiều dây thần kinh, bộ phận sinh dục... dù vết cắn rất nhẹ và có nhiều vết cắn ở chỗ nguy hiểm, vết cắn sâu.
Một điều cũng cần chú ý là tiêm ngay vắc-xin sau khi bị chó cắn trong những trường hợp như có vết cắn nhẹ, xa thần kinh trung ương nhưng không theo dõi được con chó; vết cắn không nặng lắm và xa thần kinh trung ương nhưng tại thời điểm chó cắn, con chó đang bị ốm.
Việc đến cơ sở y tế muộn sau khi chó cắn thì việc tiêm huyết thanh kháng dại sẽ không còn tác dụng, vì thế chỉ tiêm vắc-xin. Ngoài ra, những đối tượng có nguy cơ bị nhiễm virus dại như các cán bộ thú y, người chăm sóc chó hoặc thú rừng, kỹ thuật viên làm việc trong phòng thí nghiệm có tiếp xúc với vi rút dại cũng cần phải tiêm vắc-xin phòng dại để bảo đảm an toàn.
Khi tiêm vắc-xin dại phải tiêm đủ liều theo quy định của loại vắc-xin, sử dụng đúng liều lượng, kỹ thuật và tiêm đúng khoảng cách giữa các mũi tiêm theo hướng dẫn. Vắc-xin phải được bảo quản ở nhiệt độ từ 4-8oC. Trong thời gian tiêm, không được làm việc quá sức, không nên uống rượu và dùng các chất kích thích; không sử dụng các thuốc nhóm corticoides, adrenocorticotrophic hormone (ACTH), thuốc làm giảm miễn dịch trong và sau khi tiêm vắc-xin dại 6 tháng.
Theo Viện Pasteur Nha Trang, thời gian qua, mỗi năm ở các tỉnh duyên hải miền Trung có từ 80 - 85 ngàn người phải tiêm phòng do bị chó cắn; trong đó số trường hợp tử vong từ 5 - 8.
Bác sĩ Đoàn Văn Trí - Trưởng khoa Xét nghiệm sinh học lâm sàng, Viện Pasteur Nha Trang (Khánh Hòa), cho biết:
Người bị chó, mèo cắn trước tiên là bị thương, rách da, chảy máu; sau đó có thể bị nhiễm trùng, uốn ván. Chó, mèo bệnh cắn có thể lây bệnh cho người, trong đó đáng sợ nhất là bệnh dại. Khi bị chó, mèo cắn, trước tiên phải rửa sạch vết thương. Nhiều người dùng muối, chanh xát vào vết cắn, nhưng cách này không có tác dụng gì. Cần rửa vết cắn bằng nước với xà phòng, vì sẽ loại bỏ những chất dơ và một số vi trùng; nhất là xà phòng có thể trung hòa được virus dại. Sau đó sát trùng vết thương bằng cồn hoặc cồn iode... Nếu vết thương nặng cần có sự chăm sóc y tế. Cần lưu ý, nguyên tắc chung là không nên may vết thương do chó, mèo cắn. Vì nếu vết thương đó do chó, mèo dại cắn thì những thao tác may (như đẩy kim, kéo chỉ...) sẽ làm virus dại lan rộng.
Trường hợp nào phải tiêm phòng, thưa bác sĩ?
Ông Đoàn Văn Trí: Nếu vết cắn nhẹ, xa thần kinh trung ương thì có thể tiêm ngừa uốn ván và theo dõi con vật đã cắn. Với chó, mèo lớn, sau 10 ngày mà chúng vẫn bình thường thì có nghĩa là khi cắn người nó chưa bị dại, không thể lây bệnh cho mình. Trong thời gian theo dõi, nếu con vật phát bệnh, hoặc bị chết (với bất cứ nguyên nhân nào) hoặc bỏ đi... thì cũng phải tiêm phòng ngay. Bị chó, mèo con cắn thì cần đi tiêm phòng ngay, không chờ theo dõi. Nếu bị cắn nhiều chỗ hoặc bị cắn ở những vùng gần thần kinh trung ương như đầu, mặt, cổ, vai; vùng gần tủy sống như hậu môn, cơ quan sinh dục... phải tiêm phòng ngay, bất kể con vật cắn có bị dại hay không; tiêm vắc-xin ngừa dại và huyết thanh kháng dại.
Vì một lý do nào đó, nếu người bị chó, mèo cắn đến cơ quan y tế trễ thì sao?
Cơ quan y tế vẫn phải xử lý bình thường theo quy định chuyên môn, không được từ chối.
(ST)
Mạng xã hội dành cho phụ nữ của công ty cổ phần PhunuNet/VOG (Vietnam Online Group). Công ty cổ phần Vietnam Online Group: Địa chỉ: Tầng 7 - 32 phố Huế - Hà Nội - Email liên hệ: contact@phununet.com VP PhunuNet: Phòng 201, Tầng 2, Số 2, Ngõ 59 Láng Hạ, Ba Đình, Hà Nội - Điện thoại: (+84-4) 3 224 7544 Mã số doanh nghiệp: 0101791319 Giấy phép số 2558/GP-TTĐT do Sở TT-TT HN cấp. Giấy phép MXH số: 240/GP-BTTTT do Bộ TTTT cấp ngày 12/6/2015.