Xử lý trẻ bị co giật như thế nào

Trẻ sốt cao co giật không nhất thiết phải mang đến bệnh viện ngay vì trên đường đi, nếu không được theo dõi, trẻ có thể bị ngừng thở dài.



Nguyên nhân trẻ bị co giật


- Sốt cao: Khi sốt cao, hệ thần kinh dễ bị kích thích nên trẻ có thể bị co giật trong 1 – 2 ngày đầu. Một số gia đình có tính di truyền. Có khoảng 2 - 5% trẻ dưới 5 tuổi bị sốt co giật. Trẻ bị co giật ở lứa tuổi càng muộn hoặc co giật khi sốt nhẹ dễ có nguy cơ động kinh (khoảng 5 – 10 %).

- Rối loạn trong máu: Trẻ bị tiêu chảy mất nước, uống oresol pha không đúng tỉ lệ gây rối loạn, còi xương, hạ canxi máu, hạ hoặc tăng đường huyết.

- Nhiễm trùng hệ thần kinh trung ương như viêm não, viêm màng não: Trẻ có biểu hiện sốt cao, quấy khóc nhiều, đau đầu, lơ mơ, nói mê sảng hoặc hôn mê, nôn trớ nhiều, cổ cứng, ở trẻ nhỏ có thóp phồng…

- Có bệnh lý mạch máu não: Ở trẻ dưới 3 tháng tuổi, nếu không được tiêm phòng vitamin K có thể bị xuất huyết não.

- Do chấn động não, chấn thương não.

- Bị nhiễm độc.

- Do bị động kinh: Động kinh là bệnh lý có cơn co giật cục bộ hoặc toàn thể tái phát. Trong cơn giật toàn thể, trẻ bị giật chân tay, ngưng thở ngắn, trợn mắt, sùi bọt mép, tím tái... Nếu cơn giật kéo dài hoặc nhiều cơn liền nhau có thể gây phù não, ngừng thở, nguy hiểm đến tính mạng trẻ.

- Ở trẻ nhỏ trước 3 tháng tuổi, đôi khi có máy giật chân tay lúc ngủ, dễ giật mình khi nghe tiếng động to. Đây có thể là lành tính, cha mẹ không nên lo lắng nhiều mà cần theo dõi để tư vấn bác sĩ.

Khi sốt cao, hệ thần kinh dễ bị kích thích nên trẻ có thể bị co giật. (Ảnh minh họa).

Xử trí trước cơn co giật

Khi trẻ bị co giật, cha mẹ nên hết sức bình tĩnh. Trước hết, đặt trẻ nằm ngiêng phải gối đầu thấp khoảng 45 độ. Nếu trẻ đang ăn, cần móc thức ăn ra, không ôm giữ chặt trẻ, nới rộng quần áo, bỏ khăn quấn cổ cho trẻ dễ thở, mở cửa phòng hoặc cửa sổ cho thoáng khí. Không cần đặt vật gì ngáng giữa hai hàm răng của trẻ vì có thể gây tổn thương răng lợi và niêm mạc miệng. Nếu co giật quá 1 phút, có thể kích thích cho trẻ thở lại bằng một số cách như: ấn vào huyệt nhân trung (chỗ lõm ở giữa môi trên và mũi), bấm mạnh vào gót chân trẻ. Bạn không nên vội đưa trẻ tới bệnh viện ngay vì trên đường đi, nếu không được theo dõi, trẻ có thể bị ngừng thở dài, nguy hiểm tính mạng. Với những trẻ có cơn co giật kéo dài, cần gọi cấp cứu ngay.

Sau khi hết cơn co giật, nên cho trẻ đi khám bác sĩ. Hãy kể thông tin đầy đủ diễn biến tình trạng của trẻ để bác sĩ xác định nguyên nhân, chỉ định xét nghiệm và cho thuốc phù hợp. Khi được bác sĩ tư vấn, gia đình cần thực hiện điều trị dự phòng co giật cho trẻ. Đối với những trẻ bị sốt co giật, bạn nên cho trẻ uống thuốc hạ sốt kịp thời, chườm khăn ấm, cởi bớt quần áo, mặc đồ làm từ vải có chất liệu thoáng, mềm.

Sau khi được điều trị, về nhà, bạn cần theo dõi sức khỏe và cho trẻ uống thuốc theo chỉ định. Những trẻ bị động kinh, phải uống thuốc lâu dài hàng năm, theo dõi chặt chẽ, cho khám định kỳ. Cha mẹ nên có sổ ghi chép theo dõi sức khỏe của trẻ, diễn biến cơn giật, các tác dụng phụ của thuốc. Cần đảm bảo cho trẻ chế độ dinh dưỡng đầy đủ, sinh hoạt hợp lý, môi trường sống an toàn. Nên thông báo cho giáo viên, y tế trường biết về sức khỏe để giúp đỡ trẻ kịp thời. Luôn động viên, tạo điều kiện cho trẻ có tâm lý vui vẻ tự tin, sống hòa nhập với gia đình và cộng đồng.


Cách xử trí khi trẻ bị co giật luôn là câu hỏi được nhiều phụ huynh quan tâm!

Tình trạng co giật thường rất hay gặp ở trẻ em khi bị sốt cao trên 39 độ. Sốt là một trong những triệu chứng thường gặp ở trẻ em trong nhiều bệnh khác nhau. Sốt cao thường là triệu chứng của bệnh nhiễm trùng. Nếu trẻ sốt cao liên tục sẽ rất nguy hiểm vì có thể xảy ra các cơn co giật.

Khi sốt cao, hệ thần kinh dễ bị kích thích nên trẻ có thể bị co giật trong 1 – 2 ngày đầu. Một số gia đình có tính di truyền. Có khoảng 2 – 5 % trẻ em dưới 5 tuổi bị sốt co giật. Trẻ bị co giật ở lứa tuổi càng muộn, hoặc co giật khi sốt nhẹ dễ có nguy cơ động kinh.

Khi trẻ con bị sốt cao co giật thì bạn nên bình tĩnh để xử lý tại nhà. Cũng không nhất nhiết phải mang trẻ đến bệnh viện ngay vì trên đường đi, nếu không được theo dõi, trẻ có thể bị ngừng thở dài, nguy hiểm đến tính mạng của trẻ.

1.    Để trẻ nằm nơi thoáng mát, tránh gió lùa và để đầu nghiêng sang một bên để tránh dị vật lọt vào đường thở như: đờm, dãi…

2.    Cởi bớt quần, áo, tã, lót cho trẻ và lấy khăn nhúng nước ấm lau khắp người trẻ, đặc biệt là ở vùng nách, cổ và bẹn.


3.    Theo dõi khoảng thời gian trẻ bị co giật để đánh giá mức độ trẻ bị nặng hay nhẹ.

4.    Thường xuyên kẹp nhiệt độ cho trẻ để theo dõi tình trạng sốt có hạ bớt không.

5.    Dùng thuốc hạ sốt dạng nhét hậu môn để tránh ảnh hưởng đường thở trong trường hợp co giật có sốt cao hơn 39 độ C.

Thuốc hạ sốt thường được chọn là Paracetamol với liều 10 – 15 mg/ kg cân nặng/ lần. Có thể dùng thuốc nhét hậu môn 3 – 4 lần/ ngày (những gia đình có trẻ dưới 6 tuổi nên có thuốc thường xuyên trong tủ). Khi cơn co giật kéo dài từ 5 phút trở lên thì phải dùng thuốc chống co giật.

6.    Sau cơn co giật đối với trẻ nhỏ còn bú mẹ thì cho trẻ bú càng nhiều càng tốt, sau đó cho bé ngủ và để đầu nghiêng sang một bên.

Đối với trẻ lớn không còn bú mẹ nữa thì sau cơn co giật, trẻ còn tỉnh táo thì cho uống nhiều nước.

7.    Khi trẻ đang bị co giật thì không nên cho trẻ ăn hoặc uống bất cứ thứ gì để tránh tình trạng bị sặc và ngạt thở do dị vật lọt vào đường thở.

Nếu làm hết các biện pháp trên tại nhà mà không đỡ thì nên cho bé đến bệnh viện.

Cách phòng chống co giật:

Cần đưa bé đi khám và điều trị ngay khi bé có sốt, cho bé ở phòng thoáng mát, mặc quần áo rộng rãi, không ủ ấm, không mang vớ (tất) khi trẻ sốt cao làm lạnh tay, chân. Nếu sốt lớn hơn hoặc bằng 38,5°C thì dùng thuốc hạ sốt, nếu sốt cao 39-40°C cần nhanh chóng lau mát, cho bé uống nhiều nước.

* Lưu ý:  Đối với bé đã có tiền căn co giật rồi thì phải dùng thuốc hạ sốt và lau mát ngay khi có sốt, không chờ đợi đến lớn hơn hoặc bằng 38,5°C mới dùng thuốc

Xử lý khi bị sốt cao co giật


Sốt cao, co giật không chỉ thường xảy ở trẻ nhỏ mà cả người lớn. Nếu không biết cách xử trí kịp thời sẽ dẫn đến hậu quả nghiêm trọng như thiếu oxy não, liệt và hôn mê...

Cháu Trà My (4 tuổi) cấp cứu tới bệnh viện trong tình trạng được bọc kín, sốt cao, co giật, người tím tái, khó thở... Thân nhiệt bé lên trên 40oC, phổi viêm nặng. Nguyên nhân là do bé bị sốt, nhưng gia đình chỉ cho uống thuốc hạ sốt, lại bắt bé ở trong phòng kín, mặc nhiều quần áo, đắp chăn khiến mồ hôi ngấm vào cơ thể gây viêm phổi. 

Trẻ sốt cao đang được điều trị tại Bệnh viện Nhi T.Ư.

 
Ngược lại với cháu Trà My, Minh Anh (3 tuổi, Gia Lâm, Hà Nội) nhập viện trong tình trạng cấm khẩu, méo mồm, liệt nửa người và hôn mê. Nguyên nhân do bé sốt cao 41,1oC, uống thuốc hạ sốt và chườm đá vẫn không đỡ, gia đình đã ngâm em vào chậu nước lạnh để hạ nhiệt.
 
BS Nguyễn Văn Lộc, Trưởng phòng khám Hen phế quản cho biết, bệnh viện thường xuyên phải cấp cứu  trẻ bị co giật, hôn mê... do cha mẹ không biết cách xử lý khi trẻ sốt. Sốt là dấu hiệu thường gặp nhất khi cơ thể mắc bệnh. Sốt cũng có lợi cho cơ thể vì đó là cách tự vệ của cơ thể chống lại sự phát triển của vi khuẩn, nhất là virus. Khi cơ thể bị nhiễm khuẩn, hệ miễn dịch thông báo về trung tâm điều nhiệt ở não và tuyến dưới đồi. Tuyến dưới đồi sẽ nâng thân nhiệt cần thiết cho cơ thể ở trung tâm điều nhiệt lên vài độ. Thân nhiệt của người bệnh bây giờ là 38 - 39oC hay 40oC chứ không còn 37oC như bình thường. Lúc này cơ chế sinh nhiệt trong cơ thể bắt đầu hoạt động mạnh cho đến khi đạt thân nhiệt "nóng sốt" cần thiết. Vì thế, cơ thể đang nóng sốt mà người bệnh lại cảm thấy rất lạnh.
 
Đặc biệt, cơ thể trẻ nhỏ rất bất lợi khi bị sốt cao vì tỷ số diện tích da/cân nặng rất lớn (so với người lớn) nên trẻ dễ bị mất nước và muối khoáng khiến hệ thần kinh bị rối loạn không điều chỉnh được thân nhiệt, khiến thân nhiệt bị lên, xuống quá mức cần thiết (khi sốt cao thì sốt rất nhanh mà khi hạ sốt cũng hạ rất nhanh). Dĩ nhiên sốt cao quá có hại cho cơ thể. Sốt cao dễ gây co giật, rất nguy hiểm, nhiều khi để lại di chứng bất lợi về sau.

Biểu hiện khi bị sốt cao, co giật, thường đột nhiên co giật toàn thân, gồng cứng người, nắm chặt tay chân, nghiến răng, trợn mắt và có thể ngưng thở trong vài giây, kèm theo nôn ói, tiểu tiện ra quần. Cơn co giật thường diễn ra trong vòng từ 1 - 5 phút. Khi bị co giật, người thân phải giữ bình tĩnh, tuyệt đối không đổ sả, vắt chanh, cạo gió, gây nôn... Phải thực hiện các biện pháp cấp cứu khẩn cấp. Nhẹ nhàng đặt người bệnh nằm nghiêng qua một để đờm nhớt và chất nôn ói dễ chảy ra ngoài, làm sạch đường thở. Không kìm giữ mạnh khi đang bị co giật, không cho bất cứ thứ gì vào miệng kể cả thuốc hoặc các loại nước vì có thể gây hít sặc, tắc đường thở dẫn đến tử vong. Hạ sốt càng nhanh càng tốt.

Sơ cứu trẻ sốt cao co giật theo cổ phương

Sốt cao co giật ở trẻ em có nhiều nguyên nhân khác nhau, phần lớn do biểu hiện phản ứng nhiễm khuẩn của cơ thể mà gây ra như: viêm họng, viêm não, viêm màng não, viêm phổi… Nếu không xử lý kịp thời dễ để lại di chứng cho trẻ do thiếu ôxy nuôi dưỡng não bộ.

Theo Đông y, chứng sốt cao co giật là do nhiệt cực sinh phong, can phong nội động. Phép chữa dùng pháp bình can, tiềm dương, tức phong, chỉ kinh. Đây là một chứng cấp cứu trong y khoa cần can thiệp kịp thời. Bài viết sau xin giới thiệu với bạn đọc phương pháp cấp cứu của cổ nhân để bạn đọc tham khảo và áp dụng:

Khi phát hiện trẻ sốt cao co giật, nếu trẻ ngủ, cần đánh thức trẻ dậy ngay để tránh trẻ hôn mê sâu. Nhanh chóng tạo không khí thoáng mát, đặt trẻ nằm xuống giường hay một mặt phẳng, nếu không có thể nắm giữ vào tay trẻ một vật bằng sắt không sắc nhọn có độ bóng càng cao càng tốt, nới lỏng quần áo, nhất là vùng cổ; nếu trẻ có nôn thì đặt trẻ nằm nghiêng để tránh sặc chất nôn mà gây viêm phổi.

Nếu cần thì cho trẻ ngậm khăn phòng trường hợp cắn vào lưỡi. Lựa theo chiều co giật mà giữ trẻ ổn định, tránh để va đập gây tổn thương cho trẻ. Trước tiên, bấm ngay nhân trung  trong vòng 1 - 2 phút (tại điểm nối 1/3 trên và 2/3 dưới của rãnh nhân trung, giữa đáy rãnh) với lực tương đối mạnh để khai khiếu tinh thần, kích thích trung khu hô hấp, tăng cường ôxy nuôi dưỡng tế bào não. Sau đó dùng 2 ngón tay cái và 2 ngón tay trỏ kẹp lấy hai dái tai trẻ, vừa vê, vừa day, vừa  kéo xuống với lực vừa phải đến khi trẻ trở lại bình thường.

 Chườm hoặc đắp khăn mát vào nách, bẹn để hạ thân nhiệt cho trẻ.

Kinh nghiệm cho thấy, cấp cứu bằng phương pháp này thường sau 5 - 7 phút là trẻ có thể giảm sốt, hết co giật. Cần chú ý khi làm động tác này hãy nhìn vào mắt trẻ mà điều khiển đôi tay. Nếu mắt trẻ ngước lên, hai tay vừa vê, vừa kéo dái tai xuống. Mắt trẻ mở to mà con ngươi chúc xuống, hai tay vừa vê, vừa kéo dái tai ngược lên. Mắt trẻ nhìn chéo về bên trái, hai  tay vừa vê, vừa kéo dái tai phảivề bên phải và ngược lại.

Khi trẻ ổn định thì dùng khăn mềm nhúng vào nước hơi ấm, lau khắp người cho trẻ, nhất là vùng nách, bẹn, trán, sau đó cho trẻ đi khám để điều trị nguyên nhân.


Chú ý: Chứng sốt cao co giật ở trẻ nhỏ là chứng bệnh cấp tính. Tuy phương pháp này của cổ nhân hiệu nghiệm nhưng cấp cứu trong vòng 5 - 7 phút mà các triệu chứng không giảm, không hết thì cần cho trẻ đi bệnh viện cấp cứu ngay để tránh điều đáng tiếc xảy ra với trẻ.

Khi trẻ co giật, không nên tìm cách chống lại cơn co giật của trẻ bằng cách ghì chặt trẻ vì có thể gây tổn thương ở một số bộ phận cơ thể hoặc có thể làm gãy xương trẻ. Không được cho trẻ ăn, uống bất cứ thứ gì vì có thể gây sặc, đồng thời tuyệt đối không ủ ấm và không uống đồ lạnh.  

Chăm sóc trẻ bị sốt co giật tại nhà

Lau người bé bằng nước ấm thay vì nước lạnh hay nước đá. Không được tìm cách dừng cơn co giật bằng các biện pháp như nặn chanh vào miệng hay đắp chăn cho trẻ.

Co giật do sốt  là tình trạng hay gặp ở trẻ nhỏ xảy ra khi trẻ bị sốt cao trên 39 độ C, thường xảy ra ở trẻ nhỏ từ 6 tháng đến 6 tuổi, đặc biệt khi có sự thay đổi thời tiết, khí hậu.

Khi trẻ bị co giật toàn thân, không ít bố mẹ thường rất bối rối nên có những xử trí sai lầm như lau người trẻ bằng nước đá, nặn chanh vào miệng trẻ, quấn chăn hoặc giữ chặt người bé, hoặc đè giữ chặt tay chân để tìm cách cắt cơn co giật…

Theo Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Bá Thắng, Trưởng khoa Thần kinh, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, TP HCM, do hệ thần kinh của trẻ chưa phát triển đầy đủ, việc sốt cao thường kích thích đến não của trẻ và rất dễ dẫn đến co giật.


Do đó, bác sĩ Thắng đưa ra lời khuyên, khi trẻ bị sốt, biện pháp phòng ngừa tốt nhất là nhanh chóng hạ sốt cho trẻ. Nên dùng khăn lau mát toàn thân cho bé và đắp khăn ướt ở những vùng có mạch máu lớn nằm sát da như cổ, nách, bẹn. Khi lau không nên quá khô mà nên để da trẻ hơi ẩm, phần nước còn dính trên da sẽ bốc hơi làm mát trẻ.

"Lưu ý dùng nước ấm (nhiệt độ khoảng bằng nước tắm cho trẻ) thay vì nước lạnh hay nước đá. Khi dùng nước lạnh, nước đá thì mạch máu co lại, sờ bên ngoài có thể mát nhưng nhiệt bên trong cơ thể trẻ vẫn không giảm", bác sĩ Thắng cho biết.

Một số lưu ý khi trẻ đã lên cơn co giật:

-  Bình tĩnh và không nên hốt hoảng vì đa số các cơn co giật chỉ kéo dài khoảng 1 đến 2 phút và ít khi gây hại đến sức khỏe của trẻ.

- Các cơn co giật tự nó sẽ dừng lại, không nên dùng các biện pháp để kìm chế cơn co giật như đè giữ chặt tay chân trẻ, quấn chăn vào người trẻ. Các biện pháp này không thể làm ngưng cơn giật mà lại có thể làm tổn thương cơ khớp của trẻ

- Tuyệt đối không nên vắt chanh hay đổ bất kỳ chất gì vào miệng trẻ vì sẽ gây nguy hiểm, làm trẻ bị sặc, ngộp thở, viêm phổi, mà hoàn toàn không làm dứt được cơn giật.

- Nếu có sẵn một vật tù tròn, không sắc cạnh, ví dụ như cây đè lưỡi bằng gỗ, và lúc này trẻ chưa cắn răng chặt, thì có thể để vào giữa hai hàm răng bé để khỏi cắn lưỡi. Nếu không có vật tù bằng gỗ thì thôi, không được dùng các vật có cạnh sắc vì sẽ gây tổn thương môi lưỡi trẻ. Hoặc nếu trẻ đã cắn chặt răng rồi, thậm chí đã cắn vào lưỡi, thì không cố gắng cạy răng trẻ để nhét vật gì vào vì sẽ không thể cạy được mà còn làm rách môi, nướu trẻ.

-  Nên để bé nằm bình thường ở nơi thăng bằng, rộng rãi, không có các vật cứng, nhọn ở xung quanh. Trẻ nằm nghiêng một bên để dàm dãi nếu có sẽ chảy ra ngoài, không làm ngộp thở. Giữ thông thoáng mũi miệng, và thoáng khí cho bé dễ thở.

- Không để bé một mình hay tụ tập quá đông người xung quanh.

- Không cố gắng đánh thức trẻ đang ngủ sau cơn co giật.

- Trong trường hợp trẻ co giật không phải do sốt hoặc co giật do sốt cao nhiều lần thì cần nhanh chóng đưa bé đến bệnh viện. Cần ghi nhớ thời gian bắt đầu cơn co giật và các biểu hiện của cơn giật (tay, chân, mắt, miệng thế nào) để mô tả lại cho bác sĩ, giúp xác định chính xác loại cơn giật và thời gian cơn co giật.

Xử lý khi trẻ co giật động kinh


Đặt bé nằm ở nơi rộng rãi, đầu hơi nghiêng sang một bên, nới lỏng quần áo, tránh va đập cơ thể vào vật cứng. Không giữ trẻ chặt để kiềm chế cơn co giật. Đánh gió hay vắt chanh vào miệng bé có thể khiến động kinh nặng hơn.

Bác sĩ Lê Thị Khánh Vân, Trưởng khoa Thần kinh, Bệnh viện Nhi Đồng 2, TP HCM cho biết, động kinh là biểu hiện của sự bất thường chức năng não bộ.

Bệnh có thể xuất phát từ vô căn hoặc cũng có thể do các yếu tố khác như: u não, dị dạng mạch máu não, chậm phát triển, trẻ sinh non, tổn thương khi sinh, gia đình có người bị động kinh, chấn thương đầu, từng nhiễm trùng hệ thần kinh.

Cần phân biệt co giật do động kinh với co giật do những nguyên nhân khác, như sốt gây co giật, co giật kèm sốt do nhiễm trùng hệ thần kinh vì viêm não, viêm màng não; co giật do thiếu ôxy não, thiếu máu não, rối loạn chuyển hóa hoặc nhiễm độc. Trong các trường hợp này, cơn co giật thường dưới 5 phút, sau đó bé hoàn toàn tỉnh táo và không bị yếu liệt bộ phận nào trong cơ thể.

Để xác định bé co giật có phải do động kinh hay không, phụ huynh có thể đưa bé đến bệnh viện để được chẩn đoán bằng điện não đồ, chẩn đoán hình ảnh.

Theo bác sĩ Vân, trẻ mắc bệnh thường ngất trong giây lát kèm theo giật cơ. Các bộ phận thường co giật là tay, đầu, cổ. Một số bé đang cầm đồ vật thì đánh rơi trong vô thức, đầu gật nhẹ, ngón tay máy liên tục. Cũng có khi bé la hét, ói mửa hoặc tím tái thoáng qua. "Nếu người lớn không biết cách xử trí, người lớn có thể gây hại cho bệnh nhi", bác sĩ Vân nói.

Theo bác sĩ Vân, những điều cần tránh là thái độ hốt hoảng quá mức; tránh tụ tập quá đông quanh bé; không được cố đè để kiềm chế cơn co giật; không vắt chanh vào miệng, cạo gió, cạy răng hoặc chèn muỗng đũa vào miệng trẻ.

Khi bé bị lên cơn co giật, điều cần làm là đặt bé nằm ở nơi rộng rãi, đầu hơi nghiêng sang một bên. Bệnh nhi cũng cần được nới lỏng quần áo, khăn quàng cổ, tránh va đập cơ thể vào vật cứng.

Phụ huynh cũng cần ghi nhận đặc điểm của cơn co giật như thời gian co giật, kiểu co giật, biểu hiện của bé trong và sau cơn co giật. Đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất nếu trẻ co giật trên 10 phút, bệnh nhân không tỉnh, rối loạn nhịp thở.

Theo Tiến sĩ – bác sĩ Lê Văn Tuấn, Phó bộ môn Thần Kinh – ĐH Y dược TP HCM, trẻ bị động kinh cũng có thể có cuộc sống bình thường như trẻ khác. Điểm khác là do cơn động kinh xảy ra đột ngột nên phụ huynh cần phải có những biện pháp bảo vệ cần thiết.

Ở nhà: Mài bằng các cạnh nhọn của vật dụng trong nhà. Che chắn trước nơi có lửa, nước sôi. Tạo không gian thông thoáng. Nên ở cạnh khi trẻ tắm, bé lớn vẫn không nên cho tắm khi không có người lớn ở nhà. Không nên thiết kế cửa phòng tắm có chốt khóa bên trong. Trong phòng ngủ nên dùng gối an toàn tránh ngạt thở; tránh dùng giường tầng; nên cho trẻ ngủ giường thấp hoặc dưới sàn.

Ở trường: Thông báo cho thầy cô, bảo mẫu, y tế trường và tài xế biết bé có bệnh động kinh để tiện xử trí ban đầu và giúp các bé khác hiểu tình trạng bệnh của bạn để tránh kỳ thị. Trao đổi với y tế trường về những loại thuốc bé đang dùng.

Ở nơi công cộng: Luôn đội mũ bảo hiểm cho trẻ. Nên hỏi ý kiến của bác sĩ về khả năng có cho bé tự đi xe hay không. Khi đưa bé đến hồ bơi cần mang áo phao và giám sát liên tục. Không để bé đứng một mình ở những vị trí cao.

Bệnh động kinh cần được điều trị bằng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ. Nếu điều trị sớm, trẻ có cơn động kinh có thể hồi phục sau thời gian dùng thuốc. Việc làm này giảm khả năng sa sút trí tuệ của các bé.



Chăm sóc trẻ bị co giật khi sốt tại nhà


Ảnh: pro.corbis.com

"Co giật khi sốt" hay "Sốt cao co giật" là một tình trạng co giật toàn thân lành tính xảy ra khi trẻ bị sốt cao trên 39 độ C, thường xảy ra ở trẻ nhỏ từ 6 tháng đến 6 tuổi.

Nhận biết các đặc điểm của co giật khi sốt:

  • Những trẻ em bị co giật khi sốt (CGKS) thường có người trong gia đình (bố mẹ hay anh em) đã bị CGKS

  • Cơn co giật có thể xảy ra đột ngột, ngay trong cơn sốt đầu tiên và khi sốt cao hơn 390C. Khi hết sốt cũng hết co giật, nếu sốt lại có thể bị co giật lại.

  • Trong cơn co giật, trẻ gồng cứng, co rút người và rung giật toàn thân, mắt trợn ngược, sùi bọt mép và hơi thở nông, khò khè, nghiến chặt răng, tiêu tiểu không tự chủ.

  • Trẻ sẽ mất ý thức tạm thời (không biết việc gì đang xảy ra).

  • Cơn co giật thường ngắn hơn 10-15 phút và tự chấm dứt.

  • Sau cơn co giật trẻ sẽ phục hồi ý thức hoàn toàn, nhưng mệt mỏi, buồn ngủ và không nhớ gì về cơn co giật.

  • Một số trẻ sẽ có cơn CGKS tái phát.

Tại sao CGKS xảy ra?

CGKS chỉ xảy ra ở trẻ nhỏ (6 tháng đến 6 tuổi) bởi vì não của trẻ chưa phát triển đầy đủ và rất nhạy cảm với các rối loạn nhiệt độ. Sốt cao có thể kích thích não của trẻ nhỏ và gây khởi phát một cơn co giật. Dĩ nhiên không phải tất cả trẻ em đều bị co giật khi bị sốt cao, nguyên nhân có thể là do não của một số trẻ nhạy cảm với co giật hơn các trẻ khác, khuynh hướng này thường có tính chất gia đình. Khi được 5-6 tuổi thì não đã trưởng thành và trẻ sẽ không còn nguy cơ bị CGKS nữa.

Các nguyên nhân thường gặp trong CGKS:

  • Nhiễm trùng đường hô hấp trên (chiếm đa số).

  • Viêm tai giữa (chiếm khoảng 20% CGKS).

  • Viêm phế quản phổi.

  • Nhiễm trùng đường tiêu hóa (kiết lỵ, thương hàn,...).

  • Nhiễm trùng đường tiểu.

  • Nhiễm trùng huyết tiềm ẩn (chiếm khoảng 2-4%).

  • Sau chích ngừa: quai bị, sởi (trong vòng 7-10 ngày); bạch hầu, uốn ván, ho gà (trong vòng 48 giờ).

  • Viêm màng não (chiếm dưới 2%).

Một số lời khuyên khi con bạn bị CGKS:

  1. Bạn hãy bình tĩnh và đừng nên hốt hoảng vì đa số các cơn co giật chỉ kéo dài dưới 5 phút và hiếm khi gây hại đến sức khỏe của trẻ. Cũng không nhất thiết phải mang trẻ đến bệnh viện ngay mà hãy dành thời gian để thực hiện các biện pháp khẩn cấp sau đây.

  2. Ghi nhớ thời gian bắt đầu cơn co giật để xác định chính xác khoảng thời gian cơn co giật. Ðây là điều quan trọng trong việc đánh giá độ nặng của CGKS.

  3. Tránh gây tổn thương cho trẻ khi co giật: Cất tất cả các vật cứng, nhọn ở xung quanh trẻ và đặt trẻ nằm ở nơi thăng bằng, rộng rãi (Ví dụ dưới sàn nhà). Cần chắc chắn trẻ sẽ không bị ngã khỏi giường, nhưng cũng không được cố giữ chặt trẻ.

  4. Bảo vệ đường thở: Ðặt trẻ ở tư thế nằm ngửa và đầu nghiêng về một bên hoặc cho trẻ nằm nghiêng một bên để đường thở thông suốt (tránh nghẹt đàm dãi). Khi có thể, nên nhẹ nhàng dùng ngón tay trỏ lấy hết mọi thứ trong miệng trẻ như núm vú cao su, đàm nhớt, chất nôn ói. Tuyệt đối không cho trẻ ăn uống gì trong lúc bị co giật.
    Trước đây chúng ta thường đặt 1 que cứng vào miệng trẻ khi đang bị co giật để ngăn không cho trẻ cắn vào lưỡi hay môi của mình. Hiện nay điều này không được thực hiện nữa vì có thể gây chấn thương lâu dài cho răng của trẻ. Cũng đừng quá lo lắng khi thấy trẻ nghiến răng hay cắn phải môi hay lưỡi.

  5. Hạ sốt càng nhanh càng tốt vì sẽ làm rút ngắn cơn co giật: Cởi bỏ quần áo (bao gồm cả tã lót), lau mát toàn thân bằng nước bình thường (tốt nhất là nước ấm) để làm mát nhanh cho trẻ. Lau mát 2 giờ 1 lần, mỗi lần không quá 30 phút. Sau khi ngưng lau mát 10 phút mới đo lại nhiệt độ cho trẻ. Ðắp khăn ướt ở những vùng có mạch máu lớn nằm sát da như cổ, nách, bẹn. Chấm dứt lau mát khi nhiệt độ hậu môn thấp hơn hay bằng 38,5 độ C.
    Alcool, rượu hay nước đá tuy làm giảm nhiệt độ ở da nhanh hơn nhưng ít mang lại ích lợi vì hiện tượng co mạch ngoại vi (do dùng những chất này ở ngoài da) sẽ gây trở ngại cho sự mất nhiệt, ngoài ra còn làm tăng tỷ lệ bệnh tật, nhất là ở trẻ sơ sinh, vì vậy cần tránh.

  6. Dùng thuốc hạ sốt dạng nhét hậu môn để tránh ảnh hưởng đường thở trong trường hợp CGKS có sốt cao hơn 38,50C. Thuốc hạ sốt thường được chọn là Paracetamol với liều 10-15mg/kg cân nặng/lần, có thể dùng thuốc nhét hậu môn 3-4 lần/ngày (những gia đình có trẻ dưới 6 tuổi nên có thuốc thường xuyên trong tủ lạnh). Khi cơn co giật kéo dài từ 5 phút trở lên thì phải dùng 1 thuốc chống co giật (bơm thuốc Diazepam trực tiếp vào trực tràng).

Chăm sóc trẻ tại nhà ngay sau cơn co giật

  • Hãy để trẻ ngủ yên (khoảng 1-2 giờ) vì trẻ rất mệt và buồn ngủ.

  • Ðặt trẻ nằm nghiêng một bên và ngửa đầu ra phía sau.

  • Lau chùi đàm nhớt, chất nôn ở miệng.

  • Ðo lại nhiệt độ.

  • Cố gắng cho trẻ uống Paracetamol dạng siro để duy trì hạ sốt với liều 10-15mg/kg cân nặng/mỗi 6 giờ (khi trẻ đã tỉnh táo hoàn toàn).

  • Cố gắng cho trẻ uống nhiều nước sau cơn co giật.

  • Trong thực tế các phụ huynh chỉ nên đưa trẻ vào bệnh viện hay đến bác sĩ khám sau khi cơn co giật (đầu tiên) chấm dứt để được theo dõi, đánh giá và nhập viện nếu cần. Ðiều này cho phép có nhiều thời gian hơn để tiếp tục đánh giá, làm yên lòng phụ huynh và giả sử nếu có cơn co giật thứ 2 xảy ra thì trẻ sẽ đang ở trong bệnh viện.

Lời khuyên cho các bậc phụ huynh:

Nên dùng các biện pháp hạ sốt như trên hay uống (hoặc nhét hậu môn) thuốc hạ sốt sớm ngay từ lúc khởi phát các bệnh có gây sốt ở những trẻ có tiền sử bị CGKS, hoặc trong gia đình đã có những trẻ khác bị CGKS hay bố mẹ có tiền sử lúc nhỏ bị CGKS.

Ðiều quan trọng hơn cả là các phụ huynh không nên quá hoảng sợ, ngược lại phải tỉnh táo để có cảnh xử trí thích hợp. Nếu thực hiện tốt các hướng dẫn trị liệu trên sẽ giúp con bạn tránh khỏi những nguy hiểm lâu dài.



Trẻ bị sốt nên kiêng gì
Trẻ bị nói lắp
Nguyên nhân trẻ bị hôi miệng
Trẻ bị ho nên kiêng ăn gì
Trẻ bị ho nhiều vào đêm
Chế độ ăn cho trẻ bị tiêu chảy cấp
Thực đơn cho trẻ bị táo bón


(st)