Những ngày này, nhà nhà, nơi nơi đều không thể thiếu đi sự tươi tắn của sắc hoa – trong đó đặc biệt thân thuộc nhất với chúng ta là hoa đào, hoa mai và hoa thủy tiên. Khoe sắc rực rỡ nhất vào mùa xuân, ba loài hoa này được xem như biểu tượng của ngày Tết còn vì những ý nghĩa tốt đẹp mà người xưa đã dành cho.
Sự tích hoa đào ngày Tết
Ngày xưa, ở phía đông núi Sóc Sơn có một cây hoa đào cổ thụ, cành lá xum xuê khác thường, bóng râm che phủ cả một vùng rộng. Trên cây hoa đào khổng lồ ấy có hai vị thần tên là Trà và Uất Lũy trú ngụ, tỏa rộng uy quyền che chở cho dân chúng khắp vùng.
Quỷ dữ hay ma quái nào bén mảng lui đến ắt khó tránh khỏi sự trừng phạt của hai vị thần linh. Ma quỷ khiếp sợ uy vũ sấm sét của hai vị thần đến nỗi sợ luôn cả cây đào, chỉ cần trông thấy cành hoa đào thôi cũng đủ khiến chúng bỏ chạy xa bay.
Ðến ngày cuối năm, cũng như các thần khác, hai thần Trà và Uất Lũy phải lên thiên đình chầu Ngọc Hoàng. Trong mấy ngày Tết, hai thần vắng mặt ở trần gian nên để tránh ma quỷ hoành hành, tác oai tác quái, dân chúng đã đi hái những cành hoa đào về cắm trong lọ, ai không hái được thì lấy giấy hồng điều vẽ hình hai vị thần linh dán ở trước nhà. Việc làm này từ đó trở thành thông lệ, hàng năm cứ mỗi dịp Tết đến, mọi người đều cố gắng cắm một cành hoa đào trong nhà mình.
Lâu dần, người Việt không còn tin mấy ở ma quỷ thần linh như tổ tiên ngày xưa nhưng vẫn giữ tập tục trang hoàng cho nhà mình bằng cành đào tươi thắm, sắc giấy đỏ hồng điều với câu đối hoà hợp, cầu mong khởi đầu năm mới trong không khí vui vẻ, trong sáng.
Sự tích hoa mai ngày Tết
Ngày xưa có một cô gái tên là Mai có tính tình nhân hậu, khảng khái và rất tinh thông võ thuật. Ngay từ khi còn nhỏ, cô đã theo phụ giúp cha mình diệt trừ yêu quái, cứu xóm làng, danh tiếng truyền đi khắp nơi. Khi cô gái bước sang tuổi mười tám, sức khỏe càng tăng lên gấp bội, võ thuật càng ngày càng tinh thông thì yêu tinh lại một lần nữa xuất hiện.
Trước sự khẩn khoản của dân làng, hai cha con lại một lần nữa ra tay nghĩa hiệp. Trước khi lên đường, cô gái được mẹ may cho một bộ quần áo màu vàng rất đẹp, hứa hẹn ngày trở về sẽ mặc bộ đồ vàng ấy cho mẹ nhìn thấy cô từ xa.
Hai cha con trèo non lội suối tìm cho ra yêu tinh để tiêu diệt nó. Người cha khi này sức đã yếu nên Mai đã thay cha, đảm đương trách nhiệm chống chọi với yêu tinh. Cuối cùng cô gái cũng giết được nó, nhưng rủi thay, trước khi chết con yêu rắn đã vùng dậy dùng đuôi quấn và siết chết cô gái.
Cảm thương trước tấm lòng hiệp nghĩa của cô gái, Táo quân đã khẩn khoản xin Ngọc Hoàng cho cô được sống lại và trở về với gia đình trong chín ngày. Thế là từ đó, cô gái được trở về nhà trong hình hài nguyên vẹn với gia đình trong chín ngày (từ 28 tháng Chạp cho đến mồng 6 Tết).
Về sau khi cha mẹ và người thân đều đã qua đời, cô gái không về nhà nữa mà hóa thành một cây hoa mọc bên ngôi miếu mà người dân đã lập nên để cúng bái cô. Thấy cây hoa lạ mọc lên bên miếu và cứ trổ hoa vàng suốt chín ngày Tết, dân làng lấy tên cô gái đặt cho cây hoa ấy và chiết nhánh mang về trồng để trừ tà đuổi quỷ, mang lại may mắn cho gia đình mỗi độ xuân về, Tết đến.
Sự tích hoa thủy tiên ngày Tết
Chuyện kể rằng ngày xưa, có một phú ông sinh được bốn người con trai; lúc sắp gần đất xa trời, phú ông cho gọi các con đến dặn dò phải chia đều gia tài thành bốn phần bằng nhau. Những người con hứa sẽ làm theo lời cha dặn, nhưng sau khi chôn cất cha xong, ba người anh lớn chỉ để cho cậu út một mảnh đất nhỏ khô cằn trong góc vườn.
Phần thương người cha mới mất, phần tủi thân do bị các anh hắt hủi, người em ngồi khóc trước một cái ao. Bỗng một bà tiên mặc đồ trắng hiện lên bảo: “Ta đã biết hết chuyện buồn của con, con đừng khóc nữa. Mảnh vườn nhỏ của con có chứa một kho báu mà các anh con không biết, kho báu này chính là mầm của một loại hoa quý. Mỗi năm, khi xuân đến, nảy mầm đơm hoa, con cứ hái đem bán, sẽ có rất nhiều tiền,” nói rồi bà tiên biến mất.
Quả thật, đến mùa xuân ấy, đúng như lời bà tiên nói, mảnh đất khô cằn của người em bỗng nhiên mọc lên từng hàng hoa trắng, hương thơm ngào ngạt. Để nhớ đến ơn lành của bà tiên, người em đặt tên cho loại hoa này là hoa thuỷ tiên (tức nàng tiên nước).
Những người thích hoa, chơi hoa, và những người nhà giàu đã thi nhau đến mua hoa Thuỷ Tiên hiếm quý, với giá rất đắt. Chẳng bao lâu, người em trở nên giàu có, nhiều tiền bạc, cứ sau mỗi năm Tết đến lại càng giàu thêm nhờ mảnh đất nở đầy hoa thơm tươi thắm. Cuối cùng, người em trở nên giàu hơn cả ba người anh tham lam của mình.
Từ câu chuyện đó khiến người ta tin rằng hoa thuỷ tiên mang lại tài lộc và thịnh vượng.
Cành đào trong ngày tết ngoài ý nghĩa xua đuổi ma quỷ, còn thể hiện ước vọng của mọi người mong muốn sang năm mới sẽ gặp nhiều may mắn, an lành, hạnh phúc.
Đất trời vào xuân cùng những cành đào khoe sắc làm mọi thứ như bừng sáng lên, không khí có chút se lạnh nhưng lòng người thấy ấm áp, ngây ngất say hoa, say hương của đất trời. Trên khắp các nẻo đường, nơi nào cũng được tô điểm bởi những nụ hoa e ấp làm cho lòng người thêm rạo rực, con người cũng trở nên hối hả, khẩn trương chuẩn bị cho những ngày Tết Nguyên đán.
Cách chọn hoa đào đẹp
Ðào có 4 giống:
Đào Bích: có màu hồng thẫm, sai hoa dùng để cắm chơi trong các ngày tết.
Ðào Phai: hoa màu hồng nhạt cũng sai hoa và thường được trồng để lấy quả.
Ðào Bạch: ít hoa hơn, tương đối khó trồng. Loại đào này thường có hoa kép.
Đào Thất Thốn: cây thấp nhỏ, hoa nhỏ và nhiều màu, màu đỏ thẫm thường được trồng vào chậu uốn thành các dạng thế.
Loại đào cành: Bạn nên lưu ý khi mua dù chọn cành to, nhỏ,...thì điều quan trọng nhất đó là tán đào phải tròn, các nhánh phân bố đều. Khi cách tết khoảng từ 3-5 ngày bạn mới nên mua để lúc nở rộ sẽ vào đúng ngày tết. Nên cho vào bình cắm hoa vài viên thuốc B1, một ít kali… để cung cấp dinh dưỡng cho hoa.
Loại đào cây: Để chọn loại đào này cũng gần giống với đào cành, nên mua các cây có dăm nhỏ và ngắn, các nhánh chính tạo nên dáng cây xuất phát từ một điểm trên thân, như vậy cây sẽ đẹp, cân đối.
(ST)