Ý nghĩa của hoa trinh nữ không phải ai cũng biết
Ý nghĩa của hoa camellia và sự tích về loài hoa này
Có vô số loài hoa, mỗi hoa mỗi vẻ, mỗi hoa mỗi hương, mỗi hoa mỗi sắc. Nhưng có một loài hoa “lạ”, độc đáo nhất, và cũng bình dị nhất: Hoa Mắc Cỡ. Nghe cái tên “chán” thật!
Cây Hoa Mắc Cỡ mọc hoang khắp nơi, tại các khu đất sỏi đá ẩm ướt, đất đỏ pha cát, kể cả vùng đất cằn cỗi. Thân thảo, nhiều chùm rễ thành cành, có nhiều lông tơ nhỏ, nhiều gai nhỏ vàng mỡ gà, đầy gai nhọn, đâm vào da thịt gây nhức và đôi khi lưu mũi gai dưới da. Nhưng Hoa Mắc Cỡ không “ác ý”, không “dữ tợn”, ai chạm khẽ vào là Hoa Mắc Cỡ liền e thẹn xếp lá lại tỏ vẻ mắc cỡ như một trinh nữ.
Hoa Mắc Cỡ màu trắng ngà, chuyển đổi màu tím nhạt và lúc già màu trà khô. Thân và rễ chứa thành phần hoạt chất mimosin (C8 H10 O4 N2), tên khoa học là Alkaloid. Cây hoa mắc cỡ (thân, rễ, lá) có dược tính an thần cao, dễ tạo cơn buồn ngủ.
Chỉ là một loài hoa dại nhưng Hoa Mắc Cỡ được cố nhạc sĩ Trần Thiện Thanh (ca sĩ Nhật Trường) gọi tên bằng một mỹ từ liên quan một nhân đức: Hoa Trinh Nữ. Ông kể chuyện bằng nhạc: “Qua một rừng hoang gió núi theo sang giũ bụi đường trên vai, hái cây hoa dại lẻ loi bên đường gọi hoa Trinh Nữ… Nâng nhẹ một cây lá xếp trong tay lá ngủ thật mê say, ngỡ đôi mi dày khép đêm trăng đầy cài then cung ái…”. Ông mô tả thật khéo léo!
Chắc hẳn Hoa Mắc Cỡ là loài hoa rất lạ, lạ như các trinh nữ vậy!
Ngày xửa ngày xưa, ở một làng nọ, có một bà mẹ tính tình hiền lành như cục đất. Bà luôn chăm chỉ làm ăn nhưng vẫn nghèo, nhưng sống một thân một mình, bà buồn lắm. Bà vẫn luôn cầu Giàng cho bà một đứa con để tuổi già sớm hôm bớt cô quạnh…
Một hôm, trên đường từ nương rẫy về, bà bị lạc đến một khu rừng lạ. Ðói và khát khô cổ mà bà vẫn chẳng tìm ra thức gì để ăn và uống. Bà lả người đi. Khi tỉnh dậy, bà thấy trước mặt có một lùm cây: lá xanh chi chít, hoa vàng li ti chen lẫn những chùm trái đỏ mọng. Bà cảm thấy thèm, bèn hái trái ăn. Trái ngọt lịm làm bà không còn cảm thấy đói và khát nữa. Ðầu óc bà dường như tỉnh táo hơn. Và rồi bà tìm được lối về nhà. Hôm sau, bà thấy người mình có vẻ khác. Bụng bà cứ ngày một to dần. Ðúng 12 mùa trăng, bà sinh một bé gái. Lũ làng nhìn bà bằng con mắt khinh bỉ, vì bà không chồng mà có con. Có người độc lưỡi độc miệng nói bà đẻ ra “ma núi”. Bà vẫn cắn răng chịu đựng. Mặc dù nghèo khổ nhưng bà chăm sóc đứa nhỏ rất chu đáo.
Ðứa con gái càng lớn càng đẹp rực rỡ và xinh tươi như đóa Hoa Trang trong rừng. Nhưng tiếc thay, ngày ngày nó cứ mãi vào rừng rong chơi, bắt hoa, đuổi bướm, và lại lười biếng không chịu làm việc giúp mẹ. Bà mẹ ngày càng già yếu, nhưng vì thương con nên bà phải cố sức làm lụng vất vả để có cái ăn cái mặc cho con.
Một hôm, bà mẹ nhiễm bệnh và qua đời. Lũ làng xúm xít lo chôn cất bà mẹ và không tiếc lời quở trách đứa con tệ bạc. Quen thói lười biếng nên khi bà mẹ chết đi, đứa con không còn ai chăm sóc nữa. Hằng ngày nó tha thẩn tấm thân gầy còm đi ăn xin hết nhà này đến nhà khác. Mới đầu, người ta còn thương hại cho ít nhiều để nó sống qua ngày, nhưng nó cứ xin hoài khiến người ta cũng chán. Ðứa con đến đâu xin thì thiên hạ cũng dè bỉu, mỉa mai. Lúc này nó mới biết ăn năn, hối lỗi. Nó cảm thấy thương mẹ vô cùng và xấu hổ với dân làng nhiều quá. Nó chạy ra mộ mẹ, rồi nằm khóc nức nở và luôn gọi: “Mẹ ơi, mẹ tha lỗi cho con!”.
Từ đêm đó, không ai còn gặp lại cô bé nữa. Người ta chỉ thấy bên mộ bà mẹ mọc lên một cây lạ, lá nhỏ li ti. Mỗi khi có ai vô tình hay cố ý đụng đến, cây chợt rùng mình, khép nép như cố né tránh mọi người. Người ta gọi đó là cây Hoa Mắc Cỡ.
Câu chuyện thật ý nghĩa, ngụ ý khuyên người ta phải sống đúng bổn phận làm con, luôn hiếu thảo với cha mẹ. Người ta có thể chọn nhiều thứ, nhưng không ai có thể chọn cha mẹ. Vì thế, dù cha mẹ có thế nào thì cũng vẫn là người sinh và dưỡng dục mình, chữ Hiếu vẫn phải giữ sao cho vuông tròn.