4 cách từ chối khéo đồng nghiệp hay nhờ vả

mesu mesu @mesu

4 cách từ chối khéo đồng nghiệp hay nhờ vả

Trong quá trình làm việc tại môi trường công sở, mối quan hệ với đồng nghiệp luôn đặt ra những vấn đề nhất định mà bạn cần phải giải quyết. Một trong những tình trạng rất hay thường gặp nhưng không mấy người để ý đó chính là sự nhờ vả đến từ đồng nghiệp. Sở dĩ nói nhiều người không để ý là bởi vì suy nghĩ rằng đã là đồng nghiệp thì giúp đỡ nhau lúc này lúc kia là chuyện bình thường. Suy nghĩ này không sai, nhưng không thể không nhắc đến trường hợp tiêu cực khi mà đồng nghiệp lợi dụng điều này để dựa dẫm, ỷ lại vào những người xung quanh – trong đó có bạn. Với biểu hiện liên tục nhờ vả với nhiều lí do khác nhau nhằm đưa bạn vào tình thế bị động, dẫn tới khó từ chối và buộc phải đồng ý giúp họ.

04/12/2019 09:00 AM
47

Chia sẻ về vấn đề này, bài viết dưới đây sẽ chỉ ra 4 cách từ chối khéo đồng nghiệp hay nhờ vả.

Tỏ ra bận bịu

Để hiểu rõ tâm lý của đồng nghiệp hay nhờ vả, bạn cần biết rằng họ thường sẽ để ý xung quanh xem liệu ai sẽ có thể giúp mình. Nếu bạn không có việc làm, đang ngồi rảnh rỗi lướt web, xem điện thoại hoặc đọc sách báo thì chắc chắn họ sẽ nhanh chóng tới gần và mở lời nhờ bạn giúp đỡ. Lúc này bạn sẽ rơi vào tình thế vô cùng bị động và dẫn đến không thể từ chối mặc dù thời gian nghỉ xả hơi sắp hết và bạn cần chuẩn bị hoàn thành cho xong công việc của mình. Vì thế để giải quyết vấn đề này, bạn cần tỏ ra bận bịu bằng cách sắp xếp tài liệu, giấy tờ ra trước bàn – dấu hiệu của khối lượng tác vụ cần xử lý. Lúc này hầu hết những người có ý định nhờ vả sẽ tỏ ra e ngại vì thấy được hoàn cảnh của bạn lúc này và sẽ thôi muốn làm phiền bạn.

Một số mẫu câu ứng xử

Vì đặc thù công việc và môi trường công sở khác nhau nên sẽ xuất hiện rất nhiều tình huống, trường hợp nhờ vả của đồng nghiệp. Để ứng xử một cách phù hợp, khéo léo thì bạn cần phải hiểu rõ từng trường hợp một và có cách trả lời cụ thể cho mỗi kiểu tiếp cận nhờ vả của đồng nghiệp. Trước hết bạn nên tỏ ra quan tâm và đồng cảm với hoàn cảnh của đối phương thay vì từ chối ngay lập tức, “Em biết là anh/chị cần gấp, dạo này công việc nhiều thật”, hoặc “Em có thể giúp nhưng sau khi em làm xong việc x được không”. Những mẫu câu này sẽ giúp người đối diện cảm thấy không bị hụt hẫng do bị từ chối, đồng thời họ cũng cảm nhận được sự quan tâm của bạn.

Đừng để đồng nghiệp kỳ vọng quá nhiều

Thêm một kiểu tâm lý thường gặp ở những người hay nhờ vả là họ cho rằng bạn sẽ giỏi ở công việc, tác vụ này hơn họ, vì thế sinh ra mưu cầu được giúp đỡ. “Anh/chị giỏi cái này mà, giúp em nhé!”, đồng nghiệp thường bắt đầu với kiểu câu như thế này vì sự tin tưởng và có phần ỷ lại vào khả năng của bạn. Ở trường hợp như trên không phải lúc nào bạn cũng có thể từ chối, song, cần cho đồng nghiệp hiểu rõ không phải lúc nào bạn cũng xuất sắc trong lĩnh vực này. “Thật ra chuyên môn của em là A chứ không phải B” hay “Em không thực sự giỏi về mảng này như anh/chị nghĩ đâu”,… một vài kiểu trả lời như vậy không những giúp bạn từ chối khéo mà còn làm giảm sự kỳ vọng của những người xung quanh về khả năng của mình.

Bày tỏ thái độ dứt khoát

Dù cho khéo léo từ chối bằng cách gì đi nữa thì phương án tốt nhất để hạn chế   thói quen nhờ vả, ỷ lại của đồng nghiệp trong công ty vẫn là thái độ dứt khoát, nghiêm túc. Bạn có thể bày tỏ sự không đồng tình bằng việc nói rõ ràng với đồng nghiệp về thái độ làm việc thiếu chuyên nghiệp và những ảnh hưởng của nó đến cá nhân và quy trình công việc chung. Nếu bạn không phản đối mà lại tiếp tục cả nể và để tình trạng này trở thành một thói quen khó bỏ thì dần dần người bị ảnh hưởng nhiều nhất chính là bạn và công việc của bạn.

Trên đây là 4 cách từ chối khéo đồng nghiệp hay nhờ vả. Hy vọng thông qua bài viết này sẽ giúp bạn có cách ứng xử, giải quyết phù hợp ở môi trường làm việc của mình.

Tiến Huy

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý