Dưỡng khí ôxy rất cần thiết cho sự sống. Loại khí này là nguồn nhiên liệu chúng ta cần cho tất cả các tiến trình chuyển hóa xảy ra trong cơ thể. Không có dưỡng khí, chúng ta sẽ chết rất nhanh. Phổi là phương tiện tiếp nhận dưỡng khí đưa vào cơ thể, phân tán trong máu và lưu thông tới nơi nào cần tới. Phổi cũng hoạt động theo chiều ngược lại. Chất diôxit carbon, chất thải sinh ra từ các tiến trình chuyển hóa, được máu mang trở lại vào phổi và loại đi khi thở ra. Sự kiện này có nghĩa là với một hệ tuần hoàn lành mạnh, nhờ phổi, máu chúng ta có thể hấp thu đủ ôxy và loại bỏ đủ diôxit carbon để đương đầu với sự căng thẳng thể chất tột bậc và đáp ứng được những nhu cầu lớn nhất.
Do đó, hô hấp không chỉ mang ý nghĩa đơn thuần là thở. Hai lá phổi là tối cần thiết cho sự sống. Không phải chỉ vì phổi chuyển ôxy và lấy CO2 ra mà phổi còn phụ giúp duy trì thế quân bình kiềm-toan (acid – bazơ) - một điều kiện sống còn đối với hầu hết mọi tiến trình chuyển hóa – và bằng các thở ra nhiều hay ít lượng CO2 hơn, hai lá phổi có khả năng sửa đổi tính toan (acid) hay tính kiềm (alkal) trong máu. Sự tích tụ CO2 trong máu có thể làm cho thế quân bình trong máu lệch về bên toan, và do đó làm biến chuyển nhịp thở. Bởi vậy, hai lá phổi là những cơ quan bài tiết, hành động phối hợp với thận và da để duy tri môi trường bên trong luôn ở trạng thái ổn định. Phổi có tính đàn hồi hay co lại tự nhiên nhờ đó phổi có thể nở lớn ra, đôi khi tới 12 cm, trong trường hợp thở sâu, và tới cuối làn hai thì tự động co lại. Phổi hoạt động như một ống bễ (lò rèn) và được sự trợ giúp của các cơ bắp lồng ngực nằm giữa cơ gian sườn và cơ hoành.
Tất cả các cơ bắp của chức năng hô hấp đặt dưới sự điều khiển trung ương của não bộ và các dây thần kinh bắt nguồn từ hệ thần kinh tự động.
LÀM TỔN THƯƠNG PHỔI
Thói quen hút thuốc lá thực sự làm tổn thương trước mắt, gây cho bạn những trận ho, những đợt cảm và viêm phế quản vào mùa đông, và sẽ có hại cho thai nhi về sau nếu bạn đang mang thai. Thói quen này còn là điều kiện để di truyền những bệnh phổi kinh niên mà cuối cùng có thể dẫn tới bệnh khí thủng. Bệnh này phá hủy cấu trúc tinh vi của tế bào phổi, bóp méo các phế nang, để lại sẹo trên mô đàn hồi của phổi và làm cho chức năng thở không còn hiệu quả. Về lâu về dài, bệnh khí thủng có thể làm cho người ta luôn trong trạng thái lo âu do thở ngắn hơi và làm cho một số người không đủ sức đi bộ trên những đoạn đường ngắn.
Việc thở trong thời kỳ mang thai
Phụ nữ trải qua thời kỳ khó thở khi đang mang thai, lý do là em bé ngày một lớn lên trong dạ con. Sức ép do dạ con nở ra đè trên cơ hoành làm cho việc hít vào trở thành khó khăn và việc thở ra cũng không còn hữu hiệu như trước. Vào khoảng quý thứ ba, hơi thở bạn có thể trở nên hổn hển khi bước lên một tầng lầu. Vào cuối thai kỳ, khi đầu hay mông em bé ấn lên phía dưới các xương sường bên phải, việc thở có thể gây đau đớn bởi vì các cơ bụng và xương sườn phải liên tục chịu sức ép. Sức ép này gần như bao giờ cũng nhiều hơn khi bạn nằm xuống, do vậy, bạn hãy kê hai hay ba cái gối để nằm trong tư thế nửa nằm nửa ngồi.
Để làm cho việc thở có hiệu quả hơn, cơ cấu tổ chức của hai lá phổi được sắp xếp sao cho mỗi đường khí quản li ti kết thúc trong những túi phế nang nhỏ xếp thành chùm giống như chùm nho. Nhờ vậy, diện tích trao đổi khí được gia tăng thật lớn. Trên thực tế, nhờ vào kết cấu đơn giản ấy, mặt bằng diện tích của hai lá phổi được tăng tối đa bằng kích thước của một sân quần vợt.