Để khắc phục tính nhút nhát của con trẻ, các mẹ hãy tham khảo những bí quyết dưới đây để giúp bé mạnh dạn, tự tin hơn trong cuộc sống.
Dạy con các kiến thức cơ bản:
Giúp trẻ diễn đạt tình cảm
Trẻ nhút nhát sẽ sợ đương đầu với sự phán đoán, đánh giá của người khác. Hãy thường xuyên hỏi trẻ những điều đơn giản, lắng nghe trẻ, cho biết bạn đồng ý hay không đồng ý với trẻ. Quan tâm củng cố sự tự tin nơi trẻ, trẻ càng bày tỏ nhiều với bạn, việc thông đạt với người khác càng tự nhiên hơn.
Không làm to chuyện, không bi đát hóa tình huống
Tính nhút nhát chừng mực là biểu hiện của sự tự vệ, không hẳn là tiêu cực. Đó là một nét sâu sắc thuộc bản chất con người. Hãy giải thích với con bạn rằng nhút nhát không phải là khuyết điểm lớn, và điều quan trọng là chấp nhận nó. Hãy kể cho trẻ nghe kinh nghiệm riêng của bạn, cho trẻ biết bạn từng trải qua những thử thách như trẻ để giúp trẻ bớt cảm giác lẻ loi, lạc lõng.
Không xem nhút nhát như một cớ để bao che
Những câu nói kiểu như: “Hãy tha lỗi cho cháu, cháu nhát lắm” nghe tưởng như vô hại, nhưng thật ra càng làm cho con bạn tin rằng đó là một tính chất không thể sửa đổi. Kiểu “bị gắn nhãn” ấy cũng có thể là lý do nại ra để trẻ không muốn thay đổi và tránh mọi tình huống xã hội mà trẻ xem là khó nhọc.
Tính nhút nhát chừng mực là biểu hiện của sự tự vệ, không hẳn là tiêu cực ( ảnh minh họa)
Tránh nói đến tính nhút nhát của trẻ trước mọi người
Những trẻ nhút nhát thường rất nhạy cảm trước những lời nói liên quan đến chúng. Nói về tính nhút nhát của trẻ với những người mẹ khác chỉ càng khiến trẻ thêm bối rối và làm vấn đề trầm trọng hơn. Chế nhạo trẻ có thể càng khiến trẻ thêm nhút nhát. Ngay cả đôi khi thái độ của trẻ làm bạn nổi giận, bạn cũng nên kiềm chế, vì những nhận xét gay gắt thốt ra dưới cơn giận sẽ in sâu trong óc con bạn.
Không đột ngột đưa trẻ đến gặp những người khác
Không ngừng khuyến khích trẻ đến với những người khác sẽ có nguy cơ khiến trẻ thêm bất an và làm tăng nỗi sợ của trẻ. Con bạn sẽ có cảm tưởng cha mẹ không hiểu nó và càng khép kín. Tốt hơn nên từ từ giúp trẻ vượt qua tính nhút nhát một cách tuần tự, tế nhị, nhẹ nhàng.
Không nên bảo bọc trẻ quá đáng
Bảo bọc trẻ quá mức sẽ gây tác dụng ngược. Thái độ ấy càng khiến trẻ nghĩ nỗi sợ của nó có căn cứ. Kiểu tránh né ấy chỉ làm tăng sự sợ hãi cho trẻ. Cần để trẻ tự xoay xở với những vấn đề của nó. Đặc biệt cha mẹ cần cương quyết trong dạy lễ phép cho trẻ. Nhút nhát không phải là cớ để không chào hỏi, không nói cám ơn.
Đề nghị với trẻ những vận dụng nho nhỏ về tình huống
Đặt cho trẻ những “thách đố” nho nhỏ, chẳng hạn bảo trẻ chào và hỏi thăm sức khỏe bà cụ hàng xóm mỗi ngày hay mua bánh mì ở gần nhà. Cách ấy sẽ giúp trẻ tự tin, bạo dạn hơn.
Khen trẻ mỗi khi trẻ đạt một thành tích nhỏ sẽ rất hiệu quả trong việc giúp trẻ bớt nhút nhát. ( ảnh minh họa)
Giúp trẻ nhận biết giá trị bản thân
Khen trẻ mỗi khi trẻ đạt một thành tích nhỏ sẽ rất hiệu quả trong việc giúp trẻ bớt nhút nhát. Với mỗi gắng sức của trẻ, cha mẹ đừng tiếc lời khen. Nên nói: “Mẹ thật tự hào vì con, con đã vượt qua nỗi sợ”, hay “Con thật can đảm”.
Nghĩ đến những sinh hoạt ngoài trường học
Những môn thể thao tiếp xúc như judo hay karaté giúp trẻ chống lại cảm giác tự ti, trong khi sáng tạo nghệ thuật giúp trẻ thể hiện ra ngoài những cảm xúc và nỗi đau. Nhưng chỉ ghi danh cho trẻ loại hình sinh hoạt này khi trẻ muốn. Ngược lại, cha mẹ sẽ gây cho trẻ cảm giác ngạt thở, có nguy cơ trẻ trở nên khép kín.
Không để trẻ có cảm giác lẻ loi
Dự những lễ sinh nhật có thể là một thử thách thật sự đối với những trẻ nhút nhát. Đừng buộc trẻ đến dự nếu trẻ không muốn. Ngược lại, nên mời những trẻ khác đến chơi với trẻ tại nhà. Ở nhà, trong môi trường quen thuộc, trẻ dễ dàng vượt qua nỗi sợ. Chắc chắn trẻ sẽ cảm thấy thoải mái khi mỗi lần chơi với một người bạn, hơn là với một nhóm bạn. Thỉnh thoảng chơi với một bé nhỏ hơn một chút, đặt trẻ ở một vị thế trội hơn, có thể cho trẻ cảm giác an tâm hơn so với khi chơi với những trẻ cùng tuổi.
Phân tích căn bệnh nhút nhát:
Trẻ nhút nhát sẽ phải chịu rất nhiều thiệt thòi trong cuộc sống. (Ảnh minh họa). |
Các chuyên gia cho rằng, nhát là đặc trưng của không ít các bé trong độ tuổi mẫu giáo – khi bé thích thu mình lại hoặc ngại ngần bộc lộ suy nghĩ, ý kiến của bản thân, khó khăn khi tương tác với người lạ và thường nép mình bên cạnh cha mẹ.
Nhận diện bé nhút nhát
1. “Đi về / Cho con ra khỏi đây”: Những bé nhút nhát thường dễ dàng được nhận diện khi đặt bé ở môi trường xa lạ, nhiều tiếng ồn… Để phản ứng lại điều này, bé sẽ xuất hiện hành vi từ chối và cầu cứu đến sự trợ giúp của cha mẹ hay người thân.
2. “Con tự chơi được”: Một số bé nhút nhát không thích người ngoài xâm nhập vào thế giới riêng của bé trong khi những bé hướng ngoại có khả năng hòa nhập với khá nhiều người, từ người già đến người trẻ. Bé nhút nhát cũng thích tự giải quyết vấn đề hoặc vui chơi với những người mà bé thực sự tin tưởng.
3. “Cô / chú là ai?”: Bé nhút nhát luôn tự sắp xếp trong đầu 2 nhóm người là người quen và người xa lạ. Nếu bé lục trong trí nhớ thấy đó là một khuôn mặt không quen, bé sẽ từ chối tiếp xúc.
Nguyên nhân khiến bé nhút nhát
Lý do của lối sống nội tâm ở bé còn chưa được làm sáng tỏ nhưng các chuyên gia gợi ý một số yếu tố sau:
- Một số nghiên cứu tin rằng, nhút nhát là hành vi có tính thừa kế (do gene). Một số bé bẩm sinh đã e dè hơn các bé khác.
- Khi bé nhút nhát nhận thấy môi trường xung quanh quá sức như một bữa tiệc ồn ào hoặc một căn phòng toàn người lạ, bé sẽ tự thu mình lại.
- Nhiều bé có khả năng ứng xử rất kém với người lạ: Bé không biết nói gì và hỏi gì vì sợ bị sai, sợ mắc lỗi…
Giúp bé khắc phục cái bóng nội tâm
Bé nhút nhát không có nghĩa là bé bất thường hay đáng ghét, chỉ đơn giản đó là đặc trưng tính cách ở bé. Cha mẹ không nên đánh đồng sự e dè với trí thông minh của bé, bởi trên thực tế, có không ít nhân vật tài giỏi, nổi tiếng có bản chất hướng nội. Tuy nhiên, để bé luôn tự tin và không lo lắng khi hòa nhập vào xã hội, cha mẹ nên giúp đỡ để bé bạo dạn hơn.
1. Tránh ép buộc: Chẳng bé nào thích bị cha mẹ bắt ép hoặc bị biến thành một bé khác, vì thế, cha mẹ nên hướng bé phát triển tự nhiên. Tránh khó chịu, cáu giận, la hét hoặc bày tỏ thái độ tiêu cực khi bé không thực hiện theo điều cha mẹ kỳ vọng. Thay vào đó, cha mẹ nên sử dụng những biện pháp tích cực như động viên, khen ngợi khi bé gặt hái được hành vi tốt; chẳng hạn, nên mỉm cười và cổ vũ khi bé biết chia sẻ đồ chơi cho bạn chơi.
2. Cho bé kết bạn với nhiều người: Để bé không lo lắng khi đối diện với người lạ thì ngay từ bây giờ, cha mẹ nên tạo cơ hội để bé giao tiếp với nhiều người ở nhiều lứa tuổi khác nhau. Công viên, vườn hoa hay bất cứ nơi nào cũng là chỗ để mẹ cùng bé bắt chuyện với người lạ. Đừng lo lắng nếu bé tỏ ra không thân thiện vì dần dần, tình hình sẽ được cải thiện.
3. Tôn trọng không gian riêng của bé: Bé nhút nhát cần một khoảng thời gian để quen với một người lạ. Vì thế, nếu bé không muốn, bạn cũng không nên ép bé phải gần gũi, ôm hôn người lạ. Thậm chí, bé còn bất an khi người lạ chạm vào đồ chơi, thức ăn hay quần áo của bé.
4. Làm hình mẫu cho bé: Bé học được rất nhiều thứ từ cha mẹ qua quan sát và bắt chước. Vì thế, nếu cha mẹ cũng e dè, ít nói hoặc quá bận rộn, không quan tâm đến con thì khả năng bé co mình lại càng nhiều hơn.
Trẻ ăn dặm đúng cách
Hành vi giao tiếp của trẻ
Tìm hiểu về bệnh tự kỷ ở trẻ em
Trẻ bị nói lắp
Cách tắm cho trẻ sơ sinh thế nào
Trẻ 4 tháng tuổi biết làm những gì?
(ST).