Kỹ thuật nuôi cá Đĩa

seminoon seminoon @seminoon

Kỹ thuật nuôi cá Đĩa

18/04/2015 10:48 PM
971

Kỹ thuật nuôi cá Đĩa. Những điều cần biết khi bạn có ý định nuôi cá đĩa.


Hướng dẫn kỹ thuật nuôi cá đĩa - phần 1




Hình 1: Cá đĩa ưa chuộng hiện nay

Là những loài cá có bề ngoài khác biệt thuộc chi Symphysodon, họ Cichlidae, cá dĩa được nhiều người nuôi cá xem như là loài cá nước ngọt tuyệt vời nhất. Vốn được ca tụng là “Vua của hồ cá”, có một bí ẩn bao trùm lên vẻ bề ngoài xinh đẹp và hành vi thú vị của chúng. Nhiều người nuôi cá kinh nghiệm khi đề cập về cá dĩa thường hay than phiền rằng chúng rất khó nuôi, thậm chí sinh sản còn khó hơn, chúng đòi hỏi những điều kiện nuôi dưỡng đặc biệt và hoàn toàn không đáng để cố gắng. Thay vì tìm hiểu kỹ hơn, họ phê phán cá dĩa thậm chí ở điểm rằng chúng là cichlid. Bởi vì những phê bình kiểu này, người chuẩn bị nuôi cá dĩa phải hết sức “rắn mặt” và giỏi đối đáp.

Khi bạn quyết định nuôi cá dĩa, nhiều người sẽ chọc ghẹo… và nghi ngờ sự sáng suốt của bạn. Họ sẽ cho là bạn ngốc nghếch và có xu hướng tự hành xác. Họ cũng tự cho mình quyền đặt những câu hỏi tọc mạch về chi phí nuôi cá của bạn, đồn đoán rằng bạn phải cầm cố tài sản hay cho con cái đi ở đợ để có tiền chơi cá. Khi tất cả những điều đó không có tác dụng, bạn vẫn cứ nuôi cá dĩa và nuôi một cách thành công, họ sẽ nói đùa rằng bạn có những con cá thịt tuyệt vời vì kích thước của một con cá dĩa trưởng thành vừa khít với kích thước và hình dạng của cái chảo.


Thật không may là có những hình ảnh… hình ảnh mang tính lịch sử… về những phụ nữ Amazon ngực trần với khuôn mặt được sơn phết đang nhai cá dĩa xanh một cách rất thỏa mãn. Màu sắc của chúng quá đẹp để đem ra ăn thịt vì thế tôi cho rằng những hình ảnh này được trưng bày chỉ vì nhiếp ảnh gia muốn gây sốc mà thôi. Dĩ nhiên, tôi chỉ đoán vậy và việc này cũng có thể xảy ra thật… nhiếp ảnh gia có lẽ đã chụp ảnh những phụ nữ Amazon ngực trần khi họ đang đưa con cá dĩa xanh lên miệng. Nhưng để tâm hồn bạn được thanh thản, xin đừng bàn sâu về vấn đề này làm gì.

Đừng để ý đến những người rắc rối đó làm gì. Bạn có thể làm được. Bạn có thể nuôi cá dĩa và lai tạo chúng mà không tốn quá nhiều chi phí. Bạn chỉ cần trang bị một số kiến thức và lưu ý đến những nhu cầu cơ bản của cá là sẽ ổn.Tôi sẽ không làm bạn chán về những chi tiết liên quan đến kinh nghiệm nuôi cá dĩa trước đây của mình. Tôi rất bướng bỉnh và không chịu đọc các hướng dẫn, tôi nghĩ rằng mình đã biết hết và mọi thứ sẽ ổn thôi. Nhưng khi đã lớn tuổi và thậm chí đọc chữ cỡ nhỏ rất khó khăn, tôi phát hiện ra rằng cần phải đọc càng nhiều càng tốt trước khi bắt tay làm điều gì đó ngay cả khi bạn nghĩ rằng bạn đã biết hết mọi thứ. Đó là một nghịch lý.

Bỏ công đọc về vấn đề mình đang quan tâm là điều cho thấy rằng bạn không phải là người mới chơi cá, và có nhiều khả năng cho thấy bạn sẽ thành công bằng kiến thức thay vì phó thác cho sự may rủi. Chỉ có một chút khác biệt giữa nuôi cá dĩa với những loài cá Nam Mỹ khác. Nếu bạn đã từng nuôi cá tai tượng Phi, cá ông tiên hay cá nheo và áp dụng những nguyên lý cơ bản, bạn sẽ không gặp nhiều rắc rối khi nuôi cá dĩa.Nói ngoài lề như vậy là quá đủ, bây giờ chúng ta đi vào vấn đề chính.Cá dĩa thực sự là cá nhiệt đới, chúng cư ngụ trong những dòng nước ấm áp ở vùng xích đạo Nam Mỹ.


Điều này có nghĩa là chúng ưu nước ấm. Một số người cố nuôi cá dĩa ở nhiệt độ khoảng 26°C, có lẽ để dung hòa với cây thủy sinh hay những loài cá khác trong hồ và có thể đạt kết quả tốt trong một thời gian ngắn. Nhưng nhiệt độ thấp sớm muộn sẽ làm cá dĩa bị căng thẳng và đổ bệnh, đặc biệt là bệnh nhiễm khuẩn đường ruột hay Hexamita. Tầm nhiệt độ thích hợp nhất cho cá dĩa là 28°-30° C, nhiệt độ khoảng 32° C rất thích hợp khi thả cá vào hồ mới. Nhiệt độ cao hơn nữa sẽ có hại cho cá và nên duy trì nhiệt độ 31-32° C cho đến khi nào cá hoàn toàn quen với hồ.

Nhiệt độ như vậy cũng thích hợp khi điều trị cá trong một số trường hợp, chẳng hạn khi cá bị nhiễm khuẩn Hexamita, để làm tăng thể trạng cá và công dụng của thuốc. Tôi sử dụng đầu nhiệt 150W cho hồ 110 lít. Với hồ nhỏ hơn, 75 lít, tôi sử dụng đầu nhiệt 100W.Trước khi đem cá về nhà, bạn phải chuẩn bị hồ và khởi động xong hệ thống lọc. Đừng dại dột khi nghĩ rằng nên mua cá trước rồi chuẩn bị hồ sau cũng được. Làm như vậy thường thu được kết quả xấu hơn là thành công. Sử dụng loại máy lọc nào không quan trọng nếu nó không tạo ra dòng chảy quá mạnh. Hầu hết người nuôi cá dĩa đều hài lòng với một bộ lọc khí lớn trong hồ có kích thước cỡ 110 lít với mật độ nuôi nhỏ.

Với hồ lớn và mật độ nuôi cao, có thể cân nhắc sử dụng bộ lọc mạnh hơn. Nếu bạn bắt đầu nuôi cá con thì chỉ cần sử dụng một bộ lọc khí cũ là đủ. Nếu bạn không thể chờ để khởi động bộ lọc khí một cách tự nhiên, hãy sử dụng loại dung dịch có chứa vi khuẩn. Chúng hoạt động rất tốt và loại trừ khả năng lây bệnh so với việc sử dụng bộ lọc khí cũ. Tỷ lệ nuôi 6 con cá dĩa nhỏ (5-7.5 cm) trong một hồ 75 hay 110 lít là lý tưởng, hồ sau thích hợp hơn trong trường hợp nuôi cá lâu dài. Trong khi chúng ta thường được khuyên nên bắt đầu với 6 con cá dĩa, tôi cho rằng nên nuôi tối thiểu 3 con. Nuôi hai con thường xảy ra cắn lộn và sự hiện diện của con thứ 3 làm sẽ làm cá bớt hung dữ. Xung đột ở cá con thường hiếm khi nghiêm trọng.



Cách tốt nhất là bắt đầu bằng 6 con rồi tách dần những con yếu hơn ra nuôi riêng. Cách này dẫn đến kết quả là chỉ còn hai con, và thường là một cặp cá rất đẹp mà chúng sẽ bắt đầu sinh sản rất sớm. Chúng ta thường được khuyên rằng để hồ trống là cách nuôi cá dĩa tốt nhất. Tôi từng nuôi cá dĩa trong nhiều loại hồ khác nhau, từ hồ thủy sinh với những loài cá tương thích cho đến hồ “trống” như lời khuyên của những nhà lai tạo khác. Hồ cá dĩa của tôi, dù nuôi cá giống hay cá con, luôn được bố trí một lớp sỏi rất mỏng ở dưới đáy. Lớp sỏi mỏng giúp lắng đọng chất cặn bã mà làm vệ sinh cũng rất dễ. Cá cũng thích nền sỏi vì chúng thường sục vào đó để tìm kiếm thức ăn. Mặc dù cá dĩa nuôi trong hồ trống cũng tốt nhưng tôi lại thích bố trí nền sỏi. Nếu bạn chọn nền trống, hãy sơn hay dán kín mặt đáy vì cá sẽ cảm thấy lo lắng khi chúng nhìn xuyên qua mặt đáy, và như vậy chúng sẽ luôn nhút nhát.

Bên cạnh việc bố trí nền sỏi, tôi thích thả thêm gỗ lũa (trang điểm thêm một ít Java fern), thực vật nổi như water sprite và water wisteria (cả hai rất thích hợp đối với nước nuôi cá dĩa) và chậu trồng cây đổ đầy sỏi để trồng những cây thủy sinh khác. Một bộ đèn huỳnh quang với một bóng ánh sáng nóng và một bóng ánh sáng lạnh sẽ cung cấp đầy đủ ánh sáng cho cây. Cá dĩa hay giật mình khi đang tối mà đèn bật sáng bất thình lình; bằng không, chúng không hề dị ứng với ánh sáng. Liên quan đến điều này, thực vật nổi sẽ làm tán xạ ánh sáng một cách tương đối trước khi chiếu đến cá dĩa.


Hình 2: Cá đĩa hoang dã Symphysodon discus xuất xứ từ Brazil này được gọi là “cá dĩa nâu Heckel”.
Với hồ cách ly hay điều trị, tôi không trải sỏi hay bỏ bất cứ vật dụng nào cả. Nếu đây là lần đầu tiên bạn nuôi cá dĩa, hồ nuôi nên bố trí theo kiểu hồ cách ly. Trường hợp này, hồ nuôi nên để trống ngoại trừ máy lọc, đầu nhiệt và đèn. Lý do của việc sắp xếp gọn nhẹ như thế này bởi vì bạn cần phải quan sát cá dĩa thật kỹ ngay cả khi chúng tìm cách lẩn tránh, tốt nhất là bạn luôn có thể quan sát chúng một cách thật rõ ràng. Nếu bạn phải điều trị cho cá thì cây thủy sinh, nền sỏi và những đồ trang trí khác sẽ không thích hợp. Bạn cũng cần để cá thích nghi với môi trường sau khi đảm rằng chúng hoàn toàn mạnh khỏe. Quá trình cách ly nên kéo dài không dưới 30 ngày. Nếu bạn thả cá dĩa vào một hồ có sẵn, hãy cách ly cá mới – trong hồ cách ly có kích thước khoảng 38 lít – cho đến khi chắc chắn rằng chúng hoàn toàn khỏe mạnh.

Bạn biết gì về nước máy? Tôi thấy rằng nước máy ở hầu hết mọi nơi đều an toàn đối với cá dĩa mà không cần phải điều chỉnh gì nhiều. Nước máy có thể uống nên nó không thể giết chết cá dĩa được (tôi biết điều này hơi gượng ép bởi vì ở một số nơi trên thế giới, tốt nhất bạn không nên uống nước máy!). Bạn phải khử clor và chloramine (NH2Cl), và có lẽ phải điều chỉnh độ pH một chút, nhưng chừng nào mà bạn chưa nuôi cá đẻ, độ cứng cũng không quan trọng lắm. Cá dĩa thích hợp nhất với nước mềm, hơi có tính acid nhưng rất nhiều nhà lai tạo nuôi cá dĩa bột của họ từ nguồn nước máy địa phương mà chỉ cần khử clor và hạ pH một chút. Điều quan trọng nhất khi thiết lập một hồ cá, đó là bạn phải tìm hiểu điều kiện nước mà cá bạn từng sống. Hãy hỏi.

Cá bạn mua có thể đã quen sống ở nước có độ pH trung hòa. Trong trường hợp này, bạn nên giữ nguyên độ pH như vậy thay vì giảm xuống còn 6.0 – 6.5, ít ra cũng trong giai đoạn mới bắt cá về. Luôn thay đổi thành phần hóa học nước từ từ. Tôi nuôi nhiều cá đĩa ở độ pH rất thấp, đôi khi xuống đến 4.5, nhưng chỉ áp dụng cho cá giống và cá hoang dã hơn là cá con. Cá con luôn được nuôi ở độ pH 6.5 để làm giảm khả năng cá phải làm quen với môi trường quá khác biệt khi bán cho người khác. Có rất nhiều sản phẩm làm giảm độ pH rất tốt từ dung dịch có sẵn trong chai đến chất liệu lọc bằng than bùn, vì thế tùy bạn lựa chon đâu là cách tốt nhất đối với mình. Một loại thiết bị mà theo tôi là rất cần thiết đó là máy đo độ pH. Theo dõi độ pH là điều rất quan trọng nhưng hầu hết các bộ thử đều không có thang đo đủ thấp cho người nuôi cá dĩa. Độ pH thấp thường có xu hướng tự tăng cao trong một số trường hợp (do thiếu bộ đệm), bởi vậy chúng ta nên thường xuyên theo dõi độ pH để điều chỉnh kịp thời.

Về thức ăn, một lần nữa, bạn nên hỏi xem cá dĩa từng được nuôi bằng loại thức ăn gì. Nếu đó là loại thức ăn đặc biệt mà cá của bạn đã quen ăn, hãy đảm bảo rằng bạn có thể kiếm ra loại thức ăn đó. Tất cả cá dĩa của tôi được cho ăn thức ăn tổng hợp dạng tấm ít nhất một lần mỗi ngày. Chúng cũng được cho ăn tim bò chế biến tại gia. Có một nghiên cứu gần đây tại Đại học Singapore (được tài trợ bởi trang trại Gan Discus) cho thấy cá dĩa tăng trưởng tốt nhất trong điều kiện nước thật sạch và cho ăn tim bò xay nhuyễn mà không trộn thêm bất kỳ chất phụ gia nào. Với tôi, vậy là đủ.

Một số người sử dụng những loại thức ăn khác (như tôm, gan, đậu…) nhưng tôi không thấy chúng có ưu điểm đáng kể nào. Một thành phần tạo ra sự khác biệt đáng kể ở cá dĩa đó là xanathan, chất tạo màu tự nhiên mạnh hơn nhiều lần so với bột ớt. Xanathan bao gồm bột bông cúc vàng và những chất màu thực phẩm phổ biến khác, chẳng hạn như O.S.I. Vivid Color Flakes. Cho cá ăn tim bò mau dơ nước nhưng cá có bản dày. Nếu bạn cho cá ăn tim bò ngay trước khi thay nước thì bạn có thể duy trì việc cho cá ăn loại thức ăn này mà nước vẫn sạch. Bên cạnh tim bò và thức ăn tấm tổng hợp, cá dĩa mạnh khỏe còn có thể ăn nhiều loại thức ăn khác nhau.

Tuy nhiên, không nên cho cá ăn các loại trùn chỉ. Trùn chỉ, trùn đen và những loại thức ăn tươi có nguồn gốc từ nước ngọt rất hợp khẩu vị đối với bất kỳ loài cá nào nhưng chắc chắn cá sẽ có nguy cơ lây nhiễm một số bệnh đường ruột. Trùng đỏ đông lạnh là loại thức ăn được nhiều nhà lai tạo ưa chuộng và cá dĩa rất thích nhưng nguy cơ lây nhiễm bệnh ký sinh khiến tôi phải cân nhắc trước khi cho chúng ăn. Tôi không cho cá ăn thức ăn tươi hay đông lạnh có nguồn gốc nước ngọt trừ phi cá quá yếu và tôi chỉ cho chúng ăn thuốc bổ thôi. Có một ngoại lệ - artemia tươi hay đông lạnh rất an toàn và kích thích khẩu vị cá dĩa.


Cá dĩa thường không kén ăn trừ khi chúng bị căng thẳng. Đừng cho cá ăn quá nhiều, dĩ nhiên, nhưng cũng đừng để cá quá đói. Tốt nhất là nên hút hết thức ăn thừa sau khi cho cá ăn khoảng một hai tiếng. Tôi thường làm như vậy. Cá non nên được cho ăn từ 2 đến 3 lần mỗi ngày. Hãy quan sát chúng. Đừng cho chúng ăn nhiều hơn mức chúng có thể ăn trong một giờ. Cá dĩa rất háu ăn trong vài phút đầu nhưng sau đó lại ăn rỉ rả vì vậy đừng vội hút “thức ăn thừa” ra quá nhanh.
Việc lựa chọn cá dĩa rất khó khăn. Thông thường, sức khỏe luôn quan trọng hơn loại cá hay màu sắc. Hãy để ý cá có dạng tròn, đều, không bị khuyết tật hay vết thương nào, vây đủ và đều, và mắt phải tỷ lệ với thân hình. Cá dĩa non có mắt quá to luôn là dấu hiệu cá bị còi và không thể lớn đến đến kích thước tối đa.

Chọn những con có mắt màu đỏ, màu cam hay bất cứ màu sáng nào, hay kể cả màu nâu ở một số loại cá. Mắt đen hay sẫm màu là dấu hiệu cá bị bệnh. Chuyển động phập phùng của mang cũng rất quan trọng. Nếu cá thở nặng nhọc ở một bên mang còn mang bên kia bất động thì đó có thể là dấu hiệu cá bị nhiễm bệnh ký sinh ở mang. Trong khi bệnh ký sinh ở mang và những loại bệnh khác khá dễ chữa trị đối với người nuôi cá nhiều kinh nghiệm nhưng nếu bạn mới bắt đầu nuôi cá dĩa thì tôi khuyên bạn nên tránh ngay từ đầu. Hãy kiểm tra phân cá. Nếu phân cá có màu đen nằm ở dưới đáy hồ thì đó là dấu hiệu cá không bị nhiễm khuẩn đường ruột.

Nếu phân màu trắng dính ở hậu môn của cá hay dưới đáy hồ thì cá đang bị bệnh đường ruột, nhiễm khuẩn Capillaria, Hexamita… Xin nhắc lại, bệnh nhiễm khuẩn có thể chữa được nhưng hơi khó khăn đối với người mới bắt đầu nuôi cá. Nếu bạn mua cá từ tiệm bán cá, tốt nhất nên hỏi người bán xem cá có ăn uống bình thường hay không. Nếu chúng hơi phàm ăn, bạn có thể chắc chắn rằng chúng đang ở trong tình trạng sức khỏe tốt và sẽ sống sót trong hồ cá của bạn.


Khi bạn mang cá về nhà, hãy áp dụng phương pháp tập cho cá quen với nước hồ. Châm nước hồ từ từ vào chậu có sẵn cá và nước từ túi đựng cá. Một khi lượng nước tăng lên gấp đôi, bạn có thể bắt cá bằng tay hay vợt để thả vào hồ. Đừng đổ nước từ túi đụng cá vào hồ. Chỉnh độ chiếu sáng thấp ngày đầu tiên hay cho đến khi cá bơi lội bình thường. Cá dĩa nằm bẹt một bên thân dưới đáy trong vài giờ khi được thả vào hồ mới là điều rất bình thường. Cũng bình thường khi chúng bắt đầu bơi lội và đòi ăn sau đó khoảng chục phút. Việc di chuyển ít nhiều làm cá bị sốc, dù sao đi nữa, cá dĩa bắt đầu ăn sau đó khoảng một ngày.

Sau khi thả cá vào hồ, bạn tránh làm phiền đến chúng trừ phi thật cần thiết. Từ từ rồi chúng sẽ quen với sự hiện diện của bạn nhưng lúc đầu đừng ngạc nhiên nếu chúng tìm cách bỏ trốn khi bạn đến gần. Hãy đừng cử động. Bản tính tò mò tự nhiên của chúng sẽ trỗi dậy và nhanh chóng phản ứng với những gì xảy ra ở phí trước hồ. Chúc bạn may mắn và sở hữu những con cá dĩa tốt nhất. Hy vọng bạn có nhiều niềm vui!

Kiến thức cơ bản về nuôi dưỡng cá dĩa by Cichlidae


Phần 2:


1.1. Xuất xứ và đặc điểm sinh thái


- Cá Đĩa được phát hịện vào năm 1840 bởi một nhà ngư loại học người Áo – Tiến sĩ Johann Jacob Heckel.

- Quê hương của cá Đĩa là các vùng nước trũng, tù đọng trên các nhánh sông Amazon chảy qua các nước Nam Mỹ như Brazil, Peru, Venezuela và Columbia. Các vùng nước tìm thấy cá Đĩa có đặc điểm sinh thái bao gồm: nước rất trong, độ nhìn thấy có thể lên đến 1.6 - 4.5m; nước có tính axit nhẹ, độ pH = 4 – 7 (phần lớn pH = 4 – 6); độ cứng tổng cộng cũng rất thấp (nước rất mềm): 1odH (17 – 18 mg/l CaCO3), nhiệt độ nước khá ấm (26 độ C); hàm lượng muối hòa tan rất thấp: 10 – 60 (microseimens).







- Bộ cá Vược: Perciformes
- Họ cá Rô phi: Cichlidae
- Các loài:
+ Symphysodon discus Heckel (cá Đĩa xanh, đỏ có 9 sọc đứng)
+ Symphysodon aequifasciatus, có 3 loài phụ
+ S. aequifasciatus aequifasciatus (cá Đĩa xanh – green discus)
+ S. aequifasciatus axelrodi (cá Đĩa nâu – brown discus)
+ S. aequifasciatus haraldi (cá Đĩa lam – blue discus)

1.2. Một số đặc điểm sinh học


- Sinh trưởng: nuôi trong bể kiếng, cá tăng trưởng chậm : sau 6 - 8 tháng nuôi cá có thể đạt : 6 – 10 cm (kích cở thương phẩm)

- Sinh sản: cá thành thục sau: 12 – 20 tháng tuổi. Cá đẻ trứng dính bám vào giá thể. Trứng nở sau 50 – 60 giờ (tùy nhiệt độ). Trứng dinh dưỡng bằng noãn hoàng trong 2 – 3 ngày đầu, sau đó bám vào mình cá cha mẹ và dinh dưỡng bằng chất tiết trên mình cá cha mẹ. Từ ngày thứ 12 sau khi nở cá có thể ăn bobo, artemia. Sau 3 - 4 tuần cá có thể ăn trùn chỉ.

2. Nuôi cá Đĩa không dễ


“Cá Đĩa là loại cá cảnh khó nuôi nhất trong các loại cá cảnh nước ngọt nhiệt đới” bởi vì cá Đĩa có rất nhiều điểm khác biệt về nhu cầu sinh thái, đặc điểm sinh học so với họ hàng cá Rô phi của chúng nói riêng và các loài cá cảnh nước ngọt nhiệt đới nói chung. Do đó trong điều kiện nuôi, cần chú ý 2 đặc điểm sau:
- Thứ nhất: cá Đĩa là loài cá nhạy cảm nhất, đặc biệt nhạy cảm với
+ Tiếng ồn, chấn động nhẹ, ánh sáng mạnh
+ Các thay đổi của môi trường: nhiệt độ, độ pH, độ cứng của nước. Biên độ thích nghi với các yếu tố này của cá Đĩa rất thấp.
+ Các tác nhân làm phiền khác, cá Đĩa dể bị stress khi bị quấy rối bởi các loài cá năng động sống chung.
+ Các tác nhân gây bệnh (nấm, ký sinh trùng, vi khuẩn, virut)

- Thứ hai: cá Đĩa đòi hỏi rất cao về chất lượng nước
Chính vì thế và cũng theo kinh nghiệm từ các nghệ nhân nuôi cá Đĩa: “cá Đĩa chỉ khó nuôi hơn các loại cá cảnh khác khi chúng ta không cung cấp cho chúng môi trường sống phù hợp”

3. Nhu cầu chất lượng nước trong nuôi cá Đĩa


3.1. Nhiệt độ


3.1.1. Ảnh hưởng của nhiệt độ đối với sức khỏe cá


- Nhiệt độ cơ thể cá thay đổi theo nhiệt độ môi trường (đây là đặc điểm khác với các động vật máu nóng trên cạn).

- Nhiệt độ ảnh hưởng trực tiếp đến các quá trình sinh hóa trong cơ thể cá. Sự thay đổi nhiệt độ quá lớn và đột ngột sẽ làm rối loạn các quá trình sinh hoá trong cơ thể và ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường của cá.

3.1.2. Nhiệt độ thích hợp cho


- Cá trưởng thành, cá sinh sản: 26 – 28 độ C

- Cá con (mới nở đến 5 – 6 cm): 28 – 30 dộ C

3.1.3. Quản lý nhiệt độ


+ Bể nuôi đặt trong phòng có nhiệt độ tương đối ổn định (tránh gió lùa, lợp tole hấp thu nhiệt).
+Dùng sưởi để kiểm soát nhiệt độ trong hồ (đối với cá con hay vào mùa lạnh)


3.2. Độ pH


3.2.1. Ảnh hưởng của độ pH


 - Độ pH ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của cá khi có sự thay đổi đột ngột, cá có thể bị stress hay bị chết.

- Tuy nhiên ảnh hưởng quan trọng hơn là ảnh hưởng gián tiếp của pH thông qua môi trường nước. Độ pH ảnh hưởng đến nồng độ hoà tan các muối dinh dưỡng, đến độ cứng của nước, thành phần các độc tố. Cụ thể như khi độ pH càng cao, hàm lượng ammonia dạng không phân ly (NH3) càng nhiều và rất có hại cho cá, ngược lại khi pH càng giảm thì độc tính của khí sulfurhydro (H2S) càng tăng.

3.2.2. Khoảng pH thích hợp cho cá Đĩa


- Cá sinh sản: 6 – 6.2

- Cá con: 6.5 – 6.8

- Cá trưởng thành: 6 – 6.8

3.2.3. Quản lý độ pH


- Tăng độ pH.

- Tăng cường sục khí trong hồ hay bể chứa nước có ánh sáng, tăng cường quang hợp, giảm nồng độ CO2, tăng độ pH.

- Dùng nước vôi trong đã pha sẳn để trung hòa

- Giảm độ pH

- Dùng axit phosphoric (H3PO4) hay axit citric (giấm).

- Lọc sinh học cũng giúp giảm độ pH nước.

3.3. Độ cứng


3.3.1. Ảnh hưởng của độ cứng của nước


- Độ cứng của nước ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình điều hòa áp suất thẩm thấu của cá. Mỗi loài cá thích nghi với độ cứng khác nhau và khả năng thích ứng với sự biến đổi độ cứng cũng khác nhau.

- Độ cứng của nước cũng ảnh hưởng đến hàm lượng Canxi (Ca) trong máu cá.

- Ngoài ra, độ cứng còn ảnh hưởng đến quá trình nở của trứng.

3.3.2. Độ cứng của nước phù hợp cho cá Đĩa


- Cá sinh sản : 3 – 10 odH, tốt nhất : 5 – 6 odH (1odH = 17,9 mg CaCO3/L)

- Cá con (< 4 tuần tuổi) : 8 – 10 odH

- Cá > 4 tuần tuổi : 8 – 15 odH

3.3.3. Kiểm soát độ cứng của nước


- Nhu cầu về độ cứng của nước đối với cá Đĩa rất thấp, vì thế trong kỹ thuật nuôi, thường phải điều chỉnh theo khuynh hướng giảm độ cứng.

- Các phương pháp giảm độ cứng của nước (chủ yếu dựa trên nguyên tắc trao đổi ion Ca 2+)

- Trao đổi ion bằng hạt nhựa,

- Lọc sinh học,

- Có thể dùng chất chiết xuất từ than bùn (than bùn có khả năng hấp thụ Ca 2+ và giải phóng nguyên tử H+).

3.4. Một số độc tố cần lưu ý


- Chlorine hay chloramine

- Đây là một loại hoá chất dùng khử trùng nước, thường có trong nguồn nước thủy cục (nước do nhà máy nước cung cấp),

- Rất độc đối với cá (tác động trực tiếp đến quá trình trao đổi ion trong điều hòa áp suất thẩm thấu của cá).

- Để loại bỏ tác hại do chlorine trong nước chỉ cần sục khí liên tục ít nhất 48 giờ

- Để kiểm tra nước còn chlorine không, dùng Orthotolidin 1% : nhỏ 1 – 2 giọt orthotolidin vào 10 – 20 lít nước, nếu nước có màu vàng là còn chlorine và ngược lại.

- Amonia (N-NH3), nitrite (NO2), nitrate (NO3- ) và sulfurhydro (H2S)

- Các chất trên đều là các chất độc hại đối với cá, là sản phẩm phân hủy các chất hữu cơ có trong nước (từ thức ăn dư thừa, sản phẩm bài tiết của cá). Để đề phòng sự hình thành các chất độc hại này, cần tăng cường hàm lượng oxy hoà tan trong nước để thúc đẩy quá trình phân hủy hiếu khí của các vi sinh vật chuyển hoá các chất độc hại thành các chất vô hại hay ít có hại hơn. Ngoài ra quá trình sục khí cũng tăng cường giải phóng các khí độc ra khỏi môi trường nước.

Kỹ thuật nuôi cá rồng

Nuôi cá cảnh theo phong thủy

Cách nuôi cá chép koi Nhật

Kỹ thuật nuôi cá chép cảnh

Kỹ thuật nuôi cá ngựa cảnh


(St)


Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
cadia nha em bi benh ma khong biet cach chua benh cho no
hơn 1 tháng trước - Thích (3) - Trả lời
cho mình hỏi thăm địa chỉ số mấy mình cũng đang muốn nuôi loià cá này
Nó bị bệnh gì. Ko biết bị bệnh gì thì chữa làm sao?
THỦ ĐỨC-CÁ DĨA KHỎE, KHÔNG BỆNH GIÁ RẺ!EM ĐANG CÓ NHU CẦU BÁN CÁ DĨA ĐỎ VÀ BÔNG XANH SĨ VÀ LẺ. ĐÂY LÀ GIÁ CỦA CÁ EM BÁN:EM CÁ ĐỎ SIZE 11,12,13 GIÁ 100 NGÀN/1CONSIZE LỚN NHẤT (16->20) GIÁ 300 NGÀN/1CON.EM CÁ BÔNG XANH EM NHỎ SIZE 10,11 GIÁ 120NGÀN/1CON.EM LỚN GIÁ 200 ĐẾN 300 NGÀN/1CONLIÊN HỆ: 0907 159 705 GẶP SANGHOẶC 0946806072 (ATUYEN)ĐỊA CHỈ: COI VÀ GIAO CÁ KHA VẠN CÂN QUẬN THỦ ĐỨC TPHCMCÁ DẸP, KHỎE, MUA SỐ LƯỢNG NHIỀU GIẢM NHIỀU.HÌNH ẢNH CỦA CÁ: http://www.youtube.com/watch?v=d71-xNt62Sw
hơn 1 tháng trước - Thích (16) - Trả lời
Độ PH của nước máy là bao nhiêu ? khi muốn tăng hoặc giảm thì dùng chất gì ?liều lượng ? tôi muốn được các bạn tư vấn về điều này vì tôi nuôi cá đĩa trong bể kính và dùng nước máy.xin cám ơn
hơn 1 tháng trước - Thích (15) - Trả lời
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý