Lươn đã hấp xong không được dính nước, vì chỉ cần một chút nước thôi cũng sẽ rất tanh. Bạn cũng đừng dùng dấm để làm sạch nhớt lươn.
Một số mẹo nhỏ dưới đây giúp bạn chọn và chế biến lươn nhanh hơn.
Chọn lươn
Khi mua lươn, bạn hãy chọn những con độ lớn vừa phải, có hai màu rõ rệt: bụng vàng, lưng đen. Thịt chúng sẽ chắc và thơm ngon vì đó là lươn từ ao hồ, kênh rạch bắt lên. Những con có khối lượng lớn, mình đen thường là lươn nuôi nên thịt sẽ nhão và không thơm.
Làm lươn
Lươn làm sạch nhớt bằng cách tuốt với nước cốt chanh hay nước vo gạo. Không nên dùng giấm, vì giấm sẽ làm cho lươn mất mùi vị đặc trưng riêng. Khi nào thấy không còn nhớt là được. Bạn cũng có thể cho nước nóng vào để lươn tự quẫy đạp cũng có thể sạch nhớt. Khi lươn đã sạch, mổ bụng, bỏ hết nội tạng, rửa lại bằng nước muối cho sạch.
Hấp lươn chín rồi mới lóc thịt, muốn cho nhanh và lấy được hết nên dùng cật tre , hoặc muỗng gỡ thịt. Tuyệt đối không được đụng nước khi lươn đã chín, chỉ cần bạn lỡ tay để nước vấy vào thịt, lươn sẽ rất tanh.
Nấu cháo lươn ngon ngọt
Sau khi đã lóc hết thịt, bạn đừng vội vứt bỏ bộ xương, hãy bằm nhỏ xương và ninh kỹ rồi lấy nước nấu cháo. Chất ngọt từ trong xương sẽ làm cho nồi cháo của bạn ngon hơn.
Để thịt lươn đậm đà
Để thịt lươn thêm đậm đà, hãy ướp thêm một chút muối, tiêu và bột nghệ trước khi nấu. Bột nghệ sẽ làm cho thịt lươn có màu sắc và mùi vị đặc trưng. Khi xào lươn nên chú ý, chỉ cần thấy thịt săn là được, không xào khô quá, thịt sẽ xác mất ngon.
Ăn và chế biến lươn cũng cần đúng cách
Lươn là thực phẩm bổ dưỡng, trong 100g thịt lươn là 18.7g đạm, 0.9g chất béo, 150mg chất lân, 39mg chất can xi, 1.6mg chất sắt và nhiều nguyên tố vi lượng khác. Lươn cũng được đánh giá ở vị trí thứ 5 trong các loại thực phẩm giàu vitamin A (sau các loại gan gà, lợn, bò, vịt).
Cách chế biến lươn thông dụng nhất hiện nay là lươn xào. Tuy nhiên, cách này dễ làm ký sinh trùng trong thịt lươn sẽ không chết nếu xào không kĩ. Chúng theo đường miệng vào gây bệnh cho cơ thể người.
Cách chế biến các món làm từ lươn
Nếu so các loại như hến, tôm đồng, cua đồng thì thịt lươn là loại thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao nhất. Bởi vậy, thịt lươn luôn được lựa chọn là thức ăn bồi bổ cho người ốm, người già, trẻ nhỏ. Tuy nhiên, cần hết sức chú ý trong cách chế biến.
Theo TS. Nguyễn Thị Lâm (Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia), trong lươn có một loại ấu trùng ký sinh sống rất dai và chịu được nhiệt độ cao. Vì vậy, nếu chỉ xào qua trên lửa, những ấu trùng ký sinh sẽ còn sống và theo đường ăn uống vào trong ruột.
Thông thường, chỉ sau nửa tháng, người ăn phải ký sinh trùng trong thịt lươn sẽ có biểu hiện sốt cao, chán ăn, nổi mụn cơm ở cổ, nách và da bụng. Khi đó, bệnh nhân cần phải được đưa đến viện cấp cứu ngay vì cơ thể đã bị nhiễm độc.
ThS. - BS. Lê Thị Tuyết Phượng, Bệnh viện Nhân dân 115 cũng cho biết, người bị nhiễm ký sinh trùng có trong thịt lươn sẽ có những cơn đau nhói ở những nơi ấu trùng di chuyển do bị loét, hoại tử từ chất dịch của loại ấu trùng này. Những ấu trùng này có thể chui qua vách dạ dày và di chuyển khắp nơi trong cơ thể như: gan, phổi, ổ bụng… gây viêm phổi, tràn dịch màng phổi, đau bụng, rối loạn tiêu hoá, viêm tụy cấp. Nguy hiểm hơn, chúng có thể chui vào tuỷ sống, não gây nôn, rối loạn tâm thần, co giật, động kinh…
Ăn thế nào cho đúng?
Theo bảng đánh giá thành phần dinh dưỡng của Viện Dinh dưỡng Quốc gia thì hàm lượng dinh dưỡng có trong 100g thịt lươn là 18.7g đạm, 0.9g chất béo, 150mg chất lân, 39mg chất can xi, 1.6mg chất sắt và nhiều nguyên tố vi lượng khác. Lươn cũng được đánh giá ở vị trí thứ 5 trong các loại thực phẩm giàu vitamin A (sau các loại gan gà, lợn, bò, vịt).
Với người Nhật Bản, lươn là món ăn đặc biệt của các võ sĩ quyền anh và các đô vật vì trong 100g thịt lươn rán có 5.000 UI vitamin A trong khi cùng trọng lượng đó ở thịt bò chỉ có 40UI. Người Nhật còn quan niệm, ăn thịt lươn sẽ giúp tăng thị lực và chữa cận thị. Trong thịt lươn còn có chất DHA tăng trí thông minh, hạn chế phát triển khối u, chống viêm và là thức ăn lý tưởng cho người trung niên và người già vì làm giảm bớt sự nhầm lẫn.
Tuy nhiên, ăn thịt lươn như thế nào để cơ thể hấp thụ hết hàm lượng dinh dưỡng? TS. Nguyễn Thị Lâm khuyên: Nên chế biến bằng cách nấu chín, ninh nhừ hoặc hấp cách thủy… bảo đảm sao cho thịt lươn khi được dọn lên mâm đã được nấu chín kỹ. TS Lâm cũng lưu ý người tiêu dùng khi mua lươn ngoài chợ tuyệt đối không được mua lươn đã chết hoặc ươn về chế biến.
Trong thịt lươn chứa rất nhiều protein, trong đó có hợp chất histidine tốt cho cơ thể, nhưng khi lươn chết, hợp chất này bị ô nhiễm bởi vi khuẩn và có thể chuyển hoá thành chất độc histamine. Bình thường cơ thể người có thể chịu đựng một hàm lượng chất độc này. Nhưng nếu hàm lượng cao hoặc cơ thể yếu, mới ốm dậy hoặc trẻ em có sức đề kháng kém sẽ có nguy cơ bị ngộ độc rất lớn.
Tham khảo thêm cách làm một số món lươn ngon
Cách làm lươn om chuối đậu
Nguyên liệu
300 gr lươn to để nguyên con; 2 quả chuối; 2 bìa đậu phụ; Hành hoa; Rau răm; Lá lốt; Riềng, nghệ, mẻ; Mắm tôm, hành khô; Nước mắm, mì chính; Tiêu, muối, bột đao.
Cách làm
Riềng, nghệ giã nát, trộn mẻ, mắm tôm vào cùng, rồi lọc qua, bỏ bớt bã.
Lươn sơ chế sạch để nguyên con, mổ bỏ ruột, cắt khúc ướp tiêu, muối, bột ngọt và nước mắm tôm ở trên
Chuối thái con chì, ngâm nước muối cho khỏi thâm, sau đó luộc qua đổ nước cho bớt chát, đậu thái quân cờ, đem rán lên.
Phi hành khô cho lươn vào đảo săn, cho chuối, đậu, gia vị, nước dùng om chín mềm, nếu sốt chưa sánh thì cho thêm vào chút bột năng. Cho rau hành thái vụn vào đảo đều, ăn nóng.
Lươn xào lăn
Nguyên liệu:
Lươn 4 con, nước cốt dừa 1 lon, nấm mèo 150g, bún tàu 200g, hành tím 250g, bột cà ri 3 thìa cà phê, tỏi băm 3 thìa cà phê, xả, ớt băm 8 thìa cà phê, rau om, ngò gai 100g. Đường, muối, tiêu, hạt nêm, hành phi, đậu phộng rang.
Cách lám:
Lươn làm sạch, cắt xéo 2,5cm để ráo. Nấm mèo, bún tàu ngâm nước, cắt vừa ăn. Rau om và ngò gai rửa sạch, thái nhỏ. Phi thơm tỏi, xả, ớt và bột cà ri, đảo đều tay. Cho lươn vào xào săn cùng nấm mèo, sau đó cho 1/2 lon nước cốt dừa, muối, hạt nêm và đường vào đun sôi khoảng 5 phút. Tiếp theo cho bún tàu và 1/2 lon nước cốt dừa còn lại vào, đun sôi, nêm nếm gia vị lại cho vừa ăn. Cho đậu phộng rang, hành phi, rau om và ngò gai trước khi dùng. Thưởng thức chung với sốt me như lươn chiên giòn.
Lươn om nấm
Nguyên liệu:
- Lươn: 400gr
- Nấm đùi gà: 100gr
- Nấm hải sản: 100gr
- Nấm kim châm: 100gr
- Nấm hương tươi: 100gr
- Dầu hào, dầu mè, tương Teriyaki, hành khô
- 100ml nước dùng
Chế biến:
- Lươn làm sạch, cắt khúc 3cm, ướp với dầu hào, 1 chút tương Teriyaki
- Nấm rửa sạch, nấm đùi gà thái miếng vừa ăn
- Phi thơm hành khô với dầu mè, cho lươn vào xào săn
- Cho nước dùng vào om lươn khoảng 15 phút, cho tất cả các loại nấm vào, om thêm 10 phút là được.
Lươn xào sả ớt
Nguyên liệu: (cho 6 suất ăn):
Lươn to: 400g, củ sả: 2 củ, lá lốt: 10 cái, ớt tươi: 2 quả, ớt ngọt: 2 quả, hành tây: 30g. Ngoài ra, bạn cần chuẩn bị thêm: Lạc rang, hành hoa, mỡ nước, mộc nhĩ, đường, hạt tiêu, muối, nước mắm.
Cách làm:
- Lươn sơ chế sạch, lọc lấy thịt cắt khúc dài 3-3,5cm.
- Sả, ớt đập dập, băm nhỏ. Lá lốt thái nhỏ, hành hoa cắt khúc ngắn.
- Lạc rang vàng, giã dập.
- Sử dụng nửa số sả, ớt, hành, ướp với lươn trong 15 phút.
- Đun nóng chảo, cho chút dầu, cho tiếp số sả, ớt, hành, vào phi thơm, cho lươn vào xào săn, rắc hành hoa, lá lốt đảo đều, bắc ra xúc vào đĩa rắc lạc rang. Trang trí hoa ớt cho ăn nóng.
- Yêu cầu thành phẩm: Lươn chín săn, nguyên miếng, không nát, không có nước, có màu màu vàng, đều, bóng.
Chế biến món ngon từ lươn để tầm bổ gia đình
Cách nấu cháo lươn Nghệ An cực ngon
Lươn: thức ăn và vị thuốc
Chế biến lươn
Cách nấu cháo lươn
(st)