Thông tin về diễn viên hài Minh Vượng

Hoaibui2395 Hoaibui2395 @Hoaibui2395

Thông tin về diễn viên hài Minh Vượng

19/04/2015 01:49 AM
2,093


Minh Phượng mới là tên cúng cơm của chị, nhưng bởi lo cho cái tên có vẻ quá “yểu điệu thục nữ” ấy, chị đã đổi Phượng thành Vượng. Chẳng rõ cái tên mới có làm nên số phận mới không, nhưng rõ ràng chị đã... vượng hẳn lên. Chẳng phải vượng tiền, vượng quyền, mà vượng bạn bè, vượng  người quý trọng...


MINH VƯỢNG KỂ CHUYỆN CUỘC ĐỜI

“Con Phượng thò lò” mê sân khấu

Là con thứ hai trong một gia đình có sáu con tại khu lao động nghèo Lương Yên (Hà Nội), mới lên ba, Minh Phượng đã cảm nhận được các mối quan hệ với bố mẹ, anh chị em và người chung quanh.

Mẹ chị là người đàn bà tần tảo, chịu thương chịu khó, thân cò lặn lội nuôi chồng nuôi con. Ngày ngày, bà đi dọc sông Cái, thầu những bè rau non: xà lách, su hào, và nhiều nhất là rau muống. Đến khi rau tới kỳ thu hoạch, bà mang rau giao đến tay người tiêu dùng.

Nhờ vào tiền buôn rau, mỗi tuần một lần, bà mẹ lại cho ba đứa con (Phượng ba tuổi, anh trai hơn mười tuổi và đứa em mới lên một) một hào để vào bãi chiếu bóng Lương Yên xem phim. Trẻ con, cứ hễ có tiền là mua kem. Một hào được hai chiếc, ba anh em chia nhau. Ăn hết tiền rồi nhưng phim thì vẫn muốn xem, thế là vạch rào, luồn lách, chui qua háng người lớn... Không xem được mặt trước thì ra xem phía sau màn ảnh, kết quả là ba anh em bị cận “lòi” cho đến tận giờ. Sau một đêm chiếu phim, sáng hôm sau cả bãi chiếu bóng đầy những hố nhỏ sâm sấp nước. Lý  do là lũ trẻ con xem phim thường mắc tè nhưng không muốn rời khỏi chỗ ngồi, nên cứ lấy con dao bài cùn, khoét thành lỗ dưới bãi để... giải quyết. Trong số các hố be bé ấy, ba anh em nhà Phượng cũng có đóng góp.

Hà Nội những năm 1958 - 1959 rất nghèo, người dân lao động lại càng vất vả, cực nhọc. Không hề có bất cứ trò giải trí nào. Chiều tối, Phượng cùng anh em và đám trẻ con lấm láp chỉ chờ nghe tiếng nhạc quảng cáo để biết tối ấy chiếu phim gì. Hễ nghe tiếng nhạc, “con Phượng thò lò” (vì lúc nào cũng thò lò mũi xanh) lại thấy dâng lên trong lòng niềm sung sướng khôn tả.

Thời kỳ ấy, thường chỉ chiếu các phim thần thoại, từ Tôn Ngộ Không, Liễu Nghị truyền thư đến Hoa Mộc Lan. Xem phim nào, Phượng cũng ao ước trở thành diễn viên phim ấy. Đêm đêm, cô trằn trọc không ngủ, cứ tự phân vai cho mình và cứ nghĩ nếu được diễn, sẽ diễn ra sao. Bãi chiếu bóng Lương Yên đã trở thành nơi ấp ủ mơ ước làm diễn viên của Phượng.

Lớn thêm vài tuổi, anh trai, Phượng và đám bạn nhỏ mê sân khấu - điện ảnh đã gặp may, khi đoàn cải lương Chuông Vàng về biểu diễn trong ngày hội trường Lương Yên. Thấy lũ trẻ nghèo lem luốc cứ năn nỉ, mè nheo, người bán vé chẳng nỡ từ chối, đành cho chúng vào không vé. Cả lũ trố mắt, căng tai như uống lấy từng lời từng cảnh trong các vở Lý công, Dệt gấm, Thanh xà Bạch xà... Xem đi xem lại nhiều lần đến nỗi thuộc hết cả lời thoại, lời ca, từng chi tiết nhỏ... nhưng anh em Phượng vẫn chưa hề bỏ qua bất cứ buổi diễn nào.

Những ngày nắng ráo, cả lũ chơi đánh khăng, đánh đáo. Còn hôm nào trời sụt sùi mưa, anh em Phượng treo chăn màn quanh giường làm sân khấu. Với khán giả là lũ trẻ hàng xóm, anh em Phượng quần trễ rốn vừa quệt nước mũi vừa bò từ gầm giường lên, ca diễn.

Từ chơi gian đến đầu têu đánh lộn

Những kỷ niệm tuổi thơ của Phượng luôn gắn liền với anh trai. Trong xóm, anh trai Phượng là đại ca, nên cô em gái được đại ca cưng chiều. Là con gái nhưng Phượng rất mê đá bóng, chỉ chờ đội thiếu người là nhảy vào đá. Vị trí thường xuyên của Phượng là thủ môn. Thủ môn này chúa ăn gian, mỗi khi thấy bóng bay tới thì đẩy hai cọc gôn vào gần hoặc ra xa. Nếu bị phát hiện là Phượng chối đây đẩy. Nhờ chơi gian, bên Phượng thường hay thắng. Bên thua bị phạt bằng cách phải công kênh anh em Phượng. Lấy lá bàng kết làm mũ, Phượng thường tự nhận là công chúa, hoàng hậu, có khi làm cả Trưng Trắc - Trưng Nhị... Nhiều hôm hai đứa đi chơi bóng về, mẹ thấy con gái quần áo rách toạc, với những vết bầm đỏ, tím khắp người, đã mắng anh trai không chăm sóc em gái. Sau đó dù anh dứt khoát không cho chơi bóng, Phượng vẫn lăn xả vào, nước mắt nước mũi tèm lem khiến anh phải mềm lòng đồng ý.

Năm 1959, gia đình Phượng chuyển về khu tập thể Nhà máy rượu Hà Nội vì mẹ Phượng đã ngừng buôn rau, xin vào làm công nhân. Vừa quen hơi, ấm chỗ, Phượng lập tức bày ra đủ trò tinh nghịch. Từ đổ nước lên hành lang chơi trượt băng nghệ thuật (quỳ xuống cho bạn kéo trượt trên nước đến nỗi đầu gối tím đen), chơi khăng, đánh đáo... đến cầm đầu lũ trẻ khu nhà cao tầng đánh nhau với bọn nhà cấp bốn. Có lần đánh nhau hăng máu, thằng bạn đã thua chạy vào núp dưới gầm giường, Phượng vẫn theo vào, nắm cẳng lôi xềnh xệch ra, rồi tương ngay hòn đá vào đầu. Kết quả là anh bạn ấy vẫn giữ cái sẹo kỷ niệm đến tận bây giờ, gặp Minh Vượng, anh nhắc lại chuyện cũ, chị chỉ cười lỏn lẻn.

Chẳng lưu ban nhưng không được lên lớp

Trò đầu têu đánh nhau đã theo Phượng suốt những năm tháng theo cha mẹ đi kinh tế mới ở Phú Thọ. Trong suốt ba năm 1965 - 1968, Phượng mò cua, bắt ốc, chăn trâu, cắt cỏ dưới trời nắng gắt, lên rừng hái măng bị ong đốt suýt ngã xuống vực, rồi cày ruộng, cấy lúa... nhưng vẫn tiếp tục dẫn “đội quân” thành phố đánh nhau với “quân” nông thôn. Hễ thấy bạn tèm lem nước mắt chạy về mách khi bị bắt nạt, là Phượng hăm hở đến tận nhà thủ phạm trả đũa. Do thành tích đó, Phượng bị dân làng rất ghét, về tội “chẳng phải việc mình mà cứ xía vào”.

Năm 1968, Phượng quay về Hà Nội, học cấp II ở trường Lương Yên B. Lại những ngày đi học, đánh nhau, quăng cả cặp mà chạy. Có người nhặt được cặp, mang đến nộp cho hiệu trưởng. Bị tra vấn, Phượng vẫn chối đây đẩy. Thế nên thầy cô đành lấy độc trị độc. Giữa lớp 5, Phượng trở thành lớp trưởng.

16 tuổi, đã có năm đứa em, thêm hai đứa cháu con anh trai, Phượng vẫn tiếp tục chia bè chia phái đánh nhau. Do nghịch ngầm, trốn học nhiều, nên dù không bị lưu ban nhưng Phượng vẫn không được lên lớp. Vừa học lại lớp 8, lớp 9, Phượng vừa làm thêm nghề phụ hồ, quét vôi, khảo sát đất (để xây nhà cao tầng), công nhân ép nhựa...

Năm 1973, Phượng thi đỗ vào Đoàn chèo Hà Nội, nhưng gia đình không đồng ý vì cho rằng  đó là bộ môn “âm lịch”. Lại thi tuyển vào múa rối, để nghe bạn bè chê “nghề gì mà suốt đời ở dưới gầm sân khấu”, thế là lại bỏ. Thi tiếp vào Đoàn kịch nói Tổng cục Hậu cần, lại đỗ, nhưng lại không theo vì sợ bị cắt hộ khẩu. Đến tháng 4 năm 1974, Phượng lại thi vào trường Nghệ thuật Hà Nội với bài hát Giải phóng miền Nam, nhưng vì quá run chị lại hát lộn sang lời xuyên tạc (!), phần đóng tiểu phẩm thì xuất sắc song chị cứ tưởng trượt nhưng hóa ra lại đỗ, bởi: “NSND Huỳnh Nga kiên quyết bảo vệ mình, mà khi đó mình vừa gầy vừa xấu, cao mét sáu, nặng có 43 kg”.

Từ ngày ấy, ước mơ làm diễn viên trên sân khấu thuở nhỏ của Minh Phượng đã trở thành hiện thực.

Phượng gầy gò ngày xưa đã trở thành Minh Vượng bây giờ. Ngẫm lại những trò phá phách, tinh quái thuở nhỏ, Minh Vượng rút ra điều tâm niệm: Con người sống nên dĩ hòa vi quý, tôn trọng mọi người chung quanh.

Chị bảo: “Đời mình có lúc được đi đây đi đó, lúc tiền ít tiền nhiều, lúc hạnh phúc, lúc khổ đau... nhưng nhớ nhất vẫn là quãng đời thơ ấu, sống bên cha mẹ, anh em. Nhìn lại quãng đời đã qua, mình thực sự chẳng ân hận điều gì, chỉ thấy tiếc là cuộc đời đang ngắn lại, trong khi mình còn bao nhiêu việc phải làm. Giá như có thể trẻ lại hai mươi tuổi...”.

Danh hài Minh Vượng "quên lòng mình đang đắng"


Sân khấu không hẳn là niềm vui, mà như sự sinh tồn, bọn trẻ con khán giả đã là một phần trong chuỗi ngày thường của Minh Vượng, “người đàn bà cười” âm thầm giấu nỗi cô đơn quặn thắt vào tận đáy sâu lớp vỏ bọc kềnh càng…

Bó chặt hai đầu gối cho khỏi đau, Minh Vượng ào ra sân khấu, xúng xính hát ca nhảy múa. Thấy chị, hàng trăm đứa bé con phấn khích hò reo liên hồi. Cả đống bệnh đeo đẳng trong người 15 năm đằng đẵng, Minh Vượng điềm nhiên: “Thôi thì sống chung với lũ”. “Trời kêu ai nấy dạ”, nếu dừng mọi công việc, dừng đi diễn, dừng để cái quầng sáng ma quái của ánh đèn sân khấu ám ảnh mình, chị sẽ khụy ngã.

1. Áo phông thùng thình,  quần ka ki thụng, mặt mộc bết bát mồ hôi không son không phấn, Minh Vượng bên ngoài sàn tập tiều tụy hơn hình dung và tuềnh toàng bụi bặm như một bà nội trợ ưa chuyện, ham “buôn dưa lê dưa cà”. Hai tay hai điện thoại, chị khó nhọc rít thuốc, rồi thoăn thoắt nghe máy, hồi đáp hầu hết là những lời mời biểu diễn của các “bầu sô” tứ xứ.

Càng gần ngày 1-6, Minh Vượng càng bận rộn. Chị cùng lúc tập 3 kịch mục dành riêng cho tuổi thơ với Nhà hát Chèo Hà Nội, để kịp ra mắt vào dịp Tết Thiếu nhi. Ngồi bàn soạn kịch bản cùng Giám đốc Nhà hát Chèo Hà Nội, đào thương nhan sắc sở hữu giọng hát đắm đuối Thúy Mùi, chị hoạt náo minh họa luôn bằng những động tác vui nhộn. Lứa Minh Vượng, Thúy Mùi mới ngày nào tinh khôi son trẻ, tung tăng trên các sân khấu của Hà Nội một thời người chưa đông, phố xá chưa bụi bặm, thời gian vèo trôi, giờ đều đã vào tuổi bà nội bà ngoại.

Làm kịch cho thiếu nhi trước hết cần cuốn hút, nếu không đừng hòng giữ được cái lũ hiếu động ấy ngồi yên một chỗ, nên rap, rock, hip hop gì diễn viên phải thành thạo hết. Minh Vượng cười cười lần này chị tình nguyện thay đổi hình ảnh, quyết làm lão phú ông và bà chị dâu tham lam độc ác trong các vở diễn Quả táo thần, Khắc nhập khắc xuất và vở Ăn khế trả vàng mong sao bọn trẻ thích thú. Hết giả trai phú ông, chị lại hùng hục làm vai con chó, tỉnh queo “vì đấy là người bạn thân thiết của trẻ con”, chẳng từ nan hay nề hà e ngại gì. Danh chị đã có đủ, tình cảm của người hâm mộ chị cũng sưu tầm được nhiều, tiền chỉ dùng cho thuốc men, nên Minh Vượng giai đoạn này hừng hực lao vào làm sân khấu thiếu nhi như để tranh thủ chiu chắt từng chút xíu một vốn thời gian quý giá.

Sáng tập vở, chiều đi dạy, tối chạy “sô”, Minh Vượng miệt mài làm việc như một người công nhân thực thụ từ tinh mơ tới nửa đêm về sáng. 6h chiều bon bon trên ô tô diễn tỉnh, 1h đêm ngày hôm sau mới mò về tới nhà, sáng vẫn đều đặn tới nhà hát luyện vai như bình thường, lao động chính là bài thể dục, phương thuốc bổ giúp chị quên đi nỗi nhọc mệt kinh niên do bệnh tật hành.

Đi diễn quanh thành phố, chị chuyên vẫy xe ôm. Xe ôm cũng một kiểu không giống ai, bắt chủ xe ngồi đằng sau chị tự chở, đến nơi trả xe trả tiền đàng hoàng vì “ngoài mình ra, chả tin được vào tay lái của ai”. Hỏi sao không mua ô tô cho khỏi mưa nắng dãi dầu, Minh Vượng lắc đầu bảo không xính món đó. Vả lại, như đồng nghiệp của chị, diễn viên hài Quang Thắng từng ngậm ngùi thốt lên: “Bà này làm được bao nhiêu tiền lại đổ vào thuốc men hết”. Chị đúng là quanh năm sống nhờ thuốc, kiên gan được đến bây giờ cũng là tốt thuốc tốt chăm nom. Mỗi ngày bốn lần tự tay tiêm insulin vào rốn để khống chế bệnh tiểu đường, thêm hàng vốc thuốc huyết áp, khớp… nhưng chưa ai thấy chị than vãn nhăn nhó hay lí dco lí trấu để bỏ sô ngưng diễn bao giờ.

Ba năm trước, Minh Vượng chẳng may tiếp đất theo cách thức chả ai mong muốn vì giẫm phải bông tuyết đạo cụ khi tập vở do NSND Lê Hùng bên Nhà hát Tuổi trẻ đạo diễn. “Họa vô đơn chí”, cái cột sống lại chịu hệ lụy của cú sẩy chân đen đủi ấy đến tận giờ, nên mỗi lần ra sân khấu diễn cho trẻ em, di chuyển nhiều, hoạt động nhiều, múa may quay cuồng nhiều, Minh Vượng phải cố định đầu gối bằng hai miếng gen theo kiểu mà các cầu thủ bóng đá hay dùng để hạn chế nỗi đau.

Là diễn viên chính kịch, bén duyên hài và tự nguyện biến mình thành người làm trò, người mua vui cho công chúng bấy nay. Cái hài riết róng trong Minh Vượng đến độ, chị vào vai bi đàng hoàng trong một vở chính kịch đàng hoàng, nhưng ra sân khấu, nhân vật thì khóc còn khán giả lại nghiêng ngả cười. Chị chưa diễn người ta đã cười, nghe cái giọng lanh lảnh hấp tấp của chị cất lên, tiếng cười đã không ngừng lan tỏa.

Biết phận sự của mình chỉ là làm trò, làm vui trong mỗi thường ngày, Minh Vượng hùng hục đi, hùng hục làm như lao động khổ sai. Bạn bè đồng nghiệp thường trêu đùa, Minh Vượng phải xứng đáng anh hùng lao động về vấn đề đi. Chân đau, lưng đau huyết áp không ổn định, Minh Vượng vẫn mải miết trên từng cây số, rong ruổi khắp chốn cùng quê mỗi ngày. Chị thuộc về số những nghệ sỹ hài đắt sô ăn khách nhất miền Bắc, dù lâu nay ít xuất hiện trên truyền hình trong vai trò diễn viên, thay vào đó lại làm MC cho các chương trình mà phần nhiều cũng dành cho trẻ em. Trẻ em giờ là mối bận tâm lớn nhất của chị, chị miệt mài với những dự án sân khấu học đường, dựng chương trình cùng Nhà hát Chèo Hà Nội, cùng Liên đoàn Xiếc Việt Nam, nhẫn nại tung chiêu bày trò kéo bọn trẻ con đến với sân khấu để chúng có thêm niềm vui và những háo hức ngày hè. Minh Vượng từ lâu, rất lâu đã được coi như danh hài của con trẻ, người không tiếc công sức chăm lo, nâng giấc cho sân khấu học đường.

Nghệ sĩ Minh Vượng trong vở “Quả táo thần”.

Dịp 1-6, Minh Vượng có thể liên miên diễn 8 suất một ngày không nghỉ, ra sân khấu hét hò làm trò hoạt náo, chỉ đến đêm về nhà mới tưởng như lết không nổi hai bàn chân. Minh Vượng đinh ninh rằng, những đứa trẻ từ tấm bé thường xuyên được làm quen tiếp xúc với nghệ thuật, được vui được cười với những câu chuyện sinh động sắc màu và ấm áp tình người trong các vở diễn, sẽ bớt đi nhiều nỗi đau bạo lực học đường, hay tội phạm vị thành niên khiến người lớn cũng rùng mình vì mức độ manh động. Ngoài đời thường ở sân khấu ầm ào ồn ã, chị về nhà đơn lẻ một mình, lặng lụi giữa đám thú nhồi bông nhiều vô kể và một người bạn tri kỷ cùng chị nương vai tựa bóng bên nhau đã nhiều năm qua.

2. Xa lắm rồi thời Minh Vượng 43 cân 17 tuổi, chị giờ đã đến tuổi về hưu bên Nhà hát Kịch Hà Nội, người đã phốp pháp xồ xề thô nháp hơn rất nhiều. Thôi chính danh công việc nhà nước, chứ Minh Vượng không thể thôi làm nghệ sỹ. Ngoảnh đi ngoảnh lại đã ba mấy năm kể từ dấu ấn 1978, Minh Vượng tốt nghiệp Trường Nghệ thuật Hà Nội, về đầu quân cho Nhà hát Kịch của Thủ đô. Quen Minh Vượng vì những vai hài, ít ai nhớ Minh Vượng từng có mặt trong hầu hết các vở diễn đình đám nổi trội của nhà hát một thời, những vở diễn gắn với tên tuổi nhà viết kịch Lưu Quang Vũ: Cô gái đội mũ nồi xám, Tôi và chúng ta, Khoảng khắc và vô tận

Chị hồi ức, chơi thân với anh Lưu Quang Vũ, chị Xuân Quỳnh từ ngày ấy, vẫn thường ngồi uống chè chén vỉa hè cùng anh Vũ ở quán nước gần hồ Ha le (hồ Thiền Quang), đắm đuối với những ước mơ ảo mộng một thời con gái. Anh Vũ từng khuyên Minh Vượng viết đi, viết đi, và giờ chị xắn tay tự mình đạo diễn biên kịch một bộ phim truyền hình theo đơn đặt hàng của một nhà sản xuất. Học được nhiều từ các đàn anh đàn chị, tích lũy được nhiều trong ròng rã nhiều năm, Minh Vượng tha thiết muốn truyền thụ những kinh nghiệm diễn xuất cho học trò. Bởi vậy, chị tham gia giảng dạy ở Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội, ngôi trường xưa của chị, lại chắt chiu thêm niềm vui với đám thanh niên đang chập chững bước vào đời. Ham dạy ham học trò đến độ, vì bất khả kháng có thể bỏ những “sô” diễn nhiều cát sê chứ chưa khi nào bỏ dạy, bỏ giờ lên lớp…

Cuộc đời Minh Vượng như ứng với câu thơ của nhà thơ Phạm Tiến Duật, thi sĩ vừa được truy tặng giải thưởng Hồ Chí Minh danh giá: “Cây cúc đắng quên lòng mình đang đắng/ Trổ hoa vàng dọc suối để ong bay”. Nhìn Minh Vượng trên sân khấu, bất chợt gặp Minh Vượng ngoài đời, không ai mường tượng ra nổi những éo le mà số phận đã giáng lên đầu chị. Thây kệ, chị chưa một giây phút nào bận tâm, mà chỉ luôn hài lòng vì mình có đông anh đông em, đông cháu chắt bạn bè, ốm đau hết cháu giai cháu gái chăm sóc phục vụ, nằm một chỗ cũng người này người khác tất tả lo toan.

Làm đủ vai mẹ vai vợ trên phim trên sân khấu, ngoài đời Minh Vượng lẻ loi đơn chiếc. Tổ ấm của chị ngập tràn lũ thú nhồi bông mà chị tha lôi về từ khắp thế giới. Chị coi chúng như bạn như em như con như người chia ngọt sẻ bùi từng giây phút sống.

Chị người thẳng tính, có trước có sau, mặc dư luận râm ran ồn ã, vẫn nhất mực bênh vực đạo diễn Lê Hùng, coi NSND Lê Hùng như một người anh, người bạn tài hoa đáng kính, người lắm tài và cũng nhiều tật, công lao không ít với Nhà hát Tuổi trẻ. Minh Vượng có cho mình danh hiệu Nghệ sỹ ưu tú từ hơn mười năm trước; Nghệ sỹ nhân dân, chị cũng chạnh lòng nghĩ tới, nhưng lại kiêu hãnh, xét tặng thì nhận, xin thì không, không làm hồ sơ không liệt kê huy chương cống hiến.

Điều đó, tình thực cũng không cần lắm, bởi nếu quan niệm Nghệ sỹ nhân dân đương nhiên là người được nhân dân quen tên biết tiếng, được nhân dân yêu mến và nhận về mình, Minh Vượng đã xứng đáng từ rất lâu rồi. Chị tiết lộ, ngay giới nghệ sỹ nhìn về nhau, nghĩ về nhau cũng đã tự xưng tụng tôn vinh những Nghệ sỹ nhân dân theo cách của mình, những Bảo Quốc danh hài, Thành Lộc Idecaf hay Xuân Hinh hề chèo, dù họ chưa một lần được chính danh công nhận bằng văn bản chính danh mực thước

Minh Vượng bộc bạch những “nỗi niềm đàn bà“


Một thời, hình ảnh NSƯT Minh Vượng  với tiếng cười như... pháo nổ, giọng nói lúc nào cũng... choang choác đã in sâu vào lòng người yêu sân khấu Hà Nội. Thời gian gần đây, sân khấu vắng bóng chị, những vở hài kịch trên truyền hình cũng thưa thớt hơn hình ảnh của Minh Vượng, dường như, khi ở bên kia con dốc của cuộc đời, chị đang muốn ẩn vào sâu hơn những nỗi niềm sau tiếng cười mua vui cho thiên hạ.

danh hài Minh Vượng
danh hài Minh Vượng


 Lấy tiếng cười khoả lấp niềm đau

Nếu ai đã từng được gặp và nói chuyện cùng Minh Vượng ở ngoài đời hẳn sẽ ngỡ ngàng lắm. ở ngoài cuộc sống thực, chị có vẻ là một người rất ít nói và không muốn chia sẻ nhiều. Chị không bao giờ vồ vập với một người mà chị mới gặp lần đầu. Nếu người ta chào chị, đáp lại lời chào đó có thể chỉ là một cái gật đầu. Điều này khiến nhiều người hiểu lầm chị khó tính đến độ khô cằn.
Chị nói rằng: "Thôi thì tùy mọi người muốn hiểu sao cũng được, tôi không thể nào đi nói hết với mọi người về mình, tôi chỉ có ngần đấy thời gian và nó sắp hết. Tôi phải mang số thời gian ít ỏi đó đi làm những việc có ích hơn".
Có ai đó đã từng nói rằng: Nghệ sĩ thường cô đơn, điều đó thật đúng với Minh Vượng. Bởi đã bước gần tới tuổi 60, chị vẫn cô đơn một mình lầm lũi đi về. Nhiều khi chị thèm được cảm giác có ai đó đang chờ đợi mình, dù ở một nơi nào xa xăm cuối chân trời như lời một bài hát nào đó. Tất cả những chờ đợi mong mỏi có một chốn bình yên đi về hẳn nhiên đã khép lại với chị, vì đời người đàn bà như những vị khách chờ đò vậy.
Tất cả những chuyến đò đi qua đời mình, chị đều đã lỡ. Như chị nói, thôi đành chờ kiếp sau. Người ta thường nói, cuộc sống chẳng cho ai tất cả, cũng chẳng lấy đi của ai tất cả, bởi tạo hóa luôn công bằng.
"Nhiều đêm tôi giật mình thức giấc vì những cơn đau hành hạ thân thể và nghĩ không biết ông trời đã cho mình thứ gì mà lại lấy đi nhiều đến thế!", Minh Vượng tâm sự.
Tuổi xuân vất vả với đủ nghề từ sửa chữa xe máy cho đến bán dép. Tuy là một người đàn bà nhưng Minh Vượng đã sớm phải gánh vác trọng trách của một người anh cả (anh cả của Minh Vượng sức khỏe không được tốt - PV). Có ai đó từng nói, mỗi con người sinh ra đều không có quyền chọn cho mình một nghề nghiệp mà nghề sẽ tự chọn mình. Điều này thật đúng với Minh Vượng. Những năm tháng đầu đời bôn ba buôn bán nhiều nơi, tiếp xúc với đủ mọi loại người với đủ các tầng lớp trong xã hội cũng chỉ để phục vụ nghề diễn của chị sau này.
Nghề diễn là nghề của sự trải nghiệm. Minh Vượng đã sống, đã trải nghiệm và đã diễn như thế. Chị đã hóa thân vào đủ loại nhân vật để mang đến cho khán giả những tiếng cười sảng khoái. Nhưng đằng sau hàng nghìn  tiếng cười kia liệu có mấy ai thấu hiểu được nỗi cô đơn đến tận cùng của Minh Vượng. Có ai biết chị đang phải chống chọi với nhiều bệnh tật (tiểu đường, bệnh khớp... - PV).
"Trong người tôi lúc nào cũng có đủ 13 loại thuốc, tiền đi diễn có lẽ chỉ đủ để tôi mua thuốc. Có khi cân nặng của tôi còn ít hơn so với cân nặng của các loại thuốc mà tôi đã uống" - Minh Vượng chia sẻ.
Cuộc sống đằng sau cánh gà của chị là cả một câu chuyện dài, ít tiếng cười. Mỗi khi kết thúc một cảnh diễn, khán giả dưới sân khấu vẫn còn đang cười ngặt nghẽo với những vai diễn ăn ý của chị cùng bạn diễn thì chị quằn quại với những cơn đau về xương khớp. Nhiều khi chị muốn gào, muốn thét lên để có thể phần nào tan biến nỗi đau bệnh tật hành hạ chị bao năm qua.
Chị bảo: "Cuộc đời người nghệ sĩ, nhất là nghệ sỹ hài kịch, đôi khi là bi kịch vậy đấỵ. Nhiều khi mình đau khổ vật vã, khóc lóc thảm thiết thì khán giả ở dưới lại cười nghiêng ngả... Họ đâu biết được rằng mình đang đau thật, khóc thật với chính bản thân mình chứ đâu phải nhân vật mình đang diễn".
Những khát khao rất... đàn bà
Sau mỗi vở diễn, khi màn nhung buông xuống là lúc ánh đèn sân khấu vụt tắt. Minh Vượng lại trở về với cuộc sống thực của mình, một Minh Vượng cô đơn đến lạc lõng. Một Minh Vượng từng ngày, từng giờ phải chiến đấu với bao loại bệnh tật bên trong cơ thể đang già nua theo thời gian.
Các đồng nghiệp khuyên chị: "Hay chị Vượng nghỉ đi, giữ gìn sức khỏe, đừng diễn nữa". Chị cũng định bụng như thế! Nhưng nếu không diễn nữa thì chị biết làm gì?. Chị cứ ở một mình và gặm nhấm nỗi buồn sao?. Nghĩ vậy, chị lại gạt sự cô đơn lẫn nỗi đau về thể xác vì bệnh tật sang một bên và tìm quên nơi ánh đèn sân khấu, tiếp tục mang đến niềm vui và tiếng cười cho khán giả. Còn niềm đau và sự cô đơn, chị xin nhận lại cho riêng mình: "Mua vui cũng được một vài trống canh".
Đồng nghiệp của chị, ai cũng cảm thông và chia sẻ với chị, mà rằng: Như chị Vượng ấy, buồn lắm, cô đơn lắm, giá như...". Cuộc đời ai chẳng vậy, khi còn khỏe mạnh, xuân sắc, mấy ai đã nghĩ tới sự cô đơn lẻ bóng lúc về già. Minh Vượng cũng ước ao và nghĩ tới hai từ "giá như" nhiều lắm chứ...
NSƯT Minh Vượng bây giờ có sở thích sưu tầm búp bê và thú nhồi bông, thú chơi mà chỉ có con nít mới thích. Sở thích này có lẽ bắt nguồn từ niềm khao khát được làm mẹ luôn cháy bỏng trong mỗi người đàn bà và tất nhiên, Minh Vượng không phải là trường hợp ngoại lệ. Ước ao đó mãi chỉ là ước ao. Biết vậy nhưng chị vẫn ước dù biết mình đã bước sang bên kia của đỉnh dốc cuộc đời.
"Nếu không ước ao, thì tôi là người không còn gì để mất? Nếu cuộc sống không còn gì để mất thì vô nghĩa quá! Chẳng thà mình đừng tồn tại trên cuộc đời này nữa. Nếu có kiếp sau tôi ước mình vẫn được làm đàn bà để được làm vợ làm mẹ - những điều ở kiếp này tôi chưa thể làm được". Thế đấy, một điều thật giản đơn, tưởng chừng như đó là quy luật của tự nhiên đối với mỗi một người đàn bà khi được sinh ra trên cuộc đời này. Còn đối với Minh Vượng, lại phải ước ao và chờ tới tận kiếp sau...
Trong con mắt của nhiều đồng nghiệp, Minh Vượng là người đàn bà kiên cường. Chị đã biết lấy tiếng cười của khán giả để khỏa lấp nỗi buồn. Chắc hẳn Minh Vượng phải là người bản lĩnh lắm thì mới ngăn được những nỗi niềm cô đơn, đôi khi là cả những giọt nước mắt để nó không vỡ òa thành tiếng. Với chị, nghề diễn đáng yêu hơn đàn ông, hơn cả một cuộc sống tròn đầy của một người đàn bà...
Trong trái tim của mỗi người dân từ miền quê cho đến thành thị, luôn có hình ảnh của một "chị béo" Minh Vượng dễ thương. Đây có lẽ là điều duy nhất chị có được trong suốt cuộc đời của một nghệ sĩ cô đơn.


DANH HÀI MINH VƯỢNG KỂ HAI LẦN SUÝT LÊN XE HOA


NSƯT Minh Vượng hẹn tôi ở quán cà phê trên đường Thể Giao. Vẫn bộ quần áo rộng thùng thình, với dáng vẻ nhanh nhẹn, nụ cười như pháo nổ, chị bảo: "Chắc em ngạc nhiên lắm khi chị hẹn em ở quán này, nó hơi tuyềnh toàng nhưng chị lại thích. Chị thích những gì đơn giản, chị ngại vào những quán cà phê cửa kính lắm".

Bao nhiêu năm, Minh Vượng vẫn vậy, vẫn là một "người đàn bà cười". Nhưng ít ai biết rằng, đằng sau sự vui vẻ đó, cuộc đời của chị giống với câu thơ của nhà thơ Phạm Tiến Duật : “Cây cúc đắng quên lòng mình đang đắng/ Trổ hoa vàng dọc suối để ong bay”.

Chờ hai năm mới được nhận vai

Minh Vượng sinh ra trong một gia đình mà bố mẹ, anh chị em đều làm công nhân trong nhà máy rượu. Căn nhà thời ấu thơ của Minh Vượng ở khu lao động nghèo Lương Yên B. 

Nhà gần sân bóng nên nơi đây thường xuyên diễn ra Chèo, Tuồng, Cải lương. Nghệ thuật đã thấm vào máu thịt anh chị em Minh Vượng từ thơ ấu, nhưng lớn lên, chỉ mỗi mình chị theo nghề "xướng ca vô loài".


Danh hài Minh Vượng kể hai lần suýt lên xe hoa
Từng là học sinh "cá biệt" ngày học cấp 1 vì luôn không thuộc bài, "chuyên gia" đi học muộn nhưng lên tới cấp 2, Minh Vượng thay đổi hẳn tính cách, biết quan tâm chăm sóc các em, học hành tiến bộ và đặc biệt rất giỏi môn Văn.

Sau khi tốt nghiệp Khoa Kịch nói, trường Nghệ thuật Hà Nội vào năm 1978, Minh Vượng về làm việc tại Nhà hát Kịch Hà Nội. Nhưng với ngoại hình "thon thon hình vại, thoai thoải hình chum", phải chờ tới 2 năm Minh Vượng mới có vai diễn đầu đời. 

Ở tuổi 22 nhưng Minh Vượng lại phải hóa thân thành cụ bà nông thôn 80 tuổi trong vở "Hà Mi của tôi". Vai diễn đầy thử thách với một diễn viên trẻ như Minh Vượng nhưng bằng niềm đang mê nghề nghiệp, nghiên cứu kỹ kịch bản, vai diễn của chị được đánh giá rất cao.

Hai lần suýt lên xe hoa

Cho tới bây giờ, Minh Vượng không nhớ nổi chị đã hóa thân vào bao nhiêu nhân vật, bao nhiêu số phận nhưng chị bảo: "Đỉnh cao của hài kịch là bi kịch, đời diễn viên của chị như Kép tư bền, nhiều khi nuốt nước mắt vào trong để diễn. Trót yêu và đắm đuối với nghề rồi, biết sao được". 

Hoá thân vào nhiều vai diễn, người hâm mộ cũng nhiều, bạn bè thân thiết yêu mến chị cũng không ít nhưng cho tới giờ Minh Vượng vẫn cô đơn lẻ bóng.

Chị kể đã có hai lần chị suýt lên xe hoa đó là vào năm 1992, chị đã "thương thầm nhớ trộm" một người đàn ông ở Viện Khoa học. 

Tưởng rằng hạnh phúc dù muộn màng sẽ mỉm cười với chị. Ai ngờ, bố mẹ anh chỉ đồng ý cho hai người đến với nhau nếu Minh Vượng bỏ nghề để về quản lý cửa hàng mỹ nghệ vàng bạc của gia đình. Tình yêu sân khấu đã không cho phép Minh Vượng từ bỏ nên chị lặng lẽ rút lui.
Danh hài Minh Vượng kể hai lần suýt lên xe hoa
Lần thứ 2 vào năm 1996, khi ấy Minh Vượng và người đàn ông làm nghề lái xe tải đã có thời gian 3 năm gắn bó bên nhau. Nhưng cũng như lần trước, bố mẹ người yêu cũng bắt Minh Vượng bỏ nghề để về làm chủ một hệ thống cửa hàng hoa tươi trên phố Ngọc Hà của gia đình. 

Ngày đó, vì quá yêu anh, chị đã có ý định bỏ diễn. Nhưng rồi gần đến ngày cưới lại đổi ý. Chị sợ một ngày nào đó không được khóc cười trên sân khấu. Chị sợ công việc nhàm chán hàng ngày sau đống hoa tươi. Chị nhớ sân khấu đến nao lòng, đến....ốm.

Rồi khi khỏi ốm, chị hiểu rằng mình cần gì. Mối tình thứ 2 lại trôi qua. Chị bảo "Những người đàn ông đến với mình đều thích tiếng cười mình mang lại cho họ, nhưng họ lại không muốn mình mang lại tiếng cười cho người khác. Như thế thật ích kỷ. 

Sau cú sốc hôn nhân này, mình đã khóa chặt cánh cửa trái tim và vứt chìa khóa đi. Số mình đã vậy rồi mình chấp nhận", Minh Vượng giãi bày.

Sở thích tắm và tết tóc cho búp bê

Được biết tới nhiều với vai chính kịch nhưng khi bén duyên hài, chị lại đóng đinh với vai diễn đó, nhất là diễn hài cho trẻ nhỏ. Chị bảo, làm việc với trẻ con khiến chị trẻ ra nhiều tuổi, cứ sau đêm diễn, bọn trẻ con toàn gọi Minh Vượng bằng "chị" khiến chị vui.

Có lẽ vì thế mà Minh Vượng cũng có sở thích rất con trẻ là sưu tầm búp bê. Chị bảo, cứ mỗi lần đi lưu diễn ở đâu, chị chẳng mua gì quý giá ngoài những con búp bê xinh xắn. Hàng tuần, cứ Thứ 7, Chủ nhật nào không phải đi diễn, chị lại đem bộ sưu tập búp bê ra tắm rửa và tết lại tóc. 

"Mệt lắm chứ em, tắm cho bọn nó phải rất cẩn thận, tắm rồi lại sấy tóc cho khô, ngồi tết tỉ mỉ. Mất cả ngày trời ấy chứ. Nhưng mà vui lắm", Minh Vượng khoe.

Cuộc sống sau cánh gà của "người đàn bà cười" thật giản dị nhưng cũng lắm chua cay. Nhiều năm nay, bệnh khớp, tim, tiểu đường đã khiến sức khỏe của chị giảm sút nhiều. Lúc nào chị cũng mang trong mình 13 loại thuốc để uống hàng ngày.
Danh hài Minh Vượng kể hai lần suýt lên xe hoa
Và ngày nào, trước khi đi dạy (Minh Vượng dạy tại trường Cao đẳng nghệ thuật Hà Nội) chị cũng phải ăn một bát yến để lấy sức khỏe. 120.000 đồng cho 4 tiếng dạy học không đủ chị mua một bát yến nhưng chị vui. Vui vì được làm việc, vui vì được hàng ngày bồi đắp lòng yêu sân khấu cho thế hệ trẻ.

Hỏi chị, lại một mùa xuân mới nữa đã về, chị ước gì cho mình trong năm mới, chị bảo "Tôi chẳng ước gì, đúng là đàn bà ai cũng muốn một lần trong đời được làm vợ làm mẹ, nhưng số kiếp mình vậy, mình chấp nhận. Nếu có kiếp sau, tôi vẫn mong mình được làm đàn bà để những gì mình chưa có trong kiếp này, kiếp sau tôi sẽ nhận được. Nhưng hiện tại, tôi chỉ mong mình có sức khỏe để làm việc. Tôi sẽ diễn tới khi nào gối mỏi chân run, không lê được tới nhà hát nữa thì dừng".

Minh Vượng là vậy, cứ vô tư sống hết mình, làm việc hết mình. Cho đi nghĩa là sẽ nhận lại. Chị đang sống rất thanh thản hạnh phúc bên gia đình. Chị luôn tự hào vì anh em chị thuận hòa yêu thương nhau. Chị bằng lòng với những gì mình đã chọn dù nó có gập ghềnh chông gai.

VÌ SAO DANH HÀI MINH VƯỢNG KHÔNG KẾT HÔN?


Đã đi quá nửa đời người, mặc dù rất muốn có gia đình và một bầy con nhưng Minh Vượng chỉ biết ngậm ngùi hẹn đến kiếp sau.

Thời gian gần đây nghệ sĩ Minh Vượng không còn xuất hiện nhiều trên các sân khấu hài nữa khiến rất nhiều người thắc mắc không biết cuộc sống của chị hiện tại như thế nào. Gặp lại Minh Vượng ngoài đời thấy chị có vẻ trầm mặc hơn, Minh Vượng cho biết: "Tôi vẫn sống, có sao đâu, tôi vẫn đang ’sống chung với lũ’ mà.

Tôi chỉ biết rằng thời gian của tôi không còn nhiều, mà tôi thì còn nhiều ý tưởng, dự dịnh, kế hoạch lắm, cho nên nếu có mong ước gì đó, tôi chỉ ước có thêm được thời gian để kịp làm những gì đang dang dở và đang mong muốn, bởi tôi biết rằng mình đang phải chạy đua với thời gian".
 
Tôi biết rằng mình đang phải chạy đua với thời gian.

Nói đến đây Minh Vượng lại tiếc: "Nếu nói về những tình cảm quá tình bạn thì tôi có rất nhiều. Hồi trẻ, nếu tôi quyết định đi đến hôn nhân, thì bây giờ đã không ở một mình". Tuy vậy, chị cũng lại ngậm ngùi ngay: "Nhưng tôi biết mình có bệnh tim, bệnh khớp, nếu có đi đến hôn nhân với ai, sẽ không mang lại được hạnh phúc thật sự cho họ (khó có con). Vợ chồng mà không có con thì bất hạnh lắm. Tôi tự nhủ rằng mình cứ chịu thiệt thòi một mình, chứ không thể làm người ta liên lụy được".

Bây giờ nhắc đến chuyện hôn nhân, Minh Vượng lại đưa ánh mắt xa xăm ao ước ở kiếp sau: "Ao ước vẫn mãi là ao ước (cười buồn). Kiếp sau ta có một người chồng và đẻ một bầy con, thôi thì những gì chưa có ở kiếp này ta dành điều ước cho kiếp sau vậy... Bây giờ tôi đã qua đỉnh đèo rồi, thôi không nói chuyện hôn nhân nữa, cứ bằng lòng với những gì đang có ".
 
Rất nhiều nghệ sĩ hài tâm sự, họ mang tiếng cười đến cho nhiều người, thì họ lại bị cuộc đời lấy đi tiếng cười của mình.

Có một đợt sau Tết, tình hình sức khỏe của Minh Vượng biến chuyển không tốt khiến rất nhiều khán giả yêu mến chị lo lắng nhưng hiện tại chị cho biết mọi chuyện đã biến chuyển tốt đẹp hơn rất nhiều rồi: "Như mọi người biết, tôi bị tiểu đường khá nặng, tiểu đường vào phổi làm lục phủ ngũ tạng của tôi không được tốt lắm, nhưng thời gian qua, tôi rèn luyện, tập tành, ăn uống cẩn thận, nên tình hình tốt lên rất nhiều".

Trả lời câu hỏi: "Rất nhiều nghệ sĩ hài tâm sự, họ mang tiếng cười đến cho nhiều người, thì họ lại bị cuộc đời lấy đi tiếng cười của mình?", Minh Vượng cho rằng: "Họ nói điều đó đúng đấy, trên đỉnh cao của hài kịch ta gặp bi kịch! Khi người nghệ sĩ tự trào phúng về mình, thì có nghĩa rằng những xa xót, đắng cay của cuộc đời họ đã được chắt lọc ra. Bạn để ý xem, tôi đố bạn tìm được gương mặt diễn viên hài nào mà... đẹp sáng láng đấy, từ ông Trịnh Thịnh, ông Phạm Bằng, ông Trịnh Mai, ông Xuân Hinh, bà Minh Vượng, ông Khánh râu... Có ai đẹp không?

Không, đúng không (cười lớn). Nhưng (vẻ mặt) có duyên và chắt chiu để mang tiếng cười đến cho mọi người. Nhưng trong cuộc sống của họ, đâu phải chỉ là tiếng cười? Có lẽ nỗi buồn nhiều hơn, bởi vì với con mắt tinh tế, tâm hồn nhạy cảm, thì họ sẽ khổ hơn".



Diễn viên hài Xuân Bắc và những chia sẻ về đời tư
Con trai Hoài Linh - Hoài Lâm
Gia đình Hoài Linh gồm những ai?
Vợ và con Hoài Linh 
Thông tin về diễn viên Hoài Linh
Diễn viên điện ảnh Dustin Nguyễn
Bí mật của những người nổi tiếng





(st)

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
em muon lien lac voi nghe si minh vuong thi lam the nao de gap dk chi ay?
hơn 1 tháng trước - Thích (9) - Trả lời
không phải hâm mộ mà chị minh vượng với tớ như là cả tuổi thơ êm đềm ấm áp.muốn được gặp chị ôm lấy chị.muốn chị biết được rằng chị có ý nghĩa thế nào với tụi trẻ chúng ta,nếu không có chị và những người nghệ sĩ hài ngày ấy tuổi thơ của tôi không được trọn vẹn và hoài niệm như vậy.
Trùi, thông tin mật làm sao mà tiết lộ được chứ
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý