Nếu bạn là “người mới” trong lĩnh vực “làm bánh mì” thì trước khi bắt tay vào làm thứ một công thức bất kì, hãy dành ra đôi ba phút để đọc thông tin mà mình đã chia sẻ trong các bài viết dưới đây để biết thêm chi tiết nhé!
Đầu năm khai bếp bằng mẻ bánh mì ngọt con cua nhân phô mai. Bánh này dễ dụ con nít, dễ dụ luôn người lớn đó nghen. Bánh mì mềm, ngọt và béo vị phô mai và thơm lừng mùi bơ đây! Bài nay năm ngoái học rồi, làm rồi luôn mà đến tận hôm nay mới mần cho bầy trẻ măm. Bánh mì ngọt con cua đơn giản rất dễ làm. Các anh chị em nhà mình thử nghen!
-
Muốn làm bánh mì trước hết phải sắm cái máy nhồi bột mì, nếu không nhồi tay sẽ rất lâu và oải lắm ạ! Sức đờn ông thanh niên nhồi nửa ký lô bột mì cỡ 20' mới dai. Còn đờn bà con gái nhồi nửa ký lô cũng cỡ 45' mới ok.
Đầu tiên cho bột mì+ phụ gia+ men+ đường+ sữa bột vô cối trộn đều. Kế đó mới cho muối, bơ, trứng gà vô trộn thêm lần nữa rồi đặt cối vô máy (vì men kỵ với muối nên chịu khó trộn riêng, không thôi bánh ko nở) chế sữa lạnh vô nhồi đến khi nào bột dai và mịn.
Lấy khồi bột ra cho vô thau inox đậy kín, đặt vô tủ lạnh 15' cho bột nở. Sau 15' lấy thau bột ra chia bột thành hai phần, dùng khăn mỏng đạy kín rồi ủ ở nhiệt độ phòng thêm 15' nữa.
- 2
Lấy bột ra cán mỏng thánh hình chữ nhật có độ dày 3-4mm, chiều ngang 40cm. Phết bơ mềm lên nửa bề mặt lá bột, rắc đường cát lên phần bơ rồi đậy úp lại theo chiều ngang.
Chia lá bột thành nhiều hình tam giác cân như thế này.
Lấy một lá bột hình tam giác ra, cắt cạnh dưới một đoạn 1cm rồi nắm hai cạnh cắt kéo lên hai bên. sau đó cắt một miếng phô mai đặt lên giữa lá bột.
- 3
Sau đó cuộn tròn từ dưới lên trên mình sẽ có được những con cua như thế này.
- 4
Cho mâm cua xinh xắn này vào lò (không ghim điện) để ủ ấm thêm 30'. Lấy ra xịt nước, phết lòng đỏ trứng (1 lòng đỏ pha thêm 2 muỗng canh nước) rồi nướng ở chế độ 160 độ C hai lửa.
Bánh vừa chín vàng lấy ra phết bơ Tường an (đã làn tan chảy). Không nướng lại. Thế là mình xong rồi nghen! Cận cảnh em nó đây!
Bẻ đôi em nó đây!
Cách 2:
Vỏ bánh mì ngọt/ bánh mì sữa (sweet roll dough/ milk bun) là một công thức bánh mì cực kì tiện dụng, vì từ vỏ bánh này người làm có thể thay đổi các loại nhân, thay đổi phần phủ mặt bánh (topping) hoặc thêm các loại hạt hay các loại gia vị là có thể tạo ra nhiều loại bánh khác nhau, cho các mục đích sử dụng khác nhau.
Thời gian vừa rồi mình làm thử khá nhiều công thức vỏ bánh mì ngọt khác nhau, không nhớ đã thử bao nhiêu nhưng nhìn chung là nhiều vì liên tục trong vài tuần gần như tối nào mình cũng làm để ăn sáng & trưa ngày hôm sau. Nhận xét rút ra là không thấy có sự khác biệt rất lớn trong thành phẩm làm ra. Bản thân các công thức cũng không khác nhau nhiều, với tỉ lệ chất lỏng (nước, sữa) so với lượng bột trong khoảng 50 – 60%, bơ khoảng 10 – 20%, đường khoảng 10 – 20%, và 10-20% trứng. Tỉ lệ chất lỏng cao như thế này, kèm thêm một lượng bơ, đường và trứng sẽ giúp cho bánh mềm và đủ ẩm, có thể giữ qua ngày mà không sợ bị khô.
Công thức vỏ bánh mà mình giới thiệu dưới đây cũng có tỉ lệ các thành phần gần như trên, tuy nhiên có một vài thay đổi nhỏ là với chất lỏng, mình dùng sữa và buttermilk. Buttermilk là một dạng sản phẩm sữa lên men, có vị chua và khá sánh, ngậy nữa. Buttermilk giúp cho bánh có mùi vị ngon hơn, ẩm và béo, acid trong buttermilk cũng có lợi cho việc nở của bánh. Mặc dù buttermilk rất khó kiếm ở Việt Nam, nhưng các bạn có thể thay thế bằng sữa tươi không đường pha với chanh hoặc dấm theo một tỉ lệ nhất định. Ngoài ra, trong phần bột mình có thay một lượng bread flour (12% Protein) bằng pastry flour (10% Protein), cũng để giúp bánh mềm hơn nhưng vẫn đủ dai theo kiểu bánh mì. Tuy nhiên nếu không có hai loại bột này thì các bạn có thể dùng hoàn toàn bread flour hoặc hoàn toàn all purpose flour, không vấn đề gì.
Công thức ở dưới đây bao gồm phần vỏ bánh (milk bun) và nhân kem trứng (custard). Bánh ra lò rất mềm, xốp, thơm và ngậy. Phần nhân kem trứng không bắt buộc. Các bạn cũng có thể thay bằng các loại nhân khác như bơ mặn, cream cheese, pho-mát bò cười… tùy thích nhé.
Phần vỏ bánh (sweet roll/ milk bun)
Nguyên liệu
- 60gram buttermilk
- 60gram sữa tươi không đường
- 5gram men instant (instant yeast)
- 40gram bơ nhạt (unsalted butter) – để mềm ở nhiệt độ phòng
- 35gram đường
- 3gram muối
- 1 trứng gà (50gram không tính vỏ)
- 200gram bột làm bánh mì (bread flour)
- 60gram bột pastry (pastry flour)
* Ghi chú:
- 60gram buttermilk có thể thay bằng 60gram sữa tươi không đường, pha với 3gram dấm trắng hoặc nước cốt chanh, khuấy đều, để khoảng 10-15 phút rồi dùng.
- Nếu không có pastry flour thì có thể thay bằng 250gram bột bánh mì (bread flour) hoặc 260gram bột mì đa dụng (all purpose flour).
Cách làm
1. Hâm nóng sữa tươi, sao cho sữa ở nhiệt độ khoảng 35 – 40 độ C (không được nóng hơn, sẽ làm chết men hoặc yếu hoạt động của men). Cho 5gram đường và toàn bộ số men instant vào sữa, dùng đũa gỗ khuấy đều. Sau khoảng 5-10 phút sẽ thấy men nở tạo mảng, hơi giống với gạch cua (hình 1-4). Nếu men không nở thì có hai khả năng, hoặc là men có vấn đề, hoặc là sữa quá nóng làm chết men, nên bỏ đi và chuẩn bị lại từ đầu.
Cân bột. Nếu dùng hai loại bột khác nhau như trong công thức thì dùng phới lồng đánh trứng trộn đều (hình 9)
2. Cho bơ, muối và 30gram đường còn lại vào âu trộn, dùng phới lồng đánh trứng đánh mạnh tay trong khoảng 2 phút, đến khi bơ, đường, muối hòa quyện. Cho trứng, đánh đều đến khi hỗn hợp mịn, mượt (hình 5-8). Cuối cùng cho buttermilk (hoặc hỗn hợp sữa & dấm đã chuẩn bị trước) và phần sữa với men ở bước (1) vào âu, quấy đều.
3. Đổ bột vào âu, dùng thìa gỗ trộn hỗn hợp trong khoảng 2 phút, đến khi hỗn hợp quyện đều thành một khối. Để bột nghỉ khoảng 8-10 phút. Việc để bột nghỉ này sẽ giúp bột bớt dính và nhào dễ hơn trong trường hợp nhồi bột bằng tay. Nếu nhồi bột bằng máy thì có thể bỏ qua bước này.
4. Đổ bột ra bàn đã phủ một lớp bột áo mỏng, nhồi trong khoảng 15 phút. Cách nhồi bột các bạn xem thêm tại ĐÂY.
* Ghi chú:
Hỗn hợp bột khá ướt và dính nên trong quá trình nhồi bột các bạn có thể sử dụng thêm một ít bột áo (bột mỳ khô) để rắc phủ mặt bàn và xoa vào tay, để nhồi bột dễ hơn. Tuy nhiên, cố gắng dùng càng ít bột áo càng tốt (không quá 5-7gram).
Nếu nhồi bằng tay thì thường sẽ mất khoảng 15 – 20 phút. Khối bột sau khi nhồi xong sẽ dẻo và có độ đàn hồi tốt, ấn thử ngón tay lên mặt khối bột sẽ thấy phồng trở lại. Ngoài ra, khối bột khá nhão và ướt, nếu sờ ngón tay lên mặt bột sẽ có cảm giác hơi dính, nhưng khi nhấc lên thì bột không dính vào tay.
5. Cho bột vào âu có quét một lớp dầu ăn mỏng. Lật khối bột cho dầu ăn bao đều bên ngoài khối bột, việc này sẽ tránh cho bột bị khô trong quá trình ủ. Dùng nilon bọc kín âu (hoặc dùng khăn ẩm đậy lên âu), ủ bột ở nhiệt độ phòng, đến khi bột nở gấp đôi.
Để thử xem bột đã ủ đạt hay không, các bạn ấn một hoặc hai ngón tay vào bột, sâu khoảng 1 – 2cm. Sau khi rút tay lên, nếu vết lõm giữ nguyên tức là bột đã ủ đạt (hình 16), nếu vết lõm phồng trở lại tức là cần ủ thêm thời gian.
(trong lúc đợi ủ bột có thể tranh thủ đi làm nhân kem trứng)
6. Dùng mu bàn tay ép hoặc đấm nhẹ cho xẹp bọt khí trong khối bột. Lấy bột ra khỏi âu, nhồi lại sơ qua trong khoảng 1-2 phút. Cân cả khối bột (được khoảng 480-490gram), rồi chia nhỏ bột thành các phần bằng nhau. Lưu ý là dùng cân để chia cho chính xác (hình 18). Mình chia thành 10 khối bột, mỗi khối nặng 47 – 49gram. Để bột nghỉ 10 phút (hình 19-20).
Chuẩn bị khay nướng có lót tấm nướng bánh hoặc giấy nướng bánh
7. Ấn hoặc cán bột thành các miếng dẹt, xúc nhân kem trứng đặt vào giữa, gấp bột lại để tạo thành hình thuôn dài (hình 21-24), hoặc túm các mép bột rồi vê tròn để làm bánh hình tròn. Dính mép bột thật kĩ để tránh nhân bị trào ra ngoài trong khi nướng. Đặt viên bột lên khay, xoay phần có vết dính các mép bột xuống dưới.
8. Ủ bột lần 2. Các bạn có thể bọc cả khay bột rồi ủ ở nhiệt độ phòng, nếu trời nóng. Hoặc bật lò khoảng 50 độ C trong khoảng 4-5 phút rồi tắt lò, cho khay bột vào lò, để thêm một cốc nước sôi (để giữ ẩm), ủ bánh ở nhiệt độ 35-40 độ C đến khi bánh nở thêm khoảng 80% (không ủ ở nhiệt độ nóng hơn vì sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của men, thậm chí có thể làm chết men).
Thường quá trình ủ lần 2 này sẽ mất khoảng 30-45 phút để bánh nở thêm khoảng gấp đôi, và lò cần được làm nóng trước 10 – 15 phút. Nên sau khi ủ khoảng 20-25 phút thì các bạn làm nóng lò ở chế độ 2 lửa, nhiệt độ 180 độ C, khi lò đủ nóng cũng là lúc bột nở đủ.
* Ghi chú:
Các bạn có thể đánh tan 1/2 quả trứng & 1 thìa café nước. Nhẹ nhàng dùng chổi quét một lớp mỏng trứng trước khi đưa bánh vào lò nướng. Cách này sẽ giúp mặt bánh bóng vàng đẹp.
9. Nướng bánh ở nhiệt độ 180 – 190 độ C trong 20 – 30 phút, tùy theo kích thước bánh. Sau khoảng 15 – 20 phút, nếu mặt bánh đã vàng đủ thì các bạn lấy một tấm giấy bạc che mặt bánh, để mặt bánh khỏi bị cháy.
10. Bánh chín lấy ra khỏi lò, để bánh trên rack cho nguội hẳn.
Phần nhân kem trứng (Custard)
Nguyên liệu
- 1 lòng đỏ trứng gà (18 – 20gram)
- 15gram đường
- 13gram bột ngô (corn starch) – có thể thay bằng bột mỳ
- 50gram sữa tươi không đường
- 50gram kem tươi (whipping cream) – có thể thay hoàn toàn bằng sữa tươi
- 2ml va-ni dạng lỏng
- 10gram bơ nhạt
- 1gram muối
Cách làm
1. Đánh lòng đỏ trứng với đường đến khi lòng đỏ bông đặc, chuyển sang màu vàng nhạt.
2. Rây bột vào âu trứng đường, trộn đều.
3. Đun sữa đến khi sữa ấm nóng (nhưng không để sữa sôi). Từ từ đổ sữa vào âu trứng bột, vừa đổ vừa quấy đều tay (đổ liên tục đến khi hết sữa).
4. Cho hỗn hợp vào nồi, để lửa nhỏ, quấy đều & liên tục, lưu ý vét thành và đáy nồi. Đun đến khi hỗn hợp đặc sệt. Nếu trong quá trình đun kem trứng có dấu hiệu vón cục thì bắc ra khỏi bếp & dùng phới lồng đánh trứng đánh mạnh tay cho hỗn hợp mịn trở lại. Sau khi hỗn hợp đặc sệt như ý muốn thì bắc khỏi bếp, cho bơ, muối & vanilla, trộn đều. Để nguội (có thể bọc kín và bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh từ 1-2 ngày)
* Ghi chú:
Phần nhân custard đặc sẽ giúp ruột bánh sau khi nướng hơi rỗng một chút (như trong hình minh họa ở đầu bài). Còn nếu các bạn muốn ruột bánh đặc như trong hình dưới thì nên làm nhân lỏng hơn (tuy nhiên khi tạo hình bánh sẽ hơi mệt do nhân lỏng).
Các thất bại thường gặp & nguyên nhân
1. Bột ủ không nở: Men có vấn đề (hết hạn, bị chết trong lúc kích hoạt), dùng sai loại men (ví dụ: thay vì dùng men nở thì dùng bột nở/ bột nổi)
2. Bột quá nhão và dính tay, không thể nhào được: Tùy từng loại bột mà lượng nước hấp thụ có thể khác nhau (khác nhau như thế nào các bạn có thể xem thêm trong bài về phân loại bột và bài về cách nhồi bột – link ở đầu bài viết). Ngoài ra, nếu bạn làm bột trong một ngày nóng ẩm thì có thể bột cũng sẽ nhão hơn. Nếu bột quá nhão và dính thì các bạn có thể dùng thêm bột áo, rắc lên bột và xoa lên tay. Tuy nhiên, lưu ý là bột làm bánh mì ngọt thường nhão và dẻo, nhào rất dễ dàng. Dùng quá nhiều bột áo sẽ dễ làm cho bột bị khô, nhồi bột có cảm giác nặng tay hoặc khó nhồi (khó ấn, đẩy). Bột khô sẽ làm cho bánh kém mềm và kém ẩm, giữ bánh qua ngày cũng dễ bị khô hơn.
3. Bột nhào mãi mà vẫn lổn nhổn, không thấy dai, mịn: Nhồi bột chưa đúng cách
4. Bột đàn hồi, co dãn khiến tạo hình khó (khó cán, khó nặn thành hình bánh mì hoặc vê tròn): nếu bột co dãn nhiều, hãy cán mỏng viên bột và để bột nghỉ khoảng 5 phút, việc này sẽ giúp các sợi Gluten “thư giãn” và không bị co rút nhiều nữa.
5. Bánh có mùi rượu hoặc có mùi chua, mùi men:
- Quá nhiều men (lần tiếp theo nên giảm bớt 1/4 lượng men)
- Men chưa kích hoạt hết (nếu dùng men khô)
- Ủ quá lâu
6. Ruột bánh bở hoặc kém dai:
- Nhồi bột chưa đạt
- Ủ quá lâu
- Dùng loại bột có hàm lượng protein/ gluten thấp
7. Ruột bánh không trắng: vì bánh này có bơ và trứng nên ruột bánh có thể sẽ hơi vàng một chút, đây là điều bình thường, còn nếu ruột bánh sẫm màu thì có thể là do loại bột sử dụng.
8. Bánh bị cháy mặt, cháy đáy hoặc Ruột bánh ẩm, ướt..: Nhiệt độ nướng chưa phù hợp, có thể là lửa trên hoặc lửa dưới quá cao làm cháy mặt hoặc đáy bánh trong khi phần bên trong chưa đủ chín. Ngoài ra, nếu khuôn nướng là khuôn sẫm màu thì truyền nhiệt sẽ nhanh và tốt hơn, nên hạ nhiệt độ nướng xuống khoảng 10 độ C so với công thức.
9. Nhân bánh bị trào ra ngoài: lượng nhân quá nhiều so với lượng bột, hoặc miết hay dính các mép bột chưa đủ kĩ
10. Ruột bánh quá đặc: Cho muối hơi quá nhiều, ủ chưa đủ hoặc bột quá khô (ít nước).
11. Ruột bánh có nhiều lỗ khí to: Đấm bột hoặc nhồi bột sau lần ủ thứ nhất chưa đủ kĩ, khiến bọt khí to còn lại trong bánh, hoặc ủ lần 2 quá lâu
12. Vỏ bánh quá dày: Nhiệt độ nướng quá thấp.
13. Bánh để lâu bị khô: Nướng hơi quá lâu hoặc Bảo quản chưa đủ tốt (chưa bọc, gói, đậy đủ kín). Bánh loại này nếu bảo quản tốt có thể để đến ngày thứ 2, thứ 3 mà bánh vẫn mềm.
Bánh mì sữa hokkaido thơm lừng ngây ngất
Cách làm các loại bánh từ bột mì vừa ngon vừa bắt mắt
Cách làm xíu mại bánh mì
Cách làm bánh bao bằng bột mì đơn giản tại nhà
Công thức làm bánh mì bơ thơm ngon
Công thức làm bánh mì đen như người Nga
(st)