Sữa chua có công dụng tuyệt vời với sức khỏe. Chúng ta cùng tìm hiểu tác dụng của việc ăn sữa chua hàng ngày nhé!
CÔNG DỤNG TUYỆT VỜI CỦA SỮA CHUA
- Giúp giữ gìn eo thon: Sữa chua có chứa nhiều canxi giúp cơ thể đốt cháy mỡ thừa nhanh hơn.
- Bảo vệ hệ tiêu hóa: Mỗi ngày 2 hộp sữa chua giúp cung cấp vi khuẩn có lợi, tạo sự cân bằng cho vi khuẩn trong đường ruột, giảm vi khuẩn có hại.
- Giúp ăn ngon miệng: Vitamin B trong sữa chua giúp kích thích vị giác, tăng cảm giác ngon miệng. với trẻ nhỏ, sữa chua có tác dụng tiêu hóa đường lactose giúp trẻ dung nạp thức ăn tốt hơn.
- Tăng cường hệ miễn dịch: Sữa chua giúp hạn chế các bệnh về hô hấp liên qua tới virus. Ngoài ra, sữa chua còn cung cấp các vi khuẩn có lợi giúp ngăn ngừa chứng viêm loét dạ dày.
- Hạn chế sâu răng: Sữa chua cung cấp canxi cho răng chắc khỏe và giúp vệ sinh răng miệng, chống lại vi khuẩn có mùi.
- Giúp xương chắc khỏe: Canxi trong sữa chua giúp ngăn ngừa loãng xương.
- Tăng cường tuổi thọ: Nghiên cứu gần đây cho thấy những người sử dụng sữa chua đều đặn có tuổi thọ cao hơn so với người bình thường. Ngoài ra, sữa chua còn giúp hạn chế mầm mống gây ung thư.
- Cung cấp độ ẩm cho da: Trộn sữa chua và mật ong đắp mặt một tuần 2 lần giúp da thêm mềm mại, mượt mà.
- Điều trị da nhờn, mụn: Nhỏ vài giọt chanh vào sữa chua và đắp mặt sẽ giúp giảm mụn, khiến làn da sáng mịn hơn.
- Làm trắng da: Sử dụng mặt nạ sữa chua và nước cam thoa lên mặt 15 phút và rửa lại với nước ấm giúp da trắng lên một cách từ từ.
- Giảm vết thâm: Xay nát một củ cà rốt, trộn thêm sữa chua và đắp mặt tuần 2 lần sẽ giúp da sáng đẹp, giảm vết thâm.
- Phục hồi tóc hư tổn: Trộn sữa chua và lòng đỏ trứng gà, vài giọt oliu ủ tóc trong 20 phút và xả lại với nước ấm sẽ thấy tóc bóng đẹp. Nếu không có thời gian, bạn có thể sử dụng sữa chua để xả tóc cũng có tác dụng rất tốt.
- Trị gàu: Thoa trực tiếp sữa chua vào chân tóc sau khi gội đầu, ủ trong 20 phút và xả lại với nước.
- Tẩy trang: Thoa sữa chua lên mặt, mát xa trong vòng 15 phút giúp tẩy sạch bụi bẩn và làn da tươi sáng hơn.
- Dưỡng móng: Nếu móng tay bạn yếu và hay bị gẫy hãy mát xa hai bàn tay và móng với sữa chua có nhỏ thêm vài giọt chanh giúp móng tay mạnh khỏe và sáng đẹp hơn.
LÀM ĐẸP TỪ TRONG RA NGOÀI CHỈ VỚI SỮA CHUA
LỢI ÍCH VÀ TÁC HẠI CỦA SỮA CHUA
Sữa chua và các sản phẩm lên men khác có tác dụng hỗ trợ tích cực cho sức khỏe con người nhờ làm tăng bifidobateria, tạo môi trường thuận lợi cho vi khuẩn có ích phát triển. Tuy nhiên nếu không biết cách sử dụng, quá trình này có thể trở thành công cốc!
“Nội soi” thành phần sữa chua
Sữa chua là sản phẩm của quá trình lên men sữa động vật bởi một số loại vi khuẩn như: stretococcus lactic, lactobacillus caucasicus, streptococcus cremoris, nấm men… giúp chuyển đường đa thành đường đơn, giảm độ pH của sữa kéo theo sự đông tụ canxi trong sữa, chuyển hoá một phần casein (đạm trong sữa) thành peptone, acidamin và sản sinh ra chất tạo hương.
Nói chung, giá trị dinh dưỡng của sữa chua không kém các loại sữa uống hàng ngày. Cứ 100g sữa chua đem đến khoảng 100kcal, 3g chất đạm, 125mg canxi, rất nhiều vitamin (đặc biệt vitamin B5, vitamin B12) và nhiều khoáng chất cần thiết khác cho cơ thể. Mặt khác, quá trình lên men mang đến cho sữa chua một số vi khuẩn tạo ra enzym proteaza, có lợi đường ruột, giúp hệ tiêu hoá làm việc tốt... Khuẩn lactic trong sữa chua còn giúp kích thích gia tăng số lợi khuẩn trong đường ruột và khử hoạt tính một số hoá chất gây hại, kích thích tiêu hoá, tạo cảm giác ngon miệng và tăng hiệu quả hấp thu dưỡng chất từ thực phẩm.
Vì vậy, có thể xem sữa chua là một vắc-xin tự nhiên để ngăn ngừa và giảm bớt triệu chứng của một số bệnh dạ dày, đường ruột phổ biến như: khó tiêu, ợ chua, viêm loét dạ dày,… Với một số người sợ uống sữa (do cơ thể thiếu men lactose nên không chuyển hoá được đường lactoza trong sữa, dễ dẫn đến rối loạn tiêu hoá) thì sữa chua ăn có thể giúp họ ngon miệng vì hầu như không gây khó chịu cho hệ tiêu hoá.
Bên cạnh công dụng tốt cho tiêu hoá, tăng cường sức đề kháng, sữa chua ăn còn được xem là lựa chọn lý tưởng cho những ai quan tâm đến giữ dáng, giảm cân. Với hàm lượng carbohydrate, protein ở mức vừa phải, lại được phân giải thích hợp, sữa chua vừa có tác dụng giảm đói vừa giúp duy trì lượng đường huyết ổn định. Ngoài ra, axit lactic trong sữa chua còn hỗ trợ ngăn ngừa sự xâm nhập và kiềm chế hoạt động của các loại vi khuẩn có hại cho da. Đây được xem như chiếc “mặt nạ tự nhiên” giúp da mịn màng, tươi trẻ.
Khi nào không nên ăn sữa chua?
Với những công dụng nói trên, sữa chua rõ ràng rất tốt cho sức khoẻ. Tuy nhiên có tận dụng hết được những lợi điểm dinh dưỡng đó hay không còn tuỳ thuộc rất nhiều vào cách sử dụng của mỗi người.
Không nên ăn sữa chua lúc đói: độ pH thích hợp để men lactic trong sữa chua sinh trưởng và phát triển tốt là từ 4-5 trở lên. Khi đói, dịch vị trong dạ dày có độ pH từ 2 trở xuống sẽ làm men lactic trong sữa chua dễ bị huỷ hoại. Tốt nhất chỉ nên sử dụng sữa chua trong vòng 1-2 giờ sau bữa ăn.
Không đợi đun nóng lên rồi mới ăn: vì như vậy cũng làm mất đi tác dụng hữu ích và hương vị ngon lành của sữa chua.
Không ăn sữa chua và uống thuốc cùng lúc: các vi khuẩn lactic có trong sữa chua sẽ bị tiêu diệt nếu làm như vậy. Tốt nhất sau khi uống thuốc từ 2-3 giờ mới nên ăn sữa chua.
Ngoài ra, cũng phải đặc biệt lưu ý đến chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm khi chọn mua sữa chua, cũng như quá trình bảo quản khi trữ trong nhà.
ĂN QUÁ NHIỀU SỮA CHUA CÓ THỂ CÓ TÁC DỤNG PHỤ
Không thể phủ nhận sữa chua có nhiều lợi ích sức khỏe. Nhưng nếu ăn sữa chua quá nhiều có thể dẫn đến tác dụng ngược lại.
Sữa chua là một sản phẩm từ sữa được tạo thành từ quá trình lên men tự nhiên. Vi khuẩn lên men tương tác với các loại đường tự nhiên trong sữa tạo thành axit lactic, làm cho sữa chua có hương vị đặc biệt.
Cũng giống như bất kì thực phẩm nào khác, sữa chua vừa có lợi vừa có hại cho sức khỏe nếu không biết bổ sung hợp lý.
Lợi ích sức khỏe của sữa chua
- Tăng cường hệ thống miễn dịch
Trong sữa chua có chứa các vi khuẩn sống - một loại vi khuẩn lành mạnh có tên là lactobacillus casei. Một nghiên cứu của Đại học Vienna - Áo, cho thấy rằng tiêu thụ sữa chua có thể làm tăng số lượng các tế bào bạch cầu trong cơ thể. Do đó, sữa chua được coi là có tác dụng trong việc tăng cường hệ thống miễn dịch, có tác dụng chống lại bệnh tật.
- Giảm cholesterol "xấu"
Nghiên cứu năm 2009 của trường Đại học Tehran (Mỹ) đã chứng mình rằng phụ nữ ăn sữa chua hàng ngày giúp bổ sung probiotic làm cho mức LDL (cholesterol "xấu") được hạ xuống, đồng thời có thể làm tăng HDL (cholesterol "tốt"). Mức LDL trong cơ thể giảm đồng nghĩa với việc chị em tránh được nguy cơ mắc nhiều bệnh như: tim mạch, huyết áp, béo phì...
Chọn chế độ ăn uống ít chất béo là việc mà rất nhiều người thực hiện nhằm mục đích đạt được và duy trì trọng lượng cơ thể lý tưởng. Nghiên cứu của Trung tâm Y tế Đại học Tennessee, Knoxville cho thấy những người bổ sung đầy đủ canxi sẽ có xu hướng tăng cân ít và chậm hơn so với những người khác. Cách đơn giản nhất để bổ sung canxi cho cơ thể là ăn sữa chua. Bạn có thể chọn các loại sữa chua ít chất béo để phục vụ mục đích duy trì trọng lượng của mình.
- Tốt cho quá trình tiêu hóa
Vi khuẩn sống trong sữa chua rất có lợi cho quá trình tiêu hóa vì trong sữa chua có chứa một loại enzyme gọi là lactase có tác dụng hỗ trợ tiêu hóa. Theo Tạp chí Dinh dưỡng lâm sàng Mỹ thì những người ăn sữa chua thường xuyên sẽ ít bị viêm loét và các bệnh khác ở đường tiêu hóa. Sở dĩ sữa chua có tác dụng này là vì hoạt chất trong sữa chua ngăn ngừa vi khuẩn H. pylori - các vi khuẩn có thể gây viêm loét bên trong đường tiêu hóa. Do đó, sữa chua được coi là có lợi cho quá trình tiêu hóa.
- Giúp xương chắc khỏe
Hàm lượng canxi trong sữa chua khá cao, do vậy, nếu thường xuyên ăn sữa chua, bạn sẽ tăng cường sức khỏe của xương và ngăn ngừa loãng xương. Điều này đặc biệt quan trọng với chị em phụ nữ, nhất là những chị em đang ở giai đoạn tiền mãn kinh và mãn kinh bởi ở các giai đoạn này, do sự thay đổi hormone mà chị em cần nhiều canxi để tăng cường sức khỏe cho xương.
- Giảm viêm
Các vi khuẩn lactobacillus trong các loại sữa chua có thể giúp làm giảm tình trạng viêm xảy ra khắp cơ thể, đặc biệt là ở những người bị viêm khớp. Các vi khuẩn lành mạnh cũng có thể làm giảm và ngăn chặn tình trạng viêm trong ruột, giảm nguy cơ ung thư đại trực tràng và bàng quang.
Mặc dù sữa chua có rất nhiều tác dụng với sức khỏe nhưng điều này không có nghĩa là bạn có thể ăn bao nhiêu sữa chua cũng được. Ăn quá nhiều sữa chua mà không cần chú ý đến sức khỏe của mình thì có thể gây hại nhiều hơn là có lợi.
Một số tác hại từ việc ăn quá nhiều sữa chua có thể bao gồm:
- Gây khó tiêu: Sữa chua có chứa đường lactose, một loại protein khó tiêu. Với những người không dung nạp lactose hoặc những người gặp vấn đề về tiêu hóa nêu ăn quá nhiều sữa chua mỗi ngày có thể gây ra các triệu chứng như đau bụng, đầy hơi, buồn nôn, chuột rút hoặc tiêu chảy... Do vậy, để tránh hiện tượng này, bạn nên biết rõ hiện tại cơ thể mình có khỏe mạnh không, có gặp vấn đề về tiêu hóa không... để có lựa chọn loại sữa chua thích hợp (sữa chua làm từ sữa dê, sữa bò hoặc sữa đậu nành...).
- Gây béo phì: Mặc dù sữa chua có tác dụng duy trì trọng lượng cơ thể khỏe mạnh, nhưng đó là trong trường hợp bạn ăn uống vừa phải để kích thích tiêu hóa. Trong trường hợp ăn quá nhiều sữa chua thì lại có thể gây ra béo phì bởi trong thành phần của sữa chua có chứa đường, nếu lạm dụng quá nhiều sữa chua trong khẩu phần ăn hàng ngày sẽ khiến lượng đường trong cơ thể tăng quá mức cần thiết.
Vì vậy, khi lựa chọn sữa chua, bạn nên chú ý tránh chọn loại có hàm lượng chất béo rất cao vì chúng có thể là nguyên nhân gây béo phì và các bệnh nguy hiểm khác như tiểu đường, bệnh tim, rối loạn giấc ngủ, trầm cảm...
- Dị ứng: Không phải ai cũng có thể uống được sữa. Vậy nên, nếu bạn là người bị dị ứng với sữa hoặc không hấp thụ được các chất có trong sữa thì tốt nhất nên tránh tiêu thụ sữa chua vì nó có thể gây ra tình trạng khó thở, phát ban, nôn mửa…, thậm chí là tử vong. Những người thường xuyên bị đầy hơi không nên tiêu thụ quá nhiều lượng probiotics có trong sữa chua hàng ngày.
(ST)