Trang phục truyền thống của dân tộc Ê Đê

Nhanluu1294 Nhanluu1294 @Nhanluu1294

Trang phục truyền thống của dân tộc Ê Đê

19/04/2015 05:59 AM
14,944



Cùng với ăn và ở, chuyện mặc của người Êđê là một trong những đề tài nổi bật và khác biệt của các dân tộc khu vực Tây Nguyên.Chúng ta cùng chiêm ngưỡng trang phục truyền thống của dân tộc E Đê nhé!




TRANG PHỤC DÂN TỘC Ê ĐÊ


Theo truyền thống, trang phục của người dân Êđê là màu đen hoặc màu chàm, trên đó có những họa tiết hoa văn sặc sỡ. Phần lớn, đàn bà đều mặc váy, quấn váy (tiếng địa phương gọi là Ieng), đàn ông thì đóng khố (Kpin), mặc áo. Đồng bào dân tộc Êđê còn rất thích dùng các đồ trang sức bằng bạc, đồng hay hạt cườm, họ cũng mang hoa tai và vòng cổ khi ra khỏi nhà thường đeo bên mình gùi và ngậm tấu.
Về trang phục Nam, ngày xưa, đàn ông Êđê thường để tóc dài rồi búi tó sau gáy, nay thì họ đã cắt tóc ngắn, gọn gàng giống như người Kinh hiện đại. Tuy nhiên, tầng lớp trung niên ở Êđê vẫn còn chuộng việc chít khăn vải chàm hay khăn vàng nhạt khi đi ra đường hoặc trong ngày lễ tết.
Trang phục truyền thống Nam của dân tộc Êđê bao gồm hai yếu tố là áo và khố. Áo của người Nam có hai loại, áo dài trùm mông và áo dài quá gối. Áo dài trùm mông được thiết kế tay áo và thân áo dài, có xẻ tả và khoét cổ chui đầu. Trên nền chàm của thân và ống tay áo ở ngực, hai bên bả vai, cửa tay, các đường viền cổ, nơi xẻ tà gấu áo được trang trí và viền vải đỏ, trắng. Đặc biệt là khu giữa ngực áo có mảng sọc ngang trong bố cục hình chữ nhật tạo vẻ đẹp và khỏe. Dọc đường xẻ cổ ngực, có dính thêm nhiều khuy đồng, là những đoạn sợi chỉ đỏ đan sít vào nhau thành mảng hình thang cân lộn ngược.  Trong khi đó, áo dài quá gối có khoét cổ, ống tay bình thường không trang trí như loại áo dài trùm mông nói trên...
Trang phục truyền thống của người Ê Đê
Trên những tấm áo này, những đường chỉ màu trang trí thường tập trung ở những chi tiết như nách áo, gấu áo, vai, cổ và tay áo. Người Êđê vẫn thường khen ngợi chiếc áo đẹp nhất là áo kteh hay còn gọi là đếch kvưh grư, trước ngực áo có mảng hoa văn được gọi là “đại bàng dang cánh”. Gấu áo phía sau viền đường chỉ màu, gài thêm những hạt cườm trắng và tua chỉ màu dài tới 12cm. Mảng trang trí trước ngực được mệnh danh là cánh đại bàng. Dọc đường xẻ cổ ngực, có dính thêm nhiều khuy đồng, là những đoạn sợi chỉ đỏ đan sít vào nhau thành mảng hình thang cân lộn ngược.       
Khố (Kpin) được dệt sẵn trên khung dệt. Chất liệu vải, trang trí hoa văn và độ dài ngắn có khác nhau. Màu nền của khố là màu chàm sẫm, trang trí hoa văn dọc rìa khố, hai đầu vạt khố. Loại khố sang và đẹp nhất của đàn ông Ê đê là khố kteh và đrai, dệt bằng sợi vải đẹp, dài, hai đầu khố có trang trí hoa văn và đính thêm tua khố dài tới 25cm. Đây là loại khố dùng trong ngày hội của những người có vị trí cao trong buôn làng. Khi mặc, hai đầu khố rủ dài phía trước và sau đùi. Loại khố pirêk trang trí hoa văn trên hai vạt khố, nhưng không có tua màu. Hai loại khố dùng thường ngày tring nhà hay đi nương là khố bơng và mlang, dùng loại này ngắn, ít hoa văn trang trí, không có tua màu.
Về mùa lạnh, đàn ông Êđê thường khoác tầm mềm Abăn dệt bằng sợi bông, nhuộm chàm, trên đó trang trí những đường hoa văn. Hình ảnh này tạo đã góp phần tạo nên hình tượng người con trai mạnh mẽ và hùng dũng giữa núi rừng đại ngàn Tây Nguyên.

TRANG PHỤC NỮ DÂN TỘC Ê ĐÊ



Phụ nữ Êđê mặc loại áo cánh ngắn, may kiểu chui đầu. Không giống như áo chui đầu của nam giới, áo chui đầu của phụ nữ khoét cổ cao hơn, mở rộng cổ để chui đầu ở phía vai, có đơm thêm vài hàng khuy để cài.


Thiếu nữ Ê Đê
Bàn tay khéo léo của phụ nữ Êđê được thể hiện qua những đường may sợi chỉ, họ đã kết hợp những đường viền và các dải hoa văn nhỏ bằng sợi chỉ màu đỏ, trắng hoặc vàng. Loại áo sang và đẹp gọi là áo đếch theo tên của dải hoa văn nơi gấu áo. Trang trí trên áo thường ở đường bờ vai, nách bả vai, cửa tay, thân áo dài đến mông để khi mặc cho ra ngoài váy, trong khi đó, tay áo thường ngắn và hẹp, gấu áo chỉ chấm thắt lưng nên khi mặc làm nổi những đường nét khỏe khoắn của cơ thể phụ nữ.
Trang phục truyền thống của người phụ nữ Êđê độc đáo và khá lạ so với nhiều vùng miền khác ở chỗ phong cách trang trí là không có đường ở giữa thân áo. Đếch là tên gọi mảng hoa văn chính ở gấu áo. Ngoài ra phụ nữ còn có áo lót cộc tay (áo yếm).
Thiếu nữ dân tộc Ê Đê
Hàng ngày, đồng bào dân tộc Êđê thường mặc loại áo băl. Loại áo này không trang trí hoa văn. Những người già lão ở đây còn ưa mặc một loại áo lót trong gọi là ao yên, chỉ có phần vải che ngực.
Phụ nữ Êđê diện nhiều loại váy khác nhau. Váy loại tốt là myêng đếch, rồi đến myêng đrai, myêng piêck. Loại váy này mặc trong những dịp hội hè long trọng, trong cưới xin, nhất là của những gia đình khá giả. Váy kdruêch piêck cũng là loại váy sang, nhưng không đẹp bằng hai loại váy kể trên. Còn váy bơng thì may bằng vải thô, không trang trí gì, thường mặc khi đi làm. Những bà già nghèo khó vẫn mặc loại váy này vì họ không có điều kiện mua sắm vải đắt tiền. 
Nguyên liệu làm váy chủ yếu bằng vải bông màu chàm hoặc đen, tùy từng loại váy mà trang trí nhiều hay ít đường nét hoa văn. Ngày nay, váy được may bằng vải công nghiệp, chất lượng tốt hơn và cũng đẹp hơn, thậm chí trên nền vải còn trang trí những đường nét thêu thùa bắt mắt.
Cách mặc váy cũng khá độc đáo, họ đặt mép váy ở sườn bên trái, quấn một vòng quanh người từ eo bụng trở xuống, dắt mép váy ngoài về phía sườn bên phải. Để cho chặt có thể dùng thêm thắt lưng bằng vải hay bằng kim loại.
Phụ nữ Êđê còn trang sức bằng những loại vòng tay, vòng chân, nhẫn, dây chuyền bằng đồng hay bằng hạt cườm. Cách đây chưa lâu phụ nữ còn đội thứ nón đan, có quai giữ ở cằm, gọi là duôn bai. Thời trước, vòng tay thường đeo thành bộ kép nghe tiếng va chạm của chúng vào nhau họ có thể nhận ra người quen, thân.
Một loại phụ kiện không thể thiếu của người phụ nữ Êđê là chiếc khăn. Khăn được nhuộm chàm dùng để quấn tóc trên đầu. Khăn quấn quấn hình chữ “nhân” trước trán rồi buộc thành mối ra sau gáy và bịt khăn kín cả trán và đầu, mối vòng ra sau gáy phủ lên độn tóc.
Ngày nay, trang phục phụ nữ Êđê đã bị cách tân khá nhiều do ảnh hưởng quá trình phát triển kinh tế và giao lưu văn hóa từ các vùng miền khác, tuy nhiên, người dân Êđê vẫn luôn tự hào về nghệ thuật trang trí hoa văn trên nền vải với màu sắc, hình khối, đường nét và bố cục riêng được thế hiện rõ nhất trong quá trình hình thành áo, váy, khố, túi, địu….


CHÚNG TA CÙNG THAM KHẢO THÊM MỘT VÀI PHONG TỤC CỦA NGƯỜI E ĐÊ NHÉ

PHONG TỤC TRAO VÒNG CẦU HÔN CỦA NGƯỜI Ê ĐÊ


Lễ cưới truyền thống của người Ê Đê thường được tiến hành tuần tự theo bốn bước. Đó là lễ Hỏi chồng (Nao huh); Lễ thoả thuận (Knăm); Lễ gọi chồng (Yâo Ung) và lễ lại mặt (Siê Knăm). Trong hôn lễ, trao vòng cầu hôn là nghi lễ quan trọng, đây là nghi lễ bắt buộc của các cô gái khi làm đám cưới thể hiện sự công nhận của thần linh, gia đình, cộng đồng cho đôi trai gái được tổ chức đám cưới để nên vợ nên chồng.

Để tỏ lòng mong muốn cầu hôn hay hứa hôn, nhiều dân tộc ở Việt Nam thường có tục lệ trao vòng. Quý nhất là vòng bằng vàng, hay bằng bạc, rồi mới đến vòng đồng... 

Dân tộc nào còn theo phong tục mẫu hệ thì bên nữ trao vòng, bên nam nhận vòng. Các dân tộc theo phong tục phụ hệ thì ngược lại, bên trai trao vòng, bên gái nhận vòng. Nhận vòng là bằng lòng, phải giữ lòng chung thủy. Ngày nay người Việt (Kinh) quý đồ trang sức bằng vàng nên trao nhẫn thay vòng. Còn nhiều dân tộc ở miền núi phía bắc hay Tây Nguyên chỉ dùng bạc làm đồ trang sức phổ biến. Đó là những chiếc vòng cầu hôn mang tính giao duyên. 

Phong tục trao vòng cầu hôn của người Ê ĐêẢnh minh họa. Nguồn: Internet


Theo
phong tục mẫu hệ Ê Đê (Đác Lắc) khi người con gái tìm được người con trai ưng ý thì báo cho bố mẹ biết. Bố mẹ cô gái nhờ người mối lái đưa chiếc vòng bằng chất liệu nào là tùy gia cảnh để mở đầu cho việc giao thiệp với nhà trai. Người con trai có khi cũng ngúng nguẩy, vờ không bằng lòng như các cô gái e lệ thường thể hiện. Vài ba lần khi chàng trai đã đồng ý thì nhà gái sang nhà trai tổ chức lễ trao vòng. Nhà trai sau lễ trao vòng, cũng trao cho bên nhà gái chiếc vòng để làm tin cho việc đính ước.

Cô gái và chàng trai cùng chạm tay vào chiếc vòng đồng, ông cậu cầu cúng giàng. Và họ coi đó như lời giao ước hôn thú, có sự chứng giám của thần linh, có sự công nhận của cộng đồng, và sự thống nhất của cặp uyên ương. Từ sau lễ trao vòng, hai gia đình đã chính thức kết mối thông gia. Mỗi bên gia đình cử ra một người đỡ đầu của gia đình mình, còn gọi là Miết Ava. Từ đây Miết Ava không chỉ thay mặt gia đình, giúp đôi trẻ trong mọi nghi lễ để thành vợ thành chồng mà trong suốt cuộc đời còn lại sau này, ông luôn đóng vai trò như cha mẹ, khuyên răn chú rể, cô dâu và dàn hoà mọi bất hoà giữa hai gia đình. Nhà trai sau lễ trao vòng, cũng trao cho bên nhà gái chiếc vòng để làm tin cho việc đính ước.

Sau đó, nhà trai tổ chức bữa cơm rượu mời bên nhà gái. Đến hôm cưới, bên nhà gái lại đưa sang nhà trai vòng có kèm đồ sính lễ và các thứ như trâu, bò, lợn, gà, rượu, quần áo... Nếu nhà gái nghèo thì chỉ nộp một phần, phần còn lại hai vợ chồng cùng làm nộp dần sau. Lễ cưới tổ chức hai ngày liền. Ngày đầu, nhà gái đến "đón rể". Khi về bên nhà vợ, nếu có voi, chú rể được cưỡi voi, không có phải đi bộ. Lễ đón rể có ca múa nhạc tưng bừng. Đến nhà vợ bên họ nhà gái lấy ba chén rượu và ba chiếc vòng trao cho chú rể, cậu ruột chú rể và anh ruột chú rể. Nhà trai lại trao ba chén rượu và ba chiếc vòng lần lượt cho cô dâu, cậu ruột cô dâu và anh ruột cô dâu. Khi lễ trao vòng ngày cưới đã xong, hai ông cậu đưa rượu cho cô dâu chú rể. Hai vợ chồng trao chén rượu cho nhau và uống cạn. Có trường hợp, cô gái phải "ở dâu" vài ba tháng hay vài ba năm như tục "ở rể" của một số dân tộc phụ hệ. Chú rể Ê Đê đi đâu hay về nhà bố mẹ đẻ cũng e ấp, bịn rịn xin phép như nàng dâu ở nhà chồng của các dân tộc anh em khác.

Tổ chức lễ cưới ở họ nhà gái. Tất nhiên phải có lợn và rượu. Con lợn được mỗ để lấy máu thoa vào chân cô dâu, chú rể, rồi cúng tổ tiên cầu cho hai trẻ được sống hạnh phúc. Tiếp đó, ông "mối" xúc cho cô, cậu mỗi người hai miếng cơm và ba chén rượu. Tất cả mọi người có mặt đều ăn một miếng thịt và một miếng ruột lợn. Ông trưởng họ cầm chiếc vòng đồng, cô dâu, chú rể sờ tay vào chiếc vòng đó, "tiết mục" này kết thúc lễ cưới. 
Trường hợp chàng trai bội ước, không làm lễ cưới, thì anh ta phải trả cho cô gái một khoản phạt bằng hiện vật, và làm cho cô gái một lễ hiến sinh (một con lợn).

Sau lễ cưới ba hoặc năm ngày, hai vợ chồng về nhà bố mẹ chồng làm lễ lại mặt (Siê Knăm). Nhà trai mời rượu và đưa một số đồ gia dụng (nông cụ, đũa bát...) đặt bên ché rượu để chú rể mang về nhà vợ.  Sau lễ lại mặt, hai vợ chồng chính thức chung sống, đôi vòng đồng - được coi như kỷ vật, như những lời cam kết thủy chung, đồng thời lời chúc tụng hạnh phúc cho cô dâu chú rể và anh em hai họ. Chúng thường được lưu giữ suốt đời, khi chết chôn theo hoặc trao lại cho con cháu làm di vật quý.



KHÁM PHÁ CÁCH UỐNG RƯỢU CẦN CỦA NGƯỜI Ê ĐÊ


Với người đồng bào Ê-đê, rượu cần có vai trò quan trọng trong sinh hoạt hàng ngày. Ở đâu có lễ hội, cưới hỏi, mừng thọ, tang ma, khách khứa, bầu bạn… ở đó có rượu cần.

Theo các già làng người Ê-đê, từ xa xưa trong các Trường ca, Anh hùng ca (Sử thi) như: Đam San, Xinh Nhã… rượu cần đã từng được nhắc đến khi tổ chức hội hè để mừng chiến công. Người Ê-đê hiện vẫn còn lưu truyền 2 câu thơ: “Có rượu cần mới biết được việc/ Có thuốc lá mới hỏi được câu” để nói lên tầm quan trọng của rượu cần trong cuộc sống hằng ngày. Ông Ama H’Nguôn - trưởng buôn Ako Dhong (TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) - bộc bạch: “Buôn tôi hầu như nhà nào cũng có rượu cần, rượu cần mà ngon là chôn dưới đất cả năm trời, ít nhất cũng khoảng 2 đến 3 tháng thì mới dùng được! Rượu cần đối với người đồng bào Ê-đê chúng tôi quan trọng lắm! Không thể thiếu được!”.

Khám phá cách uống rượu cần của người Ê-đê

Người đồng bào Ê-đê tại buôn Ea Anur (xã Pơng Drang, huyện Krông Buk, tỉnh Đắk Lắk) khi sinh hoạt uống rượu cần.

Trong một năm người đồng bào Ê-đê có khá nhiều lễ hội: Lễ ăn cơm mới, lễ cúng bến nước, lễ bỏ mả, lễ thổi tai em bé, lễ mừng thọ… Nhằm chuẩn bị cho mùa lễ hội, từ trước đó rất lâu người Ê-đê đã làm rượu cần chưng cất trong nhà, chỉ chờ đến mùa lễ hội là mang ra sử dụng. Ở các buôn người đồng bào Ê-đê hầu như gia đình nào cũng có rượu cần. Ít nhất cũng vài ché, vài hũ, thậm chí nhiều gia đình có hàng chục ché, hàng chục hũ là chuyện bình thường.

Điều đặc biệt ở người đồng bào Ê-đê là họ chỉ dùng duy nhất một ống trúc thông ruột, chiều dài khoảng một mét để uống. Rượu cần được uống trong không gian của ngôi nhà dài, cột bên một cây cọc ở trong nhà nhô lên khỏi sàn nhà khoảng một mét, trên đầu cây được trang trí hoa văn. Khi uống rượu, gia chủ mở nắp bỏ lớp lá đậy trên miệng, đổ đầy nước, để chừng một giờ đồng hồ cho rượu ngấm. Nước đổ vào ché là thứ nước suối trong veo, ngọt sắc, cực kỳ mát lành được lấy từ dòng nước đầu nguồn của buôn làng. Sau khi đọc lời cầu khấnthần (Yàng) mong muốn thần sẽ mang đến sức khỏe, may mắn, tốt lành. Nữ gia chủ là người uống đầu tiên, sau đó đưa cần trao cho khách. Thường thường khách đỡ lấy cần rượu bằng hai tay, một tay cầm đầu cần, một tay cầm phần thân cần sát miệng ché, từ từ vuốt dọc lên rồi uống. Cần rượu cứ thế được chuyền từ tay người này đến người khác, cho đến khi tàn cuộc vui.

Trong khi uống rượu cần, một người dùng sừng trâu có đục lỗ (hoặc dùng cái ca) rót nước vào ché, còn phía bên kia là người uống. Có điều người đồng bào Ê-đê không bao giờ uống rượu cần một mình. Nếu gia đình nào quý khách thì gia chủ sắp xếp một người nữ rót nước, còn bình thường mọi người đã quen biết nhau từ trước thì không bắt buộc người nữ là người rót nước. Điều đặc biệt khi uống rượu cần người uống không được phép từ chối và phải mời mọi người xung quanh như là cách để thể hiện phép lịch sự. Có một số buôn làng người Ê-đê, trước khi uống rượu cần, người uống phải rót ra các ống tre nhỏ (hoặc ly) để sẵn giữa nhà để mời mọi người xung quanh. Bao nhiêu rượu được rót vào ống tre (hoặc ly) nghĩa là người đó có bao nhiêu con cái. Điều này cũng có nghĩa là thay cho lời giới thiệu về gia đình, con cái của người uống.

Theo già làng Ama Bích (buôn Tring, thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk), không gian uống rượu cần khi tiếp khách của người Ê-đê cũng tùy thuộc vào hoàn cảnh. Nếu là khách quý, khách là quan chức, có vai vế thì chủ nhà chọn nơi uống rượu là chỗ sang trọng nhất trong nhà, thường là chỗ rộng nhất trong ngôi nhà dài. Khi uống rượu cần không đơn giản chỉ có chủ nhà với người khách đến chơi, mà chủ nhà thường mời thêm hàng xóm, anh em, bà con láng giềng đến nhà cùng chung vui, uống rượu. Những người được mời đến bao giờ cũng mang theo nhiều ché rượu cần của gia đình mình để góp vui, chứ ít ai đi tay không…

“Rượu cần ngon là khi uống vào lưỡi có mùi cay, vị ngọt nồng nàn, nóng ấm râm ran! Có khi rượu cần ngon là uống vào trong miệng có vị lạt, một chút đắng….”, già làng Ama Bích tấm tắc nói.

Nói về cách uống rượu cần của người Ê-đê, ông Y Kô Niê - Phó phòng nghiệp vụ văn hóa - Sở Văn hóa - Thể Thao - Du lịch tỉnh Đắk Lắk, chia sẻ: “Sở dĩ người Ê-đê chỉ dùng một cần trúc khi uống là thể hiện sự thân mật, gần gũi. Điều đó cho thấy không hề có nghi vấn về bùa ngải, thuốc độc có trong rượu, tạo sự tin tưởng tuyệt đối cho mọi người khi uống rượu. Người Ê-đê rất kiêng cữ khi uống rượu cần mà thả cần giữa chừng, điều đó là mất lịch sự”.

Ông Y Kô Niê cho biết thêm, trong buôn làng người Ê-đê, rượu cần ở mỗi gia đình có một mùi vị đặc trưng riêng, có tác dụng khác nhau. Có gia đình rượu cần làm ra có vị chua, vị ngọt, vị đắng hoặc vị nhạt. Khi người đồng bào Ê-đê xếp từng ché rượu cần uống đại trà thì xếp theo từng vị của rượu theo thứ tự ngọt, chua, đắng, nhạt… các vị rượu này sẽ giải vị cho nhau, nên mọi người có thể vui chơi, uống rượu thâu đêm mà không say, sáng dậy không hề bị đau đầu.


LỄ KHÔN LỚN CỦA NGƯỜI Ê ĐÊ

Lễ bắt đầu bằng nghi thức rửa mặt của chàng trai ngoài bến nước của buôn làng. Từ sáng sớm, chàng trai được làm Lễ khôn lớn lặng lẽ đi ra bến nước trong bộ lễ phục truyền thống. Tới bến nước, anh ta cởi áo, cởi khăn, bắt đầu gội đầu, rửa mặt. Bà con buôn làng chứng kiến từng cử chỉ một cách trân trọng.

Tắm gội xong, chàng trai hứng đầy bầu nước trong mát về cúng Giàng (Trời).

Trong nhà, cỗ bàn đã sắp sẵn. Thủ heo bày ở giữa, một dải thịt dài cuốn vòng cây cột buộc ché rượu cần. Người được làm Lễ khôn lớn tay cầm kiếm sắc bước tới cầu thang lên nhà sàn. Hai bên cầu thang trồng hai cây chuối. Sau khi vung kiếm chém đứt cây chuối, tượng trưng cho hình ảnh hạ gục kẻ thù anh ta bước lên cầu thang, bà mẹ của anh ta đứng chờ ở sàn hỏi: “Chào con trai của mẹ, con từ đâu trở về? Có phải con đi đánh giặc ác phía Đông, chém hổ dữ phía Tây, trở về?”. Anh ta đáp lời: “Thưa mẹ, đúng vậy! Con đã cầm rìu vào rừng. Nay cây lớn đã đổ, cây nhỏ đã ngã. Con cầm kiếm đi trừ kẻ ác. Nay thằng giặc phía Đông đã bị giết, con hổ phía Tây đã được trừ. Con đã làm xong mọi việc buôn làng trao cho. Con đã xứng đáng làm một người đàn ông Ê Đê của buôn làng ta”.

Dứt lời, chàng trai bước vào nhà, kiếm dựng bên vách mặt trời mọc, rồi anh ta đến ngồi đối mặt với thầy cùng. Gian khách trên nhà sàn đã dựng sẵn 7 cây cột rượu theo hàng dọc, thầy cúng ngồi trước ché rượu cần đầu tiên, mặt hướng về phương mặt trời mọc. Giàn chiêng nổi lên náo nức, dồn dập báo hiệu cuộc lễ bắt đầu. Thầy cúng khấn:

- Ơ Giàng bên Đông! Ơ Giàng bên Tây! Ơ thần linh, thần tốt! Chàng trai này đã ở chòi, chòi yên. Đã ở nhà, nhà tốt. Anh ta đã biết đốt rẫy trồng lúa. Trồng chuối, chuối sai. Trồng mía, mía ngọt. Anh ta đã lớn khôn. Nay nhờ thần phù hộ, giúp cho anh ta có hơi thở mới. Có nguồn sức lực mới. Có bắp thịt bền như gang, dẻo như đồng, cứng như sắt. Nhờ thần linh giúp anh ta luôn khoẻ mạnh, bình yên.

- Thay mặt thần linh, thầy cúng trao cho anh chiếc khiên và thanh kiếm. Các cô gái ra sức té nước vào người anh, thay cho những lời chúc phút tốt đẹp nhất.

Nửa đêm, đuốc rực rỡ gian nhà. Cuộc lễ sang phần hai. Anh ngồi trước thầy cúng. Trang phục của anh như sẵn sàng cuộc đi xa. Thầy cúng khấn cầu phúc cho anh gặp nhiều may mắn. Các cô gái đem bầu nước hứng từ bến nước đổ đầy tất cả các ché rượu cần. Lúc ấy, già làng bắt đầu kể khan-trường ca của dân tộc Ê Đê.

Khi mặt trời mọc buổi lễ mới kết thúc.




Trang phục truyền thống của người Việt
Trang phục truyền thống của người Chăm
Trang phục truyền thống của người Mường
Trang phục đặc trưng của Miền Bắc
Trang phục dạ hội của hoa hậu Việt Nam
Văn hóa truyền thống của Nhật Bản -


(ST)
Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý