Món ăn truyền thống của người Tày

Hoaibui2395 Hoaibui2395 @Hoaibui2395

Món ăn truyền thống của người Tày

19/04/2015 09:21 AM
1,245

Món ăn truyền thống của người Tày. Cùng tham khảo đặc sản của người Tày trên mọi miền đất nước nhé



 

Bánh gio

 Mùa xuân, Tây Nguyên nắng đỏ. Nắng thắp bừng lên ngọn lửa trên những thân gạo trơ trụi đầu làng. Miếng bánh thơm lừng, mát rượi dần thấm trên đầu lưỡi, nơi cuống họng… Và rồi, Tết ngồn ngột miền biên cương nắng gió bị xua tan bởi hương vị thanh nồng, thơm ngái của món bánh có tên gọi dân dã: Bánh gio.


Món bánh gio là đặc sản của người Tày, tiếng Tày là “Pẻng Tầu”. Người Tày có câu: “Khỏe mạnh cả năm mới được ăn bánh gio”. Ý nói, bánh gio chỉ được ăn vào dịp Tết. Con người không khỏe mạnh và tồn tại được đến ngày Tết thì chẳng thể được ăn món đặc sản dân tộc này.
 

Nước gio thu được sau khi lọc. Gạo nếp sẽ được ngâm trong thứ nước đặc biệt này khoảng một đêm trước khi dùng để gói bánh. Ảnh Lê Hòa

Nước gio thu được sau khi lọc. Gạo nếp sẽ được ngâm trong thứ nước đặc biệt này khoảng một đêm trước khi dùng để gói bánh. Ảnh: Lê Hòa

Theo phong tục truyền thống của người Tày, Tết dù nhà có nghèo đói, thiếu thốn đến đâu cũng phải có được món bánh gio. Bánh gio nhất thiết phải có mặt trên mâm cúng ngày Tết, giống như bánh chưng của người Việt.
 

Khi gói bánh, phải dàn đều gạo để có hình khối đẹp mắt. Ảnh: Lê Hòa

Khi gói bánh, phải dàn đều gạo để có hình khối đẹp mắt. Ảnh: Lê Hòa

Dù xa xứ lên Tây Nguyên lập nghiệp hàng chục năm nay, bà Trần Thị Vân (thôn Bắc Thái-xã Ia Lâu-Chư Prông) vẫn giữ nguyên nếp cũ của dân tộc mình, làm món bánh gio cúng ông bà tổ tiên và cho gia đình, con cháu thưởng thức mỗi khi Tết đến. Bà kể, sở dĩ có tên gọi là bánh gio bởi bánh không thể thiếu gio (tro). Gio dùng để làm bánh là một loại gio đặc biệt, được đốt từ thân cây tầm gửi, cây sấu, cây lai… Gio sau khi đốt đem bỏ vào một chiếc xô, lèn chặt và đổ nước lên trên. Nước thấm qua lớp gio, rỉ xuống tạo thành một thứ nước có màu nâu vàng như mật ong loãng. Gạo nếp sau khi tuyển chọn kỹ sẽ được bỏ vào ngâm trong nước gio này. Bánh ngon nhất là làm từ gạo nếp cái hoa vàng xứ Bắc.
 

Bánh sau khi gói được bó chặt thành từng bó, tựa như bánh tét miền Nam. Ảnh Lê Hòa

Bánh sau khi gói được bó chặt thành từng bó, tựa như bánh tét miền Nam. Ảnh: Lê Hòa

Sau một đêm, gạo được đổ ra hong cho ráo nước. Bánh được gói bằng lá dong, tạo thành thỏi dài khoảng 20cm, to bằng hai ngón tay. Khi gói bánh, tay phải nén chặt và tản gạo thật đều để sau khi ra lò, bánh dền và có hình khối đẹp. Chất lượng bánh cũng phụ thuộc rất nhiều vào đôi bàn tay khéo léo của người gói.
 

Món bánh gio nhìn thật hấp dẫn và ngon mắt. Ảnh: Lê Hòa

Món bánh gio nhìn thật hấp dẫn và ngon. Ảnh: Lê Hòa

Gio cùng với lá dong, gạo nếp sẽ làm nên hương vị và màu sắc đặc trưng cho chiếc bánh. Bánh gio chỉ cần bỏ vào nồi nước đun chừng 6 tiếng là vớt ra, treo trên giá cho ráo. Bánh khi nấu chín có màu vàng tựa như mật, những hạt gạo nếp quện quánh vào nhau, trong suốt tựa như hổ phách. Bánh gio dùng ăn nguội, chấm với mật mía.

Để làm món bánh gio không khó nhưng đòi hỏi sự khéo léo trong cách “điều chế” nước gio. Nước gio đặc quá, bánh sẽ mặn, mất ngon. Còn nếu nước quá loãng, bánh sẽ không có được hương vị, độ ngon mát cũng như màu sắc cần thiết. Bánh gio có thể tích trữ cả tuần không hư hỏng. Khi ăn, bánh có vị thanh mát, có chút nồng nồng, ngai ngái của nếp, gio, lá dong quyện lẫn vào nhau.
 

Bánh gio là món ăn truyền thống không thể thiếu trong Tết của người Tày. Ảnh: Lê Hòa

Bánh gio là món ăn truyền thống không thể thiếu trong Tết của người Tày. Ảnh: Lê Hòa

Thật thú vị khi ở Tây Nguyên, chúng ta lại được thưởng thức một món ăn truyền thống ngày Tết đặc sắc của người Tày ở vùng cao phía Bắc Tổ quốc.

Nem măng đắng: Đặc sản của đồng bào dân tộc Tày, Lào Cai 

Về Bảo Yên, bạn sẽ được thưởng thức một món đặc sản của đồng bào dân tộc Tày địa phương. Một món ăn có hương vị đặc trưng sẽ làm bạn nhớ mãi không quên. Đó là món nem măng đắng.

Đồng bào Tày quan niệm: Nếu xôi nhà ai pha chế màu chuẩn, đẹp thì được xem là người khéo tay, làm ăn phát đạt.

Món ăn này được chế biến theo bí quyết cổ truyền. Đồng bào lấy những chiếc măng vầu đắng, luộc chín rồi lột lấy những tấm lá bánh tẻ, mềm và dai như những tấm lụa mỏng. Nguyên liệu này dùng như chiếc bánh đa nem thông thường trong món nem rán phổ thông.

Phần nhân của món nem măng đắng được làm từ thịt gà băm nhỏ. Gà phải là gà tơ, trọng lượng mỗi con không quá 0,6 - 0,7 kg. Thịt và xương được băm nhỏ cùng với củ kiệu, lá hẹ và các gia vị: hạt tiêu, nước mắm. Phần nhân được gói trong lá măng đắng và rán vàng. Món ăn được trình bày ra đĩa nhỏ, trông rất đẹp mắt. Khi ăn, thực khách sẽ cảm nhận vị đăng đắng của măng, vị ngọt của thịt gà tơ. Độ dẻo của vỏ nem cộng với cảm giác sậm sựt của nhân nem trong miệng sẽ làm cho thực khách thấy thú vị.

Món nem măng đắng từ lâu chỉ được chế biến phục vụ những bữa cỗ truyền thống trong làng bản. Ngày nay, trong lộ trình phát huy bản sắc văn hóa dân tộc gắn với kinh tế du lịch, món ẩm thực này đã xuất hiện trong các nhà hàng, góp phần quảng bá, giới thiệu với du khách một ấn tượng về du lịch văn hóa bản làng khi dừng chân ở Phố Ràng - cửa ngõ Lào Cai.
 

Độc đáo xôi ngũ sắc dân tộc Tày
 

Miền Tây Bắc với núi non trùng điệp, những điểm du lịch tuyệt vời và bản sắc văn hóa độc đáo của những dân tộc thiểu số sống ở nơi đây luôn thu hút một lượng lớn du khách tới đây hàng năm.

Là một dân tộc thiểu số, dân tộc Tày sinh sống chủ yếu ở vùng Việt Bắc, một số miền trung du và thượng du Bắc Bộ  của nước ta. Xôi ngũ sắc là món ăn truyền thống của dân tộc vào các dịp lễ Tết, ngày mùng 5 tháng 5, khi nhà có khách quý…

Gọi là xôi ngũ sắc vì khác với các loại xôi thông thường, xôi ngũ sắc được tạo nên bởi năm loại xôi với năm màu khác nhau. Đó là màu đỏ, màu vàng, màu xanh, màu tím và màu trắng. Tuy nhiên, tùy điều kiện từng vùng, họ có thể pha trộn hoặc dùng các màu khác nhau ngoài những màu cơ bản trên để tạo nên xôi ngũ sắc. Năm màu xôi tượng trưng cho ngũ hành với màu vàng là màu của thổ, xanh là màu của mộc, đỏ là màu của hỏa, trắng là màu của kim, đen là màu của thủy.

Nguyên liệu làm xôi ngũ sắc gồm: gạo nếp thơm dẻo, hạt đều không lẫn tẻ, trộn với các loại lá cây rừng để nhuộm màu. Màu đỏ dùng quả gấc, lá cơm đỏ. Màu xanh dùng lá gừng, lá cơm xôi xanh, hoặc vỏ bưởi, vỏ măng đắng, đốt lấy tro ngâm với nước có pha chút vôi. Màu vàng dùng củ nghệ già giã lấy nước. Màu tím dùng lá cơm đen, hoặc lá cây sau sau…

Trước khi nhuộm màu xôi, gạo nếp vo sạch đem ngâm trong nước lã từ 6 - 8 giờ để hạt gạo có độ nở vừa phải. Chia gạo ra thành 5 phần, mỗi phần tương ứng với một màu.

Sau khi nhuộm màu, đến công đoạn cuối cùng là đồ xôi. Khâu này đòi hỏi phải thật khéo léo mới có được món xôi như ý. Gạo ngâm màu nào dễ phai nhất được cho vào chõ đầu tiên, kế đến là các màu còn lại, màu trắng trên cùng. Phải đồ mỗi màu một chõ riêng. Có nơi bày thành bông hoa 5 cánh, mỗi cánh một màu, có nơi bày theo hình ruộng bậc thang, mỗi bậc một màu, có nơi dùng khuôn gỗ đóng thành tháp, nhiều tầng…


Món ăn truyền thống của Malaysia -
Món ăn truyền thống của Hàn Quốc
Món ăn truyền thống của Hà Lan
Món ăn truyền thống của Italia -
Món ăn truyền thống của Indonesia
Món ăn truyền thống của Huế -
Món ăn truyền thống của Hải Phòng




(st)

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý