Cùng tham khảo những hướng dẫn học đàn Guitar Carulli nhé các bạn. Carulli và những nguyên tắc căn bản đầu tiên !
Carulli và những nguyên tắc căn bản đầu tiên !
Các bài tập Carulli có ghi ngón
Có rất nhiều bạn mới học guitar cổ điển, muốn tự tập Carulli, nhưng không biết bấm ngón (cho bàn tay trái), hoặc móc ngón (cho bàn tay phải) ra sao cho đúng và phát triển tốt kỹ thuật các ngón tay.
Theo các hướng dẫn ở đầu sách, bạn đã biết cách cầm đàn, đặt tay trái và tay phải sao cho đúng, nên không cần phải nhắc lại. Ở đây, tôi chỉ muốn nhắc lại những nguyên tắc căn bản nhất cần nhớ khi thực hành bấm và gẩy nốt.
Một số nguyên tắc về bấm ngón (tay trái)
Ở vị trí đầu cần đàn, nguyên tắc chung cho 6 dây là: ngăn 1 bấm ngón 1, ngăn 2 bấm ngón 2, ngăn 3 bấm ngón 3, ngăn 4 bấm ngón 4. Chỉ trừ khi có ngoại lệ như sau:
·Khi ta bấm hợp âm cùng lúc, trong đó có hai, ba nốt nằm trên nhiều dây khác nhau nhưng cùng một ngăn, thì nguyên tắc trên bị phá vỡ và các ngón được sắp xếp lại cho thuận tiện thế bấm (hoặc có khi vì mục đích tập giãn ngón khi bấm hợp âm). Ví dụ: ngón 3 bấm dây 6, ngăn 3 (nốt Sòl), đồng thời ngón 4 bấm dây 1, ngăn 3 (nốt Sól).
·Khi cần chuẩn bị ngón cho nốt tiếp theo, thì nốt trước phải đổi trái nguyên tắc trên. Ví dụ, bài 3 Carulli, trường canh số 3, bắt đầu phách 2, hợp âm (Sol Re) có nốt Re ở ngăn 3, tiếp theo nốt Sol móc đơn cũng ở ngăn 3. Như vậy không thể ghi/bấm hai nốt này cùng ngón 3 được, vì như vậy âm thanh sẽ bị gián đoạn khi phải nhấc tay lên để bấm nốt thứ hai sau khi đàn nốt thứ nhất. Vì vậy ta sửa ngón 3 thành ngón 4 cho nốt Sól móc đơn.
·Nguyên tắc "rào trước, đón sau" từ nốt của thế bấm này qua nốt của thế bấm tiếp theo trên cùng 1 dây. Ví dụ trượt ngón 2 đang bấm nốt Si trong hợp âm G (1/2 barré ngăn 3) sang nốt La trong hợp âm D7 (ngăn 1).
·...
Một số nguyên tắc về móc ngón (tay phải)
Bàn tay phải phức tạp hơn, tuy nhiên cũng có một số nguyên tắc. Thường nốt trầm (bass) được ký âm có đuôi quay xuống thì đàn bằng ngón p, các ngón i, m, a đàn các nốt bè cao có đuôi quay lên trên. Ở vị trí tĩnh, ngón p đàn 3 dây 6, 5, 4, ngón i dây 3, ngón m dây 2, ngón a dây 1, Khi đàn arpeggios (hợp âm rải) trong các bài tập đầu sách, nguyên tắc nốt ở dây nào thì móc dây nấy. Trừ trường hợp đó, còn lại là phá cách. Phá cách tức là các ngón p, i, m, a có thể đàn mọi dây, nguyên tắc của phá cách có thể được kể như sau:
·Nguyên tắc đầu tiên, tràng nốt đơn đi liền nhau không được dùng 1 ngón để gẩy, thường được gọi là "lò cò". Ví dụ bài số 2, trường canh 7, có tràng nốt Re, Si, Do, La, ta không được đàn "lò cò" 3 nốt Re, Si, Do trên cùng dây 2 bằng chỉ 1 ngón (ví dụ ngón m). Lúc đó tràng 4 nốt này phải được ghi/gẩy là i, m, i, m.
·Nguyên tắc trên không áp dụng cho các hợp âm chập đi liền nhau và dĩ nhiên cho ngón cái (ngón duy nhất được "lò cò").
·Việc ghi ngón sao cho hợp lý, theo nguyên tắc "rào trước, đón sau" từ trường canh này qua trường canh tiếp theo, hoặc theo nguyên tắc làm nổi bè nào đó của hòa âm.
·Có những trường hợp ngón ghi là thuận (i ---> m, hoặc m ---> a, hoặc i ---> a khi đàn từ dây thấp lên dây cao (chiều từ dây 6 lên dây 1)), có khi là nghịch (ngược lại, ví dụ i ---> m, hoặc m ---> a, hoặc i ---> a khi đàn từ dây cao xuống dây thấp). Nguyên tắc ưu tiên là phải thuận ngón. Ngón móc nghịch thường gọi là tréo ngón, do khi gẩy dễ bị lộn hoặc hụt dây, nhưng có những trường hợp buộc phải nghịch ngón (bài 3, trường canh số 5 từ dưới đếm lên, nốt Mi ngón m). Hoặc nghịch ngón cần thiết để phục vụ kỹ thuật tréo dây (string crossing) khi chạy âm giai hoặc picado (trong Flamenco).
...
Để kết, việc ghi ngón nhằm phục vụ chơi đàn được dễ dàng và phát triển tốt các ngón tay của 2 bàn tay. Cho nên có thể với một bài đàn, ta có nhiều cách ghi ngón khác nhau. Do đó, nó chỉ mang tính tương đối. Các bạn đàn quen, có thể chẳng cần phải ghi ngón nữa, chỉ cần không vi phạm những nguyên tắc cơ bản ở trên là được.
1 video của bác Quang cũng chia sẽ về vấn đề này :D...
Chúc các bạn thành công!
Bài 1
Bài này là bài đầu tiên nên các bạn cần lưu ý những điểm sau đây:
·Bài viết theo điệu Vals (tiếng Tây Ban Nha), hoặc Valse (tiếng Pháp), hoặc Waltz (tiếng Anh), hoặc Luân Vũ (tiếng Việt).
·Mỗi dòng là 1 câu, bạn đàn 2 lần, vì có ký hiệu lặp lại (vạch đôi + 2 chấm)
·Khi đàn xong trường canh cuối cùng của câu 3, có chữ D.C. (Da Capo) và ký hiệu Segno (Chữ S gạch chéo + 2 chấm), bạn quay lại đầu bài; đàn tiếp đến hết câu 2, có chữ FIN (tiếng Pháp) hoặc FINE (tiếng Ý) là kết thúc.
·Nên đàn theo metronome, 1 phách là 1 dấu móc đơn. Như vậy mỗi trường canh có 3 phách.
·Cuối câu có dấu lặng móc cho mỗi bè, bạn dùng ngón cái và ngón vừa gẩy (i hoặc m) tỳ lên nốt mới gẩy để chặn tiếng.
Chúc các bạn luyện tập thành công bài này !
Tham khảo thêm:
Tự học guitar, hướng dẫn học guitar cho người mới bắt đầu
Tuy vậy, lời khuyên tốt nhất cho các bạn vẫn là " bái sư học nghệ "
Buổi 1
Đầu tiên các bạn đã được làm quen với cây đàn guitar , được học tư thế và cách cầm đàn
- dây đàn được đánh số thứ tự từ 1 đến 6 từ dưới lên
- Trên bàn tay phải, ngón cái = p , ngón trỏ = i , ngón giữa = m , ngón áp úp = a
- Ngón p dùng để gẩy 3 dây bass 4, 5 ,6 , ngón i dây 3 , ngón m dây 2 và a dây 1
Tiếp đến là 2 bài tập " Rải dây " và " Bấm nốt "
- Rải dây : thả lỏng tay phải , dùng lực ngón tay rải lần lượt từ dây 6 xuống dây 1 và ngược lại , lưu y chỉ dùng lực ngón tay , phần từ cổ tay trở lên cánh tay cố định
- Bấm nốt : dùng lần lượt ngón 1 , 2 ,3 ,4 bấm vào các ngăn 1 2 3 4 của các dây lần lượt từ 1 đến 6
Cuối cùng là làm quen với 4 hợp âm chính trên cây đàn guitar
- Trên bàn tay trái, dùng các ngón 1 ( ngón trỏ ) , ngón 2 ( ngón giữa ) , ngón 3 ( ngón áp út ) , ngón 4 ( ngón út ) bấm vào các dây trên cần đàn theo hình sau
- bài tập bấm hợp âm ( gam ) đạt yêu cầu khi dùng ngón p rải lần lượt cả 6 dây mà không có dây nào bị rung hoặc tịt nốt
* thứ tự dây đàn từ trên xuống dưới là 1 2 3 4 5 6
Đô trưởng ( C )
La thứ ( Am )
Rê thứ ( Dm )
Sol trưởng ( G ) (chú ý số 2 ở trên nghĩa là ngăn 2 của cần đàn )
Để việc học tập có hiệu quả các bạn nên dành thời gian hàng ngày để tập các bài tập trên thật nhuần nhuyễn
Clb guitar chúc các bạn vui vẻ với những nốt nhạc của mình
Buổi 2 :
* lưu ý : phải tập thật kỹ bài tập của buổi 1 trước khi chuyển sang buổi 2, cách nhau khoảng 3 ngày tập chăm chỉ
1 - tập bấm thêm các hợp âm
* thứ tự dây đàn từ trên xuống dưới là 1 2 3 4 5 6
Fa trưởng - F ( ngón 1 của tay trái chặn hết ngăn 1 trên cần đàn )
Mi thứ - Em ( chú ý số 2 ở trên nghĩa là ngăn 2 của cần đàn )
Rê Trưởng - D
La trưởng - A
2 - tập điệu PianoBallad3 với cách gảy như sau
( p - i - m - i - a - i -m - i ) x n lần
Kết hợp tay trái chuyển qua lại giữa 4 hợp âm ( C - Am - Dm - G ) x n lần
Nếu muốn nghe đàn mẫu các bạn theo --> link này <--để download file mp3 điệu pianoballad3 , bài tập cũng đạt yêu cầu nếu chơi được như vậy
Clb guitar chúc các bạn vui vẻ với những nốt nhạc của mình
Buổi 3
Nội dung buổi hôm nay gồm 3 phần
1 - tiếp tục tập bấm thêm những hợp âm
Si 7 ( B7)
Rê 7 ( D7 )
Mi trưởng - E
2 - Học thêm hai giai điệu mới
* Slowrock1 với cách gẩy
( p - i - m - a - m - i )x n lần
* PianoBallad1 với cách gẩy
( p - i - m/a - i )x n lần < dùng 2 ngón m và a gẩy cả hai dây 1 và 2 cùng một lúc >
Tay trái cả hai điệu đều chuyển theo thứ tự
( C - Am - Dm - G )x n lần
download file mp3 điệu Slowrock và điệu Pianoballad1
3 - làm quen với khóa Sol và các nốt nhạc
yêu cầu học thuộc hết chỗ này ^^!
Clb guitar chúc các bạn vui vẻ với những giai điệu đầu tiên của mình
Các phương pháp học chơi đàn guitar cơ bản
Có lẽ bạn mới bắt đầu làm quen với cây đàn guitar – bạn bị âm thanh của nó quyến rũ, và học chơi đàn guitar có vẻ dễ dàng. Thế nhưng khi bạn thử bấm một vài hợp âm hay chơi một giai điệu đơn giản nào đó, bạn mới khám phá ra rằng chơi đàn guitar không dễ như bạn tưởng. Bạn bắt đầu nhận ra rằng bạn cần thêm thông tin, và bạn sẵn sàng bắt đầu quá trình học chơi cây đàn này.
Cũng có thể bạn đã biết chơi guitar. Bạn tự học hay học với một giáo viên vào một lúc nào đó, và thậm chí bạn đã xây dựng được một vốn liếng tiết mục biểu diễn khiêm tốn. Nhưng bạn không hài lòng với khả năng chơi đàn của mình. Khả năng trình tấu của bạn rất thất thường, và nó có vẻ chẳng tiến bộ chút nào bất chấp bạn tập luyện đến cỡ nào! Bạn cần một phương pháp chơi đàn tốt hơn, và bạn khao khát tìm ra nó.
Dù cho khả năng chơi đàn của bạn ở cấp độ nào, có ba quan niệm căn bản về học tập mà bạn cần biết. Có một số việc có ích cho việc học chơi đàn của bạn. Lại có một số việc khác lại có hại đến mức bạn càng cố gắng tập luyện bao nhiêu, khả năng chơi đàn của bạn lại càng tệ bấy nhiêu. Vì vậy, để học chơi đàn guitar một cách hiệu quả, bạn cần phải biết cái gì nên tập nhiều và cái gì cần phải tránh xa.
MỤC ĐÍCH CỦA BẠN: CHIA SẺ ÂM NHẠC VỚI MỌI NGƯỜI
Có lẽ là, có bao nhiêu người chơi đàn guitar, thì có bấy nhiêu lý do tại sao lại học chơi loại đàn này. Có thể là bạn thích loại âm nhạc của nó, hoặc là bạn bị hấp dẫn bởi sự thách đố trong việc tập chơi thứ nhạc cụ tuyệt vời này. Cũng có thể sự tao nhã, tinh tế của guitar cổ điển quyến rũ bạn. Cho dù lý do ban đầu khiến bạn học chơi guitar là gì, có một mục tiêu duy nhất bao quát tất cả các lĩnh vực của việc học chơi guitar. Mục tiêu đó được trình bầy một cách hùng hồn qua lời trích dẫn dưới đây mà tôi đã đọc được từ nhiều năm trước:
“Tình trạng của chúng ta trên quả đất này thật là lạ lùng. Mỗi người trong chúng ta đến nơi đây trong một chuyến viếng thăm ngắn ngủi, không biết tại sao, nhưng đôi khi có vẻ như để hoàn tất một mục tiêu nào đó. Tuy nhiên, từ góc độ cuộc sống bình thường, có một điều mà chúng ta biết chắc, đó là chúng ta ở nơi đây vì những người khác – không những vì những người mà nỗi vui sướng và niềm hạnh phúc của chúng ta phụ thuộc vào họ, mà còn vì cả những người mà số phận đã ràng buộc chúng ta với họ bằng một mối đồng cảm. Ngày nào tôi cũng nhiều lần nhận ra rằng, cuộc sống bên ngoài cũng như cuộc sống nội tâm của tôi, được xây dựng trên sự nỗ lực của những người chung quanh tôi, và tôi tha thiết nỗ lực để đáp trả lại những gì mà tôi đã nhận được”. Albert Einstein
“Vì những người khác”. Những từ trên đã làm bùng cháy trong lòng tôi một ngọn lửa mà đến nay vẫn chưa tàn. Chúng là nguồn động viên cho tôi trong những lúc khó khăn, và đóng một vai trò quan trọng trong cuộc sống may mắn của tôi. Thế nhưng chúng còn đề nghị một điều khác nữa: Chúng cho ta mục đích và động lực trong việc chơi guitar.
Âm nhạc là để chia xẻ. Đó là lý do tại sao bạn học chơi guitar. Chơi nhạc là một cách đặc biệt thích thú để làm thỏa ý nguyện tự nhiên của bạn là san xẻ với người khác.
Tất nhiên, bạn cũng muốn chơi nhạc cho chính mình. Nhưng bạn hãy xem xét thử việc này: Hãy tưởng tượng rằng bạn được giao cho một cây đàn guitar tốt nhất, một thư viện âm nhạc đầy đủ nhất, và bạn tha hồ muốn chơi đàn đến lúc nào cũng được. Tuy nhiên,. có một điều kiện: bàn phải luôn luôn chơi đàn một mình trong một căn phòng cách âm hoàn toàn. Nếu chẳng có ai nghe bạn, bạn sẽ tiếp tục chơi đàn guitar trong bao lâu?
Đơn giản là chúng ta không chỉ chơi đàn cho riêng chúng ta mà thôi. Luôn luôn có một đội ngũ thính giả tưởng tượng lẩn khuất đâu đó khi ta tập đàn hay chơi đàn. Do đó, vì biết rằng trình tấu (cho người khác nghe) là mục tiêu của mình, bạn phải cẩn thận không để mắc phải bất cứ tập quán nào trong tư tưởng hay động tác mà bạn không muốn có trong lúc bạn trình tấu.
NHỮNG ĐIỀU CẦN THIẾT CHO VIỆC TRÌNH TẤU
- Nhuần nhuyễn (security): Điều này bao gồm hai mục tiêu trong việc học tập về âm nhạc và kỹ thuật:
1. Chính xác (accuracy): chơi không sót mà cũng không lầm nốt nhạc nào; điều này bao gồm cả việc xếp ngón, âm thanh, và sự diễn cảm.
2. Liên tục (continuity): chơi một bản nhạc từ đầu đến cuối không vấp váp.
- Tự tin (confidence): Điều này liên quan đến tình cảm và trình độ của bạn. Do có kinh nghiệm, bạn tin rằng bạn có thể trình diễn cho người khác thưởng thức một cách thoải mái.
Bất cứ sự không nhuần nhuyễn hay kém tự tin nào cũng sẽ làm giảm bớt, thậm chí làm tiêu tan kỹ thuật và tài năng âm nhạc của bạn.
TRÁNH NHỮNG THÓI QUEN LẦM LẪN HAY SAI SÓT KHI TẬP GUITAR
Bạn sẽ chơi guitar dựa trên những thói quen và kỹ thuật mà bạn thủ đắc được trong việc học tập và rèn luyện hàng ngày. Khả năng trình tấu nhuần nhuyễn và tự tin của bạn chịu rất nhiều ảnh hưởng từ những thói quen này. Điều chắc chắn là, song song với những thói quen về hiểu biết, tập trung và chính xác, bạn cũng mắc cả những thói quen về lầm lẫn và sai sót.
Cho dù chúng ta có khả năng tự nhiên để học những thao tác cơ bản như đi hay ném một vật gì đó, chúng ta lại không có năng khiếu tự nhiên này trong việc chơi guitar – sự phối hợp cần thiết trong việc chơi đàn vượt xa những kinh nghiệm bình thường. Vì vậy, một số lầm lẫn và sai sót sẽ xẩy ra trong những giai đoạn đầu trong việc học tập của bạn. Nhưng ngay từ đầu, bạn phải học cách giảm đến mức thấp nhất những lầm lẫn và sai sót đó – không bao giờ cho phép chúng tồn tại quá những giai đoạn ban đầu.
Hãy luôn luôn nhớ rằng, trong từng giây phút tập luyện, bạn sẽ đạt được những thói quen, và những thói quen này sẽ xác định bạn chơi đàn giỏi đến mức nào. Nếu bạn luôn luôn lầm lẫn hay sai sót trong lúc tập luyện, những lầm lẫn và sai sót này sẽ trở thành một phần không thể tránh được trong khả năng chơi đàn của bạn.
Để hiểu rõ vì sao nhầm lẫn và sai sót có thể ảnh hưởng đến khả năng chơi đàn của bạn, hãy tìm hiểu điều gì xẩy ra khi bạn bắt đầu tập một động tác mới. Đầu tiên, bạn có khuynh hướng bị nhầm lẫn. Điều này không thể tránh được và thực ra cũng không có gì nguy hiểm. Thế nhưng nếu bạn cứ để mặc cho sự nhầm lẫn này tồn tại một cách dai dẳng, hãy nghĩ xem điều gì sẽ tiếp tục xẩy ra: bạn mắc nhiều sai sót, và bạn cố lấp liếm chúng bằng cách lập đi lập lại những động tác nhầm lẫn này.
Trong lúc đó, điều gì xẩy ra cho các cơ của bạn? Các cơ của bạn không biết đánh giá – chúng không biết từ chối các động tác sai lầm được lập đi lập lại và chỉ tập trung vào các động tác chính xác. Nếu bạn cứ lập đi lập lại những động tác sai lầm, các cơ của bạn sẽ làm quen với các động tác này. Nếu bạn lập đi lập lại các động tác chính xác, các cơ của bạn cũng sẽ quen với những động tác này.
Để làm quen với một động tác nào, các cơ cần lập đi lập lại động tác này – đó là tất cả những gì chúng có thể làm được. Vì vậy, bạn cần phải luyện tập theo một cách nào đó giảm thiểu đến mức thấp nhất các động tác sai lầm, và tăng đến mức tối đa những động tác chính xác.
ĐỘNG TÁC ĐƯỢC ĐỊNH HƯỚNG TRƯỚC
Thật rõ ràng là nhầm lẫn và sai sót sẽ có ảnh hưởng tai hại đến quá trình phát triển của bạn để trở thành một nghệ sĩ guitar. Chúng cũng là những nguyên nhân quan trọng nhất của việc hồi hộp khi trình diễn. Qua một quá trình đào tạo sai lầm, nhiều nghệ sĩ guitar có tài đã nhiễm phải nhiều sai sót trong khả năng chơi đàn của họ. Hậu quả là họ không bao giờ biết trình tấu một cách nhuần nhuyễn và tự tin là như thế nào.
Động tác được định hướng trước (Aim-Directed Movement – ADM) là một phương pháp hiệu nghiệm để tránh nhầm lẫn và sai sót. Cốt lõi của phương pháp này là: biết rõ chuyển động như thế nào, đến nơi đâu trước khi thực hiện động tác – hình dung trước trong óc các động tác mà bạn sẽ làm trước khi bạn tiến hành thực hiện chúng.
Bạn sẽ áp dụng ADM khi học những mẫu động tác (movement forms) mới. Một mẫu động tác là một phương cách hay kiểu mẫu để thực hiện hoàn chỉnh một động tác nào đó. Thí dụ, khi gẩy một dây đàn với một ngón của bàn tay phải, ta đưa ngón tay đó lại gần dây đàn cần gẩy, gẩy dây đàn đó, các động tác đó hình thành một động tác mẫu. Thêm nữa, một chùm nốt được chơi nhanh và liên tục bằng bất cứ tay nào sẽ được xem như một động tác mẫu. Khi trình tấu, thực ra các nhạc sĩ guitar thực hiện một loạt những mẫu động tác kế tiếp nhau. Vì vậy, càng quen thuộc với việc thực hiện nhiều động tác mẫu bao nhiêu, bạn càng chơi nhạc dễ dàng bấy nhiêu.
Trong việc học một mẫu động tác, bạn cần để ý rằng ADM bao gồm hai giai đoạn:
- Chuẩn bị: Bạn hiểu và hình dung càng rõ ràng càng tốt một động tác mẫu trước khi thực hiện nó trên cây đàn của bạn. Quá trình chuẩn bị này giúp cho bạn có một định hướng rõ ràng trong việc thực hiện động tác.
- Thực hiện: Bạn thực hiện động tác mẫu này trên đàn càng chính xác càng hay, hình dung sự chuyển động của các ngón tay bạn trong óc trước khi bạn thực sự thực hiện động tác đó. Mục tiêu của bạn là lập đi lập lại một cách chính xác động tác mẫu đó cho đến khi nó trở thành một thói quen ổn định.
Thực hành ADM, bạn tránh được những thói quen xấu mắc phải do cách học vẹt. Trong cách học này, học sinh khởi đầu từ những động tác không chính xác và cố gắng tìm cách của mình để động tác của mình ngày càng trở nên chính xác hơn. Tuy nhiên, vì các cơ tay của họ không thể phân biệt được động tác chính xác với động tác không chính xác, các học sinh này thường xuyên phải cố gắng thay thế những thói quen xấu mắc phải do những động tác sai lập đi lập lại trước đó. Với ADM, bạn khởi đầu ngay từ những động tác chính xác, vì vậy bạn không mất thời gian cố gắng loại bỏ những thói quen xấu. Vì lý do đó, ADM là phương pháp tạo ra những thói quen tốt một cách nhanh chóng và hiệu quả.
PHÁT TRIỂN SỰ TẬP TRUNG CAO ĐỘ
Trong mọi lĩnh vực của việc học chơi guitar, khả năng áp dụng thông tin thực tế và hiệu quả tùy thuộc vào khả năng tập trung của bạn. Hai bàn tay của bạn chỉ biết tuân theo lệnh do trí óc bạn phát ra – Bạn nghĩ gì, nó làm cái đó. Chính vì thế, khi tập luyện, bạn cần phải hết sức tập trung vào công việc.
Dưới đây là những kẻ thù của khả năng tập trung:
- Nhầm lẫn.
- Hồi hộp.
- Buồn chán.
- Không thoải mái.
Bạn cần phải tập luyện sao cho bạn có thể thực hiện thành thạo một kỹ thuật nào đó trong một khoảng thời gian hợp lý. Nếu kỹ thuật đó khó quá, bạn phải tập đi, tập lại trong một thời gian dài, việc đó sẽ làm cho bạn mệt mỏi và buồn chán. Mặt khác, nếu bạn không có một mục tiêu rõ rệt, khả năng tập trung của bạn có thể giảm sút. Đừng bắt đầu tập luyện cho đến khi bạn đã nắm vững mục tiêu mà bạn muốn đạt tới.
Cần phải đề phòng những lúc bạn lơ đễnh. Khi phát hiện ra mình bắt đầu kém tập trung, hãy nghỉ một chút nếu thấy cần. Nếu sau đó mà bạn vẫn không thể tập trung được, hãy tạm ngưng tập. Làm một việc gì khác để cho đầu óc bạn tỉnh ra – vài động tác thể dục mạnh mẽ hay đi dạo một lát.
CÁC NGUYÊN TẮC HỌC TẬP
- Luôn luôn tập luyện với một mục tiêu xác định. Các cơ của bạn đòi hỏi một hướng hoạt động rõ ràng. Nếu bạn cố gắng tập luyện mà không có một mục tiêu xác định, bạn sẽ mắc phải những thói quen xấu sau này khó mà loại bỏ được. Tập luyện với mục tiêu xác định giúp cho bạn tránh được những nhầm lẫn và sai sót trong mọi lĩnh vực của việc học chơi guitar, kể cả khả năng diễn cảm và trình độ biểu diễn.
- Nghiên cứu kỹ lưỡng mỗi lời hướng dẫn cho đến khi bạn hiểu thấu đáo về nó: Đừng cố gắng làm một điều gì đó trên cây đàn guitar cho đến khi bạn hiểu rõ mục tiêu của bạn. Chỉ đến khi đó, với cây đàn của bạn, tìm cách thực hiện mục tiêu đó.
- Tập thói quen tập trung cao độ (khi tập luyện): Sự nhuần nhuyễn của bạn khi chơi guitar hoàn toàn phụ thuộc vào việc bạn tập trung như thế nào khi tập luyện. Tập luyện khi bạn không tập trung đầy đủ còn tệ hơn là bạn không tập luyện gì cả – tốt hơn là nên tạm ngưng tập cho đến khi bạn có thể tập trung hoàn toàn được.
- Mỗi lần chỉ đi một bước: Đừng vội vàng, nôn nóng. Hiểu rõ và thực hiện xong từng mục tiêu trước khi tiến sang mục tiêu khác. Tập riêng bất cứ động tác mẫu hay tư thế nào cần phải tập luyện kỹ lưỡng hơn. Tập từng động tác mẫu cho đến khi nó trở thành một thói quen ổn định.
- Đừng trông đợi sự dễ dàng trong việc tập chơi guitar: Hãy nhớ rằng, học chơi guitar là học những động tác phối hợp hoàn toàn xa lạ với bạn trong cuộc sống. Bạn cần thời gian để huấn luyện các cơ của bạn. Làm chủ kỹ thuật, chính xác, và sự tự tin ngày một tăng là những dấu hiệu cho bạn hay rằng bạn đang càng ngày càng chơi đàn nhuần nhuyễn hơn.
- Đừng trông đợi là bạn sẽ thực hiện được ngay lập tức những gì bạn đã đạt được trong lần tập luyện cuối cùng: Bạn đang phát triển thói quen về những động tác và tư thế chính xác, và việc đó có thể cần vài lần tập luyện trước khi một động tác mẫu hay tư thế trở thành một thói quen. Hãy xem lại những gì bạn đã học được trước khi chuyển sang một bài học mới.
- Tự thách đố chính mình: Để tiến bộ một cách mau chóng, cần luôn luôn chú ý đến những giới hạn của bạn và tập luyện để chinh phục chúng. Đừng chỉ đơn giản lập lại những gì dễ dàng – hãy tự thúc đẩy bạn hết mức những gì bạn có thể làm mà không bị nhầm lẫn hay sai sót.
- Nắm vững tất cả những gì đã học: Bạn cần tập luyện một cách thấu đáo. Đừng để rơi rớt lại một số kỹ thuật mà bạn thực hiện kém hơn những kỹ thuật khác.
TỔNG KẾT
Bạn có thể có một số hoài nghi khi bạn bắt đầu học chơi guitar. Khả năng âm nhạc của mỗi người một khác, vậy bạn tự hỏi về chính mình thì cũng là điều tự nhiên thôi. Bạn có thể học chơi guitar được không? Liệu bạn có đủ khả năng để trở thành một tay chơi guitar giỏi?
Hãy yên lòng. Trong khi tài năng âm nhạc của bạn có thể vẫn còn trong vòng bí mật, lại chẳng có gì bí hiểm trong việc học chơi guitar. Bất cứ người nào thích đều có thể học chơi guitar. Thực sự là, những người có tài năng âm nhạc kém nhưng theo đuổi một học trình hợp lý hơn thường vượt qua những người có giỏi hơn nhưng lại học tồi hơn. Thái độ và phương pháp học tập của bạn quan trọng hơn là tài năng âm nhạc của bạn.
Hãy giữ một đầu óc rộng mở. Bạn sẽ gặp rất nhiều ý tưởng mới trong sách này. Mỗi khi bạn gạt đi một ý tưởng như vậy mà không cho nó một cơ hội để thể hiện chính mình, bạn đồng thời từ chối những ích lợi mà ý tưởng đó có thể đem lại. Thất vọng, nóng vội, và một đầu óc bảo thủ chỉ làm hại cho sự tiến bộ của chính bạn. Một đầu óc rộng mở tiết kiệm cho bạn nhiều thời gian – nó đem lại sự khách quan, cho phép bạn chấp nhận và áp dụng những thông tin mới.
Bạn sẽ học chơi guitar thông qua những thử nghiệm và khám phá của bản thân. Tuy nhiên, các thử nghiệm của bạn không bao giờ được phép chọn một cách ngẫu nhiên. Để học tập một cách hiệu quả nhất, bạn luôn luôn phải tâm niệm những điều sau trong quá trình học tập:
- Việc biểu diễn cho người khác nghe là mục đích của bạn: Đừng để mắc phải bất cứ thói quen nào mà bạn không muốn xẩy ra khi bạn biểu diễn.
- Xây dựng thói quen nhuần nhuyễn và tự tin: Chúng là những điều cốt yếu của việc biểu diễn. Bạn phải xây dựng những thói quen ổn định trong tư tưởng cũng như trong động tác của bạn.
- Hình dung trước trong óc mỗi động tác mà bạn thực hiện trên cây đàn guitar của bạn với một mục đích rõ ràng: Đây là phương pháp hiệu quả nhất để xây dựng những thói quen đúng trong tư tưởng và trong động tác của bạn.
- Tập thói quen tập trung cao độ (khi luyện tập): Bạn càng tập trung tốt bao nhiêu, bạn càng tiến bộ nhanh bấy nhiêu. Nếu bạn không thể tập trung được, đừng tập luyện gì cả!
- Tránh nhầm lẫn hay sai sót: Nhầm lẫn và sai sót là những thứ hết sức tai hại cho sự tập trung, và do đó sẽ làm hại lây tất cả mọi lĩnh vực trong việc học tập của bạn.
Học Guitar nhanh, đơn giản
Học guitar cổ điển thú vị
Cây đàn guitar cổ điển khá thú vị. Và bao giờ bạn cũng nên bắt đầu học đàn với cây đàn loại đó. Kể cả khi bạn thưởng thức nó, hoặc gửi nó cho một số người, hoặc bạn muốn trở thành tay guitar chuyên nghiệp hoặc chơi guitar trong một ban nhạc, nó đều thú vị. Ai cũng có thể trở thành người chơi guitar, bằng cách tự học hoặc người khác hướng dẫn. Nhưng để có thể hiểu nhanh chóng, bạn cần có một người hướng dẫn tuyệt vời.
Người hướng dẫn học guitar tuyệt vời
Hướng dẫn guitar phụ thuộc vào việc bạn chọn thể loại nhạc gì để học. Và có thể nó sẽ tốn kém lắm nếu bạn chọn học ở các trường nhạc chuyên nghiệp hoặc đại học âm nhạc. Một số người dạy nhạc qua internet và họ sử dụng sách riêng của họ, thông thường những người này là miễn phí nhưng họ không có trách nhiệm phải dạy bạn đến nơi đến trốn. Có nhiều người nhận phí và bạn có quyền đòi hỏi họ dạy bạn.
Nhưng nếu muốn lên trình độ chơi nhanh chóng, bạn nên bỏ chi phí cơ hội để có được người thầy giáo tuyệt vời nhất. Bạn sẽ mất bao lâu để tự học, cũng từng đó công sức, người hướng dẫn bạn sẽ mất bao lâu để dạy bạn, anh ta biết rõ thời gian mà bạn học được là bao nhiêu và tính ra được mức phí mà bạn phải trả. Do đó, bạn có thể bắt đầu yên tâm với khoản phí mà bạn bỏ ra. Đừng đưa tiền cho một tay mơ mà không biết được bạn sẽ mất bao lâu và bao nhiêu tiền thêm nữa để có thể học được đàn guitar, đó không phải là một người thầy giáo tuyệt vời.
Con dường của sự học tập
Khi bạn sẽ tìm thấy đường dẫn của bạn xung quanh cây đàn guitar cổ điển mà không có vấn đề và bạn có thể nghiên cứu các tab để học thử nghiệm với bất cứ loại nhạc nào mà bạn muốn. Một khi bạn nắm vững nhịp điệu và nguyên tắc cơ bản của cây đàn guitar cổ điển bạn có thể thưởng thức bất kỳ bản guitar cổ điển nào và sau đó chơi lại. Điều hay nhất là khi đã thạo đàn guitar cổ điển rồi, lúc này bạn có thể chuyên sang guitar tây ban nha, đàn ukulele, đàn guitar dây sắt (acoustic), đàn guitar điện, guitar bass mà không hề gặp bất cứ khó khăn gì.
Có một số quy trình khác nhau để học cho từng loại đàn, nhưng ngay cả như vậy, thứ không thay đổi là hợp âm và các bản tab.
Phần mềm, học guitar online
Có một số lượng lớn các lớp học trên web và chương trình phần mềm cho việc học làm thế nào để chơi và thực hành guitar. Chúng có thể làm cho bạn cảm thấy khó hiểu …. Tôi đang nói về những người thực hiện tốt nhất, và cơ hội nhanh nhất để khám phá là những được là những gì? Bạn cần học tập một cách bài bản và thu thập các web hoặc video đó một cách bài bản thay vì nhảy cóc và ăn sẵn. Một số lượng tốt các bài hướng dẫn có thể được lấy từ một loạt các trang internet chuyên chơi guitar và có rất nhiều lời khuyên tuyệt vời mà có thể được tìm thấy trên Youtube.
Tìm kiếm một khoá học
Khi bạn đang tìm kiếm để trả tiền cho một khóa học trên mạng hoặc tại trung tâm, có một số câu đố mà bạn sẽ cần phải tìm hiểu trước khi bạn quyết định như:
Chính xác là có những gì trong khóa học?
Giáo lý hay phương pháp từ người dạy guitar dùng để giáo dục?
Có nhiều lời chia sẻ từ các học viên hài lòng?
10 bí mật dành cho những người mới tập đàn
10 bí mật dành cho những người mới tập đàn:
1.Tư thế ngồi như thế nào:
Bạn đi học đàn, hay phát triển kỹ năng chơi đàn của bạn sau này, tư thế ngồi , phom tay cực kỳ quan trọng.Cách nhanh nhất là hãy tập "đứng" chơi đàn với một dây đeo ^^, khi bạn đứng mà chơi đàn tốt, tự khắc bạn ngồi sẽ chuẩn.Đây là một mí mật rất ít người biết.
2.Luyện chạy âm giai:
Bạn thường thắc mắc, tại sao những giáo viên dạy đàn của mình thường bắt mình chạy nốt hợp âm (Scale) trong khi bạn thấy nó chẳng được tích sự gì.Đừng xem thường , âm giai sẽ bổ trợ rất nhiều trong quá trình bạn tập chuyển soạn sau này.Bổ ích nhất,nó giúp ngón tay bạn linh hoạt...Sau này khi bạn muốn đi sâu vào Guitar Lead sẽ không gặp nhiều khó khăn.
3.Một cây đàn đắt tiền?
Không cần thiết, khi mới tập chơi, các bạn nên chọn những cây đàn rẻ thôi.Người nghệ sĩ tạo ra những âm thanh tuyệt vời chứ không phải một cây đàn tốt.Sau này khi đạt đến một trình độ nhất định hay biểu diễn, tự khắc bạn sẽ cảm thấy cần 1 cây đàn tương xứng.
4.Bản tab bao giờ cũng đúng:
Theo khảo sát của mình từ lúc tập đàn đến bây giờ, 90% những bản tab trên mạng là sai, hợp âm cũng thế, thậm chí có những cuốn sách được phép xuất bản hẳn hoi, in hợp âm sai.Điều này sẽ ảnh hưởng cực lớn đến tai nghe của các bạn.
5.Tôi chơi đệm hát thì học cổ điển làm gì?
99% những master về đệm hát hay trên thế giới đều học qua cổ điển, nó giúp bạn biết cách xếp ngón, trang bị đầy đủ hành lý để bạn "bước những bước nhảy vọt dài nhất" trên con đường chinh phục guitar.Bạn nên học đệm hát song song với những bài cổ điển hoặc semi đơn giản.
6.Tập guitar mất quá nhiều thời gian của tôi:
Với một phương pháp đúng đắn, bạn chỉ cần 1 ngày tập đàn 30 phút, sau đó bạn có thể chơi tốt.Mà nếu bạn nói như thế thì có nghĩa là bạn không đam mê.Tốt nhất không có đam mê thì không nên đến với guitar.
7.Học guitar trên mạng , qua clip hay đi học thầy:
Tùy mục đích của bạn mà thôi, tất cả đều tốt, nếu bạn muốn nhanh chóng đánh được guitar hay nhanh chóng tập được những ca khúc mình yêu thích, học trên mạng rất tốt. Học thầy sẽ giúp bạn tiến xa hơn, có những bài tập và " phương thuốc" hữu hiệu sửa được những thói quen xấu, hiểu được âm nhạc và guitar ,rõ ràng vói một thầy tốt, quá trình chinh phục guitar của bạn sẽ nhanh KHÓ LƯỜNG.
8. Tai quan trọng hơn hay tay quan trọng hơn:
Cả hai đều có vai trò như nhau, (DUY NHẤT tại BIG WINDOW hiện đang đưa những bài tập và chương trình luyện tai nghe vào giáo trình), song song với việc bổ trợ kỹ năng chơi đàn.Điều dễ hiểu nhất, chúng ta có thể so sánh, một tay chơi đàn giống như một đầu bếp, để trở thành một đầu bếp giỏi, bạn phải có một cái "lưỡi" tinh tế.
9. ĐỆM NHẠC nên chơi đàn classic hay chơi đàn acoustic:
Nếu bạn thích đệm hát nhạc hiện đại, nhạc nước ngoài, acoustic có thể là một lựa chọn hoàn hảo, nhưng một cây đàn classical lại là bá đạo trong dòng nhạc trữ tình và cơ động trong rất nhiều trường hợp, tùy vào sở thích của các bạn mà lựa chọn, không thể so sánh cái nào hay hơn được.
10. Tôi không biết gì về guitar nhưng lại muốn đánh được, tôi phải bắt đầu từ đâu?
Chuyện nhỏ , các bạn có thể tìm một lớp cơ bản ở địa bàn các bạn để được hướng dẫn đúng đắn ngay từ đầu...Muốn đánh giá chất lượng của lớp học đó? Đơn giản hãy nhìn vào sản phẩm của họ. Học trên mạng cũng là một phương pháp tốt trong nhiều trường hợp. Nhưng nếu các bạn không được đi học bài bản điều chỉnh kịp thời tay chân , các bạn sẽ bị những thói quen xấu rất khó sửa, dẫn đến rơi vào giai đoạn" bế tắc", không có cách nào để phát triển lên được nữa.Cách tự học đàn guitar hiệu quả
Cách chọn dây đàn Guitar tốt nhất
Kinh nghiệm học đàn Piano cho trẻ
(St)