Cho con bú cũng cần phải học hỏi, và bạn nên tranh thủ sự hỗ trợ và lời khuyên của gia đình, của những người bạn đã có con và của các cô nữ hộ sinh hay nhân viên y tế. Nhưng trên hết, bạn nên học từ chính em bé của mình, bằng cách hiểu ý các tín hiệu của bé và bằng cách khám phá ra cách đáp ứng những tín hiệu này. Không cần phải làm gì đặc biệt để chuẩn bị hai bầu vú để cho bú, trừ phi là bạn bị núm vú lõm vào. Trong trường hợp đó, bạn nên sử dụng một công cụ hình “vỏ sò” áp lên vú để làm cho đầu vú lồi ra sao cho em bé ngậm được để bú. Trong trường hợp bạn sinh em bé tại bệnh viện, bạn nên cẩn thận ngỏ ý cho nhân viên phòng sinh biết rõ bạn có ý định cho em bé bú, và bạn đừng e ngại yêu cầu được giúp đỡ. Bạn hãy cho em bé bú càng sớm càng tốt – ngay khi mới sinh – để tạo mối gắn bó với em bé càng sơm càng tốt và để cho em bé quen với động tác bú.
SỮA NON VÀ SỮA MẸ
Trong vòng 72 giờ sau sinh, hai bầu vú bạn sẽ tiết ra một dịch lỏng màu vàng gọi là sữa non, thành phần gồm có nước, chất đạm và khoáng chất. Sữa non có chứa những kháng thể bảo vệ em bé chống lại một loạt bệnh nhiễm trùng đường ruột và đường hô hấp. Trong những ngày đầu, em bé phải được cho bú vú mẹ một cách đều đặn vừa phải cho bú sữa non, vừa để tập cho bé quen với bầu vú mẹ.
Một khi hai bầu vú bạn khởi sự tiết ra sữa, hình thái dòng sữa có thể khiến cho bạn ngạc nhiên. Khi em bé bú, những giọt sữa đầu tiên mà em bé thu nhận được - sữa đầu cữ - lỏng, nhiều nước và chỉ có tính chất giải khát. Rồi mới tới sữa cuối cữ, giàu chất béo và chất đạm hơn nhiều.
PHẢN XẠ XUỐNG SỮA
Động tác bé mút đầu vú gửi tín hiệu tớivùng dưới đồi, bộ phận này kích thích tuyến yên trong não bạn phóng thích ra hai hormone: prolactin phụ trách việc sản xuất ra sữa trong các tuyến sữa và oxytocin khiến cho sữa được chuyển từ các tuyến sữa vào các túi chứa sữa ở phía sau quầng vú. Người ta gọi tiến trình di chuyển sữa này là phản xạ xuống sữa.
CÁC TƯ THẾ CHO CON BÚ
Nằm là tư thể lý tưởng nhất khi cho bé bú ban đêm. Khi em bé của bạn còn nhỏ, bạn có thể cần phải đặt cháu lên một chiếc gối để cháu có thể vươn tới núm vú. Bạn có thể thấy tư thế nằm là tư thế thích hợp nhất nếu bạn đã bị cắt âm hộ trong khi sinh và ngồi thì không được thoải mái. Trong trường hợp bạn đã bị mổ để lấy thai và thành bụng bạn còn hơi đau, bạn hãy thử nằm cho chân em bé luồn dưới nách bạn.
Các tư thế nằm
Cách cho bú ở tư thế nằm thuận lợi cho việc nghỉ ngơi và có thể giữ cho một em bé hay cựa quậy trành không làm đau ở đường khâu vết mổ ở thành bụng bạn.
Tư thế ngồi
Bạn hãy ngồi sao cho cánh tay và lưng bạn có chỗ tựa và bạn được thoải mái.
NỊT NGỰC KHICHO CON BÚ
Khi cho con bú, bạn nên mặc một kiểu nịt ngực nâng đỡ bầu vú.
Bạn hãy mặc thử trong tiệm trước khi mua và nên mua loại có móc cài phía trước và dây đeo bản rộng và không cấn vào vai. Kiểu nịt ngực có móc gài phía trước hoặc đóng mở bằng dây kéo là tiện lợi nhất, một tay cũng có thể mở được khi bạn đang ẵm bé. Một kiểu nịt ngực tốt sẽ giảm thiểu cảm giác khó chịu, khi hai bầu vú của bạn bị căng sữa và cương đau.
CUNG ỨNG VÀ YÊU CẦU
Sữa mẹ được tiết ra trong những tuyến sữa nằm trong bầu vú, chứ không phải nằm trong mô mỡ, nên kích thước bầu vú không cho biết được tiềm năng tiết sữa của bạn; ngay những bầu vú nhỏ cũng hoàn toàn có thể tiết ra được lượng sữa thích nghi.
Sữa được sản xuất ra tùy theo nhu cầu mà em bé cần đến, nên bạn không phải lo là mình sẽ bị cạn sữa nếu em bé bú rất thường xuyên. Hai bầu vú của bạn được kích thích để sản xuất ra sữa bởi động tác mút của em bé. Nên em bé càng hăm hở bú bao nhiêu, thì bạn sẽ lại sản xuất ra được nhiều sữa bấy nhiêu, và ngược lại. Trong thời gian bạn cho em bé bú, lượng sữa sẽ lên, xuống tuỳ theo nhu cầu của em bé, và một khi em bé chuyển sang ăn đặc được, hai bầu vú sẽ tiết ra ít sữa hơn.
CHO BÚ BAO LÂU MỖI BÊN VÚ?
Bạn nên cho em bé bú lâu tới chừng nào em bé còn thích bú.
Trong trường hợp em bé tiếp tục bú sau khi hai bầu vú bạn đã cạn sữa rồi, đó có thể là em bé chỉ bú để hưởng cảm giác bú tí thôi; cái đó thì cũng tốt miễn là đừng làm cho vú bạn bị đau thôi.
Khi em bé đã bú hết một bên vú, bạn hãy nhẹ nhàng cho bé nhả đầu vú ra và cho bé bú sang vú bên kia. Bé có thể bú bên vú sau không lâu bằng bên vú trước.
Với mỗi cữ vú, bạn hãy đổi bên vú cho bú. Để không quên cữ trước đã cho bú bên nào, bạn hãy cài kim băng lên phần áo bên đó để đánh dấu.
CHO EM BÉ BÚ
Cho bú tạo lên một sự gắn bó mật thiết giữa mẹ và con nếu thời gian cho bú thoải mái và thú vị đối với cả mẹ lẫn con. Bạn hãy cho bé bú ở tư thể nào mà em bé có thể nhìn rõ bạn và bạn hãy mỉm cười nói chuyện với bé khi bé đang bú. Bé sẽ liên kết cái thú bú mẹ với hình ảnh gương mặt, giọng nói và mùi da thịt của mẹ. Trước khi bắt đầu cữ bú , hãy chọn tư thế sao cho cả bạn lẫn bé đều được thoải mái dễ chịu. Bạn hãy cho em bé bú cả hai bên vú, và có lẽ cũng nên cho em bé ợ hơi trước khi chuyển từ bên này sang bên kia.
MỘT CỮ BÚ CHO EM BÉ
Phản xạ tìm vú mẹ
Bạn hãy kích thích em bé tìm bầu vú mẹ bằng cách lấy ngón tay vuốt nhẹ lên má gần đầu vú nhất. Tức khắc em bé sẽ há miệng quay về phía đầu vú.
Ngậm chặt bầu vú mẹ
Em bé phải ngậm đầu vú và cả phần quầng vú vào miệng cho “cả vú lấp miệng em”. Sữa được hút ra bằng cách phối hợp động tác mút đầu vú và động tác ép lưỡi lên vòm miệng để “vắt” sữa vào miệng.
Nhả đầu vú
Để ngưng động tác mút (bú), bạn hãy luồn ngón út vào khoé miệng em bé. Bầu vú của bạn sẽ tuột ra dễ dàng thay vì phải kéo mới ra.
CÁC VẤN ĐỀ KHÓ KHĂN CÓ THỂ GẶP PHẢI
Thoạt nhiên, cho bú không được suôn sẻ là điều hoàn toàn bình thường, nên bạn cũng đừng nên bực dọc vì những cản trở nhỏ như em bé không chịu bú chẳng hạn. Bạn đừng quên rằng em bé cũng đang phải học và phải dành thì giờ cho mẹ con làm quen với nhau; do đó bạn hãy kiên trì, và nhờ các nữ hộ sinh hay nhân viên y tế hướng dẫn và góp ý.
Bé không chịu bú
Trong 24 đến 36 giờ đầu sau sinh, điều rất thường gặp là em bé sơ sinh không bú được khoẻ lắm hay không bú được lâu lăm. Tuy nhiên, nếu về sau này mà điều đó còn xảy ra thì có thể là có vấn đề cần giải quyết. Nguyên nhân có khả năng xảy ra nhất cho một em bé gặp cản trở khi bú mẹ là những khó khăn về chức năng hô hấp. Có thể là bầu vú bạn che lấp lỗ mũi bé; nếu đúng như vậy thì hãy kéo đầu vú cách xa với mặt bé, ở ngay phía trên quầng vú. Trong trường hợp em bé có vẻ khụt khịt hay nghẹt mũi, bạn hãy đi khám bác sĩ ; bác sĩ có thể kê toa thuốc nhỏ mũi cho em bé để làm thông lỗ mui cho bé.
Nếu bé không chịu bú mà không có nguyên nhân nào rõ ràng thì có thể đơn giản chỉ là do em bé bực bội. Một em bé khóc vì đói bụnghoặc bị thay tã khi đang đói, có thể sẽ trở nên cáu bẳn và không chịu bú mẹ. Bạn sẽ cần phải dỗ dành cháu bằng cách ẵm bé lên ôm sát vào người và nói chuyện hay hát ru. Không nên cố cho bú bằng được khi chưa dỗ được bé nín. Trong trường hợp việc khởi đầu cho cháu bú mẹ chậm hơn so với các trẻ khác – như với một em bé thiếu tháng buộc phải cho bú bình – em bé của bạn có thể gặp nhiều khó khăn nếu muốn tập cho bé bú mẹ và bạn sẽ phải kiên trì và bền chí. Nữ hộ sinh và nhân viên y tế sẽ có lời khuyên cho bạn nếu bạn cần cho em bé bú sữa nặn ra từ bầu vú bạn qua một cái ly đặc biệt cho đến khi nào bé tiếp thu được trực tiếp các chất từ bầu vú mẹ. Hiếm khi nào phải cho bú bình thêm và những cữ bú bình này có thể khiến cho các bà mẹ bỏ cuộc và thôi cho bú sữa mẹ luôn. Giải pháp nặn sữa ra rồi cho bú bằng bình là một phương án thay thế tốt hơn.
Bú để được thoải mái
Đa số các em bé thưởng thức việc bú tí mẹ chỉ vì được bú cũng như để được no bụng. Bạn sẽ học được cách phân biệt giữa bú để thoả cơn đói và bú để được thoải mái. Trong một cữ bú bạn có thể để ý thấy em bé bú mạnh mà không nuốt vào thực sự. Không có lý do gì để không cho cháu bú bao lâu cháu thích, miễn là đầu vú bạn không đau thì thôi, mặc dù phần lớn sữa trong cữ bú đã hết trong 3 đến 5 phút đầu rồi.
Ngủ trong khi bú
Nếu em bé của bạn không có vẻ quan tâm gì đến ăn uống trong mấy ngày đầu, bạn cũng nên xem cháu đã bú đủ sữa từ một bên vú chưa. Trong trường hợp bé ngủ trong khi bú, như vậy có nghĩa là cháu thoả mãn và phát triển tốt, mặc dù trẻ sinh non cần được đánh thức dậy và cho bú đều đặn, vì các bé này có khuynh hướng ngủ nhiều. Nếu quả là em bé ngủ thiếp đi khi đang bú, bạn hãy nhẹ nhàng đánh thức cháu dậy nửa tiếng sau và cho cháu bú; nếu em bé đói bụng bé sẽ tươi tỉnh.
Bú bực bội
Trong trường hợp em bé không chịu bú hoặc có vẻ không thoải mái, chắc hẳn là cháu chỉ mút đầu vú mà không ra sữa. Điều này có thể làm cho đầu vú bạn bị đau. Bạn hãy kiểm tra lại xem em bé có nằm đúng tư thế và có ngậm vú đúng cách khi bú không.
TÌNH TRẠNG THIẾU SỮA
Bạn có thể cảm thấy lo âu vì không thấy em bé bú được bao nhiêu sữa mỗi cữ bú, tuy nhiên, hiếm khi một khi nào em bé bú mẹ mà lại thiếu sữa cả.
Nếu em bé bạn thích tiếp tục mút cho dù đã bú hết sữa ở cả hai bên vú rồi, điều đó không phải bao giờ cũng có nghĩa là em bé còn đói; có thể chỉ đơn giản là em bé thích cảm giác bú tí ấy.
Khát nước có thể khiến cho bé tiếp tục bú sau khi đã bú cạn hết hai bầu vú. Bạn hãy thử dùng cái tách đặc biệt và cho bé uống khoảng 30ml nước đun sôi, ướp mát.
Nếu em bé luôn có vẻ bực bội và còn đói, bạn hãy đưa bé đi cân tại phòng khám để kiểm tra xem bé có lên cân đều như dự kiến không. Nếu không, thì tức là nguồn sữa của bạn đã giảm đi – có lẽ do bạn mệt mỏi và kiệt sức. Có thể là người ta sẽ khuyên bạn nên dùng một cái tách đặc biệt cho bú thêm cữ cho đến khi nào nguồn sữa của bạn bình thường trở lại.Nếu bạn có điều gì thắc mắc, bạn nên liên lạc với nhân viên y tế hay bác sĩ để nhờ tư vấn.
Hội chứng ít sữa, mới gần đây được mô tả bên Hoa Kỳ, là một căn bệnh hiếm gặp trong đó một em bé sơ sinh không tiếp nhận đầy đủ dinh dưỡng từ nguồn sữa mẹ. Hiện tượng này bao giờ gần như cũng là do những khó khăn gặp phải trong qua trình tập ngậm bầu vú mẹ và tập mút. Trong một số rất ít trường hợp, đó có thể là do người mẹ không tiết ra đủ sữa. Điều này cũng không loại trừ là do việc cho con bú, tuy nhiên sẽ cần phải cho bú bình bổ sung. Hãy nhớ là các bà mẹ và các em bé phải có đủ thời gian để hiểu rõ cách bú mẹ ra sao.
Một dấu hiệu báo động có hội chứng thiếu sữa là số tã phải thay. Nếu em bé của bạn làm ướt không đến sáu cái tã mỗi ngày, bạn nên kiểm tra lại cùng với nữ hộ sinh hay nhân viên y tế.
NHỮNG LỜI KHUYÊN KHI NẶN SỮA
Bạn hãy làm cho việc nặn sữa trở nên càng dễ càng tốt, và hãy cẩn thận bảo quản sữa của bạn đúng cách.
Nếu bạn phải cúi mình trước một mặt phẳng quá thấp, việc nặn sữa có thể làm cho bạn đau lưng. Nên đặt bình chứa ở một tầm cao thuận lợi.
Nặn sữa phải không gây đau đớn. Nếu nặn sữa mà gây đau thì phải ngưng ngay lập tức. Bạn hãy hỏi cô nữ hộ sinh hay nhân viên y tế xem bạn nặn sữa như thế có đúng cách hay không.
Bạn càng thư giãn bao nhiêu thì càng dễ nặn sữa bấy nhiêu. Trong trường hợp sữa không chảy ngay, bạn hãy đắp lên hai bầu vú một cái khăn ấm để các ống dẫn sữa nở rộng ra, hoặc thử nặn sữa trong buồng tắm.
Nếu bạn lo rằng em bé có thể không bú mẹ trở lại sau khi đã quen bú bình, hãy thử dùng một cái tách thiết kế đặc biệt cho em bé uống sữa hoặc đút bằng muỗng bằng với sữa đã nặn đựng trong một cái tách. Bạn nên kiểm tra xem cả muỗng và tách đều đã được tiệt trùng chưa trước khi sử dụng.
(St)