Tức giận được coi là một phản ứng cảm xúc mạnh mẽ, thể hiện sự không hài lòng trước một vấn đề nào đó. Giống như tất cả cảm xúc khác của con người, trẻ cũng có những cảm xúc tức giận.
Đối với trẻ, đôi khi tức giận có thể là một cách phòng vệ để tránh cảm giác đau đớn có thể liên quan tới sự thất bại, lòng tự trọng bị hạ thấp và cảm xúc cô lập của trẻ; hoặc liên quan đến sự lo lắng về những tình huống mà trẻ không điều khiển và làm chủ được.
Tuy nhiên, việc xử lý tức giận ở trẻ có thể làm cho bố mẹ bối rối, mệt mỏi và căng thẳng và ảnh hưởng không nhỏ tới sự phát triển của trẻ trong việc xây dựng các mối quan hệ và trong các hoạt động khác. Vì vậy, cách giải quyết của bố mẹ trước việc tức giận của trẻ không phải chỉ đúng thời điểm tình huống xảy ra mà phải ngay cả khi không xảy ra tình huống đó. Dưới đây là một số gợi ý cho các bố mẹ về nguyên tắc và cách thức hướng dẫn trẻ quản lý sự tức giận.
1. NGUYÊN TẮC CỦA BỐ MẸ QUẢN LÝ SỰ TỨC GIẬN Ở TRẺ
– Cần phân biệt giữa sự tức giận và hung hăng.
Một số trẻ khi tức giận có thể ném đồ đạc hoặc đánh chửi người khác – đối tượng gây cho trẻ tức giận, vì vậy, họ có thể quy đó là hành vi hung hăng. Nhưng tức giận chỉ là một cảm giác tạm thời có nguyên do từ sự thất vọng, còn hung hăng/gây hấn thường là cố tấn công và làm tổn thương ai đó hoặc hủy hoại tài sản của ai đó. Cần phải phân biệt điều này để không quy gán cảm xúc hung hăng cho trẻ.
– Khi hướng đến trẻ, cần với mục đích là bảo vệ, chứ không phải là trừng phạt trẻ.
Bố mẹ nên cho trẻ thấy bố mẹ chấp nhận cảm xúc của trẻ là bình thường, trong khi vẫn gợi mở cho trẻ có thể bày tỏ sự tức giận của mình bằng nhiều cách khác.
– Luôn luôn bình tĩnh trong mọi tình huống.
Một số bố mẹ với những mệt mỏi và căng thẳng trong công việc nhà và công việc bên ngoài sẽ cảm thấy mệt mỏi và căng thẳng hơn khi trẻ tức giận, thậm chí họ còn trút những tức giận của chính mình lên trẻ khiến trẻ cảm thấy hoang mang và tội lỗi. Tuy nhiên, trong những tình huống này, trước hết bố mẹ hãy kiềm chế cảm xúc của chính mình để giúp trẻ bình tĩnh lại.
– Tránh gia tăng cảm xúc tức giận của trẻ
Không được làm gia tăng cảm xúc tức giận của trẻ bằng cách chế giễu hoặc trừng phạt nhất là khi cảm xúc của trẻ không lắng xuống.
2. CÁCH ĐỂ KHÔNG XẢY RA TÌNH HUỐNG TỨC GIẬN
– Khuyến khích và củng cố những hành vi tốt.
Nếu bố mẹ là người luôn quan sát và nhạy cảm thì sẽ có rất nhiều lần nhận thấy trẻ có những hành vi tốt. Việc thể hiện ngay niềm vui và sự hài lòng của mình đối với hành vi đó của trẻ là một cách khuyến khích và củng cố hành vi tốt một cách hiệu quả. Những lời nhận xét và cảm xúc tích cực của bố mẹ luôn đem cho trẻ sự tự tin khi nhận thấy giá trị của hành vi tốt.
– Cần đưa ra những giới hạn nhất định trong mọi hoạt động.
Hiểu được lý do của những giới hạn này sẽ một phần giúp trẻ có được thói quen trong các hoạt động, có hành vi hay cảm xúc trong phạm vi giới hạn. Bố mẹ không nên quá chú trọng hoặc bỏ qua những cảm xúc và hành vi không phù hợp của trẻ. Độ lượng là cần thiết trong việc hướng dẫn trẻ, nhưng trẻ cũng cần phải nhận biết đó là những giới hạn và quy tắc riêng mà ai cũng phải thực hiện.
– Giúp trẻ nhận ra những dấu hiệu sắp bùng phát cơn tức giận; đồng thời gợi ra những cách khác khi thể hiện sự tức giận thay vì đập phá hoặc tấn công người khác.
Sử dụng cách diễn đạt bằng ngôn ngữ phù hợp không làm tổn thương người khác là biện pháp hợp lý để quản lý tức giận. Bố mẹ và trẻ nên thực hành việc này thường xuyên.
– Là tấm gương tốt cho trẻ.
Việc “nói và làm” luôn phải đi song song với nhau. Nếu bố mẹ yêu cầu và hướng dẫn con nhưng bản thân không thực hiện được thì sẽ dẫn đến việc trẻ coi thường những lời nói của bố mẹ và việc hướng dẫn lại trở nên phản tác dụng.
3. CÁCH XỬ LÝ TÌNH HUỐNG TRẺ TỨC GIẬN
– Giúp trẻ bình tĩnh, giảm sự tức giận ngay lập tức.
Khi trẻ tức giận, trẻ thường mất bình tĩnh và bối rối trong việc trình bày hoặc diễn đạt ý mình, thậm chí cảm xúc tức giận có thể gia tăng nếu có người khác hỏi thăm. Nếu bình tĩnh, trẻ sẽ cảm thấy mọi việc nhẹ nhàng hơn. Một cái ôm, vỗ về hay lời nói nhẹ nhàng của bố mẹ sẽ làm dịu nhẹ cảm xúc tức giận của trẻ.
– Trao đổi với trẻ để biết lý do của sự tức giận.
Nên đứng về cả hai phía (trẻ và người làm trẻ tức giận) để phân tích tình huống, nhấn mạnh hơn đến hậu quả có thể xảy ra khi tức giận. Điều này giúp trẻ nhận ra đúng sai trong hành động của mình. Việc này là rất cần thiết, bởi nhiều bố mẹ có xu hướng bảo vệ con thái quá nên chỉ đứng từ góc độ của con để phân tích tình huống khiến cho sự tức giận của bố mẹ và trẻ có thể gia tăng, chứ không dịu nhẹ đi. Điều này dễ dẫn tới việc trẻ nghĩ sự tức giận của mình là phản ứng đúng và hợp lý khiến cho trẻ có thể áp dụng sự tức giận trong những tình huống khác sau đó.
– Gợi mở cho trẻ những cách thức giải quyết tình huống sau khi tức giận.
Thông thường khi trẻ nhận ra đúng sai trong hành động của mình, trẻ dần lấy lại được sự bình tĩnh và dễ dàng bỏ qua lỗi của người gây tức giận cho mình. Việc gợi mở cho trẻ suy nghĩ về cách thức giải quyết sau khi đã tức giận giúp trẻ tránh những cảm xúc tiêu cực và xây dựng lại mối quan hệ với người gây tức giận cho mình.