Mẹo chữa cơm cứng, nhão, khê
Nấu cơm là công việc hàng ngày và rất quen thuộc với hầu hết tất cả chị em. Tuy nhiên, chẳng may có một hôm nào đó, nồi cơm bị khô, cứng, hoặc nhão khi chị em thay đổi loại gạo để nấu thì có rất nhiều cách để “cứu chữa” nồi cơm. Chị em hãy tham khảo nhé:
Cơm cứng
Để chữa nồi cơm bị cứng bì thiếu nước, chị em lấy đũa chọc nhiều lỗ vào cơm, sau đó cho ít nước ấm vào cơm vào nồi nấu tiếp. Lưu ý là, với những nồi cơm bị cứng như thế này tránh mở vung ra nhiều nhé, vì như vậy hơi sẽ mất nhiều và cơm khó mềm được.
Cơm nhão
Đa phần chị em đều cho rằng cơm cứng còn chữa được chứ cơm nhão thì rất khó. Tuy nhiên, vẫn có cách giúp cho nồi cơm của chị em ngon trở lại:
Khi cơm bị nhão, chị em hãy cắt những mẩu ruột bánh mì để lên trên mặt cơm và mở nắp liên tục để nước không đọng lại trên vung. Lúc cơm chín tới, xúc ra một cái đĩa cho cơm bốc hơi, làm như thế cơm của bạn sẽ bớt nhão phần nào.
Cơm khê
Mùi cơm khê thật khó chịu, mà ăn cơm phần trên cũng chẳng ngon nữa nên nhiều chị em đã vội vàng bỏ cơm đi để nấu nồi khác nhưng như vậy rất lãng phí. Chị em có thể làm theo các cách sau để "cứu" nồi cơm của mình nhé:
Cách 1: Hãy dùng một cái khăn sạch trải che kín mặt cơm, sau đó cho than hoa lên trên. Đậy kín nồi, khoảng 15 phút mở ra, mùi khê của cơm sẽ được than hút sạch.
Có rất nhiều cách để "cứu chữa" cho nồi cơm không bị cứng, nhão, khê hoặc bị sống (Ảnh: Internet)
Cách 2: Cho nước lạnh vào một cái bát, đặt vào giữa nồi cơm bị khê, ấn cho miệng bát bằng xuống với cơm. Tiếp đó đậy nồi cơm lại, dùng lửa nhỏ để ủ cơm 1-2 phút rồi mở nồi ra, cơm sẽ không còn mùi khê.
Cách 3: Khi cơm khê, lập tức tắt bếp, đặt vào trong nồi cơm một miếng vỏ bánh mỳ rồi đậy vung lại. 5 phút sau, vỏ bánh mỳ sẽ hút hết mùi khê cháy trong cơm.
Cách 4: Một cách nữa là hãy lấy phần đầu hành lá, cắt khoảng vài khúc, cắm vào cơm, sau đó đậy nắp để một lúc rồi mở ra, cơm sẽ hết mùi khê.
Cách 5: Trong trường hợp cơm khê quá nặng, hãy xới hết phần cơm không bị khê phía trên ra, cho vào một nồi khác, đem ngâm nồi này vào một chậu nước để nơi thoáng mát khoảng 10 phút, mùi khê sẽ vơi đi nhiều. Tuy nhiên, cách làm này sẽ khiến cơm bị nguội đôi chút.
Cách 6: Khi thấy cơm có mùi khê ta có thể dùng một cục than củi cháy đỏ cho vào bát, đặt vào nồi cơm, rồi đậy kín vung lại. 10 phút sau mở vung, lấy bát than ra, mùi khê sẽ được cục than củi hút hết nên cơm sẽ không có mùi khê.(Cách này hay sử dụng cho những chuyến đi picnic hay cắm trại sẽ rất lợi khi xử lý nhanh bằng tình huống này).
Cơm sống
Cơm sống có thể do thiếu nhiệt hoặc do bạn cho ít nước quá. Khi cơm sống, bạn đừng quá lo lắng nhé. Trước tiên hãy đảo cơm cho tơi hết ra rồi chuyển cơm sang một nồi khác nhé. Dùng rượu rưới vào cơm theo tỉ lệ 1 rượu 10 cơm, bắc lên bếp đun lửa thật nhỏ cho đến khi bốc hơi hết. Cơm sẽ chín mà chẳng lo còn mùi rượu lưu lại trong cơm. Cách chữa cơm sống cũng không quá khó nhỉ.
Tham khảo thêm một số mẹo hay cho bếp nhà bạn
Mẹo "chữa" mặn cho nồi canh của bạn
Chữa canh mặn
Chẳng may nếu lỡ tay bạn cho gia vị hơi mặn vào nồi canh hay nồi nước hầm, đừng quá lo lắng nhé, hãy tham khảo một số mẹo dưới đây để “chữa" canh bị mặn:
- Dùng vải bọc bột, cơm: Bạn có thể dùng một miếng vải thưa, hoặc vải xô bọc một ít cơm chín rồi thả và nồi canh. Cơm sẽ hút các phần tử muối trong canh, giúp cho nồi canh đáng lẽ rất ngon của bạn sẽ giảm bớt được vị mặn.
- Dùng lòng trắng trứng: Cho một lòng trắng trứng vào nồi canh, đun cho canh sôi lại. Trong quá trình nấu, chất albumin của lòng trắng hấp thụ phần muối thừa, canh sẽ nhạt, dễ ăn hơn. Sau đó bạn có thể dùng muôi vớt bỏ lòng trắng ra nhé.
Hoặc, nếu đây là một nồi canh xương, hoặc canh thập cẩm, thì bạn có thể cho hết “cái” ra ngoài, cho lòng trắng trứng gà đun sôi trong 15 phút. Sau đó vớt hết trứng nổi lên trên bề mặt nước canh rồi lại cho “cái” vào đun lại đến khi nào ăn.
- Dùng khoai tây: Hãy cho vào một củ khoai tây đã gọt vỏ, cắt lát vào, khoai sẽ rút bớt chất mặn trong canh.
- Đường: Cho một chút đường vào canh, súp, hay món hầm sẽ giúp giảm bớt vị mặn.
- Thêm nước: Cho thêm nước sẽ làm món canh bị loãng và không còn được ngon. Nhưng, nếu như dùng các mẹo trên mà canh vẫn còn mặn (do bạn cho quá nhiều muối, gia vị) thì bạn nên chấp nhận cho thêm nước vào nhé.
Các món ăn bị mặn
- Dùng nước chanh tươi: Khi món ăn bị mặn, bạn có thể cho thêm một chút nước chanh tươi vào để giảm bớt muối. Bạn hãy yên tâm, sử dụng nước chanh sẽ không làm mất mùi vị cơ bản của món ăn.
Cho nước chanh vào món ăn sẽ giúp giảm vị mặn nhưng vẫn giữ nguyên được hương vị (Ảnh minh họa)
Lưu ý, bạn cần nhớ rằng, không cho nước chanh vào các món ăn có sản phẩm từ sữa vì tính a-xít của chanh sẽ khiến những thành phần có nguồn gốc từ sữa bị kết tủa.
- Dùng đường hoặc mật ong: Một ít đường hoặc mật ong cũng là biện pháp giúp bạn “giải cứu” món ăn đang bị mặn do có quá nhiều muối. Độ ngọt của đường và mật ong sẽ trung hòa, làm giảm bớt vị mặn. Tuy nhiên bạn cũng không nên cho nhiều quá nếu không món ăn sẽ lại có vị ngọt quá đà, không còn hấp dẫn nữa.
- Dùng sữa chua nguyên chất hoặc cà chua: Việc tăng cường thêm độ chua cho món ăn bằng cách sử dụng sữa chua nguyên chất hoặc cà chua sẽ làm cho vị của món ăn dịu lại, ít mặn hơn lúc ban đầu. Cách này đặc biệt phù hợp với các món ăn có thành phần từ sữa như phomai, kem tươi... bởi chúng không chỉ giúp món ăn bớt mặn mà còn ngon miệng hơn nữa.
- Cho thêm nguyên liệu: Nhiều người cho rằng, để giảm bớt độ mặn cho món ăn bị mặn là cho thêm nguyên liệu cơ bản có trong món ăn. Nếu thấy món ăn mặn hơn bình thường, bạn có thể nấu thêm một số thành phần chính và cho chúng vào món ăn. Tuy nhiên cách này chỉ hợp khi nhà bạn có sẵn các nguyên liệu này.
- Giấm thơm: Giấm thơm cũng là một loại gia vị có khả năng khử loại chất mặn của muối. Chỉ cần cho một lượng nhỏ giấm thơm vào món ăn, vị mặn sẽ từ từ giảm dần. Trong quá trình cho giấm vào, chỉ nên cho từng ít một rồi nếm thử cho đến khi cảm thấy vừa miệng.
Nói chung, có khá nhiều mẹo có thể giúp bạn trị món canh, món ăn bị mặn. Bạn hãy lựa chọn một cách thích hợp và thuận tiện nhất để thực hiện nếu chẳng may bạn lỡ tay bỏ nhiều muối vào canh khi chế biến nhé.
Mẹo chọn hải sản tươi, ngon
Tôm
Tôm ngon thân phải săn chắc, vỏ còn cứng, màu trắng trong chứ không đục hay ngả sang đỏ, vàng. Phần đầu dính chặt vào thân, các càng vẫn còn nguyên, không có mùi tanh, ươn.
Cá
- Mắt cá phải tươi, hai mắt sáng và linh hoạt. Một số loại cá, mắt có thể lồi ra một chút.
- Nếu ấn nhẹ vào mình cá mà thịt lại bật trở lại về nguyên trạng thì đó là cá tươi. Bản chất của thịt cá là có tính đàn hồi. Theo thời gian bắt cá lên khỏi mặt nước thì khả năng này sẽ giảm.
Cá tươi có mang màu đỏ hoặc hồng
- Mang cá màu đỏ hoặc hồng là cá tươi và đầy sức sống.
- Một con cá tươi phải có vảy xếp chặt khít và sáng bóng. Da cũng không được có bất cứ nốt lấm chấm nào.
Mực
Nếu bạn muốn chọn mực tươi thì nên chọn con to, dày mình, trắng đục như cùi dừa, thịt chắc không bị nát, lớp màng màu nâu bao quanh đều bên ngoài đối với mực nang còn mực ống thì chọn con có lớp thịt màu sáng hơi hồng, đầu vẫn dính chặt vào thân, túi mực chưa bị vỡ.
Cua
Muốn chọn cua ngon hãy lấy tay ấn vào yếm, nếu cứng là cua có nhiều thịt. Bạn cũng có thể thử bằng cách nhìn que càng của nó, nếu thấy mọng nước là cua xốp, không ngon.
Sò
Cách lựa chọn các loại sò không khác nhau là mấy. Như sò huyết ngon là khi bạn chọn con phải lớn vừa ăn vì nếu nhỏ lúc luộc sò sẽ bị teo lại, còn to quá thì dễ bị dai.
Sò tươi thường thò lưỡi ra ngoài
Sò còn tươi khi nhìn trên rổ thấy nhiều con đang thò lưỡi ra ngoài. Nếu sò ngậm miệng, bạn lên ngửi sò vì sẽ có mùi hôi không nên mua.
Ngao
Khi mua nên chọn những con vỏ còn cứng, và đóng chặt miệng. Dùng tay tách thử vỏ ngao, nếu có thể dễ dàng tách chúng ra tức là ngao chết. Cũng có những con ngao còn sống mà miệng của chúng lại mở ra. Lúc này, dùng tay chạm vào chúng, nếu thấy ngao di chuyển hoặc miệng khép lại, tức là ngao còn tươi sống.
Ốc
Ốc ngon có mày nằm sát bên ngoài, khi đụng tay vào, mày khép lại. Ngược lại, mày thụt sâu vào trong là ốc không ngon. Ốc chết có mùi rất khó chịu.
Mẹo chữa hóc xương cá
Mẹo chữa dị ứng thời tiết
Mẹo chữa rát cổ họng không cần dùng thuốc Tây
Mẹo chữa ho cho bà bầu
Mẹo chữa hen phế quản đơn giản hiệu quả
(ST)