Những món ăn đặc sản của Đồng Tháp

seminoon seminoon @seminoon

Những món ăn đặc sản của Đồng Tháp

19/04/2015 02:08 PM
439

Đồng Tháp Mười đẹp xinh đón chào khách phương xa bằng những cánh rừng tràm bạt ngàn, những hồ sen mênh mông, những vườn cò thanh bình, sân chim vời vợi đầy hoang sơ của miệt vườn đặc sắc.

Hồn hậu đặc sản Đồng Tháp

Không chỉ được tận hưởng vẻ đẹp của thiên nhiên kỳ thú, tìm hiểu lịch sử qua một loạt các di tích như thế, đến đây, chúng ta còn có cơ hội được thử những món ngon đặc sắc đầy hương vị đồng quê.

Bánh phồng tôm Sa Giang

Đồng Tháp Mười cò bay thẳng cánh/Nước Tháp Mười lóng lánh cá tôm”. Chính từ tôm cá thiên nhiên ban tặng, người dân Sa Giang, Đồng Tháp đã chế biến ra loại phồng tôm ngon bậc nhất.

Cũng là bột, thịt tôm xay nhuyễn và một ít hạt tiêu giã nhỏ, cộng thêm vài thành phần nguyên liệu khác, nhưng phồng tôm Sa Giang - món ngon Đồng Tháp này vẫn cứ nổi bật và khiến người ta chú ý nếu đã thử qua một lần.

Nó không bị cứng, dai mà trở nên giòn, xốp. Cắn một miếng, thấy tan trong miệng với hương tôm thơm, béo ngậy và cay cay rất tuyệt vời. Bánh phồng tôm ăn không cũng ngon, ăn chơi cùng các món gỏi càng đậm vị.

Hồn hậu đặc sản Đồng Tháp - 1

Phồng tôm Sa Giang kết hợp với món khác cũng ngon, mà ăn chơi mình nó cũng tuyệt! (Ảnh: Internet)

Chẳng thế mà nó đã được quảng bá rộng rãi, có mặt khắp nơi và ngày nay còn trở thành một trong những mặt hàng thực phẩm xuất khẩu rất được ưa chuộng.

Chơi Đồng Tháp, không mấy ai không mang theo về làm quà cho người thân, bạn bè món bánh dễ chế biến, ngon lành và dễ ăn này.

Nem Lai Vung

Không phải là vùng duy nhất làm nem ở Đồng Tháp, nhưng Lai Vung tự tạo cho nó thành thương hiệu bởi duy trì được nghề nem truyền thống với những “bí kíp” riêng. Làng nghề này đã có trên 60 năm nay và ngày càng nổi tiếng.

Hồn hậu đặc sản Đồng Tháp - 2

Nem Lai Vung “chua mà ngọt, thơm nồng mà say” (Ảnh: Internet)

Nem Lai Vung - món ngon Đồng Tháp làm từ thịt và bì heo như nhiều nơi khác. Cũng có các gia vị như tiêu, ớt, tỏi được bọc trong những lớp lá chuối xanh mướt, nhưng nem ở đây lại thơm ngon đặc biệt. Đến nỗi có câu ca dao cứ truyền đi như một niềm tự hào: “Lai Vung là xứ lạ lùng/ Nem chua mà ngọt, thơm nồng mà say”.

Mỗi miếng nem là chắt chiu của bao nhiêu công sức người làm, qua các công đoạn phức tạp, nghiêm ngặt với tỉ lệ thịt, bì, gia vị riêng, đảm bảo cân đối, hài hòa. Vì thế, xưa kia, nem chỉ được làm khi nhà có tiệc, giỗ, lễ tết, cúng kiếng mà thôi.

Theo thời gian, nem Lai Vung theo chân người ra khỏi Đồng Tháp, đến với nhiều vùng đất và trở thành đặc sản mà ai khi đến đây cũng phải tìm mua để nếm, để làm quà, để lưu luyến vị chua chua, ngọt ngọt, cay nồng đặc trưng của nó.

Chuột đồng, chuột cống nhum Cao Lãnh

Nghe nói đến chuột, hẳn nhiều người, đặc biệt là các chị em le lưỡi lắc đầu. Nhưng  vđến Cao Lãnh mà chưa ăn món này thì đúng phí cả chuyến đi. Bạn cứ nghĩ thịt chuột đồng, chuột cống nhum ở đây cũng như thịt ếch, thịt gà ở các nơi khác thôi, bởi nó cực kỳ nổi tiếng và phổ biến.

Chuột có nhiều cách chế biến khác nhau : chuột xào lăn, xé phay, chuột nướng, chuột xối mỡ, chiên rôti, luộc cơm mẻ, thịt chuột bằm nhỏ xào sả ớt gói với rau sống và bánh tráng… Mỗi món là một hương vị khác nhau nhưng tựu chung là ngon khỏi nói. Người ta vẫn quen với câu: “Cần chi cá lóc cá trê, thịt chuột thịt rắn nhậu mê hơn nhiều” là vì thế.

Hồn hậu đặc sản Đồng Tháp - 3

Chuột đồng khiến các ông hay nhậu thòm thèm, còn các chị em dè dặt gật đầu khen ngon (Ảnh: Internet)

Người ta hay nướng chuột tươi trên than hồng bằng cách ướp tỏi và rượu đơn giản. Sau đó, cứ thế cho lên bếp đều lửa, nướng đến khi chín vàng là được. Chuột nướng xong cho vào đĩa có lót sẵn rau răm, rau thơm, dọn ra chấm với nước mắm dằm xoài hoặc muối tiêu chanh.

Cầu kỳ hơn một chút là chuột quay lu. Chuột làm sạch, ướp với một hỗn hợp gồm hơn chục loại gia vị khác nhau rồi cho vào lu quay đến gần chín thì quết thêm mật ong phía ngoài. Khi chuột vàng dậy, phồng lên là được.

Thịt chuột nướng lu ngon ngọt, cực kỳ thơm. Món này hợp nhất với rau càng cua trộn giấm và cà chua, chấm nước mắm dằm xoài sống, nhâm nhi với rượu thuốc hoặc mật ong.

Cá lóc nướng trui cuốn lá sen non

Cá lóc phương Nam có mặt ở khắp các ao, đầm, lạch… nhỏ nhỏ nhưng thịt chắc, thơm là nguyên liệu tuyệt vời sáng tạo ra nhiều món ngon của người dân bản địa. Món ăn chất chứa tinh hoa của miệt sông nước, đậm chất Đồng Tháp là cá lóc nướng trui cuốn lá sen non.

Hồn hậu đặc sản Đồng Tháp - 4

Cá lóc nướng trui cuốn lá sen non là món ăn quy tụ đủ vị của đất trời miệt vườn Nam Bộ (Ảnh: Internet)

Cá lóc tươi vừa bắt lên được làm sạch qua rồi cứ thế nướng sao cho cá chín đều, không bị khét cháy. Cá nóng hổi, cho ra khỏi bếp rồi xẻ làm đôi, rắc lên ít hạt đậu phộng rang, rưới  thêm chút mỡ hành. Cá ăn cùng lá sen non còn ngậm sương, cuốn chặt lại, tươi roi rói và nước mắm me.

Khi ăn, dùng lá sen để cuốn rau thơm, dưa leo, khế chua, giá đỗ, bún tươi cùng với cá lóc chấm cùng mắm me.

Giữa cảnh trời sông nước, cò bay, gió hát mà được thưởng thức vị ngọt ngon của thịt cá hòa cũng bùi bùi đậu phộng, beo béo mỡ hành, mướt mát rau thơm, và chua chua mặn mặn mắm me, cùng với mùi thơm mát lá sen quả như thời gian ngừng trôi. Chỉ một món ăn thôi, nhưng cứ như đang cảm nhận hết cả đất trời miệt vườn Nam Bộ vậy.

Hủ tiếu Sa Đéc

Ngoài làng hoa Sa Đéc - món ngon Đồng Tháp nổi tiếng, nơi đây còn có món hủ tiếu được lòng bao khách đến, đi. Hủ tiếu Sa Đéc có nước dùng ngọt thơm xương heo, bánh hủ tiến dai, trắng tươi, mềm mịn.

 Hồn hậu đặc sản Đồng Tháp - 5

Rất nhiều thành phần tạo nên tô Hủ tiếu Sa Đéc ngon, lạ và “đáng của” (Ảnh: Internet)

Không chỉ có thịt heo, đầu bếp còn cho vào tô hủ tiếu thịt nạc băm, chả vàng, tim, gan, phèo... được làm kỹ, nóng hổi, ngon lành. Phía trên cùng là hành lá xắt nhuyễn với mấy cọng ngò xanh non. Đặc biệt, tô nào cũng có “tăng xại” - cải xắt nhỏ ướp hương vị đặc trưng của người Hoa.

Mỗi phần hủ tiếu được phục vụ kèm đĩa giò cháo quẩy, rau sống gồm giá, hẹ, cần tây và xà lách. Ngoài ra, còn có xì dầu, lọ ớt sừng trâu xắt lát ngâm giấm. Khi ăn, khách trộn tất những thành phần ấy lại rồi từ từ thưởng thức, sẽ thấy hủ tiếu Sa Đéc quả thật đáng đồng tiền bát gạo.

Khô cá lóc

Khác với món cá lóc nướng trui, cá lóc làm khô phải là những con to. Sau khi làm sạch, cá lóc được xẻ thịt, bỏ đầu, bỏ xương, ướp các loại gia vị: muối, ớt, bột ngọt… rồi đem phơi. Kỹ thuật phơi như thế nào thì người làm giữ riêng cho mình bí quyết.

Do vậy, khô cá lóc rất nhiều nơi có nhưng không phải chỗ nào cũng ngon được như ở Đồng Tháp.

Hồn hậu đặc sản Đồng Tháp - 6

Khô cá lóc dù chiên, nướng hay làm gỏi cũng đều ngon và nhiều hương vị (Ảnh: Internet)

Khô cá thường dùng để ăn dần. Dù để lâu nhưng hương vị thơm ngon thì không đổi. Người ta có thể chế biến thành nhiều món khác nhau, nào chiên, nào nướng, thậm chí còn làm nên các loại gỏi như gỏi xoài, gỏi lá sầu đau… Cá lóc khô ăn cùng nước mắm me dằm ớt hay mắm xoài rất đưa cơm.

Món ăn dung dị thế thôi nhưng khiến người đi xa nhớ mãi, người mới ăn sẽ thèm khi nghĩ đến.

Ngoài ra, Đồng Tháp còn rất nhiều đặc sản khác chờ du khách đến và tự khám phá, đó là rượu sen, quýt hồng Lai Vung, quýt đường Hòa An, xoài Cao Lãnh, bánh xèo…


Theo eva.vn

Ốc treo giàn bếp

Ốc treo giàn bếp đặc biệt nhất là ốc lác. Hiện nay nhiều hộ ở xã Vĩnh Thạnh, huyện Lấp Vò có phong trào mua ốc lác về nuôi bằng cách dùi những con ốc lác xuống lớp đất mỏng (còn gọi là ốc dùi), sau 3-4 tháng cho thu hoạch, giá cao gấp đôi ốc thường. Ốc lác treo giàn bếp thường lựa loại to, khi cần sử dụng con nào cũng mím miệng cạy khó ra, mình ốc có màu xám như đang thiếu nước. Chuẩn bị cho một buổi tiệc, sau khi rửa sạch hết bụi bặm, ta sắp ốc vào một nắp khạp có chứa sẵn nước quậy trứng gà cho ốc uống; những con ốc nghe có nước bắt đầu cục cựa, há miệng, quơ râu uống nước.

Ốc treo giàn bếp

Khoảng 20 phút khi ốc đã uống hết nước, ta bắt từng con vạt đít, cho vào nồi có sẵn một lớp sả, chút muối và đổ thêm ít nước, đun chừng mười phút thì sôi, các con ốc đã há miệng. Bưng nồi ốc đảo đi đảo lại vài lần cho đều rồi đặt lại bếp độ vài phút là ốc chín.Thưởng thức món ốc lác treo giàn bếp phải từ từ, thịt ốc vừa mềm vừa mập, vừa ngọt, vừa cay của vị ớt lại thơm nồng của sả, thật không thể tả nổi. Ai đã từng thử món ốc treo giàn bếp sẽ nhớ mãi hương vị đặc trưng của nó. 

Cá lóc nướng trui

Cá lóc rửa sạch, lựa con chừng 1 kg là vừa, thịt cá vừa ngọt, thơm, lại dễ nướng. Xiên một thanh trúc hoặc thanh tre tươi vót sẵn từ miệng cá cho đến đuôi. Nhiều khi nguời ta còn dùng dao chặt bỏ phần đuôi cá vì như vậy thì khi nướng chín phần bụng và xương cá sẽ không bị ứ máu, thịt cá sẽ không tanh khi để nguội. Sau đó cắm những thanh tre đã xiên cá xuống đất và phủ rơm khô lên, người nướng cá “có nghề” phải lượng sao cho rơm vừa đủ để khi rơm vửa tàn thì cá cũng vừa chín. Rơm dư thì cá khét hoặc chín quá, mất ngọt; rơm thiếu thì cá lại nhão, tanh v.v. 

Cá lóc nướng trui
Cá chín, đặt nguyên con lên tàu lá chuối, cạo bớt lớp vảy cá bị cháy, xẻ lằn dài theo bụng cá, mở ra làm đôi là ăn được. Lấy miếng cá còn bốc khói cuốn với bánh tráng, rau sống, chấm vào nước mắm hoặc mắm nêm, bạn sẽ thấy thật sướng miệng khi mùi thơm, vị ngọt béo của cá hoà lẫn với các hương vị của khế chua, chuối chát, ăn hoài không ngấy.

Chuột đồng Đồng Tháp

Một trong những món ăn đặc sắc nhất của vùng đất này là món thịt chuột. Món ăn này đã thân thuộc đến mức đi vào câu ca dân gian “Có chuột nào ngon bằng chuột Cao Lãnh/ Có gái nào bảnh bằng gái Nha Mân”. Hiện nay, thịt chuột ở Cao Lãnh, Đồng Tháp vẫn được giới sành ăn đánh giá là một trong những đặc sản được xếp vào hàng “độc chiêu” của miền Tây. Đặc biệt là các món thịt chuột quay lu, chuột nướng, chuột hấp cơm... 


Thịt chuột Đồng Tháp

Món chuột này ăn rất béo, thịt thơm ngon không kém gì thịt nai rừng nên người miền Tây gọi thịt chuột là “nai đồng quê” . Món này dùng kèm với muối tiêu chanh và rau răm, chuối chát, cà chua, dưa leo mới đúng điệu

Rắn Đồng Tháp

Dồi rắn chắc chắn là món đặc biệt vì “không phải ai muốn ăn cũng được”. Đặc biệt, bởi chỉ mùa nước nổi mới có, bởi hương vị lạ lùng không bất kỳ món ăn nào. Cùng với chuột, cá, rắn ở Đồng Tháp Mười vào mùa nước nổi nhiều vô kể. Nào là rắn hổ, rắn ri voi, rắn hổ hành đến rắn bông súng, rắn nước,... nhưng để làm món dồi rắn người dân thường chọn rắn bông súng và rắn nước để chế biến.

Rắn Đồng Tháp

Thịt rắn chưa chế biến
Rắn bắt về, thui hoặc trụng nước nóng cho tróc vảy, rút ruột, rửa sạch bụng để ráo nước, rồi lột da. Thịt rắn bằm nhuyễn, nêm chút gia vị, tiêu, bột ngọt. Phần nguyên liệu này sau đó được dùng để dồn vào phần da rắn cho đến khi căng tròn, rồi dùng dây buộc kín hai đầu hoặc có thể phân thành từng đoạn.

Cơm gói lá sen

Cơm nấu bằng gạo huyết rồng với hột sen hấp chín và muối mè, gói trong chiếc lá sen, có thể dùng cho 2 tới 4 người ăn. Ấn mũi dao rạch ba đường vuông góc, vén tấm lá sen lên, sẽ thấy muối mè và hạt sen nổi bật cái màu trắng trên nền cơm đỏ sậm. Cơm ngon, càng nhai càng có vị ngọt và bùi, lại càng bùi béo nhờ tinh chất hột sen và mè tan hòa trong nước bọt.
Cơm gói lá sen

Mùi thơm từ sen khiến cơm có hương vị rất riêng

Cơm rang nóng cùng một chút thịt, lạp xường, hạt sen, trứng... được gói vào lá sen khi mới trút từ chảo xuống. Hương thơm của cơm rang hòa trộn cùng hương sen phảng phất khiến miếng ăn trở thành kỷ niệm khó quên. Và thực khách có thể cảm nhận cả mùa thu qua hương thơm của tấm lá sen già, sợi rơm nếp và từng hơi thơm ngạt ngào của món ăn hết sức tuyệt vời
này.


Theo vietnamnet.vn


Những món ăn đặc sản của SaPa
Những món đặc sản của Đà Lạt
Các loại bánh đặc sản Hà Nội
Những món đặc sản Thanh Hóa
Món ăn đặc sản Quảng Ngãi



(ST)
Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý