Đây là những món ăn đặc trưng của văn hóa ẩm thực của Tiền Giang. Nó thể hiện rất rõ nét tính hoang dã và hào phóng của vùng sông nước.
Nấu mẳn
Đây là một trong những món ăn đặc trưng của văn hóa ẩm thực vùng đồng bằng sông Cửu Long. Nó thể hiện rất rõ nét tính hoang dã và hào phóng của vùng đất mới. Không là kho, không là canh, nó nằm giữa hai món đó.
Món canh chua quá cầu kỳ đối với cuộc sống người lưu dân trong ngày mùa bận rộn. Món nấu mẳn, các loại cá trắng không phải đánh vảy, chỉ cần rửa sạch là được. Gia vị cũng đơn giản: muối ớt, hành lá, chanh hoặc giấm. Đơn giản, nhưng đáp ứng được các yêu cầu: ngon, đủ dinh dưỡng cho cơ thể.
Một rổ rau dại gồm ngọn cóc kèn, ngổ đồng, kèo nèo... Một chén nước mắm trong (không pha chế) dằm ớt. Khi mọi người đã tề tựu quanh mâm, người nội trợ mới bắt đầu múc món ăn chủ lực ra chiếc tô to và vắt vào mấy lát chanh. Nước đang trong veo bỗng chuyển sang mầu trắng sữa, rất đẹp. Những lá hành xanh mát. Vài mảnh ớt đỏ nhởn nhơ. Và ngay lúc ta đang ngắm thì một mùi thơm của sự hòa hợp dậy lên nồng nàn, vị ngọt của thịt cá lẫn trong hơi muối đậm đà và hương chanh thoang thoảng làm dịu hẳn không gian buổi trưa hè oi bức.
Nấu mẳn giờ đã khác xưa nhiều lắm. Cá thác lác nay không để nguyên con mà đã bào thịt nhuyễn, vo viên. Cá cơm đôi khi cũng bằm, giã, vo viên. Đĩa rau sống đã nâng cao và định hình: cây chuối non và bắp chuối xắt ghém, giá sống và các loại rau thơm như húng lủi, húng cây, quế. Vẫn là chén nước mắm trong ngày xưa, nhưng ớt thì xắt nhỏ.
Nấu mẳn không chỉ thích hợp với mùa nóng bức, với người lao động cật lực, mà nó cũng rất ăn ý với tiết trời trở gió heo may và những chủ nhân đang nhàn nhã.
Hủ tiếu Mỹ Tho
Nói đến hương vị ở miền Bắc, điển hình như Phở, người ta không thể nào quên ngòi bút của Nguyễn Tuân, Vũ Bằng từ vài thập niên trước..., còn Mì Quảng là món mì của đất Quảng Nam, Cao Lầu là món quà quen thuộc của phố cổ Hội An. Riêng Hủ Tíu Mỹ Tho thương hiệu đặc sản của đất Tiền Giang - thì luôn được xem là món ăn ngon, no bụng thay cơm và bây giờ có thể nói nó là một trong những món phổ biến, chu du khắp mọi nơi trên đất nước ta và ra cả nước ngoài! Cũng như bún bò, phở hay các loại hủ tíu khác, hủ tíu Mỹ Tho gồm ba thành phần chính: sợi bánh bằng bột gạo, thịt và nước lèo. Sức hấp dẫn của hủ tíu Mỹ Tho tùy thuộc vào tất cả các thành phần đó. Không thể nào có được một tô hủ tíu ngon lành khi sợi bánh và thịt thì tuyệt hảo mà nước lèo lại nhạt thếch, hay nước lèo thì thanh dịu đậm đà, thịt mềm ngọt thơm mà sợi bánh lại mủn nát, gãy vụn rời rạc. Để có một tô hủ tíu Mỹ Tho ngon lành cần phải hội đủ các điều kiện:
Trước hết là sợi bánh. Ngày xưa, bánh hủ tíu Mỹ Tho chính hiệu con nai vàng phải được làm từ gạo thơm Gò Cát, trồng tại xã Mỹ Phong. Gạo Gò Cát còn là nguyên liệu làm bún, bánh tráng, bánh nghệ nổi tiếng trong vùng hơn nửa thế kỷ nay. Hủ tíu ngon thường là bánh khô. Khi nấu, chúng được nhúng sơ qua nước sôi cho mềm và tươm thêm ít mỡ hành phi. Khi đó, sợi bánh hơi dai, hương vị thơm béo, khi nhai sẽ tạo thêm hứng thú thưởng thức thực phẩm.
Kế đến là nước lèo (nước dùng). Hủ tíu, phở và hầu hết họ nhà bún... đều là các món canh độc lập. Nghĩa là ăn riêng, ăn một mình, không phải đóng vai tùy tùng của cơm như canh chua, canh rau. Hủ tíu ngon hay không tùy thuộc việc pha chế nước lèo. Thùng nước lèo chứng tỏ tài nghệ của người thợ nấu hay đầu bếp. Tuyệt kỹ pha chế nước lèo của các lớp đầu bếp trứ danh ngày xưa đã định giành cho hủ tíu Mỹ Tho một trong những vị trí hàng đầu bên cạnh các món quà trứ danh khác. Người ta không thể quên những người mở đường khai sinh cùng lớp kế thừa đã dương danh cho hủ tíu đất Mỹ Tho như Phánh Ký, Nam Sơn, Tuyền Ký, và nay đã lan khắp hang cùng ngỏ hẽm, thậm chí vào cả các nhà hàng lớn với những biến tấuuuu riêng tùy theo bí quyết người nấu.v.v...
Chè Sơn Qui
Theo Quốc lộ 50, từ TP.HCM về Gò Công (Tiền Giang), đến đoạn Tân Trung – Lăng Hoàng Gia, du khách sẽ bắt gặp nhiều quán chè nằm san sát hai bên đường. Đó là “quê hương” của món ăn đặc sản nức tiếng vùng này: chè Sơn Qui.
Sơn Qui là địa danh do vua Tự Đức đặt, thay cho tên cũ là Gò Rùa (giồng đất cát có hình con rùa), cách nội ô Thị xã Gò Công khoảng 4 cây số. Đây từng là lãnh địa của gia tộc Từ Dũ thái hậu – vợ vua Thiệu Trị và là mẹ vua Tự Đức – nơi có làng nghề đóng tủ thờ đã nổi danh và món mắm tôm chà (ngày nay gọi là mắm tôm Huế) ngon tuyệt mà hoàng thái hậu thường cho thuyền buồm mang ra Huế cho vua ngự thiện. Và không hiểu có mối duyên tơ nào khác, vùng đất tới giờ vẫn còn là vùng nông thôn hẻo lánh của nơi đây lại có món chè gia truyền gắn liền với địa danh Sơn Qui – từng là đại bản doanh của Bình Tây Đại nguyên soái Trương Định.
Theo ông Tư Lình (ảnh), một trong những chủ quán nổi tiếng, sống bằng nghề này từ hơn 40 năm nay: “Chè Sơn Qui làm rất công phu. Để tạo hương vị riêng, mỗi gia đình có cách thức chế biến hơi khác nhau. Thông thường muốn có chè bán cữ sáng, người ta phải “cụ bị” (thức dậy sớm) từ 3 giờ khuya. Dù vậy, mỗi đợt thành phẩm không quá hai chục ly”. Nhiều người còn cho biết thêm, bán chè này không được “nôn ăn” hay nấu chảo đụng như những loại khác. Vậy mà không cần tiếp thị ồn ào hay tiếp viên xinh đẹp mời chào, vào những tháng từ giáp Tết cho tới ra Giêng, có gia đình tiêu thụ tới ba trăm ly chè trong một ngày.
Bí quyết gắn liền với nồi cơm nên ít ai chỉ vẽ tỉ mỉ. Song qua tìm hiểu và quan sát thực tế, được biết: chè Sơn Qui được pha chế bằng một số loại vật liệu cơ bản như đường cát trắng, đậu xanh quết nhuyễn cùng đậu thạch để nguyên hạt. Đậu thạch trái to như đậu ngự dành cho vua ăn nhưng nó trồng bằng đất cát pha của vùng này – được “rim” theo kiểu nào đó. Ngoài ra còn có thành tố quan trọng khác là đậu phộng rang “áo” bột củ năn, trong như hột lựu… Mỗi thứ đều để riêng. Khi dùng, người ta cho từng loại với những tỉ lệ nhất định, xong rưới lên một ít nước cốt dừa. Ăn nóng hay lạnh tùy theo sở thích. Khi dùng, nhai chậm rãi, thỉnh thoảng bắt gặp những “hạt lựu” và đậu tạo cảm giác lạ miệng.
Chè Sơn Qui không đơn thuần là món ăn chơi của các nam thanh nữ tú đi vãn cảnh, mà với nhiều thành phần bổ dưỡng, nó còn được người địa phương dùng làm điểm tâm. Thậm chí những ai đi lỡ đường, lỡ bữa, xa chợ, ăn chè Sơn Qui cũng… vững bụng.
Có dịp về Gò Công, ngang qua Sơn Qui, nếu tiện đường nghỉ chân, mời bạn ghé chơi. Chắc không đến nỗi thất vọng! Có điều xin đừng thắc mắc khi thấy có thực khách “khề khà” một lúc… hai, ba ly. Bởi chè Sơn Qui tuy ngon miệng nhưng giá khá “mềm”, chừng 1.000 đồng/ly. Chính vì vậy mà món ăn dân dã này chưa bị thất truyền.
Chuối quết dừa
Món ăn dân dã nhưng là đặc sản của người dân sông Tiền. Đó là món ăn "tuyệt cú mèo" được chế biến từ chuối sứ.
Đầu tiên, lấy một thau nước to, vắt vào mấy trái khế chua rồi xẻ đôi trái chuối theo chiều dọc và tách bỏ vỏ ngâm ruột vào nước cho trắng. Xong rửa sạch mủ, vớt ra rửa lại cho thật sạch. Cho chuối vô nồi nấu đến khi sôi, mỡ nắp nhìn thấy ruột chuối chuyển sang màu vàng và hương thơm bay bát ngát. (Nhưng tốt hơn bạn nên ăn thử một mẫu nhỏ xem có còn chát hay không). Với chuối ra cho ráo nước. Lúc này, nhìn những miếng chuối thơm ngát vàng lườm cũng đã hấp dẫn lắm rồi nhưng xin bạn thư thả cho ít phút nữa để nạo thêm một trái dừa rám rồi cho lẫn chuối và dứa vào cối giã sơ qua (chú ý đừng để chuối nát quá).
Bây giờ, là luc trổ tài pha nước mắm bằng chanh, tỏi ớt cùng nước dừa xiêm sao cho chua chua, mằn mặn mà lại có vị ngọt thanh. Chuẩn bị rau sống có sẵn trong vườn nhà như đọt săng máu, đọt điều, càng cua, rau má cùng dấp cá, húng lủi, ngò gai..., nói chung tất cả các lọai rau mọc trong vườn nhà đều có thể dùng được cả.
Để món ăn thêm hấp dẫn, có thể rắc lên mặt đĩa chuối quết dừa một ít đậu phộng rang vàng giã to. Và cuối cùng, một ít rau đủ lọai để lên miếng bánh tráng, kèm theo một ít nhân là chuối quết dừa chấm nước mắm chua ngọt, ngồi ăn trong một gian nhà lá bên bờ sông vắng lặng vào một buổi trưa đầy gió mát, dịu dàng hương bưởi, hương cau thì có lẽ chẳng có cao lương mỹ vị nào có thể sánh bằng, phải không các bạn?
Những món ăn đặc sản của SaPa
Những món đặc sản của Đà Lạt
Các loại bánh đặc sản Hà Nội
Những món đặc sản Thanh Hóa
Món ăn đặc sản Quảng Ngãi
(ST)