Tiêu chảy là tình trạng rối loạn đường ruột với biểu hiện là đi ngoài, phân lỏng liên tục và kéo dài. Nguyên nhân là do các loại vi khuẩn đường tiêu hóa có trong môi trường sống, thâm nhập vào cơ thể người thông qua thức ăn, nước uống bị ô nhiễm.
Đây là tình trạng điển hình của việc “bệnh vào từ đường miệng”. Hãn hữu có trường hợp luôn ăn sạch nhưng do bữa ăn có nhiều đồ lạ với quá nhiều chất đạm, chất mỡ nên cơ thể cũng không “tiêu hóa” được mà phải “tống ra” qua tình trạng tiêu chảy.
Ảnh hưởng
Người bị tiêu chảy thường có triệu chứng lâm râm đau bụng vùng quanh rốn, đôi khi cũng có thể bị đau dữ dội và trong mỗi cơn đau lại mót đi ngoài phân lỏng (đi tiêu hay đi cầu). Cùng với tình trạng đi tiêu nhiều lượt, người bệnh có thể bị nôn mửa.
Đặc biệt, khi tiêu chảy do vi khuẩn tả, số lần đi tiêu và nôn mửa rất nhiều khiến cơ thể kiệt nước, suy sụp rất nhanh, nếu không được điều trị kịp thời rất dễ tử vong.
Phụ nữ đang mang thai khi mắc tiêu chảy thường bị nặng hơn các trường hợp bình thường và mức độ nguy hiểm cũng cao hơn. Ngoài tác hại đối với cơ thể mẹ, thai trong bụng cũng chịu ảnh hưởng xấu, có thể bị suy dinh dưỡng, chậm phát triển và nặng hơn nữa có thể làm thai chết trong bụng mẹ.
Khắc phục
Bà Bầu không nên coi thường tiêu chảy, cần đi khám càng sớm càng tốt để được điều trị đúng thuốc, đúng liều lượng và đủ thời gian cho nhanh khỏi bệnh. Không nên tự mình mua thuốc uống hoặc dùng thuốc do mách bảo của những người không có chuyên môn vì nhiều loại thuốc điều trị tiêu chảy có thể gây hại cho thai.
Trong lúc chưa thể đến cơ sở y tế khám bệnh, người bị tiêu chảy có thể liên tục uống dung dịch Oresol. Đây không phải thuốc diệt vi khuẩn đường ruột mà là thuốc chống tình trạng kiệt nước cơ thể do tiêu chảy gây ra, có thể dùng cho mọi trường hợp mang thai bị tiêu chảy.
Khi dùng phải pha đúng liều lượng, không được pha đặc quá, sẽ nguy hiểm. Đây là loại thuốc được đánh giá rất cao trong việc cứu sống nhiều trường hợp tiêu chảy nặng trên thế giới.
Phòng bệnh
Các bà mẹ đang mang thai cần giữ gìn vệ sinh ăn uống, luôn thực hiện “ăn chín, uống sôi”, không ăn rau sống, quả xanh, thức ăn sống như tiết canh, nộm hay thịt tái,… Không ăn uống ở những nơi không đảm bảo vệ sinh như ngoài đường, ngoài chợ.
Trong gia đình, thực phẩm chế biến xong cần được ăn ngay, không để lưu sang ngày khác. Dù có đun nấu lại các thức ăn này để diệt vi khuẩn, nhưng vẫn có thể tồn tại các chất độc (độc tố) của vi khuẩn tiết ra trong thức ăn nên vẫn gây bệnh được.