Không chỉ gây đau đớn, chuột rút đôi khi có thể khiến mẹ bầu bị ngã có thể sẽ gây nguy hiểm cho thai nhi. Có thể làm gì để ngăn ngừa chuột rút khi mang thai?
Nguyên nhân gây chuột rút
Thực ra thì cho tới nay vẫn chưa có một nghiên cứu nào tìm ra được nguyên nhân khiến phụ nữ hay bị chuột rút hơn khi mang thai. Nguyên nhân dẫn đến chuột rút có thể là do các cơ chân phải làm việc quá sức để nâng đỡ trọng lượng cơ thể đang dần tăng của mẹ bầu trong thai kỳ.
Chuột rút có thể bắt đầu gây khó chịu cho mẹ bầu từ tháng thứ 3 của thai kỳ, những cơn đau sẽ càng khiến mẹ khó chịu hơn khi bé ngày một lớn dần lên. Những cơn đau do chuột rút có thể xảy ra cả ngày lẫn đêm nhưng nó thường xuất hiện vào ban đêm nên dễ gây ảnh hưởng đến giấc ngủ.
Làm thế nào để tránh được chuột rút khi mang thai?
Mẹ bầu có thể thử những cách sau để tránh chuột rút trong thai kỳ:
Tránh đứng hoặc ngồi ở một tư thế quá lâu.
Co duỗi các bắp chân thường xuyên vào ban ngày và một vài lần vào buổi tối trước khi đi ngủ.
Xoay tròn mắt cá chân và các ngón chân lúc xem tivi hoặc trong lúc ăn tối.
Đi dạo hàng ngày trừ khi bác sĩ yêu cầu thai phụ không được luyện tập trong những trường hợp đặc biệt.
Tránh làm việc mệt nhọc
Nằm nghiêng bên trái để máu dễ lưu thông giữa thân và chân.
Tắm nước ấm trước khi đi ngủ.
Một số nghiên cứu cho thấy việc bổ sung ma giê từ thuốc bổ tổng hợp cho phụ nữ mang thai có thể giúp bà bầu tránh khỏi chuột rút. Tuy thế, một số nghiên cứu khác lại cho thấy tác dụng của ma giê là không đáng kể. Vì thế trước khi sử dụng bất cứ loại thuốc bổ nào hãy hỏi ý kiến bác sĩ và đảm bảo nó không ảnh hưởng đến sức khỏe của con.
Làm thế nào để giảm đau do chuột rút?
Nếu bạn bị chuột rút ngay lập tức hãy tìm cách kéo căng các bắp chân bằng cách duỗi thẳng chân, bắt đầu từ gót chân ép bàn chân và nhẹ nhàng uốn các ngón chân cong về phía ống quyển. Những động tác này ban đầu sẽ khiến bạn khá đau nhưng nó sẽ giúp làm giảm cơn co thắt, cơn đau sẽ dịu đi trong giây lát.
Sau đó, mẹ có thể mát xa các cơ bắp ở chân và đùi, làm nóng các cơ bắp bằng túi chườm và đi loanh quanh để thư giãn sẽ dễ chịu hơn rất nhiều.
Hãy đi khám nếu cơn đau không thuyên giảm hoặc nếu thấy chân sưng, tấy đỏ, dễ kích ứng hoặc có cảm giác nóng bừng ở vùng bị đau. Đó có thể là dấu hiệu của bệnh huyết khối và cần phải điều trị ngay. Huyết khối là bệnh khá hiếm song nó vẫn thường xảy ra ở thai kỳ.