“Các bệnh nhân tùy theo mức độ bị kiến đốt mà có tổn thương khác nhau. Bệnh nhân đến điều trị sớm thì sau vài ngày các vết thương trên da sẽ khỏi, nếu đến muộn phải điều trị dài hơn”, BS Nguyễn Kim Sơn, BV Bạch Mai cho biết.
Đâu đâu cũng có kiến ba khoang
Liên tục trong thời gian qua, không chỉ người dân Thừa Thiên Huế hoang mang vì bị kiến ba khoang đốt, khiến da bị viêm loét, phồng rộp, nổi mụn nước, ngứa ngáy. Ngay tại Hà Nội, người dân cũng liên tục phát hiện những ổ kiến ba khoang trong vườn nhà, sân nhà, thậm chí ngay trong phòng ở và trên giường ngủ.
Theo phản ánh của người dân tại khu vực hồ Hoàng Cầu (Đống Đa, Hà Nội) đến Kienthuc.net.vn, nhiều người ở đây đã bị viêm da vì kiến ba khoang. Không chỉ xuất hiện trong nhà dân, loại kiến này còn được tìm thấy ở các tòa nhà công sở xung quanh khu vực hồ Hoàng Cầu.
Tại ngõ 30 đường Mai Anh Tuấn, người dân cũng phát hiện nhiều ổ kiến ba khoang. Bà Nguyễn Thị Tâm cư trú tại đây cho biết: “Khu vực này gần hồ Hoàng Cầu nên ẩm thấp, tôi đã phát hiện tổ kiến ba khoang sau khi con gái bị đốt. Lúc đầu tôi cứ nghĩ cháu bị viêm da thông thường nhưng đi khám mới biết do loại kiến này gây ra”.
Theo anh Nguyễn Văn Sơn, nhân viên văn phòng tại số 15, ngõ 30 Mai Anh Tuấn, dù đã xịt thuốc diệt côn trùng nhưng vẫn không thể diệt hết kiến ba khoang trong phòng làm việc. Một số nhân viên khác ở cơ quan anh đã bị chúng đốt rồi viêm da.
“Không khó để phát hiện loại kiến này ở cơ quan vì chúng luôn thường trực dưới chân tường, hoặc bò ngay trên bàn làm việc”, anh Sơn cho biết.
Ngoài ra, chúng tôi còn ghi nhận ý kiến của nhiều người dân về sự xuất hiện của kiến ba khoang tại các khu vực xung quanh hồ Linh Quang, khu vực Ngọc Thụy (Gia Lâm), Phú Diễn (Từ Liêm), chung cư Ngọc Khánh, khu vực Hồ Thành Công (Ba Đình)…
Khu vực hồ Linh Quang xuất hiện nhiều kiến ba khoang có thể do ô nhiễm
Thời gian qua, Trung tâm chống độc, BV Bạch Mai cũng tiếp nhận một số bệnh nhân bị kiến ba khoang đốt. Hầu hết các bệnh nhân bị viêm da giống như tổn thương khi mắc bệnh Zona. BS Nguyễn Kim Sơn, Trung tâm chống độc cho biết: "Các bệnh nhân tùy theo mức độ bị kiến đốt mà có tổn thương khác nhau. Bệnh nhân đến điều trị sớm thì sau vài ngày các vết thương trên da sẽ khỏi, nếu đến muộn phải điều trị dài hơn”.
Theo ông Ngô Văn Mát, chuyên viên phòng nghiên cứu Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương, kiến ba khoang không phải loại kiến mới xuất hiện tại Việt Nam mà đã tồn tại từ rất lâu, có mặt ở khắp các địa phương trên toàn quốc. Mùa nở rộ và hoạt động mạnh nhất của kiến ba khoang là mùa thu đông, khi người dân thu hoạch lúa.
Khi bị kiến ba khoang đốt, bệnh nhân phải đi khám ngay
Ông Mát nhận định: "Cơ thể kiến ba khoang chứa pederin, một loại độc tố cực độc. Tuy nhiên lượng độc tố truyền sang người qua vết đốt rất nhỏ nên chỉ có thể làm da nổi bọng nước, ngứa rát, khi gãi v��t thương sẽ vỡ ra, gây lở loét, dẫn tới viêm da. Đặc biệt, pederin sẽ lan nhanh khi người bệnh đập kiến trên da, khiến vùng bị thương lan nhanh và rộng. Hơn nữa, độc tố này khi tiếp xúc với da sẽ cộng sinh dính da vào khiến mức độ tổn thương tăng cao".
Vết thương sẽ lan nhanh nếu dùng tay chà kiến trên da
Theo ông Mát, khi bị ngứa, không nên gãi mạnh mà nên rửa sạch vùng bị cắn bằng xà phòng. Tốt nhất là nên đến các cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị đúng, kịp thời.
"Bệnh nhân nếu tự chữa sẽ rất nguy hiểm do điều trị không đúng cách khiến khu vực bị đốt ngứa rát, sưng, phồng rộp, loét nhiễm trùng. Nếu kiến đốt vào mắt, pederin sẽ gây bỏng mắt, dẫn tới mù nếu không điều trị kịp thời.
Nếu bị kiến đốt nhiều lần, đặc biệt là trẻ em, nên đi viện khám ngay, không nên tự ý mua thuốc về điều trị. Một con kiến ba khoang có lượng độc tố thấp, nhưng lượng độc tố sẽ tăng cao khi bị nhiều con đốt. Nếu không điều trị sớm rất dễ dẫn đến suy thận, thậm chí tử vong" - ông Mát cảnh báo.
Khi bị đốt, nên rửa sạch vùng bị cắn bằng xà phòng
Ông Mát đưa lời khuyên: "Cần phát quang bụi rậm, dọn dẹp vệ sinh và phun hoá chất lên tường, vách để diệt kiến ba khoang. Đặc biệt, nên bật đèn ở ngoài nhà, bởi kiến ba khoang ưa sáng nên sẽ tập trung theo hướng ánh sáng thay vì bay vào trong nhà. Nhà có trẻ sơ sinh thì cần đảm bảo buông màn khi ngủ".
Kiến ba khoang đuôi nhọn, có tên khoa học là Paederus fuscipes curtis (thuộc họ Staphylinidae, chi Coleoptera`).
Con trưởng thành rất thích bay vào bóng đèn, thân mình dài trung bình khoảng 7mm. Thân chúng có màu đen và cam, với đầu màu đen. Râu dài hình sợi chỉ, chân chạy nhanh, cánh ngắn đến nửa thân mình, cuối bụng nhọn có hai đuôi nhỏ. Kiến ba khoang có thể bò trên mặt nước, thích ăn côn trùng như ăn bọ hóng bay vào ánh đèn ban đêm. Vào mùa mưa chúng sẽ di trú ở nơi khô ráo hơn. Con trưởng thành có thể sống vài tháng và sinh sản ra khoảng 2 - 3 thế hệ/năm.