Phóng viên

Hoaibui2395 Hoaibui2395 @Hoaibui2395

Phóng viên

18/04/2015 10:39 AM
167

Trong nghề làm báo, viết về kinh tế là một công việc khó khăn, các bài báo nhiều khi có tác động rất lớn tạo ra những hiệu quả có ích cho xã hội song cũng nhiều khi phản tác dụng, gây tai hại khôn lường.

Với kinh nghiệm hơn 25 năm viết báo về kinh tế, trải qua hàng ngàn bài viết đã đăng tải, có bài gây được tiếng vang, được lãnh đạo và quần chúng độc giả hoan nghênh, có bài bị lãnh đạo phê bình, bị độc giả và các đối tựơng mình đề cập tới lên án, chúng tôi ngộ ra rằng: đúng nghề viết báo kinh tế là một nghề vất vả, khó khăn, lắm vinh quang nhưng cũng nhiều hệ lụy. Xin kể lại với các bạn đồng nghiệp nhiều chuyện vui buồn của một phóng viên kinh tế đã nhiều năm viết báo Sài Gòn Giải phóng.

Thấy gì viết nấy
Viết về kinh tế, nhiều phóng viên mới vào nghề cho rằng rất dễ, cứ chăm đi thực tế, bám sát cơ sở, nghe họ báo cáo đầy đủ, ghi lại trung thực là xong. Thế nhưng nếu chỉ thấy gì viết nấy, sao chép báo cáo của cơ sở thì tác động xã hội của một bài báo đâu có ra gì. Nhiều khi bài báo trở thành khô khan, chán ngắt chỉ vì nó chỉ phản ánh được một hoạt động quá tầm thường, nhàm chán của một tập thể nhỏ bé. Nhất là trong thời bao cấp, chỉ toàn tin bài viết về các nhà máy, xí nghiệp phấn đấu hoàn thành kế hoạch trên giao. Cứ theo các bài báo đã in, nơi nào cũng hoàn thành vượt mức, chỗ nào cũng làm ra sản phẩm nhanh, nhiều, tốt, rẻ… Rồi các đơn vị luôn được khen thưởng, đón nhận bằng khen, huân chương, hoặc các danh hiệu thi đua cao quý…

Có lần chúng tôi đi viết phóng sự về một đơn vị làm ăn kinh tế giỏi, biểu dương đơn vị chăm lo cho đời sống người lao động tốt, mức sống ��ược cải thiện rõ ràng… Khi bài báo in ra rồi, các công nhân, viên chức đã gọi điện về tòa soạn chê cười nhà báo chỉ biết nghe mấy ông lãnh đạo và cán bộ công đoàn “bốc thơm”, còn thật sự là ở đơn vị này “chúng tôi phải làm việc cật lực, nhưng ăn uống qua loa!”. Khi hỏi kỹ lại thì họ giải thích: “làm việc cật lực thì các anh thấy rõ rồi, còn ăn uống qua loa tức là chỉ được ăn uống qua cái loa phát thanh ba xạo của các nhà báo đó!”

Thấy gì viết nấy có khi mang lại tác hại không ngờ. Một lần nghe tin một nhà máy nọ đã sản xuất ra được một dây chuyền thiết bị tốt ngang ngửa hàng nhập mà giá thành chỉ bằng 30%-40%, đã thế các khách hàng mua lại không phải trả bằng ngoại tệ, tiết kiệm cho nhà nước thật nhiều, chúng tôi rất mừng và viết ngay một bài báo biểu dương. Bài báo ra đời chưa lâu thì có tin nhiều khách hàng trong nước mua dây chuyền thiết bị này về sử dụng cho hay nó có nhiều khuyết tật, công suất không bằng 30% công suất của dây chuyền ngoại nhập, đã thế lại hay hỏng hóc, phải sửa chữa lặt vặt tốn bạc triệu hàng ngày. Chưa hết, các nhà độc quyền sản xuất ở nước ngoài kiện chúng ta làm hàng nhái, hàng giả. Vậy là nhà báo chủ quan trở thành kẻ “nói láo ăn tiền” chẳng ai tin nữa!

Một lần kia nghe nói các mặt hàng tôm đông lạnh của ta xuất khẩu có những kẻ xấu làm gian bằng cách cắm đinh vào ruột tôm cho tăng cân, rồi có loạt tôm nuôi trong các đầm không đủ tiêu chuẩn vệ sinh, môi trường độc hại khiến “dư lượng kháng sinh quá lớn trong các sản phẩm”. Một đồng nghiệp của tôi vội vã viết bài điều tra lên án. Động cơ của người viết là tốt, có tác dụng ngăn chặn thói làm ăn gian dối, việc đòi hỏi làm hàng xuất khẩu phải đạt chất lượng cao cũng rõ ràng. Thế nhưng điều tai hại hơn đã xảy ra: các bạn hàng nước ngoài làm reo, lớn tiếng chê tôm xuất khẩu của ta độc hại, đòi đình lại hợp đồng, đòi kiểm tra gay gắt các lô hàng xuất khẩu, thậm chí đòi hạ giá tôm… Bài báo trở thành tai hại lớn, gây vất vả cho biết bao các nhà quản lý sản xuất kinh doanh liên quan phải tốn tiền bạc và thời giờ, giấy mực đi kiểm tra, khảo sát, chứng minh, thậm chí phải kiện tụng tại Tòa án quốc tế để các hợp đồng mua bán đã ký không bị hủy bỏ. Sự nhanh nhẩu đoảng của nhà báo đúng là một minh họa sinh động cho câu dạy chí lý của Lênin: “Ngu dốt cộng với nhiệt tình sẽ trở thành kẻ phá hoại!”

Ca ngợi quá lố
Sau ngày giải phóng, cả miền Nam và thành phố Hồ Chí Minh đã gặp phải nạn thiếu điện năng trầm trọng. Trên toàn khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam lúc đó chỉ có mấy nhà máy điện như thủy điện Đa Nhim, nhiệt điện Thủ Đức, nhiệt điện Trà Nóc công suất khiêm tốn cùng một số cụm phát điện diesel lại đang xuống cấp, hư hỏng liên miên. Trong hoàn cảnh đó, việc nhà nước quyết định cho tiến hành xây dựng công trình thủy điện Trị An với sự viện trợ hào hiệp của Liên Xô đã là một tin vui lớn.

Nhưng nhiều bài báo nói công trình thủy điện Trị An là công trình thủy điện vĩ đại nhất ở phía Nam, là nhà máy đầu tiên do ta hoàn toàn chủ động khảo sát, lập luận chứng kinh tế-kỹ thuật và do các nhà bác học Liên Xô thiết kế chế tạo các thiết bị hiện đại nhất…; là “chiếc chìa khóa kỳ diệu” giúp xóa đi cảnh cúp điện triền miên, rồi còn nói đây là “công trình của ý Đảng lòng dân” giúp xóa đi cảnh đói nghèo, lạc hậu, những người mua công trái, đóng góp nhiều cho thuỷ điện Trị An sau này sẽ được hưởng nguồn điện miễn phí một thời gian hoặc được giảm giá điện tiêu thụ trong nhiều tháng năm liền.

Chết nỗi nhà máy thủy điện Trị An chỉ là một nhà máy hạng trung bình, công suất thiết kế 400 MW, lại chỉ phát huy hết tác dụng trong những tháng mưa, nguồn nước dồi dào. Mùa khô nước cạn nhà máy phải giảm công suất phát điện trong lúc trời quá nắng nóng, nhu cầu sử dụng điện tăng vọt lên, cảnh thiếu điện và phải cúp điện không thể khắc phục được. Và khi nhà máy đã chính thức phát điện rồi không một ai từng đóng góp nhiều tiền bạc cho công trình được hưởng nguồn điện miễn phí hay được giảm giá điện nên người dân quay ra chửi bới, mỉa mai các nhà báo là những kẻ bịp bợm! Hỏi ra, chẳng nhà lãnh đạo nào của ngành điện hay của thành phố phát biểu hứa hẹn như thế cả.

Tuyên truyền cho việc sản xuất máy may của Nhà máy Sinco chẳng hạn là một việc làm thiếu tính toán khoa học, không lường trước được những di hại về sau. Máy may Sinco làm ra tốt thật, song cái chỉ tiêu phấn đấu mỗi gia đình có một máy may là một kiểu tính toán phi thực tế. Cổ súy cho việc sản xuất ra hàng loạt máy may lại càng có hại cho việc điều hòa nền sản xuất quốc gia. Nhà nào cũng cần một máy may để làm gì? Không lẽ chúng ta trở về nền kinh tế tự cung tự cấp, tự dệt vải, tự may áo quần hay tự vá sửa áo quần vì tiết kiệm tiền bạc? Thực tế là chỉ mươi năm sau khi báo chí tuyên truyền rầm rộ cho điển hình Sinco thì công ty đã suy sụp, phải chuyển hướng sản xuất các mặt hàng khác và ngay cả các máy may cao cấp nhập ngoại về cũng bán không chạy vì dân chẳng có nhu cầu. Vậy là báo chí đã dự báo sai, cổ súy những chuyện tào lao!

Báo chí là công cụ tổ chức, động viên tuyên truyền đầy hữu hiệu song cũng có thể là con dao hai lưỡi gây ra nhiều hệ lụy mà Nhà nước và nhân dân phải trả giá quá đắt.

Chuyện một thời các báo đài rầm rầm cổ súy cho nhà nhà nuôi trùn đất, nuôi chim cút, nuôi gà công nghiệp hoặc nuôi dê lấy sữa, nuôi ba ba xuất khẩu cũng tai hại chẳng khác gì việc hô hào các tỉnh làm xi măng lò đứng, xây dựng nhà máy đường và phát triển vùng chuyên canh mía, để lại hệ lụy lớn lao cho ngân sách nhà nước. Hàng ngàn tỷ đồng vốn đọng vào đống thiết bị nằm trùm chăn, hàng ngàn tấn xi măng chất lượng kém lưu kho hoặc bỏ cho hóa đá, nhiều công trình xây dựng xuống cấp vì sử dụng xi măng mác thấp, hàng ngàn hộ gia đình nông dân điêu đứng vì trồng mía có trữ đường quá thấp, bán giá rẻ không đủ bù sở hụi, phải chặt mía, đốt đồng để chuyển qua trồng cây khác chống đói qua ngày… không chỉ vì các chủ trương chủ quan, sai trái và áp đặt của lãnh đạo các ngành, các cấp mà còn vì sự nhiệt tình tuyên truyền quá lố, phản khoa học và không trung thực của báo chí chúng ta!

Báo chí là công cụ tổ chức, động viên tuyên truyền đầy hữu hiệu song cũng có thể là con dao hai lưỡi gây ra nhiều hệ lụy mà Nhà nước và nhân dân phải trả giá quá đắt.

Xây dựng điển hình nhầm
Nhìn lại hơn một phần tư thế kỷ qua, trong phong trào phát hiện và nhân rộng các điển hình tiên tiến, báo chí có công thật lớn nhưng cũng có nhiều... tội không nhỏ.

Các báo ở Thành phố Hồ Chí Minh và cả nước một thời đã nêu gương các điển hình năng động, làm kinh tế giỏi, đóng góp lớn cho kinh tế- xã hội nước nhà. Một số điển hình cho tới hôm nay vẫn còn là những tấm gương sáng năng động và sáng tạo đáng để cho nhiều người, nhiều nơi phải học tập noi theo. Nhưng cũng có không ít các điển hình dỏm đã trở nên những thần tượng sụp đổ gây họa lớn cho dân cho Nhà nước.

Có thể kể ngay ra đây những điển hình tai hại như “Nước hoa Thanh Hương”, “HTX Đại Thành”, “May Huy Hoàng”, “Sơn mài Lam Sơn”, “May xuất khẩu Minh Phụng”, “Công ty xây dựng Xacogiva”, “Công ty EPCO”, “Công ty xuất nhập khẩu TAMEXCO”, “Tín dụng Hòa Hưng”, “Đông lạnh Hùng Vương”, “Tập đoàn tín dụng và đầu tư của đại gia Trần Tuấn Tài ở quận V”, “Saigon Petro”… và nhiều công ty khác.

Trong khi các đại gia tự tô vẽ cho mình để lừa đảo huy động vốn của bà con, nhiều tờ báo đã có hàng loạt bài tung họ lên tận mây xanh. Có báo ca ngợi Minh Phụng là “con Rồng nhỏ phía Tây thành phố”. Có báo tung tin EPCO mở văn phòng đại diện tận bên Uùc để khuếch trương các hoạt động sản xuất kinh doanh. Có nhiều bài báo và phóng sự bằng hình ca ngợi đại gia Trần Công Tước chuyên chăm lo xây dựng cơ sở hạ tầng cho thành phố đến độ có vị lãnh đạo cao cấp đã tới thăm và biểu dương cung cách làm ăn của công ty lừa Xacogiva. Lại có nhà báo trở thành Ủy viên hội đồng quản trị của TAMEXCO hoặc nước hoa Thanh Hương hay Minh Phụng chỉ để chuyên lo việc tuyên truyền cho họ trên báo đài thành phố. Một số nhà báo ăn lương của EPCO, của tín dụng Con Gà Hòa Hưng, của May Huy Hoàng và Đông lạnh Hùng Vương, hoặc nhận chân cố vấn cho đại gia Nguyễn Đăng Quang, Giám Đốc sơn mài Lam Sơn, đại gia Trần Tuấn Tài, chủ nhiệm mù Huỳnh Là, nhà kinh doanh xuất sắc Nguyễn Mạnh Kiểm… và đã không tiếc lời ca ngợi tài năng và đức độ của những đại gia này. Đài truyền hình còn lăng xê họ qua các chương trình giới thiệu cung cách làm ăn, các hoạt động từ thiện, các hoạt động hội thao, hội diễn văn nghệ…. Kết cục của các điển hình này ra sao thì chúng ta đều đã rõ.

Nói văng mạng, hết chỗ lùi
Vào dịp khánh thành cầu Mỹ Thuận, một cây cầu dây văng khá lớn nối liền hai bờ sông Tiền thay thế cho những chuyến phà nặng nhọc tốn nhiều thời gian để chở xe cộ lưu thông trên quốc lộ 1A, một số nhà báo chuyên viết về kinh tế đã lạc quan tếu, thổi phồng giá trị của cây cầu cũng như tuyên truyền quá cỡ cho năng lực của cán bộ công nhân Việt Nam tham gia thi công xây dựng công trình.

Một số bài báo viết văng mạng rằng đây là cây cầu dây văng được xây dựng theo công nghệ tiên tiến nhất và hiện đại nhất thế giới, là cây cầu đẹp nhất vùng Đông Nam Á, là công trình có hiệu quả kinh tế lớn lao nhất của nước ta. Có báo lại nói rằng cầu dây văng loại này thụôc loại hiếm trên thế giới và tập thể cán bộ công nhân của ta hết sức thông minh và sáng tạo đã tiếp thu nhanh chỉ trong vài tháng các công nghệ gia công sản xuất và lắp dựng cầu, sau công trình này, tự chúng ta có thể đảm nhận xây dựng hàng loạt cầu dây văng tương tự…

Những nhà báo này có biết đâu rằng ngay từ những năm 20-30 của thế kỷ 20, tại những nước công nghiệp phát triển của thế giới, hàng loạt cầu dây văng cỡ lớn hơn cầu Mỹ Thuận đã được xây dựng. Ở Hoa Kỳ, trên đỉnh cao nhất của rặng núi Colorado, nơi có khe núi sâu nhất thế giới là Royal Gorge mà bên dưới là dòng sông Arkansas cuộn thác, các kỹ sư Mỹ đã cho dựng một cây cầu dây văng cao nhất thế giới ngay từ năm 1929. Nếu các nhà báo kia lại được nhìn cây cầu dây văng Severn ở nước Anh, cầu Rotterdam ở Hà Lan (xây dựng từ cách nay khoảng 55-65 năm) lớn và đẹp như những bài thơ trên sóng nước sông và cửa biển, không hiểu họ còn lời nào để ca ngợi chúng khi đã hết lời để ca cầu Mỹ Thuận.

Viết về kinh tế thì cần phải thận trọng, nói năng phải có cơ sở khoa học chính xác, phải biết kiệm lời và lựa chọn từ ngữ phù hợp, tạo được khoảng lùi vững vàng để nhìn ngó sự việc thật khách quan, tránh huyênh hoang vô lối để thiên hạ cho là khoác lác. Tới khi gặp các sự vật, sự kiện lớn lao hơn thì cạn vốn từ, không còn biết diễn đạt ra sao nữa. Chuyện này cũng thường diễn ra khi các nhà báo thiếu thông tin cứ nghe theo mấy ông chủ đầu tư các dự án tô vẽ là công nghệ của họ tiên tiến nhất, hiện đại nhất, nhà máy của họ to lớn nhất Đông Nam Á hoặc châu Á, sản phẩm của họ đạt chất lượng cao theo tiêu chuẩn Mỹ hoặc EU, rồi nhà máy của họ lần đầu tiên được xây dựng ở Việt Nam, công suất dây chuyền lớn nhất trong toàn ngành… Hãy cẩn thận thẩm tra lại kỹ càng, nếu cần phải xin tài liệu tham khảo của các nhà khoa học có liên quan nếu không muốn tự mình vào thư viện đọc sách báo hay tạp chí chuyên ngành hoặc tra cứu qua Internet.

Sứ mạng của người làm báo kinh tế là rất thiêng liêng. Họ sẽ là người rất vinh quang khi làm đúng chức năng nhà cố vấn kinh tế-kỹ thuật, người tổ chức và vận động đổi mới cách làm ăn, người phát hiện và tuyên truyền cổ vũ, nhân rộng các điển hình tiên tiến và cũng là vị quan tòa chân chính biết mạnh mẽ lên án những điển hình xấu xa, lừa bịp làm hại nhân dân, làm nghèo đất nước. Ngược lại nếu họ không trung thực, tầm hiểu biết hạn hẹp, viết lách chủ quan, ngòi bút bị chi phối bởi đồng tiền, họ sẽ chỉ là những kẻ viết thuê vô lương tâm, vừa phá hoại thanh danh của báo mình vừa để lại nhiều hệ lụy cho đất nước, cho dân tộc./.

(Đinh Kỳ Thanh)


 Bản để in  Lưu dạng file  Gửi tin qua email
Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý