Phong Thủy – Ngũ Hành đã có từ hàng nghìn năm nay trong xã hội phương Đông và trở thành yếu tố không thể thiếu đối với mỗi sự kiện trọng đại. Đặt tên cho con theo Phong Thủy – Ngũ Hành vì thế cũng trở nên rất quan trọng đối với nhiều bậc cha mẹ bởi cái tên đẹp và thuận khí không chỉ đem lại tâm lý may mắn mà còn ẩn chứa trong đó rất nhiều niềm hi vọng và gửi gắm của cha mẹ.
Phong Thủy, Ngũ Hành là gì?
Là một phương pháp khoa học đã có từ xa xưa, là tri thức sơ khai và có những yếu tố mà khoa học hiện đại không thể lý giải được. Phong thuỷ là hệ quả của một tri thức nghiên cứu về các qui luật tương tác của thiên nhiên, xuất phát từ Phong (gió) và Thủy (nước) gắn với 5 yếu tố cơ bản gọi là Ngũ Hành (Kim, Thủy, Mộc, Hỏa, Thổ) để qua đó ứng dụng vào suy xét, giải đoán, đánh giá những tương tác đó với nhau và trong xã hội.
Phong Thủy đôi khi được hiểu sang việc xem hướng mồ mả, nhà cửa, hướng bàn làm việc… để thuận cho gia chủ, nhưng khoa học Phong Thủy gắn với Ngũ Hành có thể áp dụng để giải đoán, hỗ trợ rất nhiều việc.
Những yếu tố quan trọng cho việc đặt tên con theo Phong Thủy – Ngũ Hành
- Cái tên được đặt phải phù hợp với truyền thống của mỗi dòng họ. Con cháu phải kế thừa và phát huy được những truyền thống của tổ tiên gia tộc mình. Điều này thể hiện trong phả hệ, những người cùng một tổ, một chi thường mang một họ, đệm giống nhau với ý nghĩa mang tính kế thừa đặc trưng của mỗi chi, mỗi họ như họ Vũ Khắc, Nguyễn Đức,…
- Tên được đặt trên cơ sở tôn trọng cha, ông của mình, như tên kỵ đặt trùng với tên ông, bà, chú, bác…điều này rất quan trọng trong văn hoá truyền thống uống nước nhớ nguồn của người Việt Nam ta.
- Tên cần có ý nghĩa cao đẹp, gợi lên một ý chí, một biểu tượng, một khát vọng, một tính chất tốt đẹp trong đời sống. Như cha mẹ đặt tên con là Thành Đạt hy vọng người con sẽ làm nên sự nghiệp. Cha mẹ đặt tên con là Trung Hiếu hy vọng người con giữ trọn đạo với gia đình và tổ quốc.
- Bản thân tên cần có ý nghĩa tốt lành, đã được đúc kết và nghiệm lý theo thời gian như tên Bảo, Minh thường an lành hạnh phúc. Kỵ những tên xấu vì có ý nghĩa không tốt đẹp đã được kiểm chứng trong nhiều thế hệ.
- Tên bao gồm 3 phần là phần họ, đệm và tên. 3 phần này trong tên đại diện cho Thiên – Địa – Nhân tương hợp.
- Phần họ đại diện cho Thiên, tức yếu tố gốc rễ truyền thừa từ dòng họ.
- Phần đệm đại diện cho Địa tức yếu tố hậu thiên hỗ trợ cho bản mệnh.
- Phần tên đại diện cho Nhân tức là yếu tố của chính bản thân cá nhân đó.
Thiên – Địa – Nhân phối hợp phải nằm trong thế tương sinh. Mỗi phần mang một ngũ hành khác nhau, việc phối hợp phải tạo thành thế tương sinh, kỵ tương khắc. Ví dụ như Thiên = Mộc, Địa = Hoả, Nhân = Thổ tạo thành thế Mộc sinh Hoả, Hoả sinh Thổ, Thổ sinh Kim là rất tốt. Nếu Thiên = Mộc, Địa = Thổ, Nhân = Thuỷ tạo thành thế tương khắc là rất xấu. Yếu tố này cũng có thể nói gọn là tên phải cân bằng về Ngũ Hành.
- Tên nên cân bằng về mặt Âm Dương, những vần bằng (huyền, không) thuộc Âm, vần trắc (sắc, hỏi, ngã, nặng) thuộc Dương. Trong tên phải có vần bằng, trắc cân đối, kỵ thái quá hoặc bất cập. Ví dụ như Thái Phú Quốc quá nhiều vần trắc, Dương cường, Âm nhược nên luận là xấu. Tên Thái Phú Minh luận là Âm Dương cân bằng nên tốt hơn.
- Yếu tố rất quan trọng của tên ngoài việc cân bằng về Âm Dương, Ngũ Hành còn phải đảm bảo yếu tố hỗ trợ cho bản mệnh. Ví dụ, bản mệnh trong Tứ Trụ thiếu hành Thuỷ thì tên phải thuộc Thuỷ để bổ trợ cho mệnh, vì thế tên phải đặt là Thuỷ, Hà, Sương,…
- Tên còn cần phối hợp tạo thành quẻ trong Kinh Dịch, quẻ phải tốt lành như Thái, Gia Nhân, Càn, tránh những quẻ xấu nhiều tai hoạ rủi ro như quẻ Bĩ, Truân, Kiển,…Quẻ cũng cần phối hợp tốt với Âm Dương Bát Quái của bản mệnh.
- Tên cần hợp với bố mẹ theo thế tương sinh, tránh tương khắc. Ví dụ: Bố mệnh Thủy, mẹ mệnh Hỏa có thể chọn tên cho con mệnh Mộc (Thủy sinh Mộc) hoặc Thổ (Hỏa sinh Thổ), những cái tên bị bản mệnh bố mẹ khắc thường vất vả hoặc không tốt.
Đặt tên cho con theo phong thủy
Khi đặt tên cho con theo phong thủy các chị cần chú ý đến ý nghĩa của các tên nhé. Hầu hết tên gọi hiện nay đều được đặt theo nghĩa Hán Việt, tuy nhiên không ít các bậc cha mẹ lại không hiểu hết nghĩa của tên con mình.
Về yếu tố giới tính trong tên gọi
Ngày xưa, khi đặt tên con, các cụ thường đệm Văn cho con trai và Thị cho con gái giúp người khác phân biệt được giới tính của con người ngay trong cái tên gọi. Đây là một quan niệm từ thời phong kiến, rằng con trai lo việc văn chương đèn sách, con gái thì đảm đang việc chợ búa, nội trợ.
Ngày nay, các tên đệm như “Văn” dành cho nam và “Thị” dành cho nữ ngày càng ít dùng bởi có thể họ chưa hiểu hết ỹ nghĩa của những tên đệm đó. Mặt khác, ngày nay đã hình thành nhiều xu hướng đặt tên con mới nghe rất hay và lạ. Tuy nhiên, tùy theo quan điểm của mỗi người mà chọn tên khác nhau cho con. Miễn sao đừng ngược giới tính khiến trẻ sau này phải chịu nhiều phiền hà, rắc rối.
Những cách đặt tên theo Hán Việt thường gặp
Theo các bộ chữ:
Những gia đình theo Hán học thường đặt tên theo các bộ chữ Hán. Tức là tên các thành viên trong gia đình đều có chung một bộ chữ.
Ví dụ:
- Bộ Thuỷ trong các tên: Giang, Hà, Hải, Khê, Trạch, Nhuận…
- Bộ Thảo trong các tên: Cúc, Lan, Huệ, Hoa, Nhị…
- Bộ Mộc trong các tên: Tùng, Bách, Đào, Lâm, Sâm…
- Bộ Kim trong các tên: Kính, Tích, Khanh, Chung, Điếu…
- Bộ Hoả trong các tên: Thước, Lô, Huân, Hoán, Luyện, Noãn…
- Bộ Thạch trong các tên: Châm, Nghiễn, Nham, Bích, Kiệt, Thạc…
- Bộ Ngọc trong các tên: Trân, Châu, Anh, Lạc, Lý, Nhị, Chân, Côn…
Nói chung, các bộ chữ có ý nghĩa tốt đẹp, giàu sang, hương thơm như Kim, Ngọc, Thảo, Thuỷ, Mộc, Thạch…đều thường được chuộng để đặt tên.
Bằng hai từ Hán Việt có cùng tên đệm:
Ví dụ: Kim Khánh, Kim Thoa, Kim Hoàng, Kim Quang, Kim Cúc, Kim Ngân.
Hoặc hai từ Hán Việt có cùng tên, khác tên đệm:
Ví dụ: Nguyễn Xuân Tú Huyên, Nguyễn Xuân Bích Huyên.
Theo các thành ngữ mà tên cha là chữ đầu:
Ví dụ: Tên cha: Trâm
Tên các con: Anh, Thế, Phiệt
Tên cha: Đài
Tên các con: Các, Phong, Lưu.
Tên cha: Kim
Tên các con: Ngọc, Mãn, Đường.
Theo ý chí, tính tình riêng:
Ví dụ:
- Phạm Sư Mạnh: thể hiện ý chí ham học theo Mạnh Tử.
- Ngô Ái Liên: thể hiện tính thích hoa sen, lấy ý từ bài cổ văn : “Ái liên thuyết”.
- Trần Thiện Đạo: thể hiện tính hâm mộ về đạo hành thiện, làm việc lành.
Triết tự những cái tên
Mạnh, Trọng, Quý: chỉ thứ tự ba tháng trong một mùa. Mạnh là tháng đầu, Trọng là tháng giữa, Quý là tháng cuối. Vì thế Mạnh, Trọng, Quý được bố dùng để đặt tên cho ba anh em. Khi nghe bố mẹ gọi tên, khách đến chơi nhà có thể phân biệt được đâu là cậu cả , cậu hai, cậu út.
Có thể dùng làm tên đệm phân biệt được thứ bậc anh em họ tộc (Mạnh – Trọng – Quý):
Vân: tên Vân thường gợi cảm giác nhẹ nhàng như đám mây trắng bồng bềnh trên trời. Trong một số tác phẩm văn học thường dùng là Vân khói – lấy Vân để hình dung ra một mỹ cảnh thiên nhiên nào đó: Vân Du (rong chơi trong mây, con của mẹ sau này sẽ có cuộc sống thảnh thơi, nhàn hạ),…
Anh: Những cái tên có yếu tố anh thường thể hiện sự thông minh, tinh anh: Thùy Anh (thùy mị, thông minh), Tú Anh (con sẽ xinh đẹp, tinh anh), Trung Anh (con trai mẹ là người thông minh, trung thực),…
Băng: Lệ Băng (một khối băng đẹp), Tuyết Băng (băng giá như tuyết), Hạ Băng (tuyết giữa mùa hè),…
Châu: Bảo Châu (viên ngọc quý), Minh Châu (viên ngọc sáng),…
Chi: Linh Chi (thảo dược quý hiếm), Liên Chi (cành sen), Mai Chi (cành mai), Quỳnh Chi (nhánh hoa quỳnh), Lan Chi (nhánh hoa lan, hoa lau),…
Nhi: Thảo Nhi (người con hiếu thảo), Tuệ Nhi (cô gái thông tuệ), Hiền Nhi (con ngoan của gia đình), Phượng Nhi (con chim phượng nhỏ), Yên Nhi (làn khói nhỏ mỏng manh), Gia Nhi (bé ngoan của gia đình),…
(ST)