Ngứa là một phản ứng tự vệ của cơ thể, nó báo động cho bạn thấy có một tác nhân có hại nào đó xâm nhập. Chỉ một hiện tượng ngứa mà biết bao nhiêu nguyên nhân khác nhau gồm 2 loại: "ngoại xâm" và "nội địch".
Ở một nơi nào đó trên da có thứ cảm giác rất khó chịu, rất bức xúc, không cho ta yên nhưng cách “chữa” thì đơn giản lạ lùng, chỉ việc đưa móng tay cào cào là đủ giải tỏa. Ấy là cảm giác ngứa.
Trên 2 mét vuông da của một người, bất cứ chỗ nào cũng có thể ngứa. Nó xuất hiện do kích thích cục bộ, đôi khi do rối loạn thần kinh. Ngứa không trực tiếp gây chết người nhưng nhiều khi là biểu hiện của các loại bệnh tiềm ẩn.
Ngứa cũng có thể làm bạn "phát điên", chẳng hạn như khi đứng trúng vào một tổ kiến lửa, khi hàng nghìn con kiến hung hãn đồng tâm hiệp lực cắn ngập da để tiêm vào một chất kích thích cực mạnh là axit formic.
Cơ chế gây ngứa
Cơ chế ngứa mới được phát hiện vào năm 2001. Thủ phạm gây ngứa là một hóa chất tên là histamin, có sẵn trong dưỡng bào dưới da. Nó liên kết với đầu mút của dây thần kinh trên những thụ quan đặc biệt. Khi bị viêm hay dị ứng, dưỡng bào lập tức tiết ra histamin, tạo ra cảm giác ngứa ngáy và làm vùng da quanh đó bị đỏ lên. Cảm giác này truyền lên não và não lập tức ứng phó bằng cách ra lệnh cho tay gãi hoặc cọ sát vào chính nơi đang ngứa.
Song gãi chỉ là một phản ứng tự nhiên có thể giải quyết được cái ngứa nhưng không phải lúc nào cũng thành công. Gãi có thể tạo ra những vết thương mới như nhiễm trùng, khi đó thì “hơn chẳng bõ hao”.
Nguyên nhân
Chỉ một hiện tượng ngứa mà biết bao nhiêu nguyên nhân khác nhau gồm 2 loại: ngoại xâm và nội xâm. Giặc ngoại xâm khá nhiều. Chúng có thể là côn trùng tí hon (nhất là những con ghẻ) hoặc các loại muỗi, kiến, sâu róm... Chúng còn là vi khuẩn, nấm... sinh sôi, bám rễ trên da, nhất là tại nơi kín đáo; hay là tia cực tím trong ánh nắng gắt.
Một bộ quần áo mới mà da "không thích" rất có thể phản đối bạn bằng cách gây ngứa. Đồ nữ trang lung linh trên cổ, trên tai, trên cổ tay, ngón tay của các quý bà quý cô cũng có thể là thủ phạm, nhất là vàng tây chứa nickel. Ác một nỗi, chúng không gây ngứa ngay nơi đeo mà có khi chui lủi, “đánh tập hậu” ở vị trí khác, khiến ta khó xác định nguyên nhân.
Rồi còn bao nhiêu thứ giặc ngoại xâm nữa: hóa chất tẩy rửa, chất nhựa trên củ khoai sọ chưa nấu chín, những chiếc lá có lông nhỏ li ti, mỹ phẩm thơm tho bạn đang dùng... Cuối cùng là bầu không khí bụi bặm hoặc khí lạnh cũng có thể gây cơn ngứa ghê gớm.
Giặc nội xâm nhiều không kém. Những thức ăn không hợp cơ địa, nhất là tôm, cua, ốc, ba ba, cá ngừ rồi thịt bò, rượu... dễ gây nổi mẩn, kéo theo cơn ngứa vô cùng khó chịu.
Có những bệnh tật “mai phục” trong cơ thể mà ngứa là hình thức thể hiện như vàng da do máu có quá nhiều sắc tố mật, bệnh tăng hồng cầu, bệnh thận, tiểu đường, ung thư. Thậm chí cả sự mang thai cũng gây ngứa. Khi vết thương sâu trên da bắt đầu lên da non cũng là lúc những đầu mút thần kinh được cấu tạo lại, bị kích thích, làm ta ngứa ngáy không yên. Những cơn ngứa có nguyên nhân “nội xâm” thường kéo dài, có thể là mãn tính, đòi hỏi phải xác định đúng nơi xuất phát mới có thể chữa tận gốc.
Cuối cùng, phải kể đến nguyên nhân tâm lý.
Làm sao cho khỏi ngứa?
Câu trả lời lập tức đến, rất tự nhiên: Gãi! Nhưng các thày thuốc khuyên đừng gãi mạnh. Cũng như mọi bệnh khác, ngứa cũng có phòng và có chữa.
Phòng là loại trừ trước những nguyên nhân gây ngứa: diệt côn trùng, ăn ở sạch sẽ... Trong những chuyến du lịch bụi, nên mang theo thuốc bôi tránh côn trùng.
Quần áo, nhất là quần áo lót, bằng sợi tổng hợp là một nguy cơ tiềm tàng, tránh dùng nếu có thể. Giặt thật sạch khỏi các chất tẩy rửa.
Muốn đỡ ngứa do thời tiết nóng và khô, có thể chườm nước đá và dùng máy làm ẩm vào ban đêm.
Cố gắng không ăn uống những thứ không thích ứng với cơ địa của mình để khỏi bị dị ứng. Tránh các đồ uống làm giãn mạch như cà phê, rượu, nước nóng...
Đã bị ngứa thì phải chữa. Nếu là bệnh ngoài da, trước hết hãy dùng các thuốc chữa bệnh ngoài da thông thường, ví dụ crotamiton dạng mỡ, có tác dụng giảm ngứa, chống trầy xước, giảm bội nhiễm. Thuốc phức tạp hơn, cần lời khuyên của bác sĩ. Vài loại phổ biến nên biết là:
- Thuốc chứa corticosterod: Uống, tiêm hay xoa lên chỗ ngứa, có tác dụng làm giảm viêm. Sử dụng thận trọng và không kéo dài.
- Thuốc chống histamin: Giảm các triệu chứng của dị ứng, chẳng hạn như điphenyliamin (Benadryl) nhưng gây buồn ngủ. Người làm việc tập trung điều khiển xe không nên dùng.
- Thuốc giảm đau: Giúp làm dịu cơn ngứa ví dụ acetominophen (Tylenil) hoặc aspirin
Khi ngứa là biểu hiện của một bệnh bên trong cơ thể (gan, mật, máu, tiểu đường...) thì phải chữa khỏi hoặc kìm hãm các bệnh này thì những cơn ngứa mới mất gốc, biệt tăm.
Và một biện pháp nữa: Khi ngứa, cứ bình tĩnh, làm như không hề có nó, để toàn bộ tinh thần tập trung vào điều mình đang suy nghĩ, cơn ngứa sẽ tiêu tan.