Nếu không cẩn thận trong việc sử dụng thuốc chữa viêm họng, mẹ bầu có thể sẽ gánh nhiều hậu quả xấu cho cả mẹ lẫn thai nhi.
Mới có tin vui được 4 tuần, chị Hoàn đã bị cảm nhẹ. Chị lên cơn sốt và viêm họng, cơ thể rất khó chịu. Không dám tự ý mua thuốc điều trị, cả hai vợ chồng chị Hoàn cùng nhau đến bệnh viện khám bệnh cẩn thận và được bác sĩ kê đơn thuốc. Trước khi có bầu, chị đọc sách thì được biết rằng trong quãng thời gian mang thai, các bà bầu cần tránh tối đa việc sử dụng thuốc tây chữa bệnh. Cầm đơn thuốc được bác sĩ kê trên tay, chị Hoàn rất bối rối không biết nên xử trí thế nào.
Viêm họng là một bệnh rất thường gặp ở mọi đối tượng trong đó có phụ nữ mang thai. Biểu hiện viêm họng ở đối tượng này cũng giống như viêm họng thông thường, đó là sốt, ho, đau rát họng… Đây là bệnh nhẹ, nhưng các bà bầu cần hết sức chú ý khi sử dụng thuốc, tránh để lại hậu quả xấu cho cả mẹ và con.
Cẩn trọng khi dùng thuốc điều trị viêm họng
Trong trường hợp phải dùng thuốc điều trị, phụ nữ mang thai cần tuân thủ triệt để theo hướng dẫn của thầy thuốc.
- Nếu là viêm họng do vi- rút: thì không cần dùng kháng sinh mà chỉ cần điều trị triệu chứng: hạ sốt, giảm ho, giảm đau họng… Thuốc hạ sốt thường dùng là paracetamol. Tuyệt đối không được sử dụng thuốc hạ sốt, giảm đau, kháng viêm aspirin vì thuốc này dễ gây quái thai trong 3 tháng đầu của thai kỳ. Đối với 3 tháng cuối của thai kỳ thuốc còn gây ra các rối loạn ở phổi, liên quan đến việc đóng ống động mạch của bào thai trong tử cung… Ngoài ra, thuốc còn có thể gây kéo dài thời gian mang thai và chậm chuyển dạ.
- Trường hợp viêm họng do vi khuẩn: Ngoài dùng thuốc hạ sốt cần phải dùng kháng sinh. Khi phải dùng thuốc này thầy thuốc phải lựa chọn nhóm thuốc nào an toàn nhất, ít gây hại nhất cho thai nhi. Nhóm kháng sinh hay dùng cho đối tượng này là bê-ta lactam (gồm các thuốc penicillin, ampicilin, amoxicillin, cephalosporin…). Các thuốc này có tác dụng tốt với các vi khuẩn hay gây bệnh viêm họng như tụ cầu, liên cầu, phế cầu… Hơn nữa thuốc an toàn cho phụ nữ có thai kể cả trong 3 tháng đầu. Đối với những người bệnh bị dị ứng với các thuốc trên có thể dùng nhóm kháng sinh macrolid (bao gồm các thuốc erythromycin, spirammycin, azithromycin…
Việc dùng thuốc cho đối tượng này phải hết sức thận trọng, đặc biệt là trong 3 tháng đầu của thai kỳ, để tránh thuốc làm ảnh hưởng đến thai nhi. Vì vậy, phụ nữ có thai không được tự điều trị viêm họng. Việc điều trị phải có sự theo dõi của thầy thuốc chuyên khoa tai mũi họng và sản khoa.
Chữa viêm họng bằng các bài thuốc dân gian
Điều trị viêm họng cho phụ nữ mang thai thường được bác sĩ khuyến cáo hạn chế sử dụng thuốc, bởi bất kể một loại thuốc nào cũng có thể ảnh hưởng đến sức khỏe thai phụ và thai nhi, kể cả các loại thuốc ngậm, một tỷ lệ nhỏ thuốc vẫn được hấp thụ vào máu và thai nhi.
Vì vậy, khi đang mang thai hay cho con bú nếu bị viêm họng tốt nhất hãy dùng các bài thuốc tự nhiên khỏi được bệnh mà không ảnh hưởng đến sức khỏe thai phụ và thai nhi.
Dưới đây là một vài bài thuốc tự nhiên giúp mẹ bầu giảm khó chịu khi viêm họng:
- Chanh đào ngâm mật ong: Ngâm 1 kg chanh đào với 1 lít mật ong rừng và 0,5 kg đường phèn vào lọ thủy tinh có nắp đậy trong thời gian từ 3-6 tháng. Khi dùng, cắt lát quả chanh ngâm, trộn đều với nước trong hộp, nhai rồi ngậm khoảng 15-20 phút, sau đó nuốt, ngày vài lần.
Chanh đào ngâm mật ong , đường phèn chữa viêm họng cực hiệu quả.
- Chanh và muối: Thái chanh thành những lát nhỏ trộn với muối hạt ngậm khi mới viêm họng. Ngày ngậm ít nhất 5 lần. Thai phụ cũng có thể hòa chanh với nước muối uống. Súc miệng thường xuyên bằng nước muối cũng là cách trị viêm họng hiệu quả.
- Cà rốt: Cà rốt ép lấy nước, cho 2 – 3 thìa mật ong vào cốc nước cà rốt quấy đều lên. Pha loãng hỗn hợp này theo tỉ lệ 1:1 với nước đun sôi để nguội và súc họng 3 – 5 lần/ngày, mỗi lần từ 5 – 7 phút.
- Bột nghệ: Lấy 1/2 cốc nước nóng cho 1/2 thìa bột nghệ, một ít muối. Khuấy đều và uống ngày một lần, uống khoảng 3 ngày. Cách này rất hiệu quả để bảo vệ họng khỏi bị viêm nhiễm. Nếu bị viêm họng kèm với ho, có thể pha một thìa bột nghệ vào một cốc sữa và đun lên. Nhấp ít một sữa nóng vào sáng và tối sẽ hạn chế được ho và viêm họng.
- Gừng, chanh và mật ong: Lấy 01 thìa nước gừng và 01 thìa mật ong trộn với nhau. Ăn hỗn hợp gừng và mật ong, sau đó uống một cốc sữa nóng để giảm ho và các vấn đề về họng. Một cách khác là dùng 1/2 cốc nước ấm, cho vào 03 thìa nước chanh, 01 thìa mật ong, 01 thìa nước gừng. Khuấy đều lên và nhấp từng ngụm nhỏ một, ngày 3 lần sẽ giảm viêm họng nhanh chóng.
- Trà và mật ong: Hãy cho một thìa mật ong khuấy đều trong chén trà và thêm 1/2 quả chanh vắt sẽ giúp thai phụ giảm được viêm họng.
- Củ cải tươi: Nếu ho và viêm họng dẫn tới bị khàn tiếng, mất tiếng, hãy dùng nước củ cải tươi giã hoặc ép lấy nước uống. Nấu cháo củ cải ăn nóng với hành và tía tô cũng giúp thai phụ hết bị viêm họng, mất tiếng.
- Tỏi và sữa nóng: Giã nhỏ 3 – 4 nhánh tỏi, rồi hòa với một cốc sữa nóng (có thể dùng sữa cho bà Bầu) hãm từ 10 – 15 phút, lọc lấy nước uống trong vòng 30 phút. Mỗi ngày uống từ 2 – 3 cốc sẽ giảm viêm họng nhanh chóng.
- Lá tía tô: Lá tía tô tươi, nghiền lấy nước uống 5 lần trong ngày. Ngoài ra, có thể dùng lá tía tô xanh, rễ tía tô phơi khô trong bóng râm nấu cháo với gạo nếp rang, vỏ quýt để trị ho, viêm họng. Ăn cháo nóng nhiều hành, tía tô, hạt tiêu sẽ tiêu diệt được vi khuẩn vùng họng.