Món ăn truyền thống của người Tày cực thú vị

Hoaibui2395 Hoaibui2395 @Hoaibui2395

Món ăn truyền thống của người Tày cực thú vị

31/08/2015 12:00 AM
202
Mỗi dân tộc đều có những món ăn đặc trưng của riêng mình, người Tày ở Bắc Kạn cũng vậy, những món ăn đặc trưng của họ đều được chế biến từ những thực phẩm phổ biến có trong bản làng của mình.
Xôi: Gạo nếp đồ trong chõ thành xôi. Người Tày ở Bắc Kạn thường ăn xôi trắng. Ngoài ra, còn một số loại xôi khác như: xôi màu, xôi rau ngót rừng, xôi trứng kiến...   

Xôi màu: Gạo nếp được nhuộm thành các màu xanh, đỏ, tím, đen rồi trộn các loại với nhau thành gạo nhiều màu. Gạo được nhuộm từ nhiều loại lá cây khác nhau như màu tím nhuộm từ lá “cẳm”, màu vàng từ hoa “phón” .

Xôi rau ngót rừng: Đồ xôi, bỏ rau ngót thái nhỏ lên trên mặt gạo nếp, khi chín đổ xôi và rau ngót ra trộn đều, cho thêm gia vị, hành và mỡ.

Xôi trứng kiến: Đồ xôi lẫn với trứng kiến đen lấy từ tổ kiến.

Cơm tẻ: Là món ăn chính hàng ngày. Đổ gạo tẻ vào nồi nấu cùng với nước. Khi nước cạn đem vần nồi cạnh bếp cho đến khi chín.  

Cơm lam: Là món ăn đặc trưng nhất của người Tày ở Bắc Kạn. Trước tiên, người ta ngâm gạo nếp rồi cho vào ống tre non cùng một ít nước, đậy nút kín rồi đem nướng trên lửa hoặc đồ lên cho chín. Để ống tre nguội, bóc vỏ ống để lại lượt áo mỏng bao quanh cơm. Khi ăn, dùng dao xắt thành từng khúc nhỏ.

Cá nướng và cá sấy: Là cách chế biến thường thấy nhất ở người Tày. Cá làm sạch rồi xiên vào que nướng trên lửa. Khi chín, gỡ thịt cá ra chấm với nước chấm. Khi có nhiều cá thì người ta đem sấy khô trên giàn bếp để ăn dần.

Mắm cá và cá chua: Mắm cá chủ yếu làm từ cá nhỏ. Cá ướp chua trong vại với thính và rượu để gây men chua. Cá chua dùng để ăn lâu dài, có thể ăn sống hay nướng, rán.

Thịt lợn tái: Thịt lợn nạc thái mỏng trộn ít muối, vắt chanh vừa đủ cho thịt tái. Món này thường dùng để nhắm rượu.

Thịt gà giò nấu canh gừng, nghệ: Món canh này những người già rất thích ăn vì mềm, bổ và mát.

Canh xinh thang: Thịt nạc băm nhỏ cho vào nước trong, thêm gia vị.

Bánh chưng: Nguyên liệu chính để làm bánh là gạo nếp, nhân bánh làm bằng đậu, thịt, hành hoặc lạc. Gạo nếp vo đãi sạch sau đó gói bằng lá dong hay lá chuối rồi đem luộc chín. Bánh ăn trong dịp Tết Nguyên đán và tiết xuân. 

Bánh dày: Thường làm vào dịp lễ hội, cưới xin. Bánh to, tròn (sì pưởng) thường làm để biếu, bánh nhỏ, tròn (sì ăn) làm để nhà ăn hay cúng. Bánh có thể có nhân hoặc không. Nhân bánh làm bằng đậu, lạc, vừng, đường. Có loại bánh được nhuộm đỏ có loại vẽ lên trên bề mặt hình hoa văn bằng phẩm đỏ, vàng. Có loại lại làm bằng bột gạo và lá ngải (pẻng nhả ngài) để ăn vào Tết Thanh minh.

Bánh trôi: Làm vào dịp Tết Đông chí. Bánh làm bằng bột gạo nếp, có thêm gừng, đường phèn. Ăn thơm và ấm.

Pẻng khô, pẻng khoai: Xôi nếp đồ lên trộn với khoai sọ đã luộc chín rồi đem giã và nặn thành từng thanh nhỏ, phơi khô. Khi ăn đem chao trong mỡ hoặc dầu cho bánh nở phồng và giòn, vớt ra nhúng vào nước mật đun sôi, lấy ra để nguội là ăn được.

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý