Bệnh mắt hột là một viêm kết giác mạc đặc hiệu, do Chlamydia trachomatis gây nên. Bệnh dễ lây truyền trong gia đình cũng như trong cộng đồng. Bệnh tiến triển mãn tính và có những đặc trưng điển hình là hình thành hột, tăng sản nhú gai, màng máu giác mạc, dẫn tới những biến đổi điển hình có tính chất sẹo. Bệnh hay gặp ở những vùng thiếu nước sạch, vệ sinh phòng bệnh kém,… Bệnh lây truyền qua dùng chung đồ dùng có liên quan đến mắt, nước đọng, ao tù, bể bơi,…
Theo ThS. Vũ Thị Tuyết Mai, Bộ Y tế, bệnh nếu không được điều trị đúng và kịp thời, bệnh có thể gây ra biến chứng lông quặm, lông siêu, viêm sụn mi, thậm chí có thể gây mù lòa.
Vậy khi bị đau mắt hột bệnh nhân nên dùng thuốc gì? Có phải kiêng gì không? Những câu hỏi này sẽ được ThS. Mai tư vấn.
Câu hỏi 1: Thưa Bác sĩ! Cháu bị đau mắt hột, nhiều rỉ nhèm mọc mụn trong mắt, đỏ mắt và bẩn nữa. Cháu nên dùng loại thuốc gì. Cháu cảm ơn!
Ảnh minh họa
Trả lời:
Chào cháu,
Khi bị đau mắt hột, trước khi dùng thuốc tra mắt, cháu cần giữ vệ sinh chung để tránh lây nhiễm cho người xung quanh, không nên kẹp hột, không dụi mắt,...
Thuốc để điều trị bệnh đau mắt hột là thuốc mỡ tetracycline 1%, tra mắt trước khi đi ngủ trong ít nhất 6 tháng. Có thể uống thêm một trong các thuốc như tetracyclin, erythromycin, doxycyclin... trong 3-4 tuần. Điều trị theo phác đồ cách quãng dựa vào gia đình hoặc cộng đồng: tra thuốc mỡ tetramycin 1% 12 giờ/lần trong 5 ngày liền hoặc mỗi ngày 1 lần trong 10 ngày liền, mỗi năm dùng ít nhất 6 tháng liên tục. Có thể dùng thêm vitamin nâng cao thể trạng và điều trị biến chứng nếu có.
Việc điều trị bệnh đau mắt hột là rất quan trọng; nếu dùng thuốc không đúng sẽ gây ra các biến chứng. Vì vậy, cháu nên đi khám chuyên khoa mắt để được tư vấn cụ thể và dùng thuốc theo đơn kê của bác sĩ chuyên khoa.
Chúc cháu sớm khỏi bệnh!
Câu hỏi 2: Chào Bác sĩ! Tôi bị đau mắt hột mãn tính, đã điều trị lâu ngày nhưng không khỏi. Xin hỏi Bác sĩ tôi có phải kiêng ăn những thức ăn nào không? Làm sao để điều trụ triệt để? Ở bệnh viện nào điều trụ tốt? Tôi xin cảm ơn!
Ảnh minh họa
Trả lời:
Chào bạn !
Đau mắt hột là tình trạng viêm kết mạc - giác mạc mạn tính do Clamydia Trachomatis gây ra. Đây là bệnh thường gặp, nhất là ở những vùng thiếu nước sạch, vệ sinh phòng bệnh kém...
Phác đồ điều trị đau mắt hột thường kéo dài 6 tháng đến 1 năm. Chính vì vậy, để điều trị khỏi bệnh đòi hỏi bệnh nhân phải có thái độ tích cực và kiên trì trong quá trình điều trị. Việc bạn quan tâm đến chế độ ăn uống trong khi đang mắc bệnh là rất tốt. Tuy nhiên, bạn không cần phải kiêng gì trong chế độ ăn với bệnh đau mắt hột. Có một số quan niệm cho rằng khi bị đau mắt hột thì nên kiêng các thức ăn nóng như tỏi, gừng,…kiêng các thức ăn tanh như cá, hải sản… vì nghĩ các thức ăn này ăn vào sẽ nóng và làm mắt đỏ thêm. Mặc dù vậy cho đến nay, chưa có tài liệu khoa học nào chứng minh quan điểm trên là đúng đắn.
Khi bị đau mắt đỏ bạn nên ăn nhiều rau xanh, các loại rau củ có chứa nhiều Vitamin A, C, D như chanh, bưởi, dầu cá,… Không dùng bia rượu, chất kích thích.
Để điều trị triệt để, quan trọng nhất vẫn là giữ gìn vệ sinh đôi mắt và dùng thuốc theo đơn của bác sỹ. Bạn nên đi khám ở các cơ sở chuyên khoa mắt ở các bệnh viện uy tín tin cậy.
Chúc bạn mau khỏi bệnh!