Lá cây sống đời: Có thể chữa bá bệnh?
Cây sống đời
Một tài liệu có tên gọi “Lá cây sống đời, một vị thuốc kháng sinh chủ trị giải độc vạn năng chữa khỏi được rất nhiều chứng bệnh”. Tên tác giả (phần đầu) là do kỹ sư Phạm Đình Tư biên soạn, nhưng phần cuối lại ghi là kỹ sư Phạm Đình Trị, 60 Nguyễn Đình Chiểu, Q.1, TP.HCM.
Theo tài liệu này, “khi gặp một chứng bệnh bất kỳ chưa biết tên là gì hãy thử uống dịch lá sống đời sẽ thấy hiệu nghiệm ngay rất rõ rệt”.
Bệnh gì chữa cũng khỏi?
Theo tác giả, lá sống đời có thể chữa khỏi dễ dàng... 34 loại bệnh chỉ sau vài phút đến vài giờ (bị thương thịt nát, đứt tay, phỏng lửa, phỏng nước sôi, vết thương nhiễm trùng...). Tài liệu còn khuyên mọi người dù không bị bệnh gì nhưng thường xuyên uống dịch lá sống đời mỗi tối sẽ giúp điều hòa máu huyết, ăn ngon, ngủ ngon, không bị đau lưng, nhức mỏi, tiêu hóa, đại tiện, tiểu tiện tốt. Riêng với súc vật, lá sống đời còn chữa được bại liệt cho chó mèo, vịt và bệnh dịch tả đối với gà (!?). Cách dùng để chữa hết các bệnh kể trên là ngậm lá, uống dịch lá (100-200ml, tùy theo bệnh) hoặc đắp lá, thoa nước lá.
Ngoài ra còn 29 bệnh khác, trong đó có rất nhiều loại bệnh mà theo tài liệu này chỉ cần một thời gian ngắn 10 ngày hoặc vài tháng uống lá sống đời sẽ hết bệnh như ho gà, lậu, hắc lào, eczema, vẩy nến, kinh nguyệt không đều, rối loạn nhịp đập của tim, mất ngủ kinh niên, viêm xoang, thấp khớp, tiểu đường, viêm loét âm đạo, liệt dương, bất lực về sinh dục...
Ngay cả khi bị liệt một cánh tay, chỉ cần uống 150ml dịch lá sống đời vị chua vào buổi sáng và tối sẽ khỏi hẳn sau 60 ngày; xơ gan cổ trướng uống (cũng như liệt cánh tay) sẽ khỏi sau 60-90 ngày; còn viêm tim, viêm thận, viêm gan uống mỗi ngày hai lần 100ml sẽ khỏi sau 100 ngày; nhức đầu kinh niên do chấn thương sọ não (?!) thường xuyên uống 100ml sau 100 ngày cũng sẽ khỏi hẳn.
Với người bị bệnh hen kinh niên mỗi khi lên cơn hen khó thở chỉ cần nhai ngậm một lá sống đời sẽ cắt ngay cơn hen; còn nếu uống liên tục 60-90 ngày sẽ khỏi hẳn sau bốn năm không tái phát. Ho lao nặng uống 100 ngày, mỗi lần uống 100ml cũng sẽ khỏi hẳn!
Để chứng minh cho thuyết phục hơn, tài liệu này còn dẫn ra gần 30 trường hợp bệnh nhân (có địa chỉ cụ thể) sau khi uống lá sống đời đã hết các bệnh tiểu đường, rối loạn nhịp thở, hở van tim, hen suyễn, xơ gan cổ trướng, lao phổi nặng, sỏi thận, đau ruột thừa cấp...
Ngày 27-9-2004, theo địa chỉ một số bệnh nhân đã hết bệnh sau khi uống lá sống đời, chúng tôi thử tìm đến tận nơi xem thực hư ra sao. Dù đã tìm rất kỹ và hỏi thăm nhiều người để tìm bà N.L.H. ở 259C Hoàng Văn Thụ, Q.Tân Bình, TP.HCM nhưng không có nhà nào mang số 259C.
Đến tiếp nhà số 264bis Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Q.3, TP.HCM để tìm gặp ông P.N.T., nhưng tại địa chỉ này là một nhà hàng. Chúng tôi tiếp tục tìm đến số 60 Nguyễn Đình Chiểu, Q.1 - nơi có ông kỹ sư P.Đ.T. (được ghi tên là tác giả tài liệu lá sống đời) và bà L.T.N.T. - một bệnh nhân được tài liệu này nói là đã khỏi một số bệnh sau khi dùng lá sống đời, chúng tôi được một bà cụ ở cùng địa chỉ (có sáu hộ) cho biết bà T. là vợ ông T. và đã mất cách đây hơn một năm. Ông T. cũng đã chuyển nhà đi nơi khác sinh sống.
Cây sống đời không thể chữa bá bệnh!
Trao đổi với chúng tôi về tác dụng chữa bệnh của cây sống đời, bác sĩ Lê Hùng - viện phó Viện Y dược dân tộc TP.HCM - cho biết: theo Những cây thuốc và vị thuốc VN của GS Đỗ Tất Lợi, cây sống đời còn gọi là cây trường sinh, cây thuốc bỏng, thổ tam thất, đả bất tử, diệp sinh căn, sái bất tử, lạc địa sinh căn. Cây sống đời thuộc họ thuốc bỏng Crassulaceae. ây có tên thuốc bỏng vì do được dùng làm thuốc chữa bỏng.
Trường sinh (sống lâu) hay lạc địa sinh căn (rụng xuống đất mọc rễ) là vì cây sống rất lâu, khi lá rụng xuống mặt đất là mọc rễ và thành một cây con. Cây sống đời được trồng ở khắp nơi để làm cảnh và làm thuốc.
Về thành phần hóa học, trong lá có chiết được hoạt chất bryophylin. Trong cây thuốc bỏng cũng đã tìm thấy ba loại hoạt chất là các axit hữu cơ, các glycozit flavonoic và các hợp chất phenolic.
Về công dụng chữa bệnh, theo bác sĩ Hùng, cây thuốc bỏng chỉ được dùng trong phạm vi dân gian làm thuốc chữa bỏng, cầm máu, đắp vết thương, đắp mắt đỏ, sưng đau, có tính chất giải độc. Còn theo Từ điển cây thuốc VN của giáo sư Võ Văn Chi, ngoài những công dụng trên, cây thuốc bỏng còn được dùng để đắp mụn nhọt, chữa viêm loét dạ dày, viêm ruột, trĩ nội, đi tiêu ra máu. Do có tác dụng kháng khuẩn nên được dùng trị một số bệnh đường ruột và bệnh nhiễm trùng khác.
Theo bác sĩ Lê Hùng, nếu cho rằng cây sống đời có thể chữa bá bệnh thì hoàn toàn không có cơ sở khoa học. Ông cũng lưu ý thêm, như các loại thuốc chữa bệnh, việc sử dụng cây thuốc cũng phải cẩn trọng vì cây thuốc cũng có loại nhiệt, loại hàn và loại bình (không hàn không nhiệt). Khi dùng phải có liệu trình, có sự hướng dẫn của thầy thuốc y học cổ truyền.