Mùa xuân là mùa khiến chúng ta dễ dị ứng nhất đấy nhé!
Từ trước đến nay em chưa bị mề đay lần nào nhưng không hiểu sao khoảng 3 tháng gần đây, em liên tục bị nổi mề đay nhiều đợt. Em có mua thuốc Chlorpheniramine 4mg và Cetirizin 10mg uống thì mề đay hết nhưng chỉ vài ngày sau nó lại xuất hiện lan tràn, nổi đầy mặt từng mảng như muỗi đốt và rất ngứa, đặc biệt khi trời lạnh càng nổi nhiều hơn. Mong bác sĩ giải đáp nguyên nhân và cách chữa trị dứt điểm chứng bệnh này giúp em với ạ! Em xin cảm ơn! (hanhp...@ymail.com).
Chào em,
Khi tiết trời chuyển lạnh, nhiều người bị mẩn ngứa toàn thân. Đây là hiện tượng dị ứng thời tiết. Cơ thể người bình thường khi gặp lạnh thì co mạch máu ở ngoại vi lại để bớt tỏa nhiệt. Nhưng có nhiều người do bị mẫn cảm, lại phản ứng một cách dị thường bằng hiện tượng giãn mạch, do đó chất huyết tương của máu tràn qua thành mạch xâm nhập vào các mô làm ngứa ngáy và sưng nề.
Nếu bị lạnh nhiều có thể nổi mẩn ngứa nhiều chỗ, thậm chí toàn thân, kèm theo đau bụng.
Theo những gì em mô tả trong thư thì bác sĩ Mèo nghĩ nhiều khả năng là em bị nổi mề đay do dị ứng thời tiết.
Bệnh mề đay có nhiều nguyên nhân, theo y học hiện đại, mề đay xảy ra do những yếu tố dị nguyên (chất gây dị ứng: như thời tiết, thức ăn, lông động vật, phấn hoa, côn trùng...) tác động vào cơ thể. Kích thước và số lượng mề đay thay đổi khác nhau, có thể ở bất cứ vị trí nào trên da. Khi mề đay khỏi không để lại dấu vết gì.
Mề đay được chia làm 2 loại chính là:
- Mề đay cấp tính: bệnh biểu hiện đột ngột ở bất cứ vùng nào trên cơ thể làm cho da sần, phù nề, ngứa dữ dội. Cơn xảy ra trong vài phút hoặc vài giờ rồi lặn hoặc có thể từng đợt kế tiếp nhau. Trong cơn mề đay cấp có thể kèm theo sốt cao, nôn mửa, đau quặn bụng, khó thở…
- Mề đay mãn tính: khi tình trạng nổi mề đay kéo dài trên 8 tuần, không kể nhiều hay ít, có khi ngắt quãng nhiều ngày, có thể gặp các dạng khác nhau.
Để điều trị hiệu quả chứng mề đay trước hết phải tìm ra được căn nguyên gây bệnh. Đối với nổi mề đay do lạnh, luôn chú ý mặc ấm, hạn chế tối đa tiếp xúc với môi trường lạnh.
Ngoài ra, tùy vào mức độ của bệnh mà bác sĩ chỉ định điều trị bằng các loại thuốc. Cụ thể:
- Thuốc kháng histamin như Cetirizine, Loratadin 10-20 mg/ngày hoặc Fexofenadine 180 mg/ngày.
- Nếu thất bại, có thể kết hợp với kháng thụ thể H2 (Cimetidin) hoặc dùng Doxepin trong những trường hợp mề đay nặng gây lo lắng và trầm cảm.
- Prednisolon được chỉ định điều trị trong hội chứng phù mạch - mề đay - tăng bạch cầu ái toan.
- Corticoides bắt đầu tác dụng chậm và không phải là lựa chọn hàng đầu cho phản ứng toàn thân. Nhưng nó được dùng để điều trị phòng ngừa các phản ứng kéo dài liên tục, thường là 30mg/ngày và giảm liều dần trong 3 - 7 ngày.
Nói tóm lại, bác sĩ Mèo khuyên em tốt nhất nên đến bệnh viện chuyên khoa khám trực tiếp để nhận được chỉ định kịp thời và thích hợp cho tình trạng của mình. Đồng thời chú ý không được tự uống thuốc khi chưa có sự đồng ý của bác sĩ.