Đám cưới người Mông rực rỡ sắc màu.
Chàng trai sẽ dùng ngựa để đi cướp vợ.
Khi người nhà gái mang gậy gộc đến cứu thì các bạn của chàng trai sẽ xông ra đỡ đòn và tuyệt đối không được phép đánh trả. Trong lúc đó, chàng trai sẽ mang cô gái chạy thoát về nhà. Họ hàng và người thân của chàng trai sẽ nhanh chóng mang gà ra làm lễ quét phép để chính thức rước dâu.
Đối với bản Mèo thì một khi người con gái bị người ta dùng gà trống làm lễ nhập nhà rồi thì chính thức trở thành người của nhà đó, không được phép bỏ về nhà bố mẹ đẻ. Chính vì vậy, khi biết con gái mình đã bị người ta kéo về làm vợ thì dù có không đồng ý, có ấm ức thì đa phần nhà gái cũng đành đồng ý.
Cô gái được cướp cần phải được canh giữ suốt ba ngày đêm.
Khi đã cướp được cô gái về nhà, chàng trai lại phải mời rượu bạn bè để cảm ơn. Bên cạnh đó, chị hoặc em gái của người con trai sẽ phải trông không cho cô gái trốn khỏi nhà mình trong suốt ba ngày đêm.
Theo thủ tục cưới hỏi thông thường thì hai bên trai gái có thể thỏa thuận về khoản lễ cưới. Tuy vậy, nếu nhà trai dùng tục “cướp vợ” thì nhà gái sẽ phạt bằng cách đòi lễ cao hơn bình thường. Bởi vậy, một khi đã dùng tục “cướp vợ”, nhà trai phải xác định ngay là sẽ bị phạt. Bên nhà gái đòi bao nhiêu thì phải trả bấy nhiêu để tránh sự chê cười của làng xóm.
Chính vì những lệ này mà không phải gia đình nào cũng có thể dùng tục “cướp vợ” cho con trai. Hầu hết những người Mông có gia cảnh tương đối khá giả mới có thể đáp ứng nhà gái. Tuy nhiên, cũng có không ít gia đình chấp nhận mất vài ba năm để trả hết lệ phạt mà nhà gái đặt ra vì hạnh phúc của con trai mình.