Hôn nhân ở người Cơ Ho theo chế độ mẫu hệ nên gọi là tục bắt chồng (kup bao), dù rằng để đến với hôn nhân người con trai vẫn thường chủ động làm quen với các cô gái. Có những quy định chung như anh em cùng dòng họ không lấy nhau (tính theo họ mẹ) và những quy định riêng như không lấy người dòng họ thù địch, bị nghi là ma lai. Như ở người Cơ Ho Lạch đã có một thời cấm kết hôn giữa những dòng họ như Liêng Hót với Đa Gút, Liêng Jrăng với Krajăng, Đa Gút với Pang Ting... hay ở người Cơ Ho Chin Konsor với Kơsar, Rơông với Chin. Tốt nhất vẫn là:
"Mài rìu, mài xà gạc thì tìm đá cứng
Đặt bẫy bắt chim nên tìm lối mòn
Lấy vợ lấy chồng con cô con cậu"
"Bỏ ruộng thì đói
Cắt váy thì nghèo
Bỏ con cô con cậu thì thành đầy tớ"
Ngoài hình thức hôn nhân con cô con cậu, người Cơ Ho Srê còn có hình thức hôn nhân anh em chồng chị em vợ và hôn nhân con chú con bác tính theo dòng họ mẹ, chỉ cấm hôn nhân con bạn dì, cùng dòng họ, giữa anh em ruột với nhau. Hôn nhân giữa những người cùng buôn cho đến nay vẫn còn phổ biến, nhưng ở người Cơ Ho Lạch, như chúng ta đã biết, do nhiều nguyên nhân, việc lấy người khác buôn, khác dân tộc, được cởi mở và không bị cấm đoán ngặt nghèo như xưa. Trường hợp vợ hoặc chồng bị chết, sau một năm người sống mới có quyền lập gia đình. Tục nối dây vẫn còn. Hội đồng già làng xét xử theo luật tục.
Người gây ra thiệt hại phải bồi thường. Người phạm tội bị phạt. Nếu không thực hiện, thì mọi tai họa xảy ra đối với làng, năm đó người này phải gánh chịu.
Tục cưới xin của người Cơ Ho Lạch cho đến nay càng trở nên đơn giản hơn cả: họ nhà gái cùng một người có tài ăn nói làm ông mai (cau dut) đến nhà trai để dạm hỏi. Nếu bị từ chối, họ sẽ đi lại nhiều lần cho đến khi đồng ý, và sau đó tiếp tục làm lễ vấn danh với bà con họ hàng nhà trai. Trong những lần như vậy người con gái cùng đi với gia đình: mọi sự trao đổi giữa hai gia đình đều diễn ra công khai trước mặt cô dâu và chú rể. Cuộc liên hoan đưa chú rể đến nhà gái gọi là lễ nhấc chân (pồ jơng) cũng rất gọn nhẹ. Mọi sự trao đổi quan trọng giữa hai họ là đám cưới lớn (tam lir) sau hai năm chung sống với nhau, khi họ đã kịp sinh con đẻ cái. Đám cưới bao giờ cũng vui vẻ, cặp vợ chồng hẹn thầm với nhau gắng sống như lời chúc của cha mẹ trước thần linh:
"Hôm nay cho con trai con gái cùng chung sống
Như trâu thấy nhà để về chuồng
Hãy ăn ở đến già
Hãy làm lụng cùng nhau
Sống đến bạc đầu
Tâm tình không chán
Đừng lang thang như con bướm với hoa
Sống cho đến khi lưng còng
Đi làm biết chỗ để về
Đi rẫy biết nơi mình ở
Đi rừng vẫn nhớ nhà..."
Sinh đẻ
Lúc mang thai, người phụ nữ Cơ Ho Chin kiêng thịt các loài khỉ, vượn, không ăn các con vật có mang bị chết. Người Cơ Ho Srê rất kiêng không ăn thịt con đỏ, nhím, tê tê vì sợ sinh khó, không xách vật nặng, gùi phải mang sau lưng ngay ngắn, không đi trỉa giùm cho người khác, tóc không buộc vì sợ đẻ khó.
Lúc sinh người ta cữ 7 ngày, dấu hiệu là sợi chỉ xanh cột nơi cửa không cho khách lạ vào nhà, chỉ có anh em, bà con, họ hàng mới vào được. Trong trường hợp vô ý khách vào nhà thì chủ nhà phun nước vào người của khách. Ngày sau đó người mẹ có thể mang đứa bé đi làm.