Khi đi học các bé rất dễ các bệnh như chân tay miệng vậy là sao để phát hiện bệnh sớm, chăm sóc điều trị cho trẻ đúng cách để trẻ không bị các biến chứng nặng hơn về sau.
Dịch tễ học bệnh tay chân miệng
Bệnh thường gặp ở trẻ dưới 3 tuổi và rất ít thấy ở trẻ trên 5 tuổi. Một điểm cần lưu ý là trong một đợt dịch bệnh, trẻ có thể bị mắc bệnh tái đi tái lại nhiều lần cho đến khi được 5 tuổi mới có miễn dịch hoàn toàn với bệnh.
Nguyên nhân gây bệnh
Tác nhân gây bệnh chân tay miệng trước đây được biết là vi-rút Coxsackie. Khảo sát tại bệnh viện nhi đồng đã xác nhận sự hiện diện của Enterovirus 71 và vi-rút Coxsakie trong các đợt dịch bệnh tại TP.HCM.
Sự lây truyền bệnh ở trẻ
Vi-rút gây bệnh có khả năng lây lan rất nhanh qua đường miệng.Trong những đợt dịch, bệnh có thể lây rất nhanh từ trẻ này sang trẻ khác qua các chất tiết mũi miệng, phân hay bọt nước của trẻ bệnh:
Trẻ lành tiếp xúc trực tiếp với trẻ bệnh, bị nhiễm bệnh do nuốt phải nước bọt của trẻ bệnh được văng ra trong lúc ho, hắt hơi
Do trẻ lành cầm nắm đồ chơi, sờ chạm vào sàn nhà bị dây dính nước bọt, chất tiết mũi họng của trẻ bệnh.
Ngoài ra bệnh còn lây cho trẻ qua bàn tay chăm sóc của các cô bảo mẫu.
Vi-rút xâm nhập vào cơ thể qua niêm mạc miệng hay ruột vào hệ thống hạch bạch huyết và từ đó sẽ phát triễn rất nhanh và gây ra các tổn thương ở da và niêm mạc.
Biểu hiện của bệnh
Loét miệng: là các bóng nước có đường kính 2-3 mm Thường khó thấy các bóng nước trên niêm mạc miệng vì nó vở rất nhanh tạo thành những vết loét, trẻ rất đau khi ăn, tăng tiết nước bọt
Bóng nước: từ 2-10 mm, màu xám, hình bầu dục.
Bóng nước vùng mông và gối thường xuất hiện trên nền hồng ban.
Bóng nước lòng bàn tay và lòng bàn chân có thể lồi lên trên da sờ có cảm giác cộn hay ẩn dưới da, thường ấn không đau.
Bệnh có thể biểu hiện không điển hình như: bóng nước rất ít xen kẻ với những hồng ban, một số trường hợp chỉ biểu hiện hồng ban và không có biểu hiện bóng nước hay chỉ có biểu hiện loét miệng đơn thuần.
Diễn tiến và biến chứng của bệnh chân tay miệng ở trẻ em
Giai đoạn 1 của bệnh tay chân miệng: Các trường hợp ít bóng nước thường có biến chứng
Giai đoạn 2 của bệnh tay chân miệng:
Viêm màng não: trẻ cĩ biểu hiện run chi, giật mình nhưng chưa thay đổi tri giác (vẫn tỉnh, không mê).
Viêm não: vật vã, kích thích, chới với, thay đổi tri giác, yếu chi, liệt mặt
Giai đoạn 3 của bệnh tay chân miệng:
Giảm chức năng co bóp thất trái trên siêu âm
Phù phế nang, sùi bọt hồng, phù phổi
Giai đoạn 4 của bệnh tay chân miệng:
Hồi phục, di chứng hay tử vong
Biến chứng của bệnh
Các biến chứng thường gặp là: viêm màng não, viêm não màng não, liệt mềm cấp, viêm cơ tim, phù phổi cấp do thần kinh
Các biến chứng có thể phối hợp với nhau như: viêm não màng não, phù phổi và viêm cơ tim trên cùng 1 bệnh nhân.
Các biến chứng này thường gây tử vong cao và diễn tiến rất nhanh có thể trong 24 giờ.
Theo các nghiên cứu tại Đài loan cho thấy biến chứng nặng thường do Enterovirus 71.
Biểu hiện biến chứng viêm não, viêm màng não
Không có biểu hiện mê sâu
Biểu hiện ban đầu bằng các triệu chứng quấy khóc, ngủ nhiều, hoảng hốt hay giật mình run chi, yếu chi, đứng không vững, đi loạng chọang.
Diễn tiến rất nhanh đến co giật, khó thở, suy hô hấp, rối loạn vận mạch, sốc thần kinh.
Lưu ý: biến chứng viêm não màng não vẫn có thể xuất hiện khi các nốt phỏng nước trên da trẻ đã khô và đóng vảy.
Cần chú ý phát hiện sớm biến chứng viêm vão màng não và đưa trẻ đến bênh viện trong vòng 6 giờ đầu sau khi xuất hiện các biểu hiện của biến chứng để được cấp cứu kịp thời.
Điều trị bệnh chân tay miệng ở trẻ em
Hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, việc điều trị bệnh chủ yếu là điều trị triệu chứng. Đưa trẻ đến khám bệnh tại các cơ sở y tế. Nếu trẻ được chỉ định chăm sóc tại nhà, cần thực hiện những điều sau đây :
Vệ sinh răng miệng và thân thể, tránh làm nhiễm trùng các bóng nước
Giảm đau, hạ sốt bằng cách lau mình bằng nước ấm, dùng thuốc hạ sốt Paracetamol.
Nghỉ ngơi hợp lý, hạn chế vận động, tăng cường dinh dưỡng, cho ăn thức ăn lỏng, mềm, uống nhiều nước nhất là nước hoa quả.
Không cạy vỡ các bóng nước để tránh nhiễm trùng.
Theo dõi sát để phát hiện các dấu hiệu: dễ giật mình, hoảng hốt, run chi, gồng tự hết, đi loạng choạng, chới với, co giật, da nổi bông, nôn ói nhiều, sốt cao. Khi có các biểu hiện trên đây cần đưa trẻ đến bệnh viện ngay.
Phòng bệnh chân tay miệng ở trẻ như thế nào?
Hiện nay vẫn chưa có vắc-xin phòng bệnh nên cần thực hiện tốt các biện pháp sau:
Rửa tay: thường xuyên rửa tay bằng xà phòng dưới vòi nước chảy, nhất là trước và sau khi nấu ăn, trước khi ăn và sau khi đi tiêu. Nếu có chăm sóc trẻ thì cần lưu ý rửa tay sau mỗi lần thay tả, làm vệ sinh cho trẻ.
Rửa sạch các dụng cụ, vật dụng, đồ chơi, sàn nhà bằng nước và xà phòng, rồi khử trùng bằng cloramin B 5% (có thể mua tại nhà thuốc tây).
Đeo khẩu trang mũi miệng khi hắt hơi hoặc ho.
Cách ly người bệnh tại nhà cho đến khi khỏi bệnh (thường ít nhất là 7 ngày).
Thông tin thêm về bệnh tay chân miệng
Bệnh tay chân miệng do siêu vi trùng đường ruột thuộc nhóm Coxasackieviruses và Enterovirus 71 gây ra. Bệnh thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi, gặp nhiều nhất là ở trẻ dưới 3 tuổi. Bệnh xảy ra quanh năm, tăng cao từ tháng 2 – 4 và từ tháng 9 – 12 trong năm. Bệnh lây nhanh từ trẻ này sang trẻ khác từ các chất tiết mũi, miệng, phân, nước bọt lúc trẻ bệnh ho, hắt hơi.
Triệu chứng và thời gian ủ bệnh của bệnh tay chân miệng
Thời gian ủ bệnh: từ 3 – 6 ngày.
Sốt: có thể sốt nhẹ thoáng qua, cũng có thể sốt cao 39- 400C.
Đau họng, chảy nước bọt liên tục.
Biếng ăn hoặc bỏ ăn.
Khó ngủ, quấy khóc, run chi, giật mình nhiều một cách bất thường.
Sang thương da, niêm chủ yếu nằm ở miệng, lòng bàn tay, lòng bàn chân, gối, mông.
Sang thương ở miệng đa số là những vết loét đỏ (do các bóng nước vỡ ra), đường kính 2-3mm ở vòm họng, niêm mạc má, nướu răng, lưỡi.
Sang thương ở da: thường là bóng nước, có đường kính 2 – 10mm, hình bầu dục, hoặc hơi tròn, nổi cộm hay ẩn dưới da trên nền hồng ban, không đau, khi bóng nước khô để lại vết thâm da.
Chú ý: có một số trường hợp không điển hình chỉ có loét miệng, sang thương da rất ít, hoặc không rõ ràng dạng bóng nước, mà chỉ là dạng chấm hoặc hồng ban.
Các triệu chứng khi có biến chứng
Triệu chứng thần kinh: rung giật cơ, bứt rứt, lừ đừ, chới với, yếu chi, co giật, hôn mê.
Triệu chứng của đường hô hấp và tim mạch: thường xuất hiện khi bệnh trở nặng: mạch nhanh, da nổi bông, tay chân lạnh, thở nhanh hơn bình thường, sùi bọt hồng ở miệng.
Các xét nghiệm cần làm: chỉ làm các xét nghiệm theo chỉ định của BS: công thức máu, đường máu, khí máu,
X-quang phổi…
Phân độ nặng của bệnh:
Độ 1: chỉ có loét miệng và hoặc sang thương ở da.
Độ 2: rung giật cơ, bức rức, chới với.
Độ 3: yếu liệt chi, liệt các dây thần kinh sọ, co giật, hôn mê.
Độ 4: suy hô hấp, phù phổi, tăng huyết áp, trụy mạch.
Phân biệt với các bệnh khác:
Dị ứng da: sang thương hồng ban đa dạng nhiều hơn bóng nước.
Viêm da mủ: sang thương đau, đỏ, có mủ, không có sang thương trong niêm mạc miệng.
Thủy đậu: sang thương có nhiều lứa tuổi và rải rác toàn thân, không tập trung đặc biệt ở một vùng nào.
Biện pháp điều trị
Nguyên tắc
Điều trị triệu chứng: Theo dõi sát, phát hiện sớm các triệu chứng của biến chứng để cho trẻ nhập viện.
Điều trị tại nhà: chỉ điều trị tại nhà những trẻ bị bệnh tay chân miệng độ I.
Hạ sốt, giảm đau: dùng paracetamol 10 -15mg/kg cân nặng/ mỗi 4 – 6 giờ, chỉ sử dụng khi trẻ sốt từ 38oC trở lên.
Vệ sinh răng miệng bằng cách cho trẻ súc miệng với nước muối pha loãng.
Nghỉ ngơi.
Sử dụng thêm các vitamin C, vitamin PP, vitamin A và kẽm theo toa bác sĩ để hỗ trợ cho da, niêm mạc mau lành.
Dùng kháng sinh theo toa bác sĩ khi có bội nhiễm.
Tái khám mỗi 1-2 ngày trong 7 ngày đầu của bệnh.
Theo dõi các dấu hiệu nặng: khi có một trong các triệu chứng sau: sốt cao trên 39oC, giật mình liên tục, run chi, chới với, quấy khóc, bứt rứt, co giật thì người nhà cần đưa bé vào bệnh viện ngay.
Dinh dưỡng trong bệnh tay chân miệng
Trẻ bị bệnh tay chân miệng thường rất biếng ăn, thậm chí có thể bỏ ăn do các vết loét trong niêm mạc miệng gây đau. Vì vậy, thức ăn cho trẻ cần chọn lựa sao cho mềm, mịn, mát lạnh nhằm tạo cảm giác dễ chịu khi thức ăn, thức uống đi ngang qua vết loét. Như vậy, những thực phẩm có thể dùng cho trẻ là: bột dinh dưỡng, sữa, sữa chua, phô mai, bánh Flan, tàu hủ đường…
Nếu trẻ ăn kém, nên cho trẻ ăn nhiều lần hơn lúc bình thường để tránh tình trạng hạ đường huyết có thể xảy ra. Cần chú ý muỗng (thìa) dùng để đút cho trẻ nên tránh những loại có cạnh sắc bén, để không đụng vào các vết loét ở đầu lưỡi và môi làm bé đau dẫn đến sợ hãi, không ăn. Khi trẻ giảm bệnh (thường là sau 4 – 5 ngày) nên cho bé ăn trở lại bình thường, không kiêng khem.
Biện pháp phòng ngừa bệnh tay chân miệng
Rửa tay trước khi ăn, sau khi đi tiêu, sau khi mặc, thay tả, hoặc sau khi tiếp xúc với những vết loét, phân, nước tiểu, nước bọt của trẻ bệnh.
Rửa sạch đồ chơi, vật dụng, sàn nhà bằng dung dịch sát khuẩn.
Cách ly trẻ bệnh để tránh tình trạng bệnh lây lan nhanh trong cộng đồng.
Những điều mẹ nên biết khi trẻ bị tay chân miệng
Một vài lưu ý dưới đây mẹ cần biết để giúp con có thể phòng tránh và chữa trị hiệu quả bệnh tay chân miệng nhé!
“Vắc xin” là xà phòng
Mẹ của bé Trường Giang – 16 tháng tuổi (Phú Xuyên – Hà Nội) chia sẻ: Chỉ trong có hơn 2 tháng mà con mình bị tay chân miệng tới tận 2 lần. Đã dặn ông bà rửa tay nhiều lần cho cháu khi cháu đi chơi và cho nhập viện ngay khi con quấy khóc nhiều (vì điều kiện mẹ làm ở xa nhà). Vậy mà còn vẫn mắc bệnh khiến mẹ rất lo lắng và mệt mỏi.
Trên thực tế thì Trường Giang chỉ là một trong số rất nhiều các bé bị tái lại bệnh tay chân miệng. Có nhiều mẹ lo lắng khi con mình đã bị năm trước rồi không biết năm sau có bị lại hay không? Và làm sao có thể giảm thiểu tối đa nguy cơ mắc bệnh.
Tới nay, tay chân miệng là một bệnh dịch chưa có vắc xin để điều trị. Nhưng một biện pháp được coi là vắc xin hữu hiệu để ngăn ngừa căn bệnh này các mẹ nên biết đó chính là rửa tay bằng xà phòng.
Rửa tay bằng xà phòng là một việc mới nghe qua thì tưởng đơn giản nhưng không phải mẹ nào cũng biết cách rửa tay cho con sao cho đúng và rửa vào những thời điểm nào để ngăn ngừa bệnh một cách hiệu quả nhất?
Các nhà khoa học cho rằng: Rửa tay thường xuyên là một cách tốt nhất để tránh bị bệnh và lan bệnh cho cơ thể. Theo đó thì, những thời điểm cần phải rửa tay bằng xà phòng cho bé là: Trước và sau khi ăn, sau khi đi vệ sinh, ho hoặc hắt hơi vào tay, sau khi vui chơi hoặc tiếp xúc ở những nơi công cộng hoặc bất cứ khi nào bạn cảm thấy tay của con bẩn.
Tốt nhất nên rửa tay bằng xà phòng dưới vòi nước đang chảy cho bé theo những bước sau:
Bước 1: Làm ướt bàn tay, lấy 3 – 5ml dung dịch rửa tay hoặc chà bánh xà phòng lên lòng và mu hai bàn tay. Xoa hai lòng bàn tay vào nhau cho xà phòng dàn đều.
Bước 2: Đặt lòng và các ngón của bàn tay này lên mu bàn tay kia và chà sạch mu bàn tay và kẽ các ngón tay (từng bên).
Bước 3: Đặt lòng hai bàn tay vào nhau, chà sạch lòng bàn tay và kẽ ngón tay.
Bước 4: Móc hai bàn tay vào nhau và chà sạch mặt mu các ngón tay.
Bước 5: Dùng lòng bàn tay này xoay và chà sạch ngón tay cái bàn tay kia và ngược lại.
Bước 6: Chụm đầu các ngón tay của bàn tay này và chà sạch đầu các ngón tay vào lòng bàn tay kia và ngược lại. Rửa sạch tay dưới vòi nước, sau đó dùng khăn sạch thấm khô tay.
Phát hiện sớm bệnh tay chân miệng ở trẻ
Tay chân miệng là một trong những bệnh có nhiều thể khác nhau. Giai đoạn ủ bệnh có thể kéo dài từ 3 – 7 ngày, sau đó đến giai đoạn khởi phát: 1 – 2 ngày và cuối cùng là giai đoạn toàn phát: 3 – 10 ngày. Chính vì giai đoạn ủ bệnh khá dài nên cha mẹ cần phải chú ý để có thể phát hiện bệnh sớm và điều trị kịp thời.
Mẹ Song Thư chia sẻ: “Con mình bị bệnh tay chân miệng nhưng lúc đầu chỉ thấy con sốt mà không rõ nguyên nhân, sau đó sốt cao kèm theo quấy khóc. Mình cho con uống hạ sốt và đưa vào viện, bác sỹ khám và kết luận: họng viêm loét, 2 amidal có chấm mủ, không phát hiện ra là bị tay chân miệng nên bác sỹ kê thuốc và dặn theo dõi.
Mình cho con về dùng thuốc theo đơn bác sỹ kê. Con hết sốt nhưng ăn kém và liên tục chỉ vào miệng kêu đau. Lúc này mẹ kiểm tra thì thấy con có những nốt chấm đỏ như bị nhiệt ở lưỡi. Lần này sau khi khám và làm xét nghiệm bác sỹ mới kết luận là bị tay chân miệng”.
Thực tế thì không phải mẹ nào cũng cẩn trọng như mẹ Song Thư. Mẹ của bé Trường Giang cho biết: “Mình đi làm xa nhà, nên để con ở nhà với ông bà ngoại. Con dù đã bị chân tay miệng vào tháng trước nhưng phần vì kém hiểu biết, phần vì chủ quan nên sau hơn 1 ngày cháu có biểu hiện khác thường và quấy khóc mới được đưa đến bệnh viện và kết quả là phải nằm điều trị 1 tuần trong bệnh viện vì bệnh tay chân miệng”.
Thậm chí, có nhiều mẹ chỉ thấy con sốt mà không có biểu hiện gì khác thường lại đổ tại thời tiêt hoặc có mẹ lại quan niệm rằng: Tay chân miệng là phải khi nào các nốt ban nổi lên ở lòng bàn tay, chân và miệng thì mới là tay chân miệng….
Tuy nhiên, bệnh tay chân miệng có nhiều thể khác nhau. Bệnh không có biểu hiện và diễn tiến giống nhau hoàn toàn ở các bé khác nhau. Nhiều gia đình có cả 2 con bị tay chân miệng nhưng biểu hiện của mỗi một đứa trẻ lại môt khác. Có bé chỉ sốt nhẹ, rồi đau họng, sau đó mới có chấm ban như nhiệt ở lưỡi, và cuối cùng mới lan ra tay, chân và mông. Cũng có những bé thì chỉ sốt nhẹ vào tối hôm trước đến hôm sau khắp chân, tay, miệng đã đầy những vết loét….
Vì vậy, mẹ phải cực kỳ tỉnh táo và theo dõi con sát sao mới có thể phát hiện ra sớm các dấu hiệu bất thường ban đầu. Khi đã phát hiện con có dấu hiệu bất thường rồi cũng không nên chủ quan mà nên đưa con đến bác sỹ khám ngay nhằm phát hiện ra bệnh sớm để thuận tiện cho việc điều trị và theo dõi.
Đừng quá lo lắng
Đối với các mẹ có con bị tay chân miệng chắc hẳn các mẹ sẽ rất lo lắng. Tuy nhiên, bạn cũng không nên vì quá lo lắng mà làm ảnh hưởng đến việc chăm sóc con.
Cần phải đảm bảo rằng: Con được bác sỹ thăm khám kịp thời để chẩn đoán chính xác về tình trạng bệnh. Có nhiều mẹ tỏ ra không yên tâm khi có con bị tay chân miệng mà bác sỹ lại bảo cho về theo dõi tại nhà vì mẹ cho rằng: Không phải chuyên môn thì mẹ khó mà biết được bệnh có nặng lên hay không?
Tuy nhiên, hãy lấy làm vui mừng, vì bạn sẽ không phải vất vả để “chiến đầu” với sự quá tải ở các bệnh viện như hiện nay và một khi con được điều trị tại nhà có nghĩa là bệnh của bé ở thể nhẹ, chưa có gì đáng lo ngại.
Do chưa có thuốc đặc trị nên bệnh tay chân miệng đã trở thành một căn bệnh lây nhiễm phổ biến ở trẻ em hiện nay. Chính vì vậy, hãy chăm sóc tốt cho bé ở các khâu từ vệ sinh, đến dinh dưỡng để bé có thể phòng tránh và hồi phục một cách nhanh chóng nếu đã mắc bệnh.
Các mẹ nên cập nhật thêm nhiều thông tin, cũng như kinh nghiệm xung quanh căn bệnh này. Nếu đã có con nhiễm bệnh thì cũng dừng quá nôn nóng mà phải thật bình tĩnh và đưa bé đến các cơ sở y tế thăm khám và điều trị, các mẹ nhé!
Những nhận định sai lầm về bệnh
- Bệnh tay chân miệng không chỉ xảy ra với trẻ em từ 5 tuổi trở xuống, cả người lớn cũng có thể là nạn nhân của bệnh chứng này. Nhưng ở người lớn và trẻ lớn hơn 5 tuổi, biểu hiện của bệnh chứng thường nhẹ hoặc không có triệu chứng rõ ràng để nhận biết. Bệnh thường lây lan qua các môi trường: nhà trẻ, gia đình, tiếp xúc với trẻ bệnh hay người lớn mắc bệnh mà không biểu hiện triệu chứng rõ ràng.
- Bệnh tay chân miệng có thể xảy ra vào bất cứ thời điểm nào trong năm chứ không chỉ vào những khoảng thời gian chuyển mùa. Khi nhiễm bệnh, trẻ cũng không bắt buộc phải có những biểu hiện như loét miệng hay nổi sần, mụn nước ở tay hay chân. Có những trường hợp trẻ bị nhiễm chỉ nổi sần ngoài Da và các bậc cha mẹ rất dễ nhầm lẫn khi nghĩ rằng con em mình chỉ bị những bệnh nhiễm ngoài Da thông thường.
- Khi trẻ mắc phải bệnh chứng này, đừng xem thường khi thấy trẻ ngủ không yên, giật mình, Khóc quấy. Trong trường hợp này, khi thấy trẻ ngủ li bì, mê mệt, cho dù không mê man các bậc cha mẹ phải nhanh chóng đưa con em mình đến bệnh viện để được điều trị bởi có thể là bệnh đã biến chứng sang viêm màng não. Đây là lúc bệnh đã trở nặng và có khả năng gây nguy hiểm cao.
- Không nên bôi, xức các loại thuốc lên các mụn nước hay vết lở của trẻ. Bởi khi các vết lở hay mụn nước ngoài Da khô đi nhờ thuốc bôi, các bác sĩ sẽ khó chẩn đoán chính xác bệnh trạng của các em bé hơn.
- Dù trẻ chỉ bị nhẹ và vẫn khỏe mạnh như thường, các bậc cha mẹ cũng không nên cho con mình tiếp tục đi học để tránh lây bệnh cho các trẻ khác khi tiếp xúc với con em của mình. Phải cho trẻ ở nhà để theo dõi và phát hiện kịp thời khi biến chứng xảy ra.
Phân biệt viêm loét miệng và bệnh tay chân miệng
Hỏi: Gần đây, con gái tôi 5 tuổi, xuất hiện vết loét nhỏ ở niêm mạc má, hình tròn gây đau, xót khiến cháu biếng ăn. Tôi đã cho cháu đi khám bác sĩ và được biết cháu bị viêm loét miệng. Bác sĩ nói bệnh này rất dễ nhầm lẫn với bệnh tay chân miệng, cũng thường gặp ở trẻ nhỏ. Xin hỏi quý báo, phân biệt hai bệnh này như thế nào?
Trả lời của bác sỹ chuyên khoa da liễu nhi khoa:
Viêm loét miệng là một bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ, bệnh thường nhẹ với biểu hiện chủ yếu là vết loét nhỏ (đường kính 1-3mm), xuất hiện từng đám hoặc đơn độc ở niêm mạc má, lợi, môi hoặc dưới lưỡi hình tròn hoặc bầu dục, ở giữa có màu vàng hoặc xám trắng, bao quanh là quầng màu đỏ. Viêm loét miệng do nhiều nguyên nhân gây ra, có thể do chấn thương trong vùng miệng như tự cắn vào niêm mạc, do thức ăn cứng, vệ sinh răng miệng không đúng cách hoặc cũng có thể do nhiệt miệng, thiếu dinh dưỡng, stress và cũng có thể gặp trong một số bệnh liên quan đến rối loạn hệ thống miễn dịch… Viêm loét miệng hoàn toàn có thể phân biệt được với hội chứng tay chân miệng dựa vào dấu hiệu của bệnh. Trong bệnh tay chân miệng, ở miệng cũng có những vết loét dạng tổn thương dạng phỏng nước (đường kính 2-3mm). Ngoài ra, trẻ còn có những nốt phát ban hay tổn thương dạng phỏng nước ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, mông, gối. Biện pháp điều trị cho hai bệnh này cũng hoàn toàn khác nhau.
Các bậc phụ huynh phải có cách chăm sóc trẻ phù hợp đúng cách khi trẻ bị tay chân miệng để trẻ không có các biến chứng nguy hiểm về sau, nếu có các hiện tượng nặng hơn thì hãy nhanh chóng đưa trẻ đến trung tâm y tế gần nhất để được thăm khám và điều trị kịp thời.