Đầu tiên là một đốm trắng, rồi nhiều đốm trắng. Các đốm trắng này cứ loang dần, loang dần theo thời gian... Đó chính là dấu hiệu đầu tiên thường thấy của bệnh bạch biến.
Bệnh bạch biến là gì? Bệnh bạch biến có chữa trị được không? Chúng tôi sẽ giải đáp thắc mắc của các bạn trong bài viết dưới đây.
1. Bệnh bạch biến là gì?
Bạch biến là một bệnh mất sắc tố ở da, lông, tóc. Tỷ lệ mắc bệnh khoảng 1-2% dân số, người da màu mắc bệnh nhiều hơn da trắng. Bệnh có ở mọi lứa tuổi nhưng thường gặp ở người trẻ.
Bạch biến có thể kết hợp với một số bệnh khác như đái đường, bệnh của chất tạo keo, các bệnh ác tính, thiếu máu kéo dài, bệnh tuyến giáp, xơ gan...
Cơ chế sinh bệnh bạch biến rất phức tạp, hiện chưa được biết một cách tường tận, nhưng bệnh có liên quan đến các yếu tố thần kinh - thể dịch, tác nhân hóa chất, cơ chế rối loạn miễn dịch.
Các triệu chứng chính chỉ có ở ngoài da. Thương tổn da là những đốm da mất sắc tố, màu rất trắng, kích thước của các đốm cũng thay đổi từ một đến nhiều cm. Đốm mất sắc tố thường có hình tròn không đều, đôi khi không có hình dạng gì cả. Bề mặt da trơn láng, không sưng, lông trên vùng da bệnh cũng bị bạc trắng. Màu trắng của da bệnh có khi đồng nhất nhưng đôi khi loang lổ, chỗ trắng lẫn với màu da thường. Đốm có giới hạn rõ ràng với da lành và vùng da lành quanh đốm đậm màu hơn da thường. Có một vài trường hợp đốm da mất sắc tố lan ra khắp người, da, lông, tóc, toàn thân là một màu trắng.
Vị trí bị bệnh thường gặp nhất là mặt, phần trên của ngực, mặt lưng bàn tay, nách, háng, mắt, mũi, quanh miệng, tai, núm vú, rốn, cơ quan sinh dục ngoài. Các thương tổn da cũng thường có khuynh hướng phát triển ở vùng da bị chấn thương, bỏng.
Diễn tiến của bệnh thường khó biết trước. Các đốm trắng có thể tồn tại lâu dài không có thay đổi gì cả, cũng có thể lan rộng ra từ từ, hoặc tự thu nhỏ lại. Khoảng 15-25% trường hợp có thể tự lành, nhưng đa số trường hợp bệnh kéo dài có khi suốt đời, ngoài ra không có biến chứng gì khác. Tuy làm mất thẩm mỹ nhưng bệnh không ảnh hưởng sức khỏe chung.
Cho đến nay, y học vẫn chưa có thuốc nào trị khỏi bệnh hoàn toàn. Các phương pháp điều trị thường dựa trên việc dùng thuốc làm tăng cảm ứng với ánh nắng kết hợp với chiếu tia cực tím hay tắm nắng. Có thể phẫu thuật cấy tế bào hắc tố, dùng các thuốc bôi có chất streroid để làm giảm miễn dịch tại chỗ...
Việc điều trị đòi hỏi phải kiên nhẫn dùng thuốc trong một thời gian dài và có thể bị một số tai biến. Vì vậy, người bị bệnh cần có thầy thuốc chuyên khoa chỉ định và theo dõi. Bệnh viện Da liễu TW để được khám và tư vấn phương pháp điều trị cụ thể.
Phân loại bạch biến
Bạch biến có 2 thể:
- Segmental (hoặc unilateral) thường khởi phát ở tuổi thiếu niên, tiến triển nhanh, thời gian ngắn, rồi ổn định, thường không tiến triển tiếp.
- Non-segmental (hoặc bilateral) là thể thường gặp hơn, tiến triển mạn tính, khó tiên lượng, thường liên quan đến miễn dịch. Ngoài ra, có thể phân thành thể khư trú (localized) thường chỉ là một hoặc vài tổn thương ở tại 1 vùng cơ thể; thể lan toả (generalized) tổn thương rộng hơn, nhiều hơn và thể hoàn toàn (universalis) khi tổn thương chiếm trên 80% diện tích cơ thể. Tiến triển của bạch biến thất thường nhưng thường ổn định và tăng dần.
2. Điều trị bệnh bạch biến
Bệnh bạch biến là một bệnh tế bào sinh sắc tố ở da bị phá hủy khiến da mất đi lớp sắc tố melamin, do đó vùng da bị mất sắc tố trở thành màu trắng, có khi có những đốm nâu xen kẽ, lông hoặc tóc trên vùng da bị bạch biến cũng có màu trắng.
Bệnh gặp ở mọi lứa tuổi, nguyên nhân gây bệnh bạch biến hiện nay chưa rõ, người ta cho rằng bệnh bạch biến là một bệnh tự miễn khiến các tế bào sắc tố bị phá hủy. Bệnh bạch biến có tính chất di truyền vì có khoảng 30% người bị bạch biến có người trong gia đình cũng bị bệnh này.Các đốm trắng này thường gặp ở lưng bàn tay, cổ tay, cẳng tay, mặt,cổ, lưng, vùng sinh dục nhưng không bao giờ người ta thấy bạch biến ở vùng lòng bàn tay, lòng bàn chân, niêm mạc (có lẽ do các vùng này không có lông chăng?)
Các yếu tố thuận lợi cho bệnh bạch biến phát sinh:
- Do stress: căng thẳng tinh thần trong cuộc sống, chấn thương tâm lý (sau tai nạn, sau thảm họa, người thân bị mất…)
- Do tiếp xúc với hóa chất: như phenol, thiol.
- Bệnh nhân đang mắc các bệnh khác như: bệnh lý tuyến giáp, đái tháo đường, thiếu máu ác tính…
Điều trị:
Vì chưa biết nguyên nhân nên hiện nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu (cả đông y lẫn tây y) bệnh bạch biến. Các phương pháp điều trị chủ yếu là:
- Quang hóa trị liệu: dùng thuốc làm tăng cảm ứng với ánh sáng như uống hoặc bôi Psoralen + chiếu tia tử ngoại.
- Bôi corticoid để làm giảm miễn dịch tại chỗ da bị bạch biến.
- Nếu các phương pháp trên thất bại người ta có thể dùng phương pháp phẫu thuật ghép da, cấy tế bào sắc tố.
- Nên có cuộc sống thoải mái, yêu đời, ăn ngủ, làm việc, nghỉ ngơi có điều độ, tránh những căng thẳng trong cuộc sống. Việc điều trị rất lâu dài nên phải kiên trì, không nóng vội, nên lạc quan tin tưởng vì nếu thất vọng, chán nản bệnh sẽ càng nặng thêm.
(ST)