Sâu răng trên răng sữa
thường khởi đầu ở các hố và rãnh. Các sang thương nhỏ khó có thể phát
hiện bằng mắt thường; nhưng các sang thương lớn thường có biểu hiện là
lỗ thủng ở mặt nhai.
- Vị trí sâu răng thường gặp đứng hàng thứ 2 là ở mặt bên (mặt tiếp xúc giữa các răng), và rất nhiều trường hợp chỉ có thể phát hiện khi chụp X-quang răng. Các tổn thương do sâu răng biểu hiện ở các bề mặt trơn láng (mặt ngoài và mặt trong) thường chỉ gặp ở trẻ có sâu nhiều răng nghiêm trọng.
- Tình trạng sâu nhiều răng nghiêm
trọng ở trẻ em và trẻ nhỏ được gọi là sâu răng sớm ở trẻ em (early
childhood caries – ECC), sâu răng bú bình (nursing bottle caries) hay
sâu răng ở trẻ bú bình (baby bottle tooth decay) đã được ghi nhận không
chính xác với thực tế bú bình.
Tuy sự kết hợp giữa tình trạng nhiễm trùng do vi khuẩn gây sâu răng ở
trẻ em và số lần ăn chất đường, có cả ở trẻ bú bình và trẻ ăn thức ăn
đặc, là rất quan trọng song vẫn còn các yếu tố khác có vai trò quan
trọng trong sâu răng như thiểu sản men các răng sữa vì thiếu dinh dưỡng
trong thai kỳ hay vì sinh non.
Sâu răng sớm ở trẻ em (ECC) rất phổ biến. Bệnh có thể xuất hiện sớm
trước 12 tháng tuổi, nhiều tháng trước khi trẻ được đưa đến bác sĩ nha
khoa. Các đối tượng có nguy cơ bị ECC bao gồm trẻ thường xuyên ăn chất
đường (thường xuyên dùng các thức uống, thức ăn có đường hoặc bánh
snack), trẻ em nhập cư, trẻ có nhiều người thân như cha mẹ hay các anh
chị em ruột bị sâu răng, và trẻ có dị dạng ở răng.
Các biến chứng
- Nếu không được điều trị, tình trạng sâu răng sẽ dẫn đến răng sâu bị
hủy hoại toàn bộ và tổn thương đi vào tủy răng, dẫn đến viêm tủy răng và
gây đau nhức.
- Viêm tủy răng có thể tiến triển đến hoại tử, vi khuẩn xâm lấn xương ổ răng và gây áp xe răng.
- Nhiễm trùng răng sữa có thể ảnh hưởng đến quá trình mọc răng vĩnh viễn.
- Một số trường hợp nhiễm trùng răng sữa có gây ra nhiễm trùng huyết hoặc nhiễm trùng các vùng mặt.
Sâu răng sữa có cần điều trị?
Sâu răng là một quá trình bệnh lý của sự phá hủy cục bộ tổ chức răng do vi khuẩn.
Một số yếu tố liên quan đến sâu răng ở trẻ em
Chất đường:
Vi khuẩn gây sâu răng sau khi nhiễm vào môi trường miệng, tự nó sẽ
không gây sâu răng được, cần phải có sẵn nguồn chất đường cho sự chuyển
hóa để sinh ra axít và chính điều này sẽ làm mất khoáng men gây sâu
răng.
Mảng bám: Các vi khuẩn gây sâu răng như streptococus
mutans, lactobacillus acidophillus... tụ lại thành một quần thể góp phần
tạo nên mảng bám. Quần thể vi khuẩn này phát triển bám trực tiếp vào bề
mặt răng phân hủy chất đường, tạo điều kiện thuận lợi khởi phát sâu
răng.
Thói quen ăn uống: Đã có nhiều nghiên cứu cho thấy sâu
răng xuất hiện ở trẻ em không phải chỉ do số lượng đường lên men tiêu
thụ, mà còn do độ đậm đặc và số lần sử dụng. Vì thế thói quen ăn uống
đóng vai trò cực kỳ quan trọng. Nếu ăn chất ngọt lặp lại dưới dạng ăn
vặt giữa các bữa ăn chính có thể làm cho vi khuẩn lên men, tạo tình
trạng axít tấn công gần như thường xuyên diễn ra trên bề mặt răng. Không
có thói quen vệ sinh răng trước khi đi ngủ có liên quan nhiều đến sâu
răng. Ở trẻ nhỏ, việc bú bình kéo dài hoặc dùng núm vú giả được làm
ngọt, đặc biệt trong khi ngủ có thể gây hại cho răng.
Răng:
Những bề mặt răng có hố rãnh quá sâu dễ lắng đọng thức ăn và vi khuẩn,
hoặc các răng sắp xếp không ngay ngắn, chen chúc nhau khiến khó làm sạch
bằng phương pháp vệ sinh, gây tích tụ nhiều mảng bám sẽ tạo thuận lợi
cho sâu răng.
Tiến triển của sâu răng
Sự
tiến triển của sâu răng ở răng sữa tương tự như ở răng vĩnh viễn, tuy
nhiên tốc độ nhanh hơn. Khởi đầu tổn thương sâu răng là vết trắng ở bề
mặt men. Nếu đo độ cứng sẽ thấy giảm so với men lành. Giai đoạn này nếu
bôi gel fluor vào bề mặt răng có thể hồi phục tái khoáng và vết trắng
mất đi. Nếu không xử trí, tổn thương sâu răng sẽ tiếp tục phá hủy lớp
men (sâu men), sau đó đến lớp ngà răng, giai đoạn này phát triển nhanh
hơn so với sâu men và sâu răng sẽ lan rộng. Lỗ sâu thường có hình tròn,
miệng trên hẹp, dưới rộng.
Tốc độ phát triển sâu răng phụ thuộc nhiều yếu tố như: Độ cứng của tổ chức răng, số lượng chất tựa hữu cơ (matrixprotein), mảng bám vi khuẩn, chất lượng và tần suất ăn uống...
Men
răng sữa mỏng và ít khi đạt 1mm, ngà răng cũng mỏng và nhiều vùng kém
vôi hóa nên sâu răng sữa tiến triển rất nhanh và tiến vào sâu có thể gây
viêm tủy chỉ trong khoảng 2-3 tháng. Sâu răng sữa thường lan tỏa, rất
nhạy cảm, nếu tủy bị viêm thì trẻ rất đau khi có các yếu tố kích thích
như nóng, lạnh, chua, ngọt, thức ăn lọt vào lỗ sâu và có thể đau tự
nhiên thành cơn và đau nhiều về đêm. Khi răng đã bị sâu nặng, việc chữa
sẽ phức tạp hơn và sự hợp tác của trẻ cũng khó khăn hơn.
Chức năng của răng sữa
Có
quan điểm cho rằng sâu răng sữa không thành vấn đề vì dù gì nó cũng sẽ
được thay bằng răng vĩnh viễn, nhưng đó là quan niệm sai lầm vì khi sâu
răng sữa trẻ rất đau, ảnh hưởng nhiều đến nhai và sức khỏe của trẻ; nhổ
răng sữa sớm cho trẻ nhỏ rất khó khăn; mầm răng vĩnh viễn có thể bị hủy
hoại bởi áp-xe quanh chân răng sữa; răng vĩnh viễn có thể mọc sai vị trí
nếu răng sữa bị nhổ quá sớm. Chính vì vậy mà sâu răng sữa cũng cần phải
điều trị.
Chức năng của răng sữa: Cắt, xé, nhai nghiền nát
thức ăn. Chức năng này giúp cho trẻ nhai tốt, từ đó trẻ mới có thể tiêu
hóa tốt và phát triển bình thường.
Chức năng giữ chỗ: Răng
sữa giữ khoảng trên cung hàm giúp cho răng vĩnh viễn sau này mọc lên
đúng vị trí. Khi thực hiện cử động nhai răng sữa sẽ kích thích sự tăng
trưởng của xương hàm nhất là phát triển chiều cao cung răng. Mất sớm các
răng sữa là một yếu tố gây sai lệch sự cắn khớp của răng vĩnh viễn và
ảnh hưởng tới khớp thái dương hàm sau này.
Chức năng phát âm: Mất sớm các răng sữa phía trước có thể gây khó khăn cho việc phát âm.
Chức năng thẩm mỹ:
Mất sớm răng cửa sữa sẽ tạo cho trẻ tâm lý mặc cảm. Răng sữa khi bị tổn
thương sâu, cha mẹ phát hiện tương đối dễ dàng bằng các triệu chứng như
trẻ sẽ đau khi ăn uống hoặc đau tự nhiên, đau về đêm hoặc nhìn thấy mặt
răng có tổn thương thành lỗ và đổi màu sẫm ở lỗ sâu. Khi đó cần đưa trẻ
đi khám ngay ở chuyên khoa răng hàm mặt để có phương pháp chữa trị phù
hợp.
Phòng sâu răng
- Tăng cường sức đề kháng của mô cứng
răng bằng các biện pháp dùng fluor toàn thân (dùng viên fluor, fluor
hóa muối ăn, fluor hóa nước uống) hay tại chỗ (kem đánh răng có fluor,
nước súc miệng có fluor); cung cấp một chế độ ăn cân đối cho cả mẹ và
con.
- Ức chế tác dụng của vi khuẩn mảng bám bằng các biện pháp cơ
học: chải răng, lấy sạch mảng bám bằng các phương pháp hóa học và sinh
học như súc miệng có chất sát khuẩn như chlorhexidin...
- Giới hạn tác dụng sinh axít của các chất đường bằng cách điều chỉnh, kiểm soát chế độ và thói quen ăn uống.
Để bé không bị sâu răng sữa
Bạn nên bắt đầu vệ sinh lợi cho con ngay cả khi bé chưa có cái răng nào. Mỗi lần tắm, sau khi bú hoặc trước giờ đi ngủ, hãy tạo thói quen lau lợi cho bé với gạc (hoặc khăn mềm) và nước ấm.
Vi khuẩn trong miệng thường không gây tổn thương lợi trước khi chiếc răng đầu tiên nhú lên nhưng thật khó để biết chính xác thời điểm mọc răng, vì thế, vệ sinh lợi cho bé không phải việc thừa. Hãy coi việc chăm sóc lợi cho bé là điều phải làm hàng ngày để chào đón những chiếc răng sữa khỏe mạnh đầu tiên.
|
Răng sữa mọc ở mốc khoảng 6 tháng tuổi, bạn có thể chọn mua bàn chải đánh răng cho bé với đầu bàn chải nhỏ, không quá cứng và cán bài chải đủ rộng cho mẹ cầm.
Ban đầu khi đánh răng cho con, bạn vẫn chưa cần dùng kem đánh răng. Chỉ cần dùng bàn chải, chải kỹ mặt trong và mặt ngoài của răng hai lần mỗi ngày.
Nên chải lưỡi cho bé nữa (nếu bé chịu cho bạn thao tác) để đánh bật vi khuẩn có thể gây mùi hôi cho hơi thở. Một lần chải nhanh ở lưỡi mỗi lần là đủ. Thay bàn chải cho bé nếu lông bàn chải cùn hoặc bị tòe.
Thời điểm bé cần fluoride và cách để biết bé đủ lượng fluoride
Sự phát triển của răng sẽ hiệu quả hơn nếu có đủ một ít fluoride - hóa chất giúp ngăn ngừa sâu răng bằng cách làm khỏe men răng, tăng sức chống đỡ với axit và vi khuẩn gây hại. Hầu hết các nguồn nước ở thành phố đều được làm giàu với fluoride. Một số loại nước uống đóng chai có công bố hàm lượng fluoride trên vỏ chai nước. Nhìn chung, khôngcần cho bé dưới 6 tháng tuổi uống nước lọc vì bé đã đủ lượng nước từ sữa mẹ hoặc sữa công thức ngay cả khi trời nóng.
Bác sĩ cũng có thể chỉ định bổ sung fluoride dạng giọt để bạn thêm vào sữa bình hoặc bột ăn dặm cho con một lần một ngày. Học viện Nhi khoa Mỹ không khuyến cáo bổ sung fluoride cho bé dưới 6 tháng tuổi.
Nếu bạn sống ở khu vực mà nguồn nước đã có fluoride, bé nhà bạn không nhận được fluoride qua sữa mẹ nhưng sẽ nhận được fluoride từ nguồn nước pha sữa bình nếu nước đó có fluoride. Một số nước đóng chai và nước hoa quả cũng có fluoride cho dù nhà sản xuất không công bố lượng fluoride trên nhãn sản phẩm.
Một ít fluoride thì tốt cho răng của bé, còn quá nhiều lại dẫn tới chứng fluoride hóa – tình trạng nhẹ gây nên những đốm trắng trên răng. Học viện Nha khoa Mỹ khuyến cáo, hãy đợi đến khi bé được 2 tuổi mới nên dùng kem đánh răng chứa fluoride cho con. Bởi vì bé quá nhỏ có xu hướng nuốt kem đánh răng vào thay vì nhổ ra nên dễ gây chứng fluoride hóa.
Thời điểm nên bắt đầu cho bé tới nha sĩ
Độ tuổi cho bé đi khám răng lần đầu vẫn còn gây tranh cãi. Học viện Nha khoa Mỹ gợi ý, có thể cho bé nhà bạn tới nha sĩ ở độ tuổi lên 3, trừ khi bé có những vấn đề về răng sớm hơn hoặc khi bé có những vấn đề về phát triển răng (chẳng hạn có tiền sử gia đình về bệnh răng lợi). Nếu bác sĩ nghi ngờ bé có trục trặc ở răng, bé có thể phải tới nha sĩ sớm hơn (khoảng 6 tháng tuổi, sau khi chiếc răng đầu tiên nhú lên hoặc một tuổi). Bác sĩ cũng có thể tư vấn về dinh dưỡng và cách chăm sóc răng miệng của con cho mẹ hoặc chỉ định bổ sung fluoride cho bé.
Tuy nhiên Hiệp hội nha khoa Mỹ cho rằng, bạn nên cho con đi nha sĩ ở độ tuổi 6-12 tháng. Một cuộc khám răng sớm giúp phát hiện kịp thời những vấn đề về răng ở bé mà bác sĩ chưa phát hiện ra.
Phòng ngừa sâu răng sữa ở trẻ
mẹ sợ con bị suy dinh dưỡng nên có thói quen cho con bú thêm một bình sữa nữa trước khi đi ngủ vào buổi tối, bé ăn xong là đi ngủ luôn. Việc làm này không ngờ lại liên quan đến một bệnh răng miệng ở trẻ em đó là sâu răng do bú bình.
Bệnh sâu răng sữa ở trẻ em thường thấy ở khắp nơi, tỷ
lệ cao ở các nước đang phát triển, trẻ em có điều kiện sống kém, trẻ sơ sinh có cân nặng thấp khi đến tuổi nhà trẻ mẫu giáo dễ bị sâu răng, bệnh thường xảy ra ở răng cửa hàm trên, bị sâu một lúc 2 hay 4 cái, ít khi xảy ra ở răng cửa hàm dưới, ở các răng sữa khác có thể bị hay không bị.
Nguyên nhân gây sâu răng
Sâu răng là sự hủy hoại dần dần các mô cấu tạo răng, nguyên nhân do vi khuẩn có sẵn trong miệng tác động lên các loại thức ăn như đường, bột... đọng lại trên mặt răng, kẽ răng tạo thành axit, axit này làm tan rã men răng, tạo thành lỗ sâu. Vì vậy, không phải chỉ những bé bú bình mới bị sâu răng, mà ngay cả những bé uống sữa bằng cốc, hay uống nước ngọt, ngậm kẹo, ăn bánh... xong mà không súc miệng bằng nước sạch cũng bị sâu răng.
Một nguyên nhân nữa là do thiểu sản men răng (nghĩa là men răng có nhiều lỗ hổng khiếm khuyết canxi). Răng sữa được hình thành từ khi bé còn là thai nhi trong bụng mẹ. Vì thế khi mang thai, người mẹ ăn uống thiếu canxi thì sau này men răng sữa của bé sẽ không chắc chắn.
Ngoài ra còn do một loại liên cầu khuẩn đã được chứng minh là gây sâu răng ở động vật thực nghiệm còn non với chế độ ăn nhiều đường. Mảng bám răng và cao răng là nơi cư trú của vi khuẩn. Lớp mảng này nếu để lâu, không được chải rửa sạch sẽ tác dụng với chất đường, bột tạo thành axit, quá 24 giờ sẽ phối hợp với nước bọt trở nên cứng và tạo thành vôi răng, dần dần phá hủy lợi răng.
Tác hại của sâu răng sữa
Một số người cho là sâu răng sữa không quan trọng vì đằng nào nó cũng rụng đi để răng vĩnh viễn mọc ra, nhưng điều đó hoàn toàn không đúng, bởi vì nếu răng sữa mất sớm quá thì răng vĩnh viễn có thể mọc lệch lạc, răng lòi xỉ sẽ rất xấu, gây khểnh... làm cho thức ăn dễ bị nhét vào các kẽ răng, khó lấy ra và khi bị sâu khó phát hiện để điều trị sớm. Ngoài ra răng sữa còn có tác dụng nhai nát thức ăn, giúp tiêu hóa tốt, về mặt giao tiếp, răng sữa giữ vai trò thẩm mỹ cho gương mặt, trẻ có hàm răng đẹp sẽ tự tin hơn so với hàm răng sâu, sún răng.
Cách phòng tránh
Thực tế cho thấy vấn đề phòng bệnh răng miệng là rất quan trọng, phải biết phòng ngay từ khi còn trẻ, để khi lớp trẻ trưởng thành sẽ có một bộ răng hoàn chỉnh lành mạnh. Để giữ gìn hàm răng sữa cho bé thì vai trò của người mẹ là vô cùng quan trọng. Khi mang thai, bà mẹ cần biết cách sử dụng những thức ăn có lợi cho cấu tạo men răng của trẻ sau này, men răng có cứng chắc mới chống được sâu răng, người mẹ phải ăn uống đủ chất canxi (có trong thức ăn biển, cua, cá, sò, ốc, tôm...) và mỗi ngày nên uống thêm một cốc sữa. Ngoài ra khi mang thai, người mẹ cần tránh suy nghĩ lo âu sẽ ảnh hưởng đến sự hình thành của bào thai (là một phần nguyên nhân của sứt môi, khe hở hàm ếch ở trẻ).
Giữ vệ sinh răng miệng cho bé, lúc bé còn nhỏ quá chưa biết chải răng nhưng đã mọc răng sữa, người mẹ phải lau răng miệng cho bé sau khi bú, sau mỗi bữa ăn, bằng cách dùng gạc sạch, vô trùng quấn vào đầu ngón tay út, nhúng vào nước sạch lau kỹ hai hàm răng cho bé theo động tác giống như chải răng. Nếu đi xa không có điều kiện lau được thì sau khi bé bú phải cho bé uống nước súc miệng.
Phải chú ý chăm sóc cho trẻ ngay từ chiếc răng đầu tiên. Chú ý chế độ ăn uống của mẹ khi cho con bú. Tạo điều kiện cho trẻ tiếp xúc với ánh sáng mặt trời để chống còi xương, suy dinh dưỡng, dẫn đến xương hàm kém phát triển, hay biến dạng, răng mọc lệch lạc, nằm nghiêng một bên lâu ngày gây lép méo đầu, lép mặt. Không cho trẻ bú tay hoặc mút núm vú thường xuyên vì có thể gây vẩu hàm trên.
Theo Sức khỏe & đời sống
(ST)