Đối xử với con riêng của chồng như thế nào?
Những người phụ nữ đến sau luôn phải chịu thiệt thòi. Để không bị mang tiếng là người mẹ kế độc ác, bạn cần chú ý những điều sau:
Dù xuất phát từ thành kiến hay trực giác, vấn đề là bạn phải loại bỏ ngay tình cảm tiêu cực đối với con riêng của chồng để mọi người có thể chung sống trong bầu không khí thân thiện, hòa hợp.
Một thách thức
Điều khác biệt nổi bật giữa trẻ con và người lớn là một đứa trẻ 5 tuổi sẽ tuần tự lớn lên, trưởng thành và học cách đối phó với những cảm giác của nó, trong khi cảm giác của một người 40 tuổi dường như là “đông lạnh” và khó thay đổi. Ác cảm của một đứa trẻ đối với bạn khó mà kéo dài hơn vài tháng sau khi quan hệ giữa bạn và chàng đã thành lập và ổn định.
Còn ác cảm của bạn thì sao? Nếu bạn chỉ tập trung suy nghĩ về việc bạn không ưa đứa trẻ đó đến mức nào, rồi kể lể về những tật xấu thói hư của đứa trẻ cho bất cứ người bạn nào bạn gặp… thì lâu dần bạn chỉ có thể ghét đứa trẻ hơn chứ không thể chuyển thành thái độ chấp nhận với nó được.
Vì thế, để “rã đông” mối bất hòa ấy, hãy nhờ chồng bạn chỉ ra những ưu điểm của đứa trẻ (những ưu điểm mà nó có trước khi… bạn xuất hiện) và hãy chỉ tập trung nghĩ về những ưu điểm ấy thôi. Hãy tự đặt ra cho mình một thách thức: tìm lại những ưu điểm của trẻ trong một thời hạn nhất định.
Nhận dạng cảm xúc
Thực tế là không có đứa bé nào đáng ghét từ trong bản chất cả, chỉ là do cảm giác ban đầu hoặc thành kiến của bạn mà thôi. Vì thế, nếu con của chàng không có những đòi hỏi quá quắt, không ăn vạ để phản đối bạn, không nhảy lên đùi chàng quấy rối khiến chàng và bạn không thể ngồi gần nhau, hoặc không đòi ngủ chung giường với chàng… thì chẳng có lý do gì để bạn ghét nó.
Nguyên nhân duy nhất khiến bạn thấy đứa trẻ khó ưa có thể là do bạn cảm thấy phải tranh giành với nó sự chú ý của chàng. Vậy thì hãy chủ động tạo mọi điều kiện, thậm chí “đẩy” chàng về phía đứa trẻ, để nó cảm thấy không cần tranh giành gì với bạn cả và bạn cũng không cần sự chú ý của cha nó làm gì. Một khi đã “chiến thắng” quá dễ dàng, chẳng mấy chốc chính đứa trẻ cũng chán sự quan tâm thái quá của cha nó và hòa bình sẽ được lập lại.
Tỏ ra “người lớn”
Một cậu bé 9 tuổi dễ có khuynh hướng giả vờ như không nghe lời bạn nói hoặc “vô tình” làm đổ một ly nước nóng lên đùi bạn. Nhưng nếu bạn phản ứng lại hành vi đó một cách gay gắt, bạn sẽ lại thành người có lỗi bởi vì ai cũng thấy rằng bạn đang “cố chấp” với một đứa trẻ.
Thay vào đó, một câu hỏi đơn giản, trực tiếp như “Cô đã nói gì khiến cháu không bằng lòng?” hoặc “Tại sao cháu lại làm thế?” sẽ hiệu quả hơn cách trả đũa bằng cái nhìn nẩy lửa hoặc tệ hơn, sự tim lặng lạnh lùng. Khi chọn cách đối xử với bạn kiểu trẻ con đó, đứa trẻ đã thúc đẩy bạn chơi theo luật của nó và bạn sẽ không cách chi thắng được nó.
Cái nhìn toàn diện
Nếu chưa từng có con hoặc chưa quen thuộc với việc nuôi dạy trẻ con, bạn có thể không hiểu những giai đoạn phát triển của chúng và những gì chúng trải qua trong từng lứa tuổi. Ví dụ, một đứa trẻ tuổi dậy thì thường có xu hướng đối xử với bạn như là một người “bằng vai phải lứa”, không phản đối bạn nhưng lại cố tình tỏ ra thờ ơ, lạnh nhạt với bạn.
Để đáp lại, bạn cần hiểu rằng đó là một thái độ hết sức bình thường của trẻ độ tuổi này. Bạn đừng kỳ vọng mình có thể trở thành “người bạn đặc biệt” của trẻ, vì bạn cũng không phải là người đầu tiên được cha chúng đưa về giới thiệu. Vì thế, điều bạn cần làm là tỏ rõ thái độ “tôi sẽ ở lại đây lâu dài, tôi cần sự hợp tác” và cố gắng hết sức để tôn trọng sự riêng tư của trẻ.
Cần sự trợ giúp
Trẻ con không có kinh nghiệm và không đủ từ vựng để nói rằng chúng buồn khổ vì cha mẹ ly dị, lo sợ người mới có thể đối xử tồi tệ hoặc giận dữ vì cha, mẹ chúng bị tách rời khỏi chúng… Vì thế, một cuộc nói chuyện thành thật và nghiêm chỉnh với chồng là cách giải quyết bất cứ vấn đề cư xử nào. Bạn có thể nói: “Anh biết đó, dường như em không hòa hợp được với con anh. Anh nghĩ liệu em có thể làm gì để con cảm thấy dễ chịu hơn với em không?”.
Khi lấy người đàn ông đã có con riêng…
Để lấy một người đàn ông đã có con riêng thì anh ấy phải rất yêu bạn và bạn là người có bản lĩnh.
Tôi mong rằng câu chuyện của tôi sẽ có thể giúp cho những ai có nghị lực và quyết tâm khi chấp nhận lấy một người đàn ông đã qua một lần đò.Khi tôi quen chồng tôi, anh ấy đã ly hôn vợ và có một đứa con riêng. Chồng tôi khi đó có nhiều thói quen xấu, rượu chè và cả lăng nhăng nữa (anh ấy có vài người phụ nữ khác trước khi biết tôi). Cũng không biết là do anh ấy không còn hạnh phúc với vợ nên anh ấy tìm thú vui ở bên ngoài hay là có tính trăng hoa nên mới không hòa hợp được với vợ cũ. Tôi cũng không tìm hiểu nữa vì đã nói với anh ấy rằng sẽ bỏ qua chuyện quá khứ của anh ấy.
Ngoài hai điều trên, chồng tôi là người mạnh mẽ, quyết đoán và khá thông minh, anh ấy có những thứ mà người con gái như tôi (khi đó còn trẻ) dễ dàng bị chinh phục.
Khi anh tỏ tình với tôi, tôi biết rằng nếu chấp nhận tình yêu của anh, con đường phía trước của tôi có quá nhiều chông gai, nhưng tính tôi vốn quyết đoán và mạnh mẽ, suy nghĩ rạch ròi, thường xuyên đơn giản hóa các vấn đề trong cuộc sống để dễ sống hơn, tôi cân nhắc giữa trái tim và lý trí. Tiếp đó sau khi cưới nhau tôi sẽ phải đối mặt với những chuyện gì:
- Bọn trẻ: Chúng chắc chắn sẽ yêu quý mẹ của chúng, cho dù ba và mẹ của chúng có ly hôn vì bất cứ lý do gì thì sự xuất hiện của người mẹ kế cũng là một sự tổn thương đối với chúng, và cho dù mình có tốt đến đâu thì chắc chắn rằng chúng cũng không bao giờ xem mình là mẹ của chúng.
-
Bố mẹ và họ hàng của anh ấy, cả làng xóm láng giềng: Chắc chắn rằng họ sẽ nhìn mình bằng con mắt khác, họ sẽ hồ nghi hạnh phúc mà mình sẽ có, họ sẽ nhìn mình và so sánh với người vợ trước của anh ấy, nếu mình sống thật hạnh phúc thì mọi sự soi mói, mọi sự gièm pha, mọi sự hồ nghi sẽ qua đi, còn nếu mình sống không hạnh phúc thì sẽ có khối những lời ác ý rằng 'gieo nhân nào gặt quả ấy', khối những lời mắng mỏ rằng 'kết cục của kẻ cướp chồng người' - là mình đấy.
- Con cái: Rồi mình sẽ sinh con, rồi con mình sẽ lớn lên, rồi con mình và con riêng của chồng sẽ sống chung với nhau, rồi mình có thể đối xử công bằng với chúng hay không. Con mình hư mình có thể đánh con mình, dậy con mình còn con riêng của chồng thì sao, mình có thể rơi vào tình trạng bị chồng hồ nghi với một câu nói rằng 'cô không đẻ ra nó công không xót' nếu như nó hư và mình nghiêm khắc với chúng.
- Vợ cũ của chồng: Chị ấy có thể kiếm cớ về thăm con để thường xuyên đến nhà mình, chị ấy có thể buông vài câu nói bóng gió làm mình tự ái, chị ấy có thể kiếm cớ con ốm, … để lôi kéo chồng mình ra khỏi nhà, chị ấy có thể kiếm cớ vì con vì cái để nối lại tình xưa, mà tình cũ không rủ cũng đến huống hồ chồng mình cũng từng là chồng má ấp vai kề với chị ấy.
- Tài sản: Chồng mình hơn mình hơn 10 tuổi, đàn ông thường già và chết sớm hơn phụ nữ, nếu may mắn chồng mình trường thọ để ra đi sau mình thì không sao, nhỡ nói dại anh ấy lại ra đi sớm hơn thì lúc đó mình sẽ phải đối diện với việc đòi chia tài sản, đòi thừa kế của con riêng của chồng như thế nào. Tiền của nếu do anh là ra hoặc dư giả gì thì không nói, nhưng nếu do cả hai làm ra và không dư giả gì, chỉ có duy nhất một cái nhà của hai vợ chồng và con ở mà nếu anh mất đi chúng nó lại đòi bán nhà chia tài sản thì sao nhỉ ….
Thời gian trôi đi, tôi nhận ra rằng chồng tôi rất yêu tôi và anh ấy không thể sống tốt hơn nếu thiếu tôi được. Tôi cũng nhận ra rằng anh ấy thực sự là người quyết đoán, làm chủ cuộc sống của mình chứ không phụ thuộc vào những người xung quanh (như bạn bè, người nhà) của anh ấy.
Về bản thân mình, tôi cũng hiểu rằng mình là người phụ nữ khá nhân từ, suy nghĩ rạch ròi có trước có sau, hiểu tâm lý người khác và yêu trẻ nhỏ. Tôi đã suy nghĩ đến việc nếu tôi cưới anh ấy tôi sẽ phải đối xử với con chồng như thế nào, với người thân của chồng và vợ cũ của anh ấy như thế nào, tôi cũng nghĩ luôn đến cả việc chăm lo cho tương lai của con chồng như thế nào và nễu chồng không may có ra đi trước mình sẽ phân xử tài sản như thế nào để không mang tiếng…
Sau khi suy nghĩ chín chắn mọi chuyện tôi tâm sự tất cả các suy nghĩ trên với chồng tôi.
Tôi muốn anh hiểu rằng tôi luôn luôn ùng hộ anh quan tâm chăm sóc chu đáo đến con của anh, tôi luôn ủng hộ anh sống tốt và quan tâm đến vợ cũ như một người bạn tốt, tôi luôn ủng hộ anh trong việc quan tâm đến gia đình họ hàng của anh cũng như quan tâm đến gia đình tôi và chúng tôi có thể chia sẻ với nhau mọi việc.
Tôi cũng bày tỏ quan điểm với chồng rằng tôi sẵn sàng làm bạn của anh ấy ngoài vai trò làm vợ, tức là khi anh ấy có những việc khó xử trong cuộc sống (với người yêu cũ, với các cô gái xung quanh anh ấy) anh ấy hoàn toàn có thể tâm sự với tôi như với một người bạn, tôi sẽ luôn lắng nghe và cho anh ấy lời khuyên chân thành và điều đó cũng không ảnh hưởng gì đến cách tôi cư xử với anh ấy trong cuộc sống cả.
Tôi cũng nói với anh ấy rằng tôi mong muốn có một cuộc sống tốt, hạnh phúc hơn, hơn cả những cặp đôi đến với nhau trong điều kiện bình thường khác, tôi cũng bày tỏ sự lo ngại rằng nếu chúng tôi lấy nhau sẽ có rất nhiều áp lực và vì vậy chúng tôi luôn phải đoàn kết, luôn phải cảm thông để vượt qua … và anh ấy đã đồng ý với tôi những điều như vậy.
Lúc này, tôi gặp sự phản đối từ phía gia đình tôi, gia đình tôi không chấp nhận chàng rể như anh ấy vì tôi là cô gái cũng xinh xắn, được ăn học đầy đủ, công việc đàng hoàng và có nhiều chàng trai có điều kiện tốt hơn ve vãn, gia đình tôi cho rằng tôi lấy anh ấy làm thân phận vợ hai và bị người ta coi thường…
Tôi đã mất cả một ngày để tâm sự với bố mẹ tôi về chuyện của chúng tôi, nói cho mẹ tôi hiểu rằng bây giờ là thế kỷ 21 rồi không còn người đàn ông năm thê bẩy thiếp như ngày xưa để có vợ 1 vợ 2 vợ ba, vợ cả vợ lẽ. Tôi và anh, chỉ đơn giản là vợ chồng của nhau, khi anh là chồng của tôi, tôi là vợ duy nhất của anh ấy, và tôi có quyền của một người vợ … vậy thôi.
Cuối cùng bố mẹ tôi cũng dành chúc phúc cho chúng tôi, trong đám cưới, tôi không khỏi chạnh lòng trước những anh mắt ái ngại của bố mẹ, một vài họ hàng và bạn bè, nhưng chúng tôi thực sự rất rạng ngời trong ngày cưới.
Cuộc sống bao nhiêu khó khăn đã đi qua. Tôi và chồng đã vượt qua nguy cơ phá sản của anh ấy, anh ấy giờ đây là người đàn ông của gia đình, không rượu chè, không còn tính trăng hoa nữa, hạnh phúc của chúng tôi ngày hôm nay minh chứng cho việc làm đúng đắn của mình. Nhưng để có được điều đó chúng tôi đã phải làm những việc sau:
-
Tôi và chồng tôi đều hiểu rằng chúng tôi có được nhau chẳng dễ dàng gì.
- Tôi và chồng cùng đi làm, cùng phấn đấu cho sự nghiệp của từng người, nhưng không quên trao đổi công việc và giúp đỡ nhau trong công việc của mỗi người.
- Tôi rất rạch ròi và rõ ràng về mặt kinh tế. Chồng tôi thì rất tin tưởng tôi, anh ấy giao cho tôi toàn bộ những gì anh ấy kiếm được nhưng khi quản lý tài sản đó, tôi luôn chủ động và rõ ràng, anh ấy luôn tin rằng các con của anh ấy không bao giờ bị thiệt thòi.
- Tôi chẳng bao giờ đòi hỏi con chồng phải xem tôi như mẹ của chúng, tôi vẫn tâm sự với chúng như một người bạn ngay từ khi chúng còn nhỏ, tôn trọng sở thích của chúng và định hướng cho chúng theo những sở thích đó bằng kinh nghiệm thực tiễn của mình, điều mà chính chồng tôi và mẹ đẻ của chúng cũng không làm như vậy, vì vậy mà dần dần chúng tin tưởng và chia sẻ cuộc sống của chúng với tôi.
- Tôi luôn ngọt ngào với chồng, đối xử hòa nhã với hàng xóm láng giềng và họ hàng và bạn bè của anh mà chẳng cần quan tâm đến việc họ có nói gì sau lưng tôi không, tôi thật tâm với họ và chẳng đòi hỏi gì cả.
- Bên cạnh việc đó thì tôi cũng thể hiện cho chồng biết rằng nếu anh ấy “léng phéng” với ai khác thì tôi cùng với con của mình sẽ bước ra khỏi cuộc đời của anh ấy bất cứ lúc nào.
- Chăm chút nhan sắc của mình cũng là việc mà tôi quan tâm. Tôi cũng luôn thể hiện sự đứng đắn và nghiêm túc khi tiếp xúc với các nam giới khác để chồng tôi hiểu rằng anh ấy hoàn toàn có thể yên tâm rằng không một người đàn ông nào giám buông lời lả lơi với tôi.
- Tôi luôn nhắc nhở chồng phải biết giới hạn trong quan hệ bạn bè với vợ cũ và cũng nói để anh ấy biết rằng mặc dù chị ấy từng là vợ của anh ấy nhưng bây giờ chị ấy cũng chỉ như người yêu cũ của anh ấy mà thôi, và tôi cũng từng có vài người yêu cũ trước khi biết đến anh ấy.
Tôi không chấp nhận những mụ dì ghẻ độc ác. Bản thân tôi cũng rất thương con chồng vì tôi yêu chồng tôi. Nhưng tôi có một lời chân thành cho tất cả những phụ nữ ở vào hoàn cảnh của tôi rằng: Trước khi các bạn muốn tiến tới hôn nhân với một người đàn ông có con riêng các bạn phải thực sự biết rằng người đàn ông đó rất yêu bạn và điều cơ bản rằng người phụ nữ trong hoàn cảnh này phải thực sự có bản lĩnh.
Theo afamily
Chung sống “hòa bình” với con riêng của chồng
“Mấy đời bánh dúc có xương. Mấy đời mẹ ghẻ lại thương con chồng”. Quan niệm thời xưa ấy vẫn ăn sâu vào tiềm thức của con trẻ bây giờ, hình thành nên rào cản giữa “mẹ kế” và con chồng. Có một vài “bí quyết” giúp bạn “nhập vai” tốt hơn đây này
Nếu vì quá yêu chàng, bạn chấp nhận quá khứ của chàng với một cuộc hôn nhân lỡ dở, thì… việc “ứng xử” với con riêng của anh ấy được xem là cửa ải đầu tiên mà bạn cần phải vượt qua.
Đừng quá gay gắt khi “nó” tỏ thái độ không tốt với mình
Ở giai đoạn đầu khi mới về chung sống, đa phần bọn trẻ sẽ tỏ ra thờ ơ, xa lánh, thậm chí căm ghét bạn ra mặt vì cho rằng …bạn đã cướp mất “chồng của mẹ nó”. Lúc này về mặt tâm lý, chúng chưa thể thích ứng ngay với việc “có người lạ” trong nhà.
Và cũng xuất phát từ quan điểm “dì ghẻ con chồng, khác máu tanh lòng” nên khó đòi hỏi ngay ở chúng một tình cảm chân thành với bạn. Có khi “nó” còn “tuôn” ra nhưng lời nói khó nghe. Bạn hãy nhẫn nhịn, thật nhẹ nhàng, khéo léo để tìm hiểu tâm tính của chúng để có cách “thuần phục” thích hợp.
Đừng coi thái độ ghẻ lạnh của “nó” làm rào cản của sự gần gũi
Nếu vì “nó” tỏ ra không ưa gì bạn, coi bạn là người thừa trong gia đình và không tôn trọng ý kiến của bạn mà bạn ghét bỏ, tìm mọi cách để “đối phó” với “nó” thì sẽ chỉ làm cho tình hình càng trở nên căng thẳng hơn. Hạnh phúc của bạn cũng từ đó mà “xuống cấp” dần.
Tìm cách gần gũi với “nó”, tỏ ra thiện cảm để chúng hiểu bạn hơn. Một tình cảm chân thành luôn có chỗ đứng trong trái tim người khác.
Không kể lể, kêu ca thái độ của “nó” với chồng hoặc mượn chồng để mắng mỏ “nó”
Có những bà mẹ kế vì không chịu thua kém con chồng đã than vãn hết lời với phu quân về thái độ “xấc xược” của con anh ta, chỉ mong chồng đứng ra bênh vực mình và cho “thằng/con nhóc” một bài học để chúng không dám “bắt nạt” mình nữa.
Như thế không những làm cho “nó” ghét bạn hơn mà còn tìm cách “trả đũa” bạn nữa. Nên nhớ rằng: anh ấy đến với bạn một phần cũng vì muốn tìm cho con mình một người mẹ bao dung, độ lượng. Và anh ấy cũng yêu, cảm phục, trân trọng bạn hơn nếu bạn cho con anh ấy một chỗ dựa vững chắc.
Đừng làm ra vẻ giống hệt mẹ “nó”
Cũng không nên lấy lòng “nó” bằng cách tỏ ra giống hệt “mẹ nó” từ cách nấu nướng, ăn mặc, giọng điệu… Vì với “nó”, mẹ mình là người phụ nữ không ai có thể sánh được. Làm như vậy, “nó” chỉ càng nhớ tới mẹ và tỏ ra khó chịu với bạn.
Nên biết rằng “bắt chước người sẽ không bao giờ được bằng người”. Sống với “nó” bằng chính con người và tình cảm thật của mình để trước mắt “nó” bạn luôn là bạn chứ không phải là “phiên bản” của ai khác.
Đừng bắt “nó” thay đổi nếp sống cũ một cách đột ngột
Trước khi bạn xuất hiện, “nó” đã phải sống một khoảng thời gian thiếu vắng sự quan tâm của mẹ. Có thể vì vậy mà cuộc sống của “nó” bị đảo lộn, thất thường. Cần phải có thời gian để “nó” lấy lại thăng bằng và thích nghi với cuộc sống mới.
Sự có mặt của bạn ở nhà “nó” đã là một sự xáo trộn lớn, không nên tự ý sắp xếp lại cuộc sống gia đình một cách đột ngột sẽ gây cảm giác bế tắc, gò bó cho “nó”. Trong mắt “nó”, bạn sẽ trở thành “mụ già độc đoán, cay độc”.
Không nên tỏ ra âu yếm thái quá chồng trước mặt “nó”
“Nó” luôn muốn mẹ mình mới là người được cha mình yêu thương nhất. “Nó” không muốn vì bạn mà cha sẽ quên mẹ. Hãy quan tâm và gần gũi với chồng một cách đúng mực trước mặt “nó”. Đó cũng là cử chỉ giúp “nó” tôn trọng bạn hơn. Cùng chồng quan tâm chăm sóc con để “nó” không có cảm giác mình bị “cướp” mất cha.
Thể hiện thái độ quan tâm, thương yêu, chân thành với “nó”
Tuy không thể quên người mẹ đã sinh thành ra mình, nhưng lúc này trong tâm hồn “nó” đang thiếu vắng tình yêu thương của người mẹ. Bạn hãy “nhân cơ hội” này để lấp đầy khoảng trống ấy. Hãy coi “nó” như máu mủ của mình thử xem.
Luôn đối xử công bằng giữa “nó” và con ruột của mình.
Bạn cho ra đời một baby sẽ càng khiến cho “nó” lo lắng về vị trí của mình trong gia đình. Ít ra thì “nó” cũng lo sợ phải chia sẻ tình yêu của cha mình cho…một đứa trẻ con khác. Hoặc nếu bạn cũng phải có con riêng, và cùng chung sống trong một mái nhà thì phải thật khéo léo để giữ hòa khí giữa bọn trẻ.
Đối xử tất cả công bằng như nhau sẽ gắn kết chúng lại với nhau hơn, bởi khi đó, chúng thực sự coi nhau như ruột thịt. Một người mẹ như thế, không có lý do gì để bị từ chối.
Phương Minh
(ST)