Rau mồng tơi, ngoài giá trị làm thực phẩm còn có tính dược lý rất cao. Tuy vậy, nếu quá lạm dụng, loại rau này vẫn có thể gây ra những tác hại không mong muốn cho cơ thể.
Theo Đông y, rau mồng tơi có vị chua ngọt, tính lạnh, không độc, vào 5 kinh Tâm, Can, Tỳ, Đại tràng và Tiểu tràng. Công dụng chính của rau mồng tơi là thanh nhiệt, hoạt tràng, lương huyết, giải độc.
Rau mồng tơi có đặc điểm nổi bật là chứa rất nhiều chất nhầy. Chất nhầy này có hiệu quả giúp cho hệ tiêu hóa hoạt động trơn tru hơn, kích thích các nhu động ruột và tác dụng nhuận tràng tốt. Chính vì vậy, rau mồng tơi có công dụng đặc biệt trong việc điều trị bệnh táo bón.
Đồng thời, chất nhầy trong mồng tơi còn có tác dụng ngăn chặn quá trình hấp thu chất béo trong đường tiêu hóa. Chính vì vậy, mồng tơi rất có ích cho những người muốn giảm cân hoặc bệnh nhân có rối loạn mỡ máu.
Bên cạnh đó, mồng tơi có tính hàn, không độc, có tác dụng hoạt trung, tán nhiệt, lợi đại tiện. Không chỉ thanh nhiệt khi dùng làm thực phẩm, nếu bị bỏng nhẹ ngoài da cũng có thể dùng mùng tơi giã nát đắp vào vết bỏng làm mát da, giải độc, giúp mau lành vết bỏng.
Rau mồng tơi, ngoài giá trị làm thực phẩm còn có tính dược lý rất cao
Đồng thời việc dùng rau mồng tơi làm thực phẩm hàng ngày cũng giúp dưỡng da, trị rôm sảy, mụn nhọt hiệu quả, giải nhiệt trong mùa nóng.
Mồng tơi có tác dụng tăng cường và lưu thông tân dịch trong cơ thể, cho nên ở những đối tượng hay bị khô nóng trong người, tiểu gắt, phân khô cứng khi sử dụng cũng mang lại hiệu quả tốt.
Tuy vậy, theo nguồn tin trên báo VTC News, nếu quá lạm dụng, loại rau này vẫn có những hạn chế nhất định. Hãy chú ý những “mặt trái” dưới đây của rau mồng tơi để biết cách ăn uống hợp lý, tránh lạm dụng, giúp cho loại rau này phát huy được những giá trị dinh dưỡng của nó:
Hấp thu kém
Rau mùng tơi chứa hàm lượng cao acid oxalic, một loại chất hóa học liên kết với sắt và canxi khiến cơ thể khó hấp thụ các chất dinh dưỡng quan trọng. Ngoài ra hàm lượng chất xơ nhiều trong rau mồng tơi sẽ gây trở ngại cho việc hấp thu một số chất như calcium, kẽm, sắt…
Để khắc phục vấn đề này, có thể ăn kèm các thực phẩm giàu trong một số vitamin C khi bạn ăn rau mùng tơi bằng cách kết hợp uống một ly nước cam hoặc cà chua. Vitamin C sẽ giúp cơ thể dễ dàng hấp thụ canxi và sắt.
Gây đầy bụng, khó tiêu
Theo kinh nghiệm lâu đời của ông cha ta, các loại rau có nhiều chất nhầy như mồng tơi, đay, các loại quả như mướp hương, khoai mỡ, đậu bắp… đều phải nấu chín trước khi ăn để phòng tránh tình trạng khó tiêu, đầy bụng, tiêu chảy…
Những người có tình trạng tỳ vị hư hàn (ăn uống không tiêu, đầy bụng, lạnh bụng, đau bụng, tiêu chảy hoặc thường đi cầu phân lỏng), người bị thấp trệ (mình mẩy cảm giác nặng nề, đau nhức xương khớp, bắp thịt khi độ ẩm môi trường tăng), đều không nên dùng hoặc dùng hạn chế.
Để tận dụng được các chất dinh dưỡng trong rau mồng tơi, khi chế biến cần phải nấu vừa chín tới, tức là không để quá chín mà cũng không còn sống.
Sỏi thận
Đối với người mắc bệnh sỏi thận, nên tránh ăn rau mùng tơi. Nguyên nhân là do rau mùng tơi chứa nhiều purin, hợp chất hữu cơ khi đi vào cơ thể sẽ biến thành axít uric. Hàm lượng cao axít uric trong cơ thể làm tăng nguy cơ phát triển của sỏi thận. Các axít oxalic trong rau mùng tơi làm tăng nồng độ canxi oxalate trong nước tiểu, dẫn đến sỏi thận ngày càng phát triển.
Gây mảng bám răng
Một tác dụng phụ phổ biến nhưng vô hại của việc ăn rau mùng tơi đó là có cảm giác như răng có mảng bám hoặc nhớt. Nguyên nhân là do các acid oxalic trong thực phẩm này. Acid oxalic có chứa tinh thể nhỏ, không hòa tan trong nước, dễ bám vào răng.
Tiêu chảy
Điều mọi người cần lưu ý là những người từ trước đã ít dùng chất xơ thì cũng chỉ nên tăng dần từng ít một chứ không nên tăng nhanh một cách đột ngột sẽ gây rối loạn tiêu hóa; người có tình trạng tiêu chảy, tiêu lỏng, viêm loét dạ dày, tá tràng cũng nên thận trọng với thực phẩm có nhiều chất xơ.
Thêm nữa, các loại thực phẩm có chất nhầy thường như rau mồng tơi thường có tính lương (mát) hoặc tính hàn (lạnh), tác dụng thanh nhiệt, giải khát, giải độc, nhuận trường, lợi tiểu.