Bệnh u nang dây thanh
U nang dây thanh - Nang nước dây thanh (Cyst) Kyst dây thanh
I> Nang nước dây thanh là gì?Nang nước dây thanh là một khối được tạo thành do một lớp màng bao bọc bên ngòai, bên trong khối thường là chất nhầy, đôi khi hóa mủ. Nang nước dây thanh thường thấy dưới lớp niêm mạc mỏng (lớp phủ nầy rất quan trọng để tạo nên một giọng nói bình thường). Nguyên nhân tạo nên nang nước dây thanh chưa được biết rõ ràng. Tuy nhiên các nhà khoa học cho rằng đây là kết quả của sự tắc nghẽn các tuyến nhầy ở niêm mạc dây thanh. Sự tắc nghẽn này có thể xảy ra khi hai dây thanh bị kích thích mạnh (la hét to, viêm dây thanh cấp, chấn thương dây thanh). Thường nang nước dây thanh ở 1/3 giữa của một bên dây thanh.
Nang nước dây thanh không phải là tổn thương ung thư hoặc tiền ung thư. Tổn thương này hòan tòan chỉ ảnh hưởng đến chất giọng.
Nang nước lớn 1/3 giữa dây thanh trái. Niêm mạc dây thanh bọc chất nhầy trắng bên trong tạo thành khối nang nước.
Khối nang nước hình quả trứng trên dây thanh phải
II> Triệu chứng của nang nước dây thanh là như thế nào?
Nang nước dây thanh là nguyên nhân phổ biến gây khàn tiếng, nhưng không đau. Triệu chứng khàn tiếng là kết quả do 2 dây thanh đóng không kín, không đều làm giảm độ rung của dây thanh. Mức độ khàn tiếng còn tùy thuộc vào số lượng và vị trí của các nang. Trong một vài trường hợp khàn tiếng đi đôi với cảm giác dị vật đường thở (vướng họng) ngang mức vị trí của 2 dây thanh. Cảm giác này làm bệnh nhân cứ cố khạc hoặc là ho.
III> Nang nước dây thanh trông như thế nào?
Khối nang nước dây thanh thường có hình cầu màu trắng đục hoặc nhầy nhầy nằm dưới niêm mạc của dây thanh. Vì lớp niêm mạc phủ bên trên đôi khi rất dầy tạo thành một khối gồ không có ranh giới rõ ràng. Chính vì lí do này những cái nang nhỏ đôi khi khó phân biệt. Việc nội soi bằng ống mềm để chẩn đóan là phương pháp tốt nhất để phân biệt vì hình ảnh nội soi rất rõ so với chụp bằng ống cứng truyền thống hiện nay.
Một cái nang nhỏ trên dây thanh phải sẽ khó phát hiện nếu soi bằng ống cứng.
Thường thì nang nước dây thanh xuất hiện đơn độc, vị trí có thể dọc theo chiều dài của dây thanh, 1/3 giữa là vị trí phổ biến nhất.
IV> Nang nước dây thanh được điều trị như thế nào?
Ngưng nói, thường được chỉ định đầu tiên trong tất cả các trường hợp khàn tiếng, giúp cải thiện chất giọng. Tuy nhiên khàn tiếng do nang nước dây thanh thì thường không khỏi vì nang nước dây thanh không tự mất đi. Chỉ có một số rất hiếm trường hợp nang nước dây thanh tự teo đi (nhưng dễ tái phác do cơ chế sinh bệnh vẫn còn tồn tại)
Giữa: Mở màng bao nang nước, chất nhầy đang chảy ra
Phải: Nang nước được lấy đi hòan tòan, lớp niêm mạc được phủ trở lại vị trí khối nang đã được cắt.
Thông thường nang nước dây thanh được cắt qua nội soi. Nếu cắt không khéo, khả năng khối nang nước tái phát là rất cao. Sau khi cắt nang nước niêm mạc dây thanh cần phủ lên bề mặt vết thương để giảm thiểu nguy cơ tạo sẹo trên dây thanh. Vì vậy kỹ thuật này đòi hỏi kỹ năng của Bác Sỹ rất cao.
Bên cạnh đó người thầy thuốc cũng nên khuyên bệnh nhân tránh những kích thích mãn(lặp đi lặp lại).
Luyện nói sau phẫu thuật thanh quản
Sau phẫu thuật cắt thanh quản (do ung thư), nhiều bệnh nhân không nói được hoặc nói rất nhỏ. Để lấy lại tiếng nói, có thể sử dụng các trang bị trợ âm; nhưng hiệu quả nhất vẫn là huấn luyện giọng nói thực quản.
Bệnh nhân ung thư họng – thanh quản ở Việt Nam phần lớn đi khám vào giai đoạn muộn nên thường phải cắt bỏ toàn bộ thanh quản và một phần của hạ họng. Phần khí quản phía dưới được khâu vắt ra trước cổ, tạo thành một đường thở mới, hoàn toàn biệt lập với đường hô hấp trên (họng – mũi xoang). Điều này tạo ra những biến đổi quan trọng cho bộ máy phát âm, như:
- Bộ phận phát hơi bị loại trừ ra ngoài do hơi thở thoát ra ở cổ.
- Bộ phận rung thanh, cụ thể là 2 dây thanh nằm trong thanh quản, không còn nữa.
- Bộ phận cấu âm (lưỡi, môi, màn hầu…) còn nguyên vẹn. Nhưng do không còn có sóng âm từ dưới thanh quản dẫn truyền lên nên người bệnh chỉ có thể nói thì thào với mức âm lượng quá nhỏ, không thể nghe được.
Để trả lại tiếng nói cho người bệnh sau cắt bỏ thanh quản, có thể dùng các thiết bị trợ âm, gồm 2 loại:
- Loại chạy bằng năng lượng điện – cơ (dùng pin hay ắc-quy có thể xạc lại được) cung cấp năng lượng điện nhằm khuếch đại tiếng nói thì thào của người bệnh. Điển hình và thông dụng nhất cho loại này là máy Servox cầm tay (của Đức).
- Loại sử dụng các van bằng silicon hay teflon để tận dụng lại luồng không khí thở ra ở cổ, dùng năng lượng khuếch đại tiếng nói thì thào, thao tác khá phức tạp. Ví dụ: Voice Master, Provox…
Việc huấn luyện nói bằng các thiết bị trợ âm chỉ đòi hỏi một thời gian ngắn nhưng chất lượng giọng nói thường kém. Chẳng hạn, đối với máy Servox, dù người bệnh đã sử dụng rất thuần thục cách biến đổi tần số và âm lượng thì vẫn chỉ tạo ra một giọng nói đơn điệu với âm sắc “kim loại”, gần như âm thanh của robot. Mặt khác, các thiết bị này lại rất đắt tiền.
Vì vậy, bệnh nhân đã cắt thanh quản nên huấn luyện giọng nói thực quản. Cách này dựa trên nguyên lý: đưa một lượng không khí thích hợp vào trong thực quản rồi điều tiết lượng hơi đó để nói (theo kiểu ợ hơi ra). Người bệnh cần được huấn luyện kỹ thuật “nén hơi”: đưa từng hớp không khí (khoảng 75 ml/lần) vào trong thực quản, rồi nhờ áp lực tăng dần của lồng ngực mà đẩy hơi trở lại qua miệng, thực quản để tạo ra cộng hưởng, làm khuếch đại tiếng nói thì thào, có thể nghe được. Có nhiều kỹ năng để “nén hơi” vào thực quản (chủ yếu dùng môi và lưỡi làm van).
Với kỹ thuật “bơm hơi”, người bệnh dùng lưỡi để đẩy không khí từ khoang miệng vào khoang họng, rồi dùng lưng lưỡi (tức đáy lưỡi) tiếp tục đẩy không khí xuống thực quản. Sự hiệp đồng tốt của 2 bước này có tầm quan trọng lớn để chuyển được không khí vào thực quản.
Việc luyện nói bằng giọng thực quản thường đòi hỏi nhiều thời gian và ý chí vượt khó của người tập. Nếu đạt kết quả, giọng nói bệnh nhân sẽ có âm sắc tự nhiên hơn nhiều so với trường hợp sử dụng các trang bị trợ âm.
GS Phạm Kim, Sức Khoẻ & Đời Sống
(ST)