Một số thai phụ chỉ nổi rôm ở bụng bầu và một số vùng khác nhau trên cơ thể. Điều này gây phiền toái nhưng là bình thường và sẽ chấm dứt hẳn sau khi sinh. Nếu rôm sảy trở nên nghiêm trọng và kéo dài, bạn cần đi khám để loại bỏ những nguyên nhân có thể liên quan như sởi, chàm bội nhiễm hoặc nhiễm nấm.
Kem bôi chứa calamine (quặng kẽm) được coi là an toàn và có tác dụng làm dịu vùng da bị tấy đỏ.
Người ta vẫn tin rằng hiện tượng rôm sảy chỉ xuất hiện ở các bé nhưng nhiều người lớn, kể cả phụ nữ mang thai cũng phải đối mặt với tình trạng này. Rôm sảy ở bà bầu có đặc điểm là một số vùng da trên cơ thể nổi mụn đỏ li ti kèm theo ngứa ngáy, khó chịu, nhất là vào những ngày thời tiết nóng nực. Cảm giác bị ngứa được nhiều thai phụ miêu tả là “chẳng khác gì ngồi trên đống lửa”.
Nguyên nhân khiến mẹ bầu bị rôm sảy
– Do sự tăng thân nhiệt khi mang bầu, làn da ẩm ướt do không thoát được mồ hôi, do sự ma sát giữa hai vùng da với nhau (ở vùng da gấp) hoặc do da với quần áo.
– Rôm sảy có thể bắt nguồn từ sự kích ứng nhẹ với làn da, nhiều khi thai phụ cũng không để ý tới.
– Những vùng da bị nổi rôm phổ biến: dưới ngực, bụng dưới, đùi trong, lưng…
Cách Cách xử trí
– Một chiếc khăn mát, sạch là gợi ý hay để mẹ bầu có thể dịu cơn bỏng rát của vùng da bị rôm.
– Kem bôi chứa calamine (quặng kẽm) được coi là an toàn và có tác dụng làm dịu vùng da bị tấy đỏ. Ngoài ra còn có cả một số loại thuốc uống để làm dịu và biến mất tình trạng rôm sảy ở bà bầu. Tuy nhiên, trước khi muốn dùng một loại thuốc nào (bôi ngoài da hoặc uống), thai phụ nên hỏi ý kiến bác sĩ để đảm bảo chúng an toàn cho cả mẹ và bé.
– Ngoài ra, thai phụ có thể trao đổi thêm với bác sĩ về việc dùng phấn rôm (loại dành cho các bé) để xoa lên vùng da bị rôm sảy. Nhiều người mẹ có kinh nghiệm cho biết, cơn ngứa sẽ được hạ nhiệt khi họ dùng phấn rôm của các bé.
– Mặc trang phục thoáng mát, thấm mồ hôi tốt là điều quan trọng để phòng tránh và giảm thiểu tình trạng rôm sảy khi bầu bí.
– Tránh xa các yếu tố gây kích ứng da như kem dưỡng da, mỹ phẩm…
– Nên tắm nước mát (không lạnh, không nóng), tắm bằng vòi hoa sen nhưng không nên tắm quá lâu.
– Nên tăng cường rau xanh, hoa quả tươi, nước lọc để làm mát cơ thể.
– Nên hạn chế cào gãi vì càng gãi, các mảng rôm sẽ có nguy cơ lan rộng hoặc bị nhiễm trùng.
Ngứa ngáy ở bà bầu
Thai phụ dễ bị ngứa nếu sở hữu làn da khô (nhất là trong mùa đông). Khi bụng bầu lớn lên, da có thể bị rạn và cũng xuất hiện cảm giác ngứa ngáy. Ngứa liên tục, đặc biệt là sau tuần 20 của thai kỳ có thể là dấu hiệu khi gan hoạt động kém (còn gọi là chứng ứ mật, vàng da trong thai kỳ). Chứng bệnh này được chẩn đoán thông qua xét nghiệm máu (kiểm tra chức năng gan). Xét nghiệm được thực hiện nếu thai phụ bị ngứa liên tục, nhất là ở gan bàn tay, gan bàn chân.
Gợi ý giúp bà bầu ứng phó với cơn ngứa như sau: dùng sữa tắm từ bột yến mạch để tắm bồn hoặc tắm vòi hoa sen, nên dử dụng dung dịch rửa tay chứa glycerine và sorbelene thay cho xà phòng thơm, tránh tiếp xúc với xà phòng thơm và nước hoa. Càng ít mặc áo ngực sẽ càng tốt và nên chọn trang phục với chất liệu cotton thay cho sợi nhân tạo.
Nhiều thai phụ thấy bản thân mình trở nên dễ bị dị ứng hơn trong thời gian mang bầu và cho con bú. Chẳng hạn, một chất khử mùi mà họ thường dùng trước khi mang bầu thì bây giờ có thể khiến làn da nổi ban. Nhiều người mẹ phải chịu đựng những khó chịu này ngay cả trong thời kỳ nuôi con mọn.