Thế nào là dị ứng thực phẩm? có nguy hiểm không? Cách xử lí khi dị ứng thực phẩm?
Xử trí khi bị dị ứng thực phẩm
Hỏi : Tôi rất thích ăn cua nhưng lần nào ăn vào cũng bị đau bụng. Đó có phải là bị dị ứng thực phẩm không? Nếu bị dị ứng thực phẩm, chúng tôi cần phải xử trí thế nào, thưa bác sĩ?
Mai Hùng Cường (Thái Nguyên)
Trả lời : Với 2% người lớn và 3-8% trẻ em, một số thực phẩm có thể làm nổi mày đay, tiêu chảy, khó thở... thậm chí gây sốc phản vệ hoặc tử vong nếu không kịp thời cứu chữa. Ngoài ra, phản ứng dị ứng có thể gây các bệnh mạn tính như viêm thanh quản, viêm ruột, chàm, hen phế quản, thấp khớp, đau nửa đầu, viêm tai giữa...Khi thấy có các triệu chứng trên, cần ngừng ăn loại thực phẩm nghi ngờ gây dị ứng để theo dõi xem các triệu chứng của bệnh có thuyên giảm không.
Nếu các triệu chứng thuyên giảm, hãy làm thử nghiệm kiểm tra bằng cách ăn nhiều hơn một loại thực phẩm mà bạn đã loại đi, ví dụ: nếu là bột mì, ăn bánh mì, mì ăn liền, mì ống... nếu triệu chứng của bệnh dị ứng xuất hiện, thực phẩm đó được coi là tác nhân gây dị ứng. Nếu bạn đã có phản ứng cấp tính hoặc dị ứng với lạc và tôm, tuyệt đối không được làm thử nghiệm kiểm tra này vì bạn có nguy cơ bị sốc phản vệ, nguy hiểm tới tính mạng.
Tiếp tục kiểm tra với các thực phẩm nghi ngờ khác. Khi phát hiện chính xác thực phẩm hay thành phần của thực phẩm gây dị ứng, hãy ngừng ăn thực phẩm này cũng như các chế phẩm của nó. Khi bị dị ứng nhẹ, cơ thể có thể tự điều chỉnh mà không cần dùng thuốc.
Nếu có biểu hiện nặng, cần đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế điều trị. Với người có tiền sử dị ứng thực phẩm, cần lưu ý khi lựa chọn thực phẩm, xem kỹ thành phần thực phẩm và các chất phụ gia được ghi trên nhãn mác trước khi mua và cũng cần mang theo thuốc chống dị ứng để có thể tự điều trị kịp thời.
Sự thật về dị ứng thực phẩm
Khi bị dị ứng do thức ăn, tùy từng trường hợp mà có cách xử trí khác nhau.
Một số trẻ nhỏ sau khi ăn cua, tôm, sò... bỗng bị mẩn khắp người, nổi phồng như muỗi đốt, thành từng đám màu đỏ. Trẻ thường la khóc do ngứa ngáy khó chịu. Một số người lớn có cơ địa dị ứng, không hợp với hải sản cũng thường bị như vậy, có thể gọi chung là chứng phát ban. Những nốt ban có thể lặn trong vòng 24 giờ, nhưng sau đó nổi lên trở lại.
Nguyên nhân chứng phát ban có thể do thời tiết, mệt mỏi; do dị ứng với một số thực phẩm như cua, tôm, sôcôla, cà chua; hay do phản ứng với các chất như phấn hoa, mốc, mùi hóa chất; nhiễm độc, côn trùng đốt... Phát ban trong nhiều trường hợp là không nguy hiểm, nhưng nếu cơ thể quá mẫn cảm khiến lưỡi và cổ họng bị sưng làm bệnh nhân không thở được, hoặc ban tác động tới tim, phổi và bộ phận tiêu hóa... thì ảnh hưởng đến sức khỏe nghiêm trọng.
Vì thế, việc điều trị hoặc phòng chống tái phát là cần thiết. Khi trẻ nhỏ hay người lớn bị ban, không nên tắm, không lau người bằng nước nóng vì nhiệt độ cao làm ban nặng thêm, mà cần đắp nước lạnh lên chỗ ban mọc. Người bệnh cần mặc quần áo rộng, thoáng, nghỉ ngơi, có thể dùng các thuốc chống dị ứng theo hướng dẫn của bác sĩ.
Ảnh: Internet
Đã có những bệnh nhân nhỏ tuổi sau khi ăn thịt gà bị mẩn ngứa khắp người (cũng có thể gặp ở một số người lớn) phải hai ngày sau mới khỏi. Những mẩn đỏ từng đám do ăn thịt gà trong trường hợp này là triệu chứng của viêm da dị ứng. Nguyên nhân chính là thức ăn có chứa hàm lượng đạm cao... hoặc những thức ăn để lâu ngày.
Phương pháp điều trị tốt nhất cho bệnh này là tránh tiếp
xúc với các thức ăn dễ gây dị ứng. Nếu các mẩn đỏ và ngứa
ở da sau một ngày không tự khỏi nên đưa trẻ đến khám ở các
bác sĩ chuyên khoa da liễu để có hướng dẫn điều trị đúng đắn.
Nhiều trẻ nhỏ dưới hai tuổi thường bị mẩn ngứa vào mùa hè và
mùa thu. Đây là một dạng bệnh ngoài da thường thấy. Khi mắc
bệnh này, trên da trẻ xuất hiện những đám mụn nhỏ màu hồng,
ướt và gây ngứa, khiến trẻ rất khó chịu. Bệnh mẩn ngứa có
liên quan rất lớn đến chế độ dinh dưỡng và thuốc men.
Do đó, khi trẻ bị mẩn ngứa, cần chú ý đến chế độ ăn uống và phải kiêng kỵ một số thực phẩm. Nếu thấy trẻ sau khi uống sữa, mẩn nổi nhiều thì phải kiêng sữa hoặc phải nấu sôi sữa nhiều lần nhằm biến đổi hoạt tính của protein trong sữa; không được ăn các thực phẩm béo, cay, nóng và thủy sản trong giai đoạn dị ứng cấp tính, mạn tính; không được ăn thức ăn nguội lạnh.
Trẻ bị mẩn ngứa do thấp tỳ vị hư nhược, nếu ăn nhiều thức ăn nguội lạnh dễ tổn thương tỳ vị và hàn thấp, từ đó máu lưu thông không tốt, các tà khí như phong, hàn, thấp, nhiệt dễ “nổi loạn” trên da và thịt, phát thành bệnh.
Không chỉ gây dị ứng, thực tế có một số loại thực phẩm không hạp với cơ thể một số trẻ nhỏ (và cả người lớn) dẫn tới tiêu chảy, thậm chí gây choáng, gây khó thở... có thể nguy hiểm tới tính mạng. Ngoài ra, phản ứng dị ứng có thể gây các bệnh mạn tính như viêm thanh quản, viêm ruột, chàm, hen phế quản, thấp khớp, đau nửa đầu...
Khi thấy trẻ nhỏ bị các triệu chứng trên, bạn ngừng sử dụng loại thực phẩm nghi ngờ gây dị ứng để theo dõi xem các triệu chứng của bệnh. Khi phát hiện chính xác thực phẩm hay thành phần của thực phẩm gây dị ứng hãy ngừng ăn thực phẩm này. Khi bị dị ứng nhẹ, cơ thể có thể tự điều chỉnh mà không cần dùng thuốc. Nếu có biểu hiện nặng, cần đưa bệnh nhân bị dị ứng gặp bác sĩ chuyên khoa.
Dị ứng thức ăn và cách xử trí
Bơ và pho mát là các thực phẩm kiêng kỵ đối với người bị dị ứng với protein sữa. |
Khi bị dị ứng thức ăn, bệnh nhân cần loại trừ loại thực phẩm nghi ngờ là gây dị ứng trong vòng 7-14 ngày. Sau thời gian này, nếu vẫn còn các triệu chứng thì nghĩa là thực phẩm đó "vô tội", có thể dùng trở lại.
Đa số trường hợp dị ứng thức ăn là do bất dung nạp thực phẩm (phản ứng bất lợi do một loại thức ăn nhất định hoặc thành phần của thức ăn đó gây ra). Nguyên nhân bất dung nạp thực phẩm có thể là do cơ địa, thiếu men, do tác dụng dược lý của thực phẩm, cơ chế kích thích, cơ chế tương tác thuốc... Cà phê, trà, cá ngừ, pho mát, nấm men bia, xúp lơ xanh (broccoli), cà chua, nem chả... là những thực phẩm chứa nhiều chất có tác dụng dược lý, có thể gây dị ứng.
Ngoài ra, hiện tượng dị ứng thực phẩm cũng có thể do yếu tố tâm lý, hoặc do ăn quá nhiều một loại thực phẩm (trẻ ăn nhiều gan gà có thể ngộ độc vì thừa vitamin A, người ăn nhiều thực phẩm chứa fructoza có thể tiêu chảy...).
Các biểu hiện lâm sàng thường gặp của dị ứng thực phẩm là nổi mề đay, phù niêm, viêm mũi dị ứng, nôn, đau bụng và nặng nhất là sốc phản vệ. Dị ứng thực phẩm cũng khiến các bệnh lý dị ứng có sẵn như chàm, hen... trở nên nặng hơn.
Trong điều trị dị ứng thực phẩm, điều quan trọng nhất là loại trừ thực phẩm gây dị ứng . Thông thường, thực phẩm cần được loại trừ trong 7-14 ngày, tùy thuộc vào loại thực phẩm, độ tuổi bệnh nhân... Các triệu chứng dị ứng với sữa, trứng thường tự hết, còn dị ứng với lạc, hạt điều, cá, nghêu sò... thường kéo dài. Đối với dị ứng sữa bò, 80% trẻ hết dị ứng khi tròn tuổi và hầu hết không còn dị ứng sau 3 tuổi.
Cần kiêng hoàn toàn thực phẩm hoặc thành phần thực phẩm gây dị ứng. Chẳng hạn, người dị ứng với protein sữa bò không những phải kiêng các loại sữa mà còn phải nhịn tất cả các chế phẩm từ sữa như bơ, pho mát, kem, sữa chua, bánh flan, chocolate... Để không mua nhầm các thực phẩm chứa thành phần gây dị ứng, bệnh nhân phải học cách đọc nhãn hiệu bao bì thực phẩm. Khi cần loại trừ một loại thực phẩm, cần cân nhắc bằng cách tìm hiểu lịch sử bệnh lý một cách nhất quán và làm các test thử nghiệm.
Để đề phòng suy dinh dưỡng do kiêng các thức ăn gây dị ứng, cần cân đối bữa ăn bằng các thực phẩm thay thế khác. Người bị dị ứng với protein sữa bò không cần kiêng thịt bò, người dị ứng với trứng không cần kiêng thịt gà, thịt vịt. Trẻ nhũ nhi (dưới 1 tuổi) dị ứng với protein sữa bò cần chuyển sang sữa đậu nành (cũng có thể gây dị ứng) hoặc loại sữa mà protein đã được thủy phân một phần thành polypeptides.
Thuốc ít có hiệu quả trong điều trị dị ứng thực phẩm, ngoại trừ hai trường hợp sau :
- Phản ứng dị ứng ở đường tiêu hóa: Dùng Natri Cromoglycate, uống 20 phút trước khi ăn thực phẩm gây dị ứng.
- Có khả năng xảy ra sốc phản vệ, gây nguy hiểm đến tính mạng: Tiêm adrenalin dưới da trong vòng 3 phút sau khi dùng thức ăn gây dị ứng.
Đối với các trường hợp khác, thuốc ít có giá trị; bệnh nhân có thể dùng các thuốc kháng histamin không gây buồn ngủ và tác dụng nhanh như terphenadine.
(St)