Hưng cảm là gì?

seminoon seminoon @seminoon

Hưng cảm là gì?

18/04/2015 03:56 PM
795
Hưng cảm là gì? Triệu chứng của bệnh hưng cảm như thế nào.

Hưng cảm là gì?

Hưng cảm là một dạng rối loạn khí sắc, người bệnh bỗng yêu đời quá mức, tràn đầy năng lượng nhưng cũng sớm đẩy họ vào tình trạng suy kiệt.






Câu chuyện của những người mắc bệnh hưng cảm

Nam được nhân viên khoái vì lúc nào cũng vui như Tết, thích tổ chức đi ăn nhậu, du lịch là OK ngay, xin tăng lương là duyệt liền. Nhưng tính tốt này hóa ra lại do… bệnh.

Trong khi đám nhân viên rất thích sếp Nam (28 tuổi, Tây Hồ, Hà Nội) thì gia đình anh lại “đau đầu” vì nhưng cơn hào phóng và hưng phấn quá độ của anh, đến nỗi phải đưa anh đi điều trị ở phòng khám tâm thần.

Lập công ty vì… lên cơn bệnh

Nam làm giám đốc công ty của gia đình anh. Hai năm liền anh điều hành rất tốt, nhưng sau đó anh bỗng thay đổi. Nam chi thả cửa mà chẳng băn khoăn gì đến chuyện cân đối tài chính. Hằng ngày, anh đến công ty với một niềm hứng khởi lớn, thường xuyên tập hợp nhân viên lại họp để nghe anh hào hứng nói về những ý tưởng, kế hoạch lớn của mình. Anh lúc nào cũng thấy vui sướng, nói cười phớ lớ, làm việc như điên (nhưng làm sai, làm hỏng rất nhiều), và đặc biệt là đề xuất chi tiền nào cũng duyệt. Nhân viên thấy sếp vui, đua nhau đến gặp xin tăng lương, rồi đề xuất thưởng, đề xuất cho anh chị em đi du lịch, ăn liên hoan…, Nam đều OK hết.

Sau vài tuần, Nam biến mất khỏi công ty đang gặp nhiều rắc rối về hợp đồng và tài chính. Anh nằm bẹp ở nhà, không thiết ăn uống. Rồi một thời gian sau, trạng thái vui vẻ, phấn hứng lại xuất hiện. Nam đến công ty mà anh không còn làm giám đốc nữa, tay cầm cả nắm phong bao đỏ để lì xì mọi người, thao thao bất tuyệt về chuyện kinh doanh, để rồi ít hôm sau lại “bẹp như con dán”, nằm nhà. Sau nhiều lần tâm trạng “phồng lên xẹp xuống’’ như vậy, Nam được bố mẹ đưa đi khám chuyên khoa tâm thần và được chẩn đoán hưng cảm.



Những người hưng cảm thường vui và hào phóng một cách quá mức. Minh họa: Inmagine.

Còn Bình, 25 tuổi, nhà ở Ba Đình, Hà Nội, cũng đòi bố mẹ lập công ty đúng lúc lên cơn hưng cảm. Chàng trai từng tốt nghiệp Đại học Kinh tế quốc dân này cảm thấy mình tràn đầy ý tưởng tuyệt diệu, cần phải hiện thực hóa. Không biết con có bệnh, bố mẹ Bình đồng ý chi tiền. Công ty được lập ra chỉ có thu không có chi, còn ông giám đốc trẻ lúc vui như Tết, tràn đầy hứng khởi, lúc rũ xuống như tàu lá héo, bỏ mặc nhân viên muốn làm gì thì làm. Bố mẹ Bình cũng chỉ biết con bị hưng cảm khi đưa con đến gặp chuyên gia tâm lý, tâm thần của phòng khám TuNa (Hà Nội).

“Đốt” hết sức sống trong ít ngày

Chuyên gia tâm lý Lã Linh Nga, Phó trưởng phòng khám TuNa, cho biết những người bị hưng cảm thường đem lại cảm giác dễ chịu cho người tiếp xúc và bản thân họ cũng thấy vô cùng sung sướng, tràn đầy năng lượng. Họ vui bất tận, nói nhiều, hoạt động liên tục, hào phóng vô biên. “Những lúc ấy, họ rất dễ bị lợi dụng, chỉ cần khen ngợi, khuyến khích ít câu là xin gì cũng cho, đề nghị gì cũng được”.

Những người hưng cảm rất ít ăn, ít ngủ, hạn chế nghỉ ngơi, chỉ muốn hoạt động. Họ rất tự tin, cảm thấy mình có thể làm được những việc khó khăn nhất. Các ý tưởng “vĩ đại” ào ạt xuất hiện và họ lao vào thực thi, và nếu như ý tưởng đó rất hoang đường, ngớ ngẩn thì cũng khó thuyết phục họ nhận ra.

“Những lúc ấy ai cũng bảo tôi như cắn phải thuốc lắc vậy. Tôi thấy mình tràn đầy sức sống, tôi thấy mình như siêu nhân, không gì không làm nổi”, Phúc, một người từng phải điều trị hưng cảm, nói.

Những cơn hưng cảm này có thể diễn ra trong vài ngày hoặc một tuần, có khi vài tuần. Và ngay sau đó, bệnh nhân rơi ngay vào cơn trầm cảm, kéo dài gấp nhiều lần thời gian “vui vẻ” trước đó. Đang ở đỉnh cao hưng phấn và khỏe khoắn, bệnh nhân bỗng ở “dưới đáy”: trở nên kiệt sức, rũ rượi, chán nản, tuyệt vọng… do toàn bộ sức sống đã bị “đốt” hết trong thời gian ngắn. Đặc biệt nếu trước đó trong cơn hưng cảm, họ thực hiện những ý tưởng “vĩ đại” thì trong cơn trầm cảm, sự thất bại của các ý tưởng đó càng làm họ không thiết gì cuộc đời.

Theo chuyên gia Linh Nga, chứng hưng cảm xuất hiện là do nguyên nhân nội sinh chứ không phải các cú sốc tâm lý. Các sang chấn tâm lý hay thể chất (vào vùng đầu) thường chỉ đóng vai trò thúc đẩy, khiến bệnh xuất hiện ở những người đã có những yếu tố nội tại của bệnh này. Vì vậy, cách điều trị chủ yếu là dùng thuốc, và phải dùng lâu dài, thậm chí suốt đời.

Trừ những trường hợp nặng có xuất hiện hoang tưởng và cư xử bất thường, người hưng cảm chỉ đặc biệt ở chỗ vui vẻ thái quá. Do đó chứng hưng cảm không gây hại cho người ngoài, nhưng lại gây phiền toái cho gia đình và làm khổ bệnh nhân khi cơn trầm cảm xuất hiện. Các chuyên gia khuyến cáo, trong giai đoạn trầm cảm này, người nhà không nên trách móc, lên án những chuyện mà bệnh nhân đã làm khi hưng cảm, vì sẽ khiến cho tình trạng trở nên tồi tệ hơn. Điều tốt nhất nên làm cho người thân là đưa đến bác sĩ tâm lý, và động viên bệnh nhân tuân thủ điều trị lâu dài.


Triệu chứng của hưng cảm

Triệu chứng hưng cảm hoàn toàn đối lập với trầm cảm. Đó là trạng thái hưng phấn, kích thích của các hoạt động tâm thần, nổi bật là sự hưng phấn về cảm xúc, dễ đưa bệnh nhân đến tình trạng suy kiệt vì hoạt động nhiều, trong khi lại mất ngủ và ăn kém do suy giảm các nhu cầu này.

Triệu chứng hưng cảm điển hình thể hiện sự hưng phấn tất cả các mặt của hoạt động tâm thần, cụ thể là:

Hưng phấn về cảm xúc

Khí sắc tăng, bệnh nhân cảm thấy khoan khoái dễ chịu, đầy sinh lực, cảm giác khỏe mạnh hơn bao giờ hết. Bệnh nhân nhìn cuộc sống xung quanh thấy vui tươi, sáng sủa, màu sắc sặc sỡ, đầy thú vị. Họ hầu như không lo lắng về cuộc sống, luôn lạc quan về tiền đồ, cảm thấy tương lai rạng rỡ, sáng sủa, đầy hạnh phúc.

Hưng phấn về tư duy

Bệnh nhân thấy ý nghĩ của mình luôn tuôn trào, sự liên tưởng giữa các ý nghĩ rất nhanh; các câu, từ thường liền vần và bệnh nhân hay vận dụng ca dao, tục ngữ vào câu nói. Cùng một lúc, họ có thể chú ý vào nhiều sự việc đang xảy ra ở xung quanh nhưng không kiên trì, dễ chuyển sang việc khác.

Trong suy nghĩ của mình, bệnh nhân luôn dự định nhiều chương trình, nhiều ý tưởng. Đặc biệt trong trường hợp nặng hơn, họ tự đánh giá cao bản thân, cho rằng mình giỏi hơn nhiều người và đang phải thực hiện nhiều công việc quan trọng, thậm chí bệnh nhân có hoang tưởng tự cao rõ rệt.

Hưng phấn về vận động

Bệnh nhân luôn hoạt động, nói nhiều, nói nhanh hơn, đi lại nhiều, can thiệp vào mọi việc xung quanh mà không biết mệt mỏi. Thông thường bệnh nhân hưng cảm ít kích động, kích động xuất hiện khi bệnh nhân kiệt sức hay có nhiễm khuẩn, bệnh cơ thể kèm theo.

Một số triệu chứng thường gặp khác

Bệnh nhân thường giảm nhu cầu ăn, nhất là giảm nhu cầu ngủ. Đa số người hưng cảm đều có rối loạn giấc ngủ, chủ yếu là mất ngủ. Một số bệnh nhân có tăng nhu cầu hoạt động tình dục.

Trong trường hợp hội chứng hưng cảm không điển hình, các triệu chứng ít hơn: bệnh nhân thường vui vẻ đơn thuần (không kèm liên tưởng nhanh, không hoạt động nhiều), hưng cảm kèm theo hoang tưởng, hưng cảm giận dữ...

Khi phát hiện người có biểu hiện của hội chứng hưng cảm, cần đưa đến ngay cơ sở y tế chuyên khoa tâm thần gần nhất hoặc bệnh viện tâm thần để các bác sĩ khám tìm nguyên nhân và điều trị kịp thời.

Việc điều trị phải tuân thủ các nguyên tắc sau: chữa theo nguyên nhân gây bệnh, chữa triệu chứng hưng cảm, điều chỉnh nước, điện giải, bồi dưỡng cơ thể..

(St)
Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
hung cam len uong thuoc gi
hơn 1 tháng trước - Thích (19) - Trả lời
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý