Xơ gan có biểu hiện gì?
Xơ gan là thuật ngữ dùng để chỉ tình trạng cấu trúc
bình thường của gan bị biến đổi và thay thế bằng mô xơ sẹo không còn
chức năng, thường gây ra bởi quá trình viêm kéo dài tại gan do nhiều
bệnh lý khác nhau như xơ gan do ứ mật; hóa chất, thuốc; thiểu dưỡng; ký
sinh trùng; rối loạn chuyển hóa... nhưng thường gặp nhất là tình trạng
lạm dụng rượu và nhiễm virut viêm gan . Các thương tổn
trong xơ gan thường không thể hồi phục được nhưng hoàn toàn có thể làm
chậm hoặc ngăn cản các thương tổn này bằng việc điều trị hợp lý.
Thời kỳ đầu, xơ gan thường không có triệu chứng, về
sau tùy thuộc từng mức độ có các biểu hiện của hội chứng suy tế bào
gan, hội chứng tăng áp lực tĩnh mạch cửa, bệnh nhân mệt mỏi, kém ăn,
vàng da, da sạm, dễ chảy máu cam, chảy máu chân răng, phù, cổ trướng,
suy giảm chức năng tình dục..., nặng hơn có những triệu chứng của biến
chứng như nôn ra máu và đi ngoài phân đen do vỡ giãn tĩnh mạch thực
quản, hôn mê gan, suy thận, các biểu hiện nhiễm khuẩn hoặc do xơ gan
ung thư hóa...
Xử trí thế nào với các biến chứng của xơ gan?
Có thể nói, hiện chưa có cách nào có thể điều trị
đặc hiệu hay làm đảo ngược lại quá trình bệnh lý. Điều trị xơ gan đòi
hỏi những hiểu biết về bệnh sử, sinh lý bệnh và diễn tiến của bệnh; căn
cứ vào nguyên nhân và mức độ thương tổn của gan. Trong đợt tiến triển,
bệnh nhân cần được nghỉ ngơi, ăn đủ chất, hợp khẩu vị; đủ calo, nhiều
sinh tố, đạm; hạn chế mỡ, ăn nhạt khi có phù. Về thuốc, dùng các thuốc
làm tăng cường chuyển hóa tế bào gan như vitamin C, B12; glucocorticoid
dùng trong đợt tiến triển của xơ gan do viêm gan virut, xơ gan ứ mật;
các thuốc tăng cường chuyển hóa đạm; khi protein trong máu giảm nhiều
dùng các dung dịch có chứa albumin hoặc các loại đạm tổng hợp; khi có
phù, cổ trướng to cần phối hợp dùng các thuốc lợi tiểu, hoặc chọc dịch
cổ trướng khi có chỉ định...
Nhận biết và kiểm soát các biến chứng là yếu tố quan
trọng
Các biến chứng thường gặp của xơ gan như vỡ giãn
tĩnh mạch thực quản, cổ trướng, nhiễm khuẩn màng bụng tiên phát, hội
chứng gan thận, bệnh não gan...
Với giãn tĩnh mạch thực quản có 3 chiến lược điều
trị cần được xác định đó là phòng ngừa vỡ giãn tĩnh mạch thực quản,
điều trị chảy máu tiêu hóa do vỡ giãn tĩnh mạch thực quản và phòng chảy
máu trở lại. Phòng ngừa vỡ giãn tĩnh mạch thực quản được áp dụng cho
tất cả các bệnh nhân có biểu hiện giãn tĩnh mạch từ mức độ vừa trở lên,
tập trung vào việc làm giảm áp lực tĩnh mạch cửa và dùng các biện pháp
tác động trực tiếp lên tĩnh mạch như tiêm xơ, thắt tĩnh mạch thực quản
bằng vòng cao su, nhiều nghiên cứu cho thấy rằng thắt tĩnh mạch thực
quản bằng vòng cao su là biện pháp phòng ngừa ban đầu làm giảm tỷ lệ
chảy máu và tử vong liên quan tới xuất huyết. Các thuốc nhóm chẹn beta
giao cảm không chọn lọc như propranolol, nadolol, các nitrates và biện
pháp cơ học như tạo các đường nối thông từ tĩnh mạch cửa sang tĩnh mạch
chủ bằng TIPS (Transjugular Intrahepatic Portosystemic Shunt) hay phẫu
thuật giúp đều giúp làm giảm áp lực tĩnh mạch cửa. Các biện pháp cơ học
làm giảm áp cửa rõ rệt tuy vậy lại có thể gây ra bệnh não gan nhanh hơn
nên không thể là các biện pháp phòng bệnh ban đầu. Trong trường hợp
chảy máu do giãn vỡ tĩnh mạch thực quản, trước hết cần hồi sức ổn định
tình trạng huyết động, dùng kháng sinh dự phòng, truyền nhỏ giọt tĩnh
mạch các thuốc có tác dụng làm giảm áp lực tĩnh mạch cửa somatostatin,
vasopressin, cân nhắc các biện pháp tiêm xơ hoặc thắt tĩnh mạch thực
quản bằng vòng cao su.
Các biến chứng khác như cổ trướng, nhiễm khuẩn màng
bụng, ung thư hóa... cũng cần được đánh giá và điều trị hợp lý, kịp
thời. Trong giai đoạn nặng thường có biểu hiện hôn mê gan, điều trị
nhấn mạnh tới việc loại trừ các yếu tố thúc đẩy như chảy máu, nhiễm
khuẩn, rối loạn điện giải... Chế độ ăn giảm đạm, dùng các thuốc giúp
làm giảm lượng amoniac như neomycin, metronidazol, lactulose...
Chế độ ăn hợp lý
Rượu - Sát thủ
Điều cấm kỵ đầu tiên đối với gan là rượu vì rượu là
sát thủ tàn phá gan nhanh và mạnh nhất. Xơ gan có thể diễn tiến âm thầm
qua trên mười năm uống rượu. Bệnh nhân thấy ăn mất ngon, sụt cân dần,
người gầy ốm, teo cơ hai chân.
Người bị XGCT cần cân đối giữa các thành phần như
chất đường, chất béo, chất đạm, rau và trái cây. Bệnh nhân bị XGCT phải
hạn chế ăn muối, nước tương, nước mắm, và tất cả những thức ăn có vị
mặn. Lượng muối natri 2,5 g muối ăn một ngày. Hạn chế ăn những thức ăn
đóng hộp, thức ăn chế biến sẵn và những thức ăn bán ngoài hàng ăn vì
chúng chứa nhiều muối và nhiều bột ngọt. Người bị bệnh gan nên uống
khoảng 1-1,5 lít nước mỗi ngày, tránh ăn mỡ động vật, bơ, thay bằng dầu
hoặc bơ thực vật.
Để phòng bệnh xơ gan, nên hạn chế uống rượu và tiêm
phòng viêm gan B (cần tiêm sớm cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ). Đối với
những người đã bị viêm gan B hoặc C mạn tính, cần theo dõi định kỳ 3
hoặc 6 tháng một lần để phát hiện và điều trị sớm những trường hợp viêm
gan đang tiến triển, nhằm hạn chế các biến chứng nặng như xơ gan và ung
thư gan. Cần theo dõi sức khỏe định kỳ để phát hiện và điều trị sớm các
bệnh lý gây viêm gan do các nguyên nhân khác như suy tim, tắc mật.
|