Ghen là một cảm xúc rất tự nhiên. Bởi chẳng ai mong muốn mất đi người mình yêu vào tay người khác, hoặc bị tổn thương khi người kia dồn thời gian, tình cảm cho một người không phải là mình.
Ghen tuông và cách 'trị bệnh'
Ghen là một cảm xúc rất tự nhiên. Bởi chẳng ai mong muốn mất đi người mình yêu vào tay người khác, hoặc bị tổn thương khi người kia dồn thời gian, tình cảm cho một người không phải là mình.
Ảnh minh họa
Điều này là hoàn toàn bình thường nhưng một số trong chúng ta dường như khó kiểm soát "con quái vật ghen tuông" vì vài lý do sau:
- Những người tự tin và tự trọng có xu hướng ghen tuông ít hơn. Họ cũng ít muốn sở hữu người bạn đời của mình, trong khi những người từng bị bỏ rơi (phản bội) có thể trở nên quá nhạy cảm với ghen. Lúc còn nhỏ, họ bị ám ảnh sâu sắc do chứng kiến cha mẹ ly hôn hoặc sống trong gia đình, cha mẹ không có tình cảm với nhau. Hoặc khi lớn lên, họ phải đối mặt với sự không chung thủy. Vì vậy, những người này luôn thấy người yêu/bạn đời của mình thiếu trung thực, ngay cả khi không có bằng chứng.
- Những người yêu si mê thường suy nghĩ: “Phải giữ chặt anh ấy (cô ấy) nếu không mình sẽ bị ruồng bỏ". Nếu bạn thấy ghen hoặc sợ mất người yêu thương, điều đó không thành vấn đề. Nhưng nhớ rằng, ghen mù quáng làm xói mòn và phá hủy cuộc hôn nhân hoặc tình yêu của bạn.
- Ghen là cách giữ tình yêu. Chẳng hạn, một số phụ nữ tìm mọi cách ngăn chồng/người yêu mình cười nói hoặc nhìn ngắm phụ nữ khác. Điều này làm đối phương có cảm giác nghẹt thở. Thực tế là nhiều phụ nữ sống trong sợ hãi rằng chồng/người yêu họ sẽ lạc lối và thấy bất an khi anh ấy dành nhiều thời gian cho bạn bè riêng. Không ít chị em thậm chí còn ghen với công việc của ông xã/bạn trai họ (đàn ông cũng có thể ghen tuông vì lý do tương tự).
Lý do khiến ghen vô độ là vì sợ mất hạnh phúc. Đó là quan niệm của phụ nữ rằng, nếu chồng/người yêu mình không nghĩ tới mình mọi lúc tức là, anh ấy không còn yêu mình. Để rồi họ trở nên dễ tổn thương và sợ bị bỏ rơi.
Cách ứng xử phổ biến
Một số phụ nữ đấu tranh mạnh mẽ khi có chồng/bạn trai hay ghen, trong khi người đàn ông càng cố gắng kiểm soát đối phương. Nếu một người đàn ông mất lòng tin, anh ấy liên tục yêu cầu vợ/bạn gái phải chứng minh lòng chung thủy thì sớm muộn đối phương cũng cảm thấy quá sức và cảm thấy mất đi tình yêu. Nhưng càng mong muốn thoát khỏi chồng/bạn trai thì càng bị siết chặt vòng vây. Đó là một vòng luẩn quẩn và thường làm hôn nhân/tình yêu đổ vỡ.
Một số trường hợp, liên tục bị cáo buộc ngoại tình sẽ đẩy người vợ (chồng) vào ngoại tình thực sự.
Giải thích của các nhà khoa họcTheo các chuyên viên tâm lý, có 2 quan điểm khác nhau về nguồn gốc ghen tuông và cách phản ứng giữa hai phái:
- Quan điểm thứ nhất cho rằng, ghen tuông là cơ chế tiến hóa thích ứng. Các nhà nghiên cứu nhận thấy, nam giới có xu hướng ghen về ngoại tình tình dục, trong khi phụ nữ phần nhiều bị xáo trộn bởi sự phản bội tình cảm. Lý luận của họ là do đàn ông phải cố gắng bảo tồn giống nòi của mình bên cạnh những người đàn ông khác.
Mặt khác, phụ nữ cần giữ tình yêu của đàn ông bởi họ muốn được bảo vệ và che chở.
- Quan điểm thứ hai cho rằng, văn hóa ảnh hưởng đến ghen tuông hơn nhu cầu tiến hóa. Các nhà nghiên cứu theo trường phái này kết luận, đàn ông và phụ nữ đều có xu hướng ghen tuông về ngoại tình tình dục nhưng cách phản ứng thế nào còn tùy thuộc vào cá nhân và môi trường xã hội.
Dù nguồn gốc ghen tuông thế nào thì ghen vẫn có mặt lợi và mặt hại. Nếu một phụ nữ cảm thấy hơi ghen, cô ấy có thể quan tâm đến chồng/bạn trai nhiều hơn để vun đắp tình cảm. Hoặc cô ấy trở nên ghen điên cuồng khi muốn sở hữu hoặc đánh ghen mù quáng. Vì thế, vấn đề quan trọng luôn là làm sao để kiểm soát cơn ghen.
Kiểm soát cơn ghen
Kiểm soát ghen tuông không phải kiểm soát đối tác của bạn mà nghĩa là, bạn phải tự điều chỉnh cảm xúc của bản thân. Dưới đây là một số cách để tìm hiểu lý do và ngăn chặn cơn ghen:
- Tìm hiểu xem cơn ghen đến từ đâu: Có phải bạn hay ghen sau khi cha mẹ ly hôn? Hoặc thấy anh chị em trong nhà bỏ nhau? Hay bạn đã từng bị người yêu phản bội? Hãy tìm ra lý do bạn thấy không tin tưởng được ở chồng bạn.
- Kiểm tra sự tự tin của bạn: Nếu bạn không yêu chính mình, làm sao bạn có thể tin rằng người khác cũng yêu bạn. Nếu luôn tự ti, hãy thay đổi quan điểm theo hướng tích cực hơn.
- Không kiểm soát: Nếu chồng/bạn trai bạn ghen tuông, đừng để anh ấy giám sát mọi việc làm của bạn. Nếu không, bạn sẽ thấy tức giận, phẫn uất và phản ứng theo cách có thể làm chàng ghen cuồng hơn.
Hãy nói chuyện với anh ấy một cách bình tĩnh (không cãi vã) rằng, bạn không làm gì khiến anh ấy phải ghen cả. Bạn cũng cần chứng tỏ mình để lấy lại niềm tin ở chàng.
- Các quy tắc công bằng: Ai cũng cần có bạn bè và những mối quan hệ khác, bên cạnh gia đình. Hãy thảo luận chuyện này công khai và trung thực với người bạn đời/người yêu của bạn, có thể thỏa hiệp thời gian ở ngoài và dành cho nhau. Đừng trốn bạn đời/người yêu chỉ để có thời gian tán ngẫu với bạn bè vì điều này chỉ khiến bạn đáng ngờ, còn đối phương thì ghen tuông hơn. Càng trao đổi cởi mở và chân thành thì càng tốt.